Kỹ năng sống

10 Cách thế để gia tăng đức tin trong mùa hè này

Cha Connor Danstrom của Tổng Giáo phận Chicago đề ra một số ý tưởng cơ bản để gia tăng đức tin trong những tháng hè dài của Mùa Thường Niên.

Mùa hè thường là thời gian chúng ta nghỉ ngơi. Trường học đã kết thúc, thời tiết đẹp và hầu hết mọi người đều nghỉ làm ít nhất một thời gian. Ngay cả lịch phụng vụ dường như cũng phản ánh kỳ nghỉ Sabát hàng năm này khi chuyển từ các mùa “cao trào” về mặt thiêng liêng là Mùa Vọng, Giáng Sinh, Mùa Chay và Phục Sinh sang một khoảng thời gian bình thường với tên gọi là “Mùa Thường Niên” (hay còn gọi là Mùa Quanh Năm).

Nhưng đừng để cái tên gọi đó đánh lừa bạn. Những gì người Kitô hữu thường hướng tới thì khác xa với thế tục. Khi chúng ta đến gần Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, thời điểm này là thời điểm ứng nghiệm các mầu nhiệm mà chúng ta đã cử hành suốt cả năm – biến cố nhập thể, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, và cuối cùng là việc Người lên trời và ngay sau đó là việc trao ban Chúa Thánh Thần. Chính trong thời điểm này của Giáo Hội, “thời kỳ cuối cùng” mà chúng ta vui mừng chờ đợi Chúa đến trong vinh quang, thời kỳ mà chúng ta nhận được ơn ban ngày càng trọn vẹn hơn vốn dành cho chúng ta trong Chúa Kitô. Ngay cả màu phụng vụ, màu xanh lá cây, cũng nói lên sự tăng trưởng mà chúng ta phải trải qua trong thời gian này. Chúng ta được ví như cây trồng bên dòng sông, lớn lên và sinh hoa kết trái.

Vì vậy, cách thế nào để chúng ta có thể gia tăng đức tin của mình cách cụ thể trong mùa hè này? Sau đây là 10 cách thế đơn giản mà bạn có thể hướng lòng mình đến sự tăng trưởng mà Thiên Chúa muốn dành cho bạn.

1. Dành thời gian để thinh lặng cầu nguyện mỗi ngày

Bất kỳ mối quan hệ cũng cần thời gian để phát triển. Nếu chúng ta không dành thời gian cho những người mình yêu thương, có thể chúng ta vẫn không xa nhau, nhưng chúng ta khó có thể gần gũi nhau hơn. Chỉ khi thường xuyên chia sẻ tâm hồn với nhau, chúng ta mới hiểu và yêu một ai đó cách sâu sắc hơn. Điều này đặc biệt đúng với Thiên Chúa, Đấng không ngừng thông truyền tình yêu của Người cho chúng ta, nếu chúng ta biết dừng lại để lắng nghe và đón nhận Người. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo diễn đạt như sau: “Thiên Chúa không mệt mỏi mời gọi mỗi người đến với cuộc gặp gỡ mầu nhiệm được gọi là cầu nguyện.” (Số 2567) Hơn nữa, “Theo Thánh Kinh, chính trái tim cầu nguyện. Nếu trái tim chúng ta xa cách Chúa, thì lời cầu nguyện cũng chỉ là uổng công. Trái tim là nơi ta ở, là nơi ta sống… trái tim là nơi ‘ta lui về’” (Các số 2562-2563).

Hãy dành thời gian mỗi ngày trong mùa hè này, dù chỉ là 10 hay 15 phút, để bước vào nơi cư ngự của trái tim bạn với Chúa. Hãy kể cho Người nghe những gì bạn đang trải qua mỗi ngày; hãy nói với Người điều gì khiến bạn cảm động, điều gì khiến bạn phấn khích hoặc khiến bạn sợ hãi. Thánh Phaolô khuyên chúng ta nên “cầu nguyện không ngừng” (1 Tx 5,17), nhưng để cầu nguyện được ở mọi lúc, chúng ta phải tập cầu nguyện vào những thời điểm nhất định. Mùa hè này, hãy dành thời gian cho việc cầu nguyện hàng ngày.

2. Đến với Thánh lễ

Điều đương nhiên phải nhắc đến chính là: Đến với Thánh lễ. Theo Công đồng Vaticanô II, Bí tích Thánh Thể là “nguồn gốc và tột đỉnh của đời sống Kitô hữu”. Điều này có nghĩa là mọi việc chúng ta làm với tư cách là Kitô hữu đều bắt nguồn và quy chiếu về mầu nhiệm trung tâm này. Đó là nơi hiệp thông mật thiết nhất giữa Chúa Kitô và Giáo Hội của Người. Đó là nơi chúng ta trở thành chính mình trong tư cách Thân thể của Chúa kitô. Là chi thể của Thân thể Người, chúng ta không thể hy vọng lớn lên về sức mạnh và sinh lực mà không được nuôi dưỡng ít là mỗi tuần trong bữa tiệc Thánh Thể. Nếu bạn đã có thói quen đến với Thánh lễ ngày Chúa nhật, thì hãy cố gắng đến với Thánh lễ thêm một vài lần nữa trong tuần.

3. Tham dự Thánh lễ cách thật sự

Với tư cách là một linh mục, không có gì làm tôi nản lòng hơn là bắt đầu Thánh lễ bằng một câu sốt sắng “Chúa ở cùng anh chị em” và gặp phải một tiếng đáp lại “Và ở cùng Cha” cách lầm bầm, thiếu sức sống. Việc tham dự Thánh lễ không chỉ là những gì chúng ta nói hoặc làm, nhưng những gì chúng ta nói và làm mới thực sự quan trọng. Chúng ta là những tạo vật hữu hình, và những gì chúng ta làm với thân thể của mình chứa đựng một ý nghĩa nào đó. Các cử chỉ, lời nói và bài hát trong Thánh lễ có ý nghĩa vượt xa những gì chúng ta có thể nắm bắt được vào lúc này, tuy nhiên tác động của chúng đối với chúng ta là có thật. Chúng ta đừng mãi thụ động ngồi nghe người khác cầu nguyện và nói chuyện mà hãy thờ phượng Chúa bằng cả thân xác, tâm trí và linh hồn của mình. Bằng cách thực sự hát và đối đáp trong Thánh lễ, chúng ta đang hiến dâng chính mình cho Thiên Chúa. Nếu chúng ta quá thụ động trong Thánh lễ, hoặc thậm chí không thèm mở thánh ca để hát, thì chúng ta đang nói với linh hồn mình rằng chúng ta ở đây không phải để hết lòng hết trí thờ phượng, nhưng là để “đạt được điều gì đó từ nó” hoặc, tệ hơn nữa là để “điểm danh”. Mùa hè này, hãy cố gắng tham dự Thánh lễ cách trọn vẹn hơn.

4. Xưng tội mỗi tháng một lần

Một trong những cảnh thấm thía nhất trong Cựu Ước là khi Thiên Chúa đi tìm Ađam và Evà trong vườn sau cuộc sa ngã, nhưng họ ẩn mình giữa các bụi cây (x. St 3,8-9). Thiên Chúa kêu gọi họ, như Ngài kêu gọi tất cả chúng ta trong tình trạng tội lỗi của mình. Người không muốn chúng ta khép mình lại với Người vì xấu hổ, nhưng muốn chúng ta mở lòng với Người về những lỗi lầm của mình để Người có thể tha thứ, phục hồi và chữa lành chúng ta. Những nơi tan vỡ này có thể trở thành nơi thân mật và tin tưởng bởi vì chúng ta biết mình được yêu thương vô điều kiện. Cũng như Phêrô đã biết Chúa yêu thương mình bất chấp ba lần chối Chúa (x. Ga 21,15-19), thì chúng ta cũng có thể gặp được tình yêu của Chúa Giêsu mỗi khi chúng ta lãnh nhận ơn tha thứ tội lỗi khi xưng tội.

Đặc biệt nếu bạn có thói quen chỉ đi xưng tội “khi bạn cần” hoặc chỉ một hoặc hai lần một năm trong Mùa Vọng và Mùa Chay, thì mùa hè này, hãy tạo thói quen đi xưng tội mỗi tháng một lần. Cuộc gặp gỡ với lòng thương xót của Chúa Giêsu trong bí tích này, nếu được đón nhận với một trái tim chân thành và thống hối, chắc chắn sẽ sinh hoa kết trái.

5. Mừng ngày lễ của một vị thánh

Là người Công giáo, chúng ta có biết bao vị thánh vĩ đại để noi gương và yêu mến. Nhưng quan trọng hơn là chúng ta có được những người bạn trên thiên đàng muốn giúp đỡ và cầu nguyện cho chúng ta. Lịch phụng vụ có rất nhiều lễ mừng kính các vị thánh vĩ đại như thế, nhưng trừ khi chúng ta tham dự Thánh lễ hàng ngày, có lẽ chúng ta không bao giờ biết về sự hiện hữu của các ngài. Mùa hè này, hãy cố gắng mừng kính ngày lễ của một vị thánh với lòng sùng mộ và hân hoan đặc biệt. Hãy tham dự Thánh lễ vào ngày hôm đó và cầu xin sự trợ giúp của vị thánh đó trong đời sống môn đệ của bạn. Hãy làm điều gì đó đặc biệt để tôn vinh các ngài và vui mừng vì các ngài là một phần của Giáo Hội vinh thắng trên thiên đàng.

Đó cũng là điều mà một người bạn của tôi thường làm hàng năm với Thánh Lôrensô, được mừng kính là ngày 10 tháng 8. Thánh Lôrensô là một phó tế và là một vị tử đạo vì bị thiêu trên vỉ sắt. Bạn tôi sẽ tôn vinh ngài ấy hàng năm, một cách thích hợp, bằng cách tổ chức tiệc nướng với bạn bè của mình.

6. Đọc một trong bốn sách Phúc Âm

Thánh Giêrônimô có câu nói nổi tiếng: “Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô.” Ngoài Bí tích Thánh Thể và đời sống cầu nguyện hàng ngày của chúng ta, không có cách nào chắc chắn hơn để lớn lên trong sự hiểu biết và yêu mến Chúa Giêsu hơn là đọc Lời Chúa. Chính Chúa Giêsu là Ngôi Lời nhập thể, nên mọi lời trong Kinh Thánh đều nói về Người theo một cách nào đó. Nhưng các Tin Mừng một cách đặc biệt cho phép chúng ta gặp gỡ con người Đức Kitô một cách mãnh liệt và sống động.

Tôi nhớ lần đầu tiên tôi đọc Phúc Âm Luca từ đầu đến cuối khi tôi học trung học. Cha tôi và tôi sẽ cùng nhau đọc một hoặc hai chương vào mỗi Chúa nhật và nói về nó. Tôi đã nghe tất cả các câu chuyện trước đó trong Thánh lễ, nhưng có điều gì đó về việc đọc lại các sự kiện trong cuộc đời của Chúa Giêsu theo trình tự, và đọc những lời của Chúa Giêsu trong bối cảnh toàn bộ cuộc đời và sứ vụ của Người, đã cho phép Chúa trở nên sống động trong tôi cách mới mẽ. Có lẽ mùa hè này bạn có thể đọc Phúc Âm Thánh Matthêu, đó là sách Phúc Âm mà chúng ta sẽ đọc trong suốt phần còn lại của năm phụng vụ này. Hãy dành thời gian của bạn và đọc nó trong tinh thần cầu nguyện. Tốt hơn nữa, hãy đọc nó với một người bạn và nói về điều khiến bạn đánh động, điều khiến bạn bối rối và điều thúc đẩy bạn đến với tình yêu lớn hơn.

7. Đọc sách cùng bạn bè

Có một câu ngạn ngữ cổ nói rằng: “Nếu bạn muốn hoàn thành việc gì đó, hãy giao việc đó cho người bận rộn.” Vì một số lý do, khi chúng ta có ít việc phải làm hơn, chúng ta có xu hướng làm ít hơn. Điều này đối với tôi không gì là rõ ràng hơn cho bằng việc đọc sách. Hầu hết chúng ta đều có hàng tá cuốn sách trong danh mục cần đọc, nhưng bất cứ khi nào có thời gian để thực sự ngồi và đọc chúng, chúng ta sẽ làm gì? Chúng ta thường phung phí thời gian vào những trò giải trí vô bổ hoặc những công việc không khẩn cấp tốn ít năng lượng tinh thần hơn. Tuy nhiên, khi chúng ta tập trung ý chí để thực sự ngồi và đọc một cuốn sách hay, một cuốn sách thực sự nuôi dưỡng tâm trí và tâm hồn chúng ta, chúng ta chắc chắn rằng đó là thời gian xứng đáng. Vì vậy, làm thế nào để chúng ta bắt mình làm điều bổ dưỡng hơn ngay cả khi điều đó dường như không hấp dẫn ngay lập tức đối với chúng ta? Đây là chỗ mà bạn bè có thể giúp đỡ lẫn nhau.

Có rất nhiều sách Công giáo tuyệt vời, cả hư cấu lẫn phi hư cấu. Nếu bình thường bạn không phải là người đọc nhiều, tôi khuyên bạn nên bắt đầu với một cuốn tiểu thuyết Công giáo hay. Graham Greene, Evelyn Waugh, Flannery O’Connor, Georges Bernanos, J.R.R. Tolkien đều đã viết những tác phẩm hư cấu kinh điển, những tác phẩm sẽ khiến bạn phải vật lộn với những thực tại thiêng liêng và sẽ châm ngòi cho những cuộc trò chuyện tuyệt vời với một nhóm bạn trong bữa tối. C.S. Lewis và Willa Cather cũng là hai trong số những tác giả yêu thích của tôi, những người dù không theo Công giáo nhưng câu chuyện của họ mang âm hưởng Công giáo tuyệt vời. Mùa hè này, hãy mở rộng tâm hồn với những tác phẩm văn học hay cùng bạn bè.

8. Lần chuỗi Mân Côi

Hàng năm, một cuộc khảo sát được thực hiện về những người đã được thụ phong linh mục trên khắp Hoa Kỳ. Một số câu hỏi liên quan đến những thực hành thiêng liêng và hoạt động giáo xứ mà họ đã tham gia trước khi gia nhập chủng viện. Trong khi nhiều người nói rằng họ đã tham gia vào những thứ như nhóm thanh niên, trại hè Công giáo, Ngày Giới trẻ Thế giới và những thứ tương tự, thì có hai điều mà hầu hết mọi người đều cho biết đã tham gia thường xuyên trước khi vào chủng viện, đó là: Chầu Thánh Thể và lần chuỗi Mân Côi. Điều đó hẳn phải có một logic nào đó? Ai có thể dẫn chúng ta đến với ơn gọi đích thực của mình một cách an toàn hơn Chúa Giêsu và Mẹ Maria, và còn cách nào tốt hơn để thúc đẩy mối quan hệ của chúng ta với các ngài hơn là dành thời gian ở trong sự hiện diện của Chúa Giêsu Thánh Thể và suy niệm về cuộc đời của Người qua các mầu nhiệm của Kinh Mân Côi.

Kinh Mân Côi là một trong những việc sùng kính chân chính và đáng tin cậy nhất của Giáo Hội Công Giáo. Có một lý do khiến nhiều dòng tu đeo chuỗi Mân Côi như một phần thói quen của họ và mang nó đi đến bất cứ đâu. Có một lý do mà Thánh Gioan Phaolô II và các vị thánh vĩ đại khác đã cầu nguyện với lời kinh này hàng ngày. Mặc dù nó bao gồm những lời kinh được đọc trên môi miệng – Lạy Cha, Kính Mừng và Sáng Danh – nhưng thực ra đó là một lời cầu nguyện trong tâm trí, nhằm lôi kéo chúng ta đến việc chiêm ngưỡng những mầu nhiệm về cuộc đời của Chúa Kitô. Thực hành lời kinh này hàng ngày giúp giữ cho tâm trí chúng ta tập trung vào câu chuyện thực sự định nghĩa nên cuộc đời chúng ta, đó là lịch sử tình yêu cứu độ của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Đặc biệt, nếu bạn đang phân định ơn gọi của mình hoặc trong thời điểm chuyển tiếp của cuộc đời, việc lần chuỗi Mân Côi thường xuyên sẽ giúp bạn ở lại trong Chúa Giêsu, là quê hương đích thực của chúng ta.

9. Tạo ra một “ngày sa mạc”

Các anh em Dòng Phanxicô Canh Tân (hay CFR như họ thường được biết đến) có một kỷ luật mà tôi vô cùng ngưỡng mộ được gọi là “ẩn tu”. Mỗi tháng một lần, mỗi anh em phải dành một ngày để cầu nguyện và cô tịch. Dịp rời xa đời sống hoạt động tông đồ này cho họ cơ hội để suy tư trong lời cầu nguyện với Chúa về nhiều điều họ đã làm, đã thấy và chịu đựng trong tháng đó, và điều đó cho phép họ lãnh nhận một cách có ý thức từ Thiên Chúa sự sống và tình yêu điều mang lại cho sứ mạng của họ sự phong phú.

Chúa Giêsu nói: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy. Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.” (Ga 15,4-5) Đặc biệt đối với những người trong chúng ta đang sống trên trần gian, và nhất là nếu bạn dành phần lớn thời gian trong ngày cho những mối quan tâm thế tục (kinh doanh, chính trị, giải trí, tiêu dùng), thì càng cần thiết phải dành thời gian và không gian, giống như Chúa Giêsu, đi đến những nơi vắng vẻ để cầu nguyện.

Tạo ra một “ngày sa mạc” không nhất thiết phải là một điều quá cầu toàn. Nếu bạn có thể nghỉ qua đêm tại một trung tâm tĩnh tâm hoặc tu viện, điều đó thật tuyệt. Nếu tất cả những gì bạn có thể làm là dành buổi chiều Chúa nhật ở một nơi nào đó yên bình, không có điện thoại và để cho vợ/chồng của bạn trông chừng lũ trẻ, thì điều đó cũng thật tuyệt. Điều quan trọng là dành thời gian còn lại trong Chúa Giêsu. Người nói: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.” Hoạt động điên cuồng trong cuộc sống của chúng ta sẽ chẳng là gì nếu chúng ta không bắt nguồn từ mối tương quan duy nhất mang lại cho cuộc sống của chúng ta ý nghĩa vĩnh cửu. Mùa hè này, hãy tạo ra cho mình “một ngày sa mạc”.

10. Thực hiện một chuyến hành hương

Khi còn ở chủng viện, tôi có đặc ân lớn là được đi thăm Đất Thánh cùng với các bạn cùng lớp. Được đụng chạm đến những nơi mà chính Chúa Giêsu đã viếng thăm là một kinh nghiệm vô cùng cảm động. Được ở chính nơi Người đã chết và sống lại là điều thật tuyệt vời và khôn tả. Nhưng điều làm tôi xúc động không chỉ là sự kết nối mà tôi cảm nhận được với Chúa, với Mẹ của Người, các tông đồ và những người khác đã đồng hành với Người trong cuộc đời trần thế của Người, mà còn là sự kết nối mà tôi cảm nhận được cùng với những người hành hương khác đã viếng thăm những địa điểm thánh thiêng này trong suốt 2000 năm qua, kể cả những vị thánh vĩ đại như Thánh Phanxicô và Thánh Inhaxiô Loyola.

Chúng ta không cần phải đi đến Trung Đông để cảm nhận mối liên hệ này với một Giáo Hội rộng lớn hơn về thời gian và không gian. Có những nơi ngay trong quốc gia của bạn, nơi những người hành hương đến để tôn kính các vị thánh, để lớn lên trong đức tin và tạ ơn Chúa vì những phúc lành mà họ đã nhận được. Nơi tôi sống, ở Chicago, chúng tôi có rất nhiều đền thờ trong khoảng cách lái xe – Đền thánh Quốc gia Thánh Francis Xavier Cabrini, Đền thánh Quốc gia Maximilian Kolbe và Đền thánh Đức Mẹ Guadalupe. Mùa hè này, hãy thực hiện một chuyến đi để tham dự Thánh lễ tại một địa điểm hành hương nào đó.

Một mùa hè ân sủng

Một linh mục mà tôi tin tưởng có lần nói với tôi: “Không có thời gian trung lập trong đời sống thiêng liêng, khi tôi không khá hơn nhưng cũng không tệ hơn. Không, Chúa Giêsu luôn muốn kết hiệp sâu sắc hơn với bạn, và Người luôn nỗ lực để đạt được điều đó.” Nói cách khác, chúng ta có thể tin tưởng vào hai điều: Thiên Chúa mong muốn chúng ta lớn lên về mặt thiêng liêng, và quà tặng ân sủng của Người sẽ giúp chúng ta lớn lên. Năm nay, hãy để mùa hè này là mùa tăng trưởng của bạn và sử dụng những thực hành đơn giản này như những cách thế để đón nhận những gì mà ân sủng đem lại.


 

Tác giả: Fr. Connor Danstrom
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên
Nguồn: Aleteia 

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!