“Bạn đối xử tệ bạc với cha mẹ, con cái sẽ đối xử với bạn như vậy” – quy luật nhân quả ở đời là vậy
Bạn đối xử với bố mẹ mình thế nào thì sau này con cái bạn cũng sẽ đối xử với bạn đúng như thế. Con cái cũng sẽ nhìn vào cách cư xử của bố mẹ với ông bà mà học tập. Đó chính là “Luật nhân quả” ở đời.
Muốn đứa con của mình sau này sẽ trở thành người như thế nào, trước tiên cha mẹ phải trở thành tấm gương cho con. Rất nhiều lúc, từng hành động cử chỉ, nhất ngôn nhất hành của cha mẹ đều sẽ in sâu vào tâm trí và tiềm thức của đứa trẻ.
Hành động bất nhân bất nghĩa, con cháu sẽ noi theo
Người đối xử tệ và bất kính với bậc huynh trưởng, người lớn tuổi và họ hàng, thế hệ con cháu đời sau của họ chắc chắn sẽ không vinh hiển.
Từng có một câu chuyện ngụ ngôn như thế này:
Ba thế hệ cùng sống dưới một mái nhà, bà mẹ đã già, không cử động được, đôi vợ chồng trẻ cảm thấy bà quả thực là một gánh nặng, liền quyết định đưa bà mẹ già mang lên núi để đẩy bà xuống vực sâu.
Một đêm nọ, họ gọi đứa con trai cả cùng đi, họ “ủ mưu” sẽ để bà mẹ già vào một cái thúng tre lớn, rồi cùng khiêng vào núi.
Khi họ định chuẩn bị ném cái thúng xuống núi, đứa con trai đứng bên cạnh và nói: “Bố mẹ, bố mẹ đẩy bà nội xuống núi, nhưng cái thúng này bố mẹ hãy đừng vội vứt đi.”
Bố mẹ cậu bé cảm thấy rất kì lạ, liền hỏi đứa con trai: “Tại sao con lại muốn mang cái thúng về nhà?”
Đứa con trai ngây thơ, trả lời: “Đợi bố mẹ già đi, con cũng sẽ bỏ bố mẹ vào thúng, và đẩy xuống núi”. Hai vợ chồng nghe xong, giật mình hoảng hốt, lập tức dừng lại kế hoạch đó.
Con cái là tấm gương phản ánh hành vi và tính cách của cha mẹ, nếu bạn là một đứa con hiếu thuận với người lớn tuổi, đứa con của bạn cũng sẽ trở nên hiếu thuận, ngoan ngoãn, chúng sẽ nghe theo lời của bạn. Ngược lại, nếu bạn là người hẹp hòi, so đo tính toán, đối xử bất kính, thô lỗ với người lớn tuổi, vậy thì làm sao con cái bạn sẽ trở nên hiếu thuận được đây?
Cũng như câu nói: “Hôm nay bạn nuôi dưỡng cha mẹ, ngày mai con cái nuôi dưỡng bạn”. Trên hành, dưới thuận, quy luật nhân quả thực sự không bỏ qua một ai.
Cha mẹ trọng đức hành thiện sẽ có thể nuôi dạy nên những đứa trẻ biết phân biệt phải trái, đúng sai. Nếu cha mẹ buông lơi, không quan tâm đến con cái, thì rất dễ khiến con cái chỉ vì dục vọng ích kỷ, ham muốn của bản thân mà rẽ sai đường, kết quả là hại mình hại người.
Hiếu thuận với cha mẹ, là căn nguyên của phúc phận
Một ông cụ già yếu chuyển tới sống với con trai, con dâu và cháu trai 4 tuổi. Do tuổi già sức yếu, tay ông cụ luôn luôn run rẩy, mắt trở nên kém, mờ đục đi, thậm chí đi lại còn không vững. Thời gian đầu, tất cả mọi người đều dùng bữa cùng nhau trên bàn ăn. Tuy nhiên, với đôi tay lúc nào cũng run bần bật và đôi mắt đã không còn nhìn rõ, việc ăn uống đối với ông cụ trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Thức ăn và đồ uống vương vãi khắp chỗ ngồi của ông, điều này khiến cho con trai và con dâu ông vô cùng bực mình.
“Chúng ta phải làm gì đó với ông nội thôi. anh không thể chịu đựng nổi cách ăn uống bừa bộn và thức ăn vương vãi đầy trên sàn như vậy nữa”, anh con trai nói với vợ.
Ngày hôm sau, hai vợ chồng anh con trai kê thêm một chiếc bàn nhỏ ở trong góc làm bàn ăn cho bố. Ông cụ ngồi ăn thui thủi một mình trong khi gia đình con trai vui vẻ ăn tối ngay bên cạnh.
Sau khi làm vỡ vài chiếc đĩa, đĩa đựng thức ăn của ông cụ được đựng vào một chiếc bát gỗ. Thỉnh thoảng nhìn sang phía chiếc bàn nhỏ, mọi người đều nhận thấy những giọt nước mắt lặng lẽ lăn trên má ông cụ.
Thế nhưng, những gì mà hai vợ chồng người con trai thốt ra chỉ là những lời chì chiết, mắng mỏ bất cứ khi nào ông cụ làm rơi ᴅao nĩa hay làm đổ thức ăn. Trong suốt thời gian đó, cậu con trai 4 tuổi đã lặng im quan sát tất cả.
Một hôm trước bữa ăn tối, ông bố nhìn thấy con trai nhỏ đang chơi gì đó với miếng gỗ thừa trên sàn nhà liền nhẹ nhàng hỏi xem cậu bé đang làm gì.
Bằng một giọng nói đáng yêu, ngây thơ hết sức cậu con trai cười và nói: “Con đang làm một cái bát gỗ nhỏ cho ba mẹ ăn khi ba mẹ già đi đó”. Trả lời xong cậu bé quay trở lại chăm chú với trò chơi còn dang dở.
Cậu bé lặng lẽ quan sát cách bố mẹ cư xử với ông nên đã quyết định làm trước một chiếc bát gỗ để phục vụ bố mẹ lúc về già.
Nghe những lời “thắt cả tim gan” đó, vợ chồng anh con trai chẳng thể nói gì, những giọt nước mắt hối hận bắt đầu chảy dài trên má cả hai người. Mặc dù không ai nói với ai câu gì nhưng cả hai vợ chồng đều biết họ sẽ phải làm gì.
Trong bữa tối hôm đó, anh con trai đã nắm lấy bàn tay run rẩy của bố mình, nhẹ nhàng dắt ông trở lại bàn ăn ngồi cùng với cả gia đình.
Từ đó cho tới những ngày cuối cùng của cuộc đời, ông cụ vẫn luôn ăn tối cùng gia đình còn con trai và con dâu cũng chẳng ai để ý tới chiếc đĩa bị rơi, vết sữa đổ hay khăn trải bàn bị ố nữa.
“Sống ở đời, gieo nào thì gặt quả nấy”, ở hiền gặp hiền. Dù mối quan hệ giữa cha mẹ con cái không tốt nhưng đến khi cha mẹ rời khỏi cõi đời này, bạn sẽ hiểu họ có ý nghĩa như thế nào trong cuộc đời mình.
Chính vì vậy, khi còn có thể, hãy luôn kính trọng, quan tâm, chăm sóc và yêu thương những người đã có ᴄông ơn sinh thành, dưỡng dục chúng ta, để sau này không phải hối hận và hổ thẹn với chính bản thân mình.