Sức khỏe

4 sai lầm thường gặp khiến tủ lạnh thành tủ ủ bệnh

4 sai lầm thường gặp khiến tủ lạnh thành tủ ủ bệnh

 

 
Ngày nay, hầu hết gia đình nào cũng có tủ lạnh, thậm chí là có đến 2-3 chiếc tủ trong nhà. Đối với người nội trợ, thì tủ lạnh đã trở thành một cái kho tổng hợp lưu trữ đủ thứ cả đồ sống lẫn chín. Đi chợ về, cất đồ vào tủ lạnh. Cái gì không ăn hết, cất vào tủ lạnh…
Bạn phó thác cho chiếc tủ bảo quản đồ ăn khỏi bị hư hỏng, nhưng thực tế… nó lại có thể là nơi sinh ra khá nhiều nguy hại cho sức khỏe từ những thói quen hàng ngày của chúng ta, mà không phải ai cũng nhận ra. Quý vị hãy cùng các chuyên gia của KTN điểm mặt những thói quen có hại này ngay sau đây nhé!
 
1. Để thực phẩm sống xen lẫn với đồ chín
Thực phẩm sống xen lẫn với đồ chín. (Ảnh: John Li/Getty Images)
Đây được xem là điều tối kỵ trong bảo quản thực phẩm. Đồ sống chứa rất nhiều vi sinh vật có thể gây bệnh cho cơ thể. Ví như E.coli trên rau, Salmonella trên trứng, listeria trong sữa… Điều kiện sản xuất càng kém thì nguy cơ thực phẩm nhiễm bẩn càng cao. Nhiệt độ mát trong tủ lạnh chỉ làm chúng sinh sôi chậm lại, chứ không chết đi.
Vi sinh vật từ đồ sống, nhất là khi chúng không được gói lại hoặc không để trong hộp riêng, có thể lây nhiễm sang cho đồ chín, và gây bệnh cho chúng ta khi ăn vào.
Do vậy, trước tiên bạn cần phải biết cách điều chỉnh nhiệt độ của tủ lạnh cho phù hợp với các loại thực phẩm của mình. Hãy đảm bảo nhiệt độ của tủ lạnh được giữ ở mức dưới 5ºC và tủ đông ở – 18ºC hoặc thấp hơn.
Hai là thực phẩm các loại khác nhau nên được bọc riêng hoặc bảo quản trong hộp có nắp đậy để tránh nhiễm chéo trong tủ lạnh.
Ba là thực phẩm lấy ra khỏi tủ lạnh nên được nấu chín kỹ hoặc hâm nóng lại cho đến khi nhiệt độ lõi của thực phẩm đạt 75ºC trở lên.
2. Mua rau củ về là cho vào tủ lạnh
Rau củ về là cho vào tủ lạnh (Ảnh: should read MIGUEL MEDINA/AFP via Getty Images)
Mắt thường không nhìn thấy vi trùng vi khuẩn, nhưng kỳ thực chúng có rất nhiều trên bề mặt rau củ. Chúng ta nên nhặt rửa sạch sau, để ráo nước rồi hãy cho vào trong tủ lạnh. Ngay cả như vậy, thì thời gian lưu trữ cũng không nên quá 2 ngày.
Lý do là càng để lâu thì vi sinh vật càng có thêm cơ hội hồi phục và phát triển trở lại. Không những vậy, rau củ cũng mất đi vị tươi ngon, đồng thời các chất dinh dưỡng cũng bị giảm sút, đặc biệt là vitamin và các hoạt chất sinh học như chất chống oxy hóa, chất chống ung thư…
3. Chất đầy tủ lạnh
Nhiều bà nội trợ bận rộn, mỗi lần đi chợ là tranh thủ mua cho cả tuần, mang về chất trong tủ lạnh để dùng dần. Thói quen này khiến tủ lạnh bị quá tải, nguy cơ hơi lạnh không thể lan tỏa và ngấm vào đồ ăn, nên không đạt được yêu cầu bảo quản.
Tủ lạnh cần phải được thông gió đầy đủ. Do đó, quý vị nên tránh để quá nhiều thực phẩm sát nhau, như vậy mới duy trì sự phân phối không khí lạnh bên trong. Không cần thiết phải đặt thực phẩm tiệt trùng chưa mở hoặc trái cây chưa chín trong tủ lạnh.
4. Sắp xếp lộn xộn
Các tủ lạnh thường có nhiều ngăn với nhiệt độ khác nhau và thiết kế sẵn cho nhu cầu bảo quản cho từng loại thực phẩm. Ví dụ: khu lạnh nhất phải dành cho thịt cá… Khu nhiệt độ cao hơn dành cho rau quả. Cánh tủ dành cho nước, tương và sốt.
Lý tưởng nhất là nên có 2 tủ lạnh, một cho đồ sống, 1 cho đồ chín. Nếu không, cần chia tách đồ sống chín bằng các loại hộp hoặc bao gói phù hợp.
4. Cả năm không vệ sinh tủ lạnh 
Cho dù chúng ta sạch sẽ cẩn thận thế nào thì cũng không tránh được việc thực phẩm rơi dính hoặc chảy nước ra các khay kệ. Vi sinh vật phát triển trong đó vừa sinh ra mùi khó chịu, vừa tăng nguy cơ nhiễm độc cho đồ ăn trong tủ.
Do vậy nhất thiết nên xả sạch tủ ít nhất 2-3 tháng 1 lần, ngắt điện và dọn vệ sinh từng ngăn, để cho tủ khô rồi lại tiếp tục sử dụng.
Tâm lý chung nhiều người là thực phẩm gì cũng cho vào tủ lạnh để bảo quản. Tuy nhiên, một số loại sẽ có thể bị biến chất nếu bạn để trong tủ, hoặc đơn giản là tự thân chúng đã có thể bảo quản mà không cần cho vào tủ lạnh.
Đó là:
Khoai tây
Hành tây
Cà phê
Tỏi
Rượu
Mật ong
Gia vị, hạt nêm và nước mắm thông thường
Cuối cùng là về trứng sống nguyên quả. Gần như 100% các bà nội trợ để trứng vào khay bên cánh tủ. Tuy nhiên, đây lại là điều không nên chút nào. Bởi lẽ trứng cần bảo quản trong môi trường mát, khô ráo và ‘yên tĩnh’.
Mỗi ngày, bạn có thể phải mở cánh tủ lạnh ra vào nhiều lần, mỗi lần như vậy lại khiến quả trứng rung lắc mà nhanh hỏng hơn. Thêm vào đó, hơi nước trong tủ lạnh ngưng đọng trên vỏ trứng kích thích vi khuẩn phát triển. Vậy nên tốt nhất là hãy xếp trứng trong những khay carton, khay giấy hoặc trong cát, rồi để vào chỗ mát bên ngoài tủ lạnh là được rồi. Đồng thời, cũng không nên để trứng lâu quá 2 tuần.

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!