MÙA CHAY và ĐỨC MARIA
Trong Mùa Chay Thánh, bên cạnh việc mừng kính trọng thể Lễ Thánh Giuse – Bạn Trăm Năm của Đức Maria vào ngày 19 tháng 03, Hội Thánh còn mừng kính trọng Lễ Truyền Tin vào ngày 25 tháng 03. Nói đến Truyền Tin, chúng ta nghĩ ngay đến tiếng “xin vâng” của Đức Maria, mà quên mất tiếng “xin vâng” của Ngôi Lời Thiên Chúa. Tất cả những gì chúng ta tin về Đức Maria đều tùy thuộc vào tất cả những gì chúng ta tin vào Đức Giêsu. Do đó, tiếng “xin vâng” của Mẹ cũng liên kết mật thiết với tiếng “xin vâng” của Đức Giêsu, Con của Mẹ.
Đức Giêsu đã “đáp lời” Thiên Chúa, khi Người “vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2,6-7). Chắc chắn, nếu Đức Giêsu không “đáp lời”, thì lịch sử cứu độ đã đi theo một hướng khác. Đức Giêsu đã “đáp lời” bằng con đường tự hủy, để diễn tả trọn vẹn tình yêu: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Chính nhờ sự “đáp lời” tuyệt đối này, mà Đức Giêsu đã trở thành nguồn ơn cứu độ, và gương mẫu cho chúng ta bắt chước để đáp lời Thiên Chúa: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy” (Ga 4,34).
Trong Mùa Chay Thánh này, chúng ta còn chần chờ chi nữa, mà không mau mắn đáp lại: lời mời gọi của Thiên Chúa, như Đức Giêsu, Đấng đã vì tội lỗi chúng ta, mà tự nguyện mang lấy hình hài nô lệ của chúng ta; đã chấp nhận bị khạc nhổ, để trả lại cho loài người chúng ta sinh khí trước kia, chúng ta đã lãnh nhận trong Vườn Địa Đàng; đã chấp nhận bị vả trên má, để phục hồi gương mặt hư hỏng của loài người chúng ta, cho nên giống: dung nhan rạng ngời của Người; đã chấp nhận những roi đòn trên lưng, để cất đi gánh tội: đè nặng trên vai loài người chúng ta; đã chấp nhận để cho đôi tay mình bị đóng chặt vào cây thập giá, vì loài người chúng ta đã từng đưa tay hướng về cây trái cấm mà phạm tội; và cuối cùng, đã chấp nhận trao lại Thần Khí cho Chúa Cha, để chúng ta được sống muôn đời.
Đức Maria đã đáp lời Thiên Chúa, khi Mẹ kết hiệp với Đức Giêsu, Con của Mẹ trong chương trình cứu độ, biểu lộ từ lúc: Mẹ thụ thai Chúa, cho đến lúc, Chúa chịu chết trên Thập Giá. Mẹ đã đáp lời trong biến cố Truyền Tin như một bước khởi đầu, và chóp đỉnh của lời đáp được hoàn tất nơi Mầu Nhiệm Thập Giá. Mẹ đáp lời làm Mẹ Thiên Chúa, trong lần truyền tin thứ nhất do sứ thần đưa tin, và Mẹ đã đáp lời làm Mẹ Hội Thánh, Mẹ của toàn thể nhân loại, trong lần truyền tin thứ hai do chính Ngôi Lời Thiên Chúa trăn trối cho Mẹ biết. Trong Mầu Nhiệm Truyền Tin, Mẹ đã đáp lời khi trao dâng cung lòng trinh trong cho Con Thiên Chúa ngự vào; nơi Mầu Nhiệm Thập Giá, Mẹ đã đáp lời khi đón nhận toàn thể nhân loại vào trong tâm hồn. Trong Vườn Địa Đàng, bên cây Trái Cấm, bà Evà đã đánh mất quyền làm mẹ chúng sinh, khi từ chối đáp lời Thiên Chúa; trên đồi Canvê, dưới chân Thánh Giá, Mẹ đón nhận quyền làm Mẹ của toàn thể nhân loại, khi tự nguyện đón nhận thánh ý Chúa.
Vì luôn sẵn sàng đáp lời Thiên Chúa, nên Mẹ hoàn toàn bình tâm trước mọi thử thách. Không gì có thể ràng buộc Mẹ, ngoài một mình Chúa là tự do của đời Mẹ. Vì luôn sẵn sàng đáp lời Thiên Chúa, nên Mẹ hoàn toàn hạnh phúc, và được gọi là Đấng Toàn Phúc. Sự hiện diện đầy can đảm của Mẹ dưới chân Thập Giá cũng gợi lên cho chúng ta biết bao khổ đau của phận người. Bóng thập giá bao phủ khắp nơi, khổ đau không miễn trừ bất cứ một người nào. Trong Mùa Chay Thánh này, ước gì chúng ta biết cùng với Mẹ, đứng dưới chân Thập Giá, để chúng ta cảm nhận được bao nỗi khổ đau của những người xung quanh, và để chúng ta cảm nhận được một sự sống mới mà Đức Kitô đã mang lại cho loài người chúng ta. Ước gì chúng ta cũng biết bắt chước Mẹ: luôn can đảm đáp lời Thiên Chúa: đón nhận tất cả những gì Chúa gởi đến với niềm tri ân cảm tạ, cho dẫu, nhiều khi, chúng không dễ chịu chút nào. Ước gì được như thế!
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB