Phụng vụSuy niệm ngày thường

Các bài suy niệm Chúa Nhật Phục Sinh _A

Các bài suy niệm Chúa Nhật Phục Sinh _A

 

Chúa Nhật Phục Sinh _A

Lời Chúa: Cv 10,34a.37-43; Cl 3,1-4; Ga 20,1-9

 

Mục lục

  1. Bước Vào Mộ Trống (Thiên San, MTG. Thủ Đức)
  2. Chính Người Đã Hẹn Trước (Bông hồng nhỏ, MTG. Thủ Đức)
  3. Tình Yêu Là Vĩnh Cửu (Lm Jos. DĐH, GP. Xuân Lộc)
  4. Tình Yêu Phục Sinh (Lm. Phêrô Nguyễn Trọng Đường, SVD)
  5. Hãy trỗi dậy  (Tgm. Giuse Vũ Văn Thiên)
  6. Chạy đến mộ – Chạy từ mộ (Jorathe Nắng Tím)
  7. Thấy gì trong mộ  (Bông Hồng Nhỏ, MTG.Thủ Đức)
  8. Khoảng trống tâm hồn (Anna Cỏ May, MTG.Thủ Đức)
  9. Phục sinh và ơn biến đổi (Lm. Giuse Đỗ Đức Trí)
  10. Tái ngộ  (Trầm Thiên Thu)
  11. Phục sinh với Chúa  (Lm. Jos Tạ Duy Tuyền)
  12.  Đón nhận tin vui Phục sinh (Lm. Giuse Đỗ Đức Trí, GP.Xuân Lộc)
  13. Biến đổi (Trầm Thiên Thu)
  14.  Nấm mồ vỡ nát (Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)
  15. Đấng Phục sinh hằng yêu thương ta  (Lm. Jos. DĐH, GP. Xuân Lộc)

 

BƯỚC VÀO MỘ TRỐNG

Thiên San, MTG. Thủ Đức

Tin Mừng Phục sinh là Tin Mừng được khởi đi từ bước chân của những người nữ. Từ trước đến nay, họ luôn được gọi là những người “nhiều chuyện”. Đa số các phụ nữ thích chia sẻ, bày tỏ cảm xúc. Họ không thể dấu được cảm xúc của mình. Phải chăng chính vì điều này mà Chúa Giêsu đã chọn các bà làm sứ giả loan báo Tin Mừng Phục sinh của Người. Tin Mừng theo thánh Gioan kể lại việc bà Maria Mađalêna ra mộ Chúa từ sáng sớm, lúc trời còn tối. Bà ra đến mộ, thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ thì vội vã chạy về báo tin cho ông Phêrô và người môn đệ Đức Giêsu thương mến: “Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu” (Ga 20,2).

Chúng ta thấy gì nơi lời loan báo của bà Maria Mađalêna? Bà không hề nói rằng bà đã thấy Chúa sống lại. Lời loan báo của bà nói lên nỗi lo lắng của bà khi không thấy xác của Thầy. Theo bà nghĩ thì người ta đã lấy mất xác của Thầy, và các bà thì không biết họ để Người ở đâu (x. Ga 20, 1-9). Điều đầu tiên các bà có thể làm là chạy về báo cho những người có trách nhiệm. Maria Mađalêna đã phản ứng rất nhanh trước những gì đang xảy ra. Chúng ta không rõ là trên quãng đường từ mộ Chúa đến chỗ các môn đệ, các bà có gặp ai và đã nói gì chưa. Hai môn đệ là Phêrô và người môn đệ Đức Giêsu thương mến đã chạy ra mộ sau khi hay tin. Cả hai người cùng chạy, chạy nhanh nhất có thể. Gioan kể rất rõ, cả hai ông cùng chạy nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn ông Phêrô nên đã tới mộ trước, nhưng không vào. Sau đó, ông Phêrô cũng đến nơi, ông vào thẳng trong mộ. Điều các ông thấy là một ngôi mộ trống với những băng vải còn ở đó, chúng được xếp gọn lại, để riêng (x. Ga 20, 1-9). Người môn đệ Đức Giêsu thương mến, kẻ đã tới mộ trước cũng vào, ông đã thấy và đã tin (x. Ga 20, 8).

Nếu cùng các môn đệ chạy ra mộ, bước vào trong mộ, chúng ta sẽ thấy gì và cảm thấy điều gì? Bước vào mộ là bước vào thế giới của sự chết. Có thể không ít người trong chúng ta sẽ cảm thấy “ớn lạnh” trước những gì đang xảy ra. Đối với người khác, bước vào mộ là bước vào thế giới của sự chết, một nơi không ai muốn bước vào nhưng các môn đệ thì không. Những gì các ông đang thấy mách bảo cho các ông về thế giới của sự sống. Một sự thân quen, cái gì đó rất gần gũi qua cách thức những khăn vải được sắp đặt. Đó là những dấu chỉ của sự sống. “Ông đã thấy và đã tin” (Ga, 20, 8).

Trong cuộc sống, những khi ta phải trải qua cảnh tang tóc, mất mát khi chứng kiến sự ra đi của những người thân yêu, những người sống bên cạnh ta. Càng thân gần bao nhiêu thì sự mất mát càng lớn đối với ta. Bởi đó, ta mới hiểu sự ra đi của Thầy Giêsu là mất mát quá lớn đối với các môn đệ. Có thể, khi nghe tin từ Maria Mađalêna, các môn đệ cũng chưa thể nghĩ ngay là Thầy mình đã sống lại. Tình yêu dành cho Thầy hối thúc các ông chạy thật nhanh. Chỉ khi nhìn thấy những gì cần phải thấy, các ông mới tin, mới hiểu. Cả bà Maria Mađalêna cũng vậy, bà chỉ nghĩ rằng xác của Thầy đã bị đem đi. Nếu ở trong hoàn cảnh của các môn đệ, có thể chúng ta cũng sẽ có những phản ứng như vậy.

Hôm nay, Tin mừng Phục sinh vẫn mời gọi mỗi người chúng ta can đảm bước vào ngôi mộ trống, nơi chứa đựng những mất mát của chúng ta. Chúng ta hãy để tình yêu dẫn bước như Maria Mađalêna, như môn đệ Phêrô và người môn đệ Đức Giêsu thương mến. Khi can đảm đối diện với những mất mát, can đảm đi đến và can đảm bước vào sâu trong mộ, chúng ta sẽ được thấy Chúa Giêsu phục sinh đang đợi ta ở đó. Chính Người sẽ dùng những dấu chỉ quen thuộc, thân thương để giúp ta nhận ra chính Người, giúp ta vượt qua đau thương, mất mát. Cùng với Chúa, chúng ta sẽ được đổi mới, được phục sinh trong sự sống mới của Chúa theo cách thức Người muốn cho ta.

Về mục lục

CHÍNH NGƯỜI ĐÃ HẸN TRƯỚC

Bông hồng nhỏ, MTG. Thủ Đức

Hôm nay, sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, có ba môn đệ đi ra mộ tìm Chúa. Khi thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ, bà Maria Macdala hốt hoảng chạy về báo tin cho hai môn đệ là Phêrô và Gioan. Bà nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu” (Ga 20, 2b). Khi chạy ra đến nơi, đứng trước ngôi mộ trống, Gioan – kẻ đã tới mộ trước chỉ cúi xuống nhìn mà không vào trong. Ông Phêrô theo sau cũng đến nơi, ông vào thẳng trong mộ. Rồi Gioan cũng bước vào. Bà Maria chưa bước vào ngôi mộ nên chưa thấy những gì còn lại trong đó. Ông Phêrô đã bước vào nhưng những gì ông thấy chỉ là những khăn vải và khăn che đầu của Chúa được xếp gọn, để riêng. Gioan cũng thấy như vậy, nhưng ông đã tin. Điều gì khiến Gioan tin là Chúa đã sống lại, trong khi Phêrô chỉ dừng lại ở những gì mình thấy và Maria còn khẳng định Chúa đã bị người ta đem đi?

Maria là người có lòng yêu mến Chúa sâu nặng, bằng chứng là bà đã đi theo Chúa đến cùng khi đứng dưới chân thập giá, bà để ý xem chỗ người ta an táng Thầy và ra mộ từ lúc sáng sớm. Bà ra tìm gặp Chúa nhưng bà chỉ mong được ướp xác Thầy cách chu đáo hơn. Khi hai môn đệ kia đã về thì chỉ có bà vẫn ở lại bên mộ mà khóc, khóc vì nghĩ rằng người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ và bà chẳng biết họ để Người ở đâu. Nỗi đau, sự mất mát quá lớn khiến bà khóc lóc, buồn sầu. Chỉ đến khi Chúa gọi tên bà: “Maria!”, bà mới nhận ra Chúa đã sống lại, niềm hạnh phúc mới ngập tràn.

Còn Phêrô, ông là kẻ đã cảm nhận được thế nào là nỗi đau mất Chúa đang khi chính mình là kẻ chối Chúa đến ba lần. Ông là người tuyên xưng đức tin mạnh mẽ nhất nhưng cũng chính ông là người đã từ chối khuôn mặt bị nhục mạ của Thầy. Lòng ông vẫn còn chất đầy nỗi buồn sầu, hối hận; và cả sự sợ hãi, lo lắng sẽ phải chịu chung số phận với Thầy. Người ta thường nhổ cỏ sẽ nhổ tận gốc, thủ tiêu tất cả những ai có liên quan đến vụ án Giêsu. Ông chạy ra mộ để xem thực hư thế nào. Ông thấy quả thực xác của Chúa không còn ở trong mồ nữa. Chỉ còn băng vải được xếp lại và khăn che đầu của Đức Giêsu được xếp riêng một nơi. Điều ông trông thấy càng khiến ông hoang mang hơn nữa.

Nhưng Gioan, ông là người đã tới mộ trước, ông chỉ cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. Bước vào một ngôi mộ là bước vào nơi chốn của kẻ chết, thế nhưng Gioan lại thấy được một trật tự vừa mới vừa rất quen thuộc nơi ấy. Chính Chúa Giêsu đã sắp xếp lại tất cả những gì còn lại trong ngôi mộ. Chẳng có ai trộm xác lại đi cẩn thận sắp xếp lại các khăn vải, và dù họ có xếp lại thì cũng không thể nào biết được thói quen sắp xếp của Chúa. Chỉ có người luôn hướng nhìn về Chúa, sống gần gũi với Chúa, có sự nhạy bén của con tim và lý trí mới nhận thấy những dấu chỉ rất đơn giản mà Chúa Giêsu đã để lại. Trong cuộc sống của mình, lắm lúc ta cũng sẽ được đặt trước một ngôi mộ trống của đời mình, ta sẽ phản ứng như Maria và Phêrô, hay Gioan? Dù ta là ai trong ba môn đệ ấy, ta cũng sẽ được gặp gỡ Đấng Phục Sinh, chỉ là vấn đề thời gian. Đừng để cho nỗi sợ hãi khiến ta không dám lên đường tìm kiếm Chúa. Dù cho những dấu chỉ mà Chúa Giêsu dùng để gợi ý cho ta, nhất thời ta chưa nhận ra, thì chỉ cần ta trung thành tìm kiếm đến cùng, nhất định Người sẽ đến gặp ta, bởi chính Người đã có hẹn trước.

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh! Cảm tạ Chúa đã luôn yêu thương con và ban cho con được đón nhận niềm vui Chúa đã phục sinh. Xin giúp con biết cùng với Chúa hiến tế chính mình mỗi ngày, để khi được cùng chết với Chúa cho anh chị em, con cũng biết cùng Chúa “mang sự sống đến với người mình mến thương, cùng bước theo Chúa trên con đường Chúa đã đi để làm tỏa lan hơi ấm tình thương cho đời, dù sóng gió làm con hao tốn chính mình. Đời con mong ước, sống sao nên giống như Người” (x. Bài hát Cuộc thương khó Chúa Giêsu).

Về mục lục

TÌNH YÊU LÀ VĨNH CỬU

Chúa Phục Sinh: Ga 20, 1-9

Lm. Jos. DĐH, GP. Xuân Lộc

Vạn vật có sinh có tử, có đầu tư công sức tiền của, có hy vọng thành công, có đau khổ có hạnh phúc, là thật, dù thiên hạ vẫn sống trong hoài nghi: một nửa sự thật vẫn chỉ là nửa sự thật ! Một người tài cao đức rộng, xinh đẹp, thu hút được đám đông, nổi tiếng khắp tứ phương, vẫn chỉ là người mang thân phận phải chết, không thể khác: sinh bệnh lão tử. Con người tự nhiên: thành công thì dễ tự mãn, thất bại lại hay tự ti, đâu phải ai cũng đủ bình tĩnh để sống chủ trương, thành công là đi  từ thất bại này đến thất bại khác, mà không mất đi nhiệt huyết. Dù quan niệm xã hội: thành công, chiến thắng, nhiều tiền lắm của, tài giỏi, có sức khoẻ tinh thần thể xác, đó cũng chỉ là sự thật ở hiện tại, ai biết được gì, nói được gì, đằng sau cánh cửa sự chết ?

Công nghệ ghi hình để xem lại, camera giám sát hành trình, ít nhiều cũng là dịp ta rà soát lại thiếu sót, nguy hiểm, những bài học cần thiết, có ích, cho tương lai phía trước. Đức Giêsu có đủ “tố chất” của một người hoàn hảo: đẹp, khoẻ, tài đức song toàn, giảng giải hùng biện, đi tới đâu cũng ưu tiên làm việc bác ái, khiêm tốn phục vụ, quảng đại với kẻ xúc phạm đến mình. Đức Giêsu chịu đau khổ, bị kết án nhục hình thập giá, đã chết thật, vì là người thật, kẻ thương yêu, người đạo đức, đã tẩm liệm và đặt Đức Giêsu trong huyệt đá theo truyền thống Do-thái. Hành trình ở đời tự cho ta kinh nghiệm: thước đo cuộc sống không phải là thời gian dài ngắn, mà là sự cống hiến hết tình hết mình. Trước khi bản án chết được thi hành, Philatô đã có dịp tiếp xúc và hỏi: “vậy ông là vua ư ? Đức Giêsu nói: ông nói đúng. Nước tôi không thuộc về thế gian này…”.

Chân lý thì không bao giờ thay đổi: mặt trời mọc ở hướng đông và khuất lấp ở hướng tây. Chỉ những ai dám tự “thất bại” cách đau đớn, mới được gọi là thành công thật vĩ đại. Đức Giêsu là người thật, là Thiên Chúa thật, Đức Giêsu chịu đau khổ, chịu chết, và Đức Giêsu cũng sẽ sống lại thật: “các ngươi cứ phá huỷ đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ xây dựng lại”. Tất cả sự thật được khai mở từ sự bế tắc, từ những ai thành tâm: chết không phải là hết. Tất cả sự thật được hé mở từ sự kiện “ngôi mộ trống”: “người ta đã lấy mất xác Thầy rồi, chúng tôi không biết họ để xác Thầy ở đâu nữa” ! Vâng, tình yêu đã thôi thúc các chị em phụ nữ ra thăm mồ Chúa từ buổi sớm, tình yêu và ơn tha thứ đã nhắc nhớ Phêrô và môn đệ yêu dấu, phải can đảm đứng dậy. Tất cả mọi thứ rồi sẽ qua đi, duy chỉ tình yêu thì tồn tại.

Tình yêu không mầu không mùi, nhưng thu hút người già người trẻ, người tri thức, bình dân, người có niềm tin và cả người nửa chừng hời hợt. Tình yêu làm cho người ta sống, hận thù chia rẽ dẫn người ta đến sự chết, song tình yêu là vĩnh cửu, là thiêng liêng, bất tử. Ai lăn tảng đá ra khỏi cửa mộ, linh canh mồ đâu rồi ? Chính tình yêu thức tỉnh sự giới hạn, yếu đuối, tội lỗi, nơi các học trò, nơi con người qua các thời đại. Thời gian sẽ hàn gắn mọi vết thương, việc làm cụ thể sẽ khai mở sự tự tin để ta sống đúng, sống đẹp hơn. “Ngôi mộ trống”, đã phản ánh một sự thật: tình yêu là bất tử, tình yêu tồn tại mãi mãi, tình yêu là lời mời gọi: hãy thức tỉnh trái tim bằng thịt của mình, chứ không phải sự khôn ngoan, bằng cấp. Đấng phục sinh là Giêsu Nagiaret, là Giêsu chịu đóng đinh trên thập giá, là Giêsu đã được mai táng cẩn thận trong huyệt đá, Ngài sẽ mở trí lòng để nhân loại cảm nhận thế nào là tình yêu cứu độ.

Tình yêu là vĩnh cửu, tình yêu của Người đã hy sinh vì bạn hữu, vì chúng nhân tội lỗi, mãi mãi là đẹp, là chuẩn, là bất tử. “Ngôi mộ trống” không nói lên điều gì, thân xác linh hồn Đấng là Thầy là Chúa đang ở đâu, sao im lặng, ngoài việc môn đệ Thầy yêu cảm nhận: “tôi đã thấy và tôi tin”. Tất cả vì yêu, vì cần phải hiểu: mục đích cao cả đời người không phải là nhiều kiến thức, mà là luôn khẩn trương hành động. Dấu hiệu của sự sống lại, sự rõ ràng của tha thứ quảng đại đang bắt đầu lôi kéo các phụ nữ, các môn đệ hành động, xa hơn nữa là người tội lỗi, thống hối. Vâng: lo lắng, dằn vặt lương tâm, không làm cho điều tồi tệ ngừng xảy ra, mà chúng sẽ làm cho điều tốt đẹp ngừng lại mà thôi ! Qua đau khổ đến vinh quang, biết nhiều khổ nhiều, yêu nhiều khổ nhiều, niềm vui hạnh phúc sẽ trở nên vĩ đại, khi ta dấn thân và cho đi cách vô điều kiện.

Tình yêu là bất tử, tình yêu là sự thật, dù không thấy bằng mắt, chỉ cảm nhận bằng trái tim thổn thức ! Các đấng bậc chúng ta có suy tư rất hay: tình yêu là cốc nước, nóng hay lạnh, chỉ đương sự mới cảm, mới thấu đủ ! Các phụ nữ nặng lòng với Thầy, họ ra mồ từ sáng sớm, giọt nước mắt thảm thiết của Phêrô, những ưu tư lắng lo của số môn đệ khác, tất cả được hoá giải bởi tình yêu vĩnh cửu Đấng phục sinh. Ngôi mộ trống mở ra hy vọng, Ngôi mộ trống thôi thúc lòng cậy trông tín thác, hàn gắn vết thương lòng giữa tình người với tình Giêsu. Các chuyên gia thật lãng mạn khi nói: thế gian đẹp nhất là mặt trời, cuộc sống đẹp nhất là nơi có người mình yêu, ánh dương soi tỏ muôn chiều, cũng chưa rực rỡ bằng yêu thắm nồng. (Tago) Tình yêu vĩnh cửu mở toang sức sống mới, khai thông bế tắc, sự nhút nhát mù mờ tin yêu nơi các môn đệ: “Con người phải trải qua nhiều đau khổ, chịu chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại”. Amen.

Về mục lục

TÌNH YÊU PHỤC SINH

Lời Chúa: Ga 20, 1-9

Lm. Phêrô Nguyễn Trọng Đường, SVD

Tin Mừng Chúa Nhật Phục Sinh chỉ gói trọn chín câu, nhưng có đến ba lần dùng động từ “chạy” diễn tả qua ba nhân vật được Phúc Âm Gioan tường thuật lại: Bà Maria Mađalêna liền chạy từ mộ về báo tin là tình yêu Phục Sinh. Phêrô và Gioan cùng chạy đến mộ là tình yêu Phục Sinh.

  1. Tình yêu Phục Sinh khiến bà Mađalêna vượt lên trên mọi sự

Các sách Tin Mừng kể lại: Matthêu (Mt 27,56,61), Máccô (Mc 15,40,47), và Gioan (Ga 19,25) đều ghi nhận sự hiện diện yêu thương của bà trong những giờ phút kinh hoàng, đau thương nhất của Đức Giêsu: “Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơlôpát, cùng với bà Maria Mađalêna” (Ga 19,25). Chính vì tình yêu đã khiến bà ra mộ sớm nhất và trước nhất, mặc cho những bước chân mệt mỏi và buồn thảm vì Thầy kính yêu đã chết (x. Mt 28,7; Ga 20,11). Hơn nữa, bà cũng không quản ngại những nguy hại có thể do quân lính canh giữ mộ Thầy gây ra cho mình. Nhưng chính tình yêu đã thúc đẩy bà đến mộ và bà được gặp Đấng Phục Sinh. Tin Mừng Gioan ghi lại rằng: Đức Giêsu Phục Sinh đã hiện ra gặp bà, khi bà đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc lóc (x. Ga 20,11), và bà cứ tưởng Ngài là người làm vườn, cho đến khi Ngài gọi tên bà, lúc đó bà mới nhận ra Thầy mình đã sống lại (x. Ga 20,11-18).

Chính vì tình yêu Phục Sinh, bà Mađalêna đã ra khỏi không gian sầu thảm, nhớ thương để đón nhận ánh sáng Phục Sinh đang bừng cháy trong trái tim bà và thúc giục đôi chân của bà, khiến bà vội vã chạy khẩn trương, nhanh hết sức có thể để báo tin vui cho các môn đệ: Thầy đã sống lại!

  1. Tình yêu Phục Sinh khiến bà Mađalêna quên đi tất cả

“Chúa đã sống lại thật như lời Người đã phán hứa!”. Tin Mừng Phục Sinh đến với bà Maria Mađalêna như gia đình của anh Lazarô và con trai bà góa thành Naim được Chúa cho sống lại. Họ vui mừng không thể diễn tả niềm hạnh phúc tột cùng này. Tiếng khóc và sự đau khổ trở thành niềm vui chan chứa cho hai gia đình.

Cũng vậy, bà Maria Mađalêna được Chúa thương, chúc phúc và dành riêng tình thương mến giữa Thầy với trò. Vì thế, bà đã cảm nghiệm thật sâu lắng và thật mạnh liệt khi biến cố Phục Sinh xảy đến. Vì yêu, nên bà chuẩn bị một bình dầu thơm mong để ướp lại xác Thầy mình. Vì yêu, nên đêm ấy bà đã trằn trọc không sao ngủ được, mong cho thời gian của lề luật trôi qua nhanh và mong sao cho trời sáng thật lẹ để ra ướp xác Thầy lại với bình dầu thơm quý hiếm và thăm lại mộ Thầy mình.

Chắc chắn lúc này, mọi sợ hãi và buồn tủi của bà sẽ vơi đi và tan biến. Biến cố Phục Sinh đã làm cho bà có được một cảm nghiệm rất riêng trong cuộc đời mình và cho người khác. Bà đã cảm nghiệm niềm vui và hạnh phúc từ Đấng Phục Sinh không một thứ nào khác có thể so sánh bằng. Vì Thầy là động lực, là lẽ sống, là niềm tự hào và là nguồn an ủi trên cuộc đời bà.

Niềm vui Phục Sinh được vỡ òa lớn lao không gì có thể ví bằng nên bà đã không quản ngại sự mệt mỏi của mình, cũng như sức lực yếu ớt trong những ngày u ám qua. Bỗng bà đứng lên một cách mạnh mẽ, dứt khoát cùng chạy mau lẹ đến gặp các môn đệ của Thầy để báo tin: Thầy đã sống lại!

Tình yêu Phục Sinh khiến bà không dừng chân, không dừng lại ở các môn đệ mà còn đến với tất cả những ai bà gặp gỡ. Hơn nữa, niềm vui Phục Sinh khiến bà không còn phải tìm kiếm điều gì khác ngoài thánh ý Thiên Chúa mỗi ngày. Vì bà đã thấy Chúa (x. Ga 20,18). Người Công Giáo chúng ta hôm nay cũng vậy, chỉ có hạnh phúc đích thực là khi chúng ta được gặp Chúa và được nhìn thấy Thiên Chúa nhãn tiền trong vinh quang Nước Trời!

  1. Tình yêu Phục Sinh khiến Phêrô và Gioan cùng chạy đến mộ

Hai môn đệ Phêrô và Gioan: Cả hai cùng chạy đến mộ theo lời của người phụ nữ về báo tin. Những động thái này làm cho chúng ta liên tưởng sự tất bật, hổi hả, vội vàng, nóng lòng. Ai đó đã đặt ra câu hỏi cho hai môn đệ: Tại sao không kiểm chứng, tại sao không suy xét mà mới chỉ nghe một lời báo của bà Mađalêna chưa chắc chắn, đã vội vàng nhanh chóng chạy đến mộ Thầy như thế?! Dám chắc rằng, vì tình yêu nên các ông đã không do dự khi nhận được tin báo. Cả hai cùng chạy để có được niềm vui Phục Sinh.

Riêng Gioan được tin, ông chạy với Phêrô trong cùng một thời gian, trong cùng một khoảng không gian nhất định của hai người. Thế nhưng, Gioan lại chạy đến mộ Thầy trước, còn Phêrô chạy theo sau. Tư tưởng thần học và Kinh Thánh có thể được giải thích trong hai ý như sau: Thứ nhất có lẽ vì ông Gioan trẻ hơn và khỏe hơn; và thứ hai là vì Gioan đã cảm nghiệm được tình yêu Phục Sinh hơn và đã thúc bách ông chạy nhanh hơn và trước nhất. Động lực ấy đã khiến Gioan cố gắng hết sức có thể và tìm cách chạy nhanh nhất có thể để được đến nơi sớm nhất.

Theo truyền thống Giáo Hội, Gioan có biệt danh: Môn đệ được Chúa yêu. Kinh Thánh kể: Đứng gần thập giá cùng với Mẹ Người có môn đệ Gioan đứng bên cạnh và Chúa trối lại Mẹ Người cho môn đệ yêu quý này: “Đây là Mẹ của anh!” (x. Ga 19, 25-27). Gioan tựa đầu vào lòng ngực Thầy Giêsu: “Trong số các môn đệ, có một người được Đức Giêsu thương mến. Ông đang dùng bữa, tựa vào lòng Đức Giêsu… Ông này nghiêng mình vào ngực Đức Giêsu” (x. Ga 13, 23;25).

Vì thế, Gioan đã đặt tình yêu đúng chỗ và chỉ dành riêng cho một mình Thầy Giêsu. Tình yêu Gioan rất đặc biệt và thẳm sâu trong cõi lòng Thầy trò. Người đời còn gọi là tình yêu keo sơn, tình bạn chung thủy. Bởi vậy, Gioan được gọi là người môn đệ được Chúa Giêsu yêu mến. Còn chúng ta, sống niềm vui Phục Sinh của Chúa như thế nào? Thiết nghĩ, tình yêu chúng ta dành cho Đấng Phục Sinh còn mỏng giòn, tình yêu dễ đổ vỡ, hời hợt nếu không dám nói là bất trung với Ngài.

Chính tình yêu mà Phêrô và Gioan đã đi từ chỗ thất vọng buồn chán đến chỗ xác tín trong niềm hy vọng là mong gặp được Thầy sống lại. Niềm hy vọng đã thành hiện thực, khi hai ông tận mắt chứng kiến cảnh tượng của người chết sống lại bởi: “những băng vải để ở đó, khăn che đầu được cuốn lại, xếp riêng ra một nơi” (x. Ga 20,6-7); hai ông hiểu ra sự kiện khi nhớ lại lời Đức Giêsu cũng như Kinh Thánh đã báo trước: “Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết và niềm vui Phục Sinh tràn ngập nơi tâm hồn khi hai ông đã thấy và đã tin” (x. Ga 20,8-9).

Chúng ta có thể kết luận rằng: Maria Mađalêna, Phêrô và Gioan đã cùng có một điểm chung: “cõi lòng mong đợi”: “chạy từ mộ và cùng chạy đến mộ”. Họ đã gặp nhau trong niềm vui và niềm xác tín duy nhất là Thầy đã sống lại! Họ cùng chung một mối tình là Thầy Giêsu đã Phục Sinh, ứng nghiệm với các bằng chứng và các sự kiện đã nói trong Kinh Thánh. Giáo Hội hôm qua, hôm nay và ngày mai luôn được tiếp tục thúc bách bởi Thánh Thần là loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho nhân loại rằng: Đức Giêsu thành Nazaret đã bị đóng đinh, đã chịu chết và đã sống lại để cứu độ chúng ta.           

  1. Tinh yêu Phục Sinh khiến chúng ta loan báo Tin Mừng

Thật vậy, cũng như Phêrô và Gioan sau biến cố Phục Sinh, các ngài đã vội vã, lên đường loan báo niềm vui và làm chứng Tin Mừng Phục Sinh cho nhân loại.

Mỗi người trong chúng ta là giáo dân và giáo sĩ đều được mời gọi sống Tin Mừng Phục Sinh ngang qua các biến cố trong cuộc đời của từng người bằng việc xác tín và gắn bó với Đấng Phục Sinh. Nhờ đó, việc loan báo Tin Mừng Phục Sinh mới sống động và hữu hiệu qua chính sứ vụ của mỗi người. Chỉ khi chúng ta sống được như thế, thì niềm vui Phục Sinh mới được vỡ òa trong con đường đức tin. Chỉ khi chúng ta sống niềm vui Phục Sinh thì Tin Mừng Phục Sinh mới có thể đến với mọi người, mọi nơi trong thế giới này.

Ước gì lời tuyên xưng của người tín hữu trong Thánh lễ mỗi ngày: “chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại, cho tới khi Chúa lại đến” trở nên nhân chứng cho Đấng Phục Sinh. Alleluia! Alleuia!

Về mục lục

HÃY TRỖI DẬY

Tgm. Giuse Vũ Văn Thiên

Thánh sử Luca kể lại: sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần,  những người phụ nữ đạo đức ra nơi phần mộ đã an táng Chúa Giêsu. Họ muốn thực hiện những nghi thức tẩm liệm theo phong tục của người Do Thái, vì buổi chiều thứ Sáu, việc tháo đanh và táng xác được thực hiện quá vội vàng, nên họ chưa làm được. Khi thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mồ, họ đã bước vào và không thấy xác Chúa Giêsu, nhưng lại thấy hai người đàn ông mặc y phục sáng chói. Hai người này nói: Sao các bà lại tìm người sống ở giữa những kẻ chết? Người không còn ở đây nữa, nhưng đã trỗi dậy rồi…” (x. Luc 24,1-7).

Trỗi dậy!” là động từ được dùng để diễn tả việc Chúa Giêsu phục sinh. Động từ này vừa có nghĩa “thức dậy”, vừa có nghĩa “vùng lên”. Một người đang nằm, trỗi dậy, tức là người đó tự mình ngồi dậy hay đứng lên mà không cần nhờ đến sự can thiệp hay giúp đỡ của người khác. Chúa Giêsu phục sinh là tự Người trỗi dậy từ trạng thái của một người đã chết. Chúng ta cũng có thể nói như thánh Phêrô trong bài giảng đầu tiên vào ngày lễ Ngũ tuần: Thiên Chúa đã làm cho Người ((Đức Giêsu) sống lại, giải thoát Người khỏi những đau khổ của cái chết. Vì lẽ cái chết không tài nào khống chế được Người mãi (x. Cv 2,24). Chúa Giêsu vừa “được” Thiên Chúa làm cho sống lại, vừa tự “trỗi dậy” từ nấm mồ tối tăm để phục sinh vinh quang, vì Người là chủ của sự sống. Chính Người đã tuyên bố: “Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy” (Ga 10,18).

Chúa Giêsu trỗi dậy từ nấm mồ. Đây là khởi điểm của một giai đoạn mới trong lịch sử cứu độ. Có tác giả so sánh Chúa Giêsu an nghỉ trong mộ, giống như Ađam ngủ say ở khởi đầu lịch sử. Trong lúc Ađam ngủ, Thiên Chúa đã rút chiếc xương sườn của ông để làm nên người phụ nữ. Chính trong giấc ngủ của Chúa Giêsu mà Giáo Hội của Người được sinh ra và khởi đầu. Khi Ađam tỉnh giấc, ông nhìn thấy bà Evà và tuyên bố: đây là xương bởi xương tôi và thịt bởi thịt tôi. Điều đó nói lên sự bình đẳng, ngang hàng và gắn bó. Khi Đức Giêsu trỗi dậy từ cõi chết, Người kéo cả nhân loại, từ Ađam, từ âm ty (còn gọi là ngục tổ tông hay nơi ở của những người đã chết, theo quan niệm của người Do Thái) cùng trỗi dậy với Người. Vết thương tự cạnh sườn Chúa đã chữa lành vết thương ở cạnh sườn của Ađam. Cái chết của Chúa trên thập giá đã tiêu diệt sự chết nơi toàn thể nhân loại. Chúa Giêsu là Ađam mới. Nếu Ađam thứ nhất là nguyên nhân của sự chết, thì Ađam mới, hay Ađam sau cùng như lối nói của một số nhà thần học, lại là nguồn mạch của sự sống.

Khi trỗi dậy khỏi nấm mồ tăm tối, Chúa Giêsu mở cánh cửa hy vọng cho nhân loại. Quả vậy, qua sự phục sinh sáng láng của Người, chúng ta nhìn thấy tương lai của chính mình. Tương lai đó là sự phục sinh thân xác vào ngày tận cùng của thời gian. Tương lai đó cũng là sự sống vĩnh cửu Chúa dành cho những ai tin cậy, phó thác và yêu mến Người. Cuộc phục sinh của Chúa cũng nói với chúng ta về phẩm giá của con người. Bởi lẽ con người được dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa. Cuộc sống này không thể chỉ kết thúc ở nấm mộ. Một số người Do Thái đã giết hại Chúa vì họ cho rằng Chúa là một người phản loạn. Giết được Chúa Giêsu, các kỳ lão và biệt phái vui mừng vì diệt được một đối thủ. Tuy vậy, Chúa Giêsu không ngủ yên trong nấm mộ. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc những bất công và mưu mô, dù mạnh mẽ đến mấy, cũng không thể trường tồn trên thế gian. Chúa Giêsu đã chiến thắng sự chết. Tình yêu đã chiến thắng hận thù và Chân lý đã chiến thắng dối gian. Chúa Giêsu phục sinh khẳng định với thế giới rằng, những mưu mô nhằm vu oan và làm hại người khác xem ra có đem lại thành công trước mắt, nhưng không đứng vững lâu dài. Những gì dối trá tất yếu sẽ bị vạch mặt và mưu mô gian ác phải cáo chung.

Người Kitô hữu tin vào Chúa Giêsu, Đấng đã chết và phục sinh. Thánh Phaolô nhấn mạnh đến ý nghĩa đời sống của người tín hữu, đó là chết với Chúa Giêsu để được sống lại với Người. Trong các tác phẩm của mình, Thánh Phaolô không nhắc lại một phép lạ nào của Chúa Giêsu, nhưng ông luôn nhấn mạnh tới biến cố Phục sinh. Dưới cái nhìn của một người được đào tạo bài bản trong truyền thống biệt phái, ông nhận ra hình ảnh của chiên vượt qua, xuyên qua cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá. Thánh Phaolô gọi Chúa Giêsu là Chiên Vượt Qua mới. Từ nay, chiên vượt qua mà người Do Thái giết trong Đền thờ chiều ngày thứ Sáu, trước ngày Sa-bát, không còn ý nghĩa gì nữa, hoặc nếu còn thì chỉ là biểu tượng ôn lại quá khứ. Chính Chúa Giêsu là Chiên Vượt qua đích thực đã chịu sát tế. Máu người đổ ra, không chỉ giúp cho người Do Thái thoát chết khi Sứ thần đi ngang qua trong đêm Thiên Chúa giải phóng người Do Thái khỏi Ai Cập, nhưng máu Chiên Vượt Qua mới sẽ thanh tẩy toàn thể nhân loại, không phân biệt chủng tộc, văn hóa, ngôn ngữ hay bất cứ dị biệt nào.

“Hãy trỗi dậy những ai ngủ mê!”. Người Kitô hữu được mời gọi chuẩn bị tâm hồn từ đầu Mùa Chay để cử hành lễ Phục sinh. Như thế, Phục sinh không phải một ngày hội, cũng không phải một nghi thức tưởng niệm một biến cố đã lùi vào dĩ vãng xa xưa. Phục sinh là một tiến trình cải hóa bản thân, canh tân cuộc đời. Kết thúc chuỗi dài của những ngày sám hối, khổ chế, canh tân là được sống lại với Đức Giêsu trong một cuộc sống mới, chan hòa yêu thương thay chỗ cho giận ghét hận thù, đầy ắp hy vọng thay vì ảm đạm chán chường, gắn kết liên đới thay vì ích kỷ tầm thường. Người tín hữu, khi mừng lễ Phục sinh cũng được mời gọi trỗi dậy với Chúa Giêsu. Như trên đã nói, Chúa Giêsu vừa được Thiên Chúa cho sống lại, vừa tự Người trỗi dậy từ nấm mồ. Trong tiến trình nên hoàn thiện, người tín hữu luôn cậy trông vào sự nâng đỡ của Chúa, nhưng đồng thời họ cũng cộng tác phần mình bằng thiện chí cố gắng nỗ lực. Bởi lẽ, “khi Thiên Chúa dựng nên chúng ta, Người không cần đến chúng ta. Nhưng khi Thiên Chúa muốn cứu chuộc chúng ta, Người lại cần đến sự cộng tác của chúng ta” (Thánh Augustinô). Nói như thế không có nghĩa là Thiên Chúa bất lực, nhưng muốn nói lên sự tự do cộng tác của con người trong tiến trình hoàn thiện. Tình yêu không phải là điều bắt buộc, cưỡng ép, nhưng là tự nguyện chấp nhận với trái tim rộng mở chân thành. Tình yêu chỉ đạt tới viên mãn, khi có thiện chí từ hai phía, nếu không, mãi mãi chỉ là tình yêu đơn phương.

Năm nay, chúng ta mừng lễ Phục sinh trong một bối cảnh rất đặc biệt chưa có tiền lệ, do đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19). Tính đến hôm nay (11-4-2020), trên thế giới đã có khoảng 1,6 triệu người dương tính với virus Corona. Số người chết đã lên tới trên 100 ngàn người. Trên toàn thế giới, lễ nghi Tuần thánh và Phục sinh được cử hành cách đơn giản. Các tín hữu dự lễ qua trực tuyến. Tuy vậy, nếu không có những cuộc rước ồn ào, thì mỗi chúng ta lại có thể lắng đọng tâm hồn trong tĩnh lặng để suy tư và lắng nghe tiếng Chúa rõ hơn. Là những người tin vào quyền năng Thiên Chúa, chúng ta phó thác nhân loại trong cánh tay yêu thương của Ngài. Như Đức Giêsu đã trỗi dậy từ ngôi mồ tăm tối, chúng ta tin rằng Thiên Chúa sớm đẩy lùi dịch bệnh. Sớm muộn thì dịch bệnh cũng qua đi, điều còn lại sẽ là rất nhiều thay đổi trong mọi lãnh vực của cuộc sống. Có những thay đổi tích cực, nhưng cũng có những thay đổi tiêu cực. Dịch bệnh toàn cầu COVID-19 làm cho chúng ta nhận ra cuộc sống này rất mong manh nhưng thật là quý giá. Trong những ngày này, các thành viên trong gia đình liên kết gắn bó với nhau hơn. Người ta sống có trách nhiệm hơn đối với môi trường và công ích. Giữa những khó khăn đại nạn, có nhiều nghĩa cử nhân ái, đậm tính nhân văn để giúp đỡ nhau, nhất là nâng đỡ những người sa vào cảnh khó khăn vật chất trong lúc dịch bệnh. “Trỗi dậy” trong ngày lễ Phục sinh, chính là thay đổi quan niệm khô khan và buồn tẻ về cuộc sống, để cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho ta sự sống, ban cho ta gia đình và những người bạn bè để chia sẻ yêu thương. “Trỗi dậy” cũng chính là những nỗ lực cố gắng để cùng với mọi người xây dựng một xã hội nhân ái, chứa chan tình Chúa và thấm đậm tình người.

Về mục lục

CHẠY ĐẾN MỘ – CHẠY TỪ MỘ

Jorathe Nắng Tím

Người ta chạy khi có chuyện khẩn cấp, hệ trọng, bất thường vừa xẩy ra, chứ không ai chạy khi không vội vã, chạy khi không có việc cần, chạy khi còn được là “tỷ phú thời gian”.

Tin Mừng Gioan của Chúa Nhật Phục Sinh chỉ vỏn vẹn chín câu, nhưng có đến ba lần động từ “chạy” được ba nhân vật trong trình thuật thực hiện:

“Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria Mácđala đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. Bà liền chạy về gặp ông Simôn Phêrô và người môn đệ Đức Giêsu thương mến. Bà nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu”.

“Ông Phêrô và môn đệ kia liền đi ra mộ. Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phêrô và đã tới mộ trước. Ông cúi xuống, và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. Ông Simôn Phêrô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. Thật vậy, trước đó hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết” (Ga 20,1-9).

Nhân vật Maria Mácđala là người đến mộ rất sớm. Bà là người được Đức Giêsu yêu thương đặc biệt, và bà cũng yêu mến Ngài “hơn các người khác”. Chẳng thế mà bà luôn có mặt với Đức Giêsu suốt đường khổ nạn, dưới chân Thánh Giá và khi tẩm liệm, mai táng, bên cạnh thân mẫu của Ngài. Ba Tin Mừng Mátthêu (Mt 27,56.61), Máccô (Mc 15,40.47), và Gioan đều ghi nhận sự hiện diện yêu thương của bà trong những giờ phút kinh hoàng, đau thương nhất của Đức Giêsu: “Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơlôpát, cùng với bà Maria Mácđala” (Ga 19,25).

Tin Mừng cho thấy: bà là người đầu tiên ra viếng mộ, và là người đầu tiên thấy một trống. Tin Mừng Mátthêu còn kể chi tiết hơn: bà đã được gặp thiên sứ, và chính thiên sứ đã nói với bà đi gặp các môn đệ để nói cho các ông biết: “Người đã trỗi dậy từ cõi chết” (Mt 28,7). Tin Mừng Gioan còn qủa quyết: Đức Giêsu Phục Sinh đã hiện ra gặp bà, khi bà “đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc” (Ga 20,11), và bà cứ tưởng Ngài là người làm vườn, cho đến khi Ngài gọi tên bà, lúc đó bà mới nhận ra Ngài (x. Ga 20,11-18).

Sáng sớm hôm ấy bà đã lầm lũi, ngậm ngùi ra viếng mộ với cõi lòng tan nát, vì người bà yêu mến đã chết và yên nghỉ ngàn thu trong mộ. Bước chân đến mộ buồn thảm, nặng nề, lê thê lắm, chứ không hớn hở, phấn chấn như những ngày đón Thầy ghé nhà nghỉ ngơi trên đường truyền giáo.

Nhưng bất ngờ bà ra khỏi buồn thương, sầu thảm, khi ánh sáng  Phục Sinh bừng cháy, đốt nóng trái tim, và thúc bách đôi chân bà, khiến bà hối hả chạy thật nhanh, nhanh bao nhiêu có thể để báo tin Thầy đã sống lại cho các môn đệ.

Qủa thực, Tin Vui Phục Sinh vĩ đại quá đã không cho phép bà chậm trễ dù một phút; Tin Mừng “Chúa đã sống lại thật như lời Người đã hứa” vỡ oà niềm hạnh phúc vô cùng lớn lao, mà không gì có thể ngăn cản, be bờ, đã khiến đôi chân thường ngày vốn bé bỏng, yếu đuối của bà  bỗng mạnh mẽ, nhanh nhẹn, thoăn thoắt chạy đua với thời gian để Tin Mừng “Thầy đã sống lại !” được mau chóng đến với các môn đệ.

Bà vui như chưa từng vui, hạnh phúc như chưa bao giờ hạnh phúc, và Tin Vui Sống Lại như nhấc bổng bà lên cao, chắp cho bà đôi cánh, để bà bay đi rất xa, đi thật xa với Tin Vui “Chúa sống lại”, vì qủa thực, từ nay bà không còn muốn tìm kiếm gì khác, bởi niềm vui, hạnh phúc, phần thưởng lớn nhất của một đời làm người hôm nay bà đã chiếm trọn, khi mừng rỡ kể lại cho các môn đệ: “Tôi đã thấy Chúa !” (Ga 20,18).

Bên cạnh Maria Mácđala, người đàn bà đã chạy rất nhanh loan báo Tin Vui Phục Sinh cho các môn đệ, là hai ông Phêrô và Gioan. Cả hai cùng chạy ra mộ, vì nhận Tin Mừng Phục Sinh từ người đàn bà mà Đức Giêsu yêu thương đã từ mộ chạy về báo. Cả hai cúi đầu chạy “bán sống bán chết”, vì niềm vui sắp được gặp Thầy sống lại từ cõi chết trong tim chất ngất, vỡ oà.

Chính khao khát được gặp Thầy đã thúc bách các ông hối hả, vội vã chạy thật nhanh đến mộ. Vì thế mới có chuyện ông Gioan chạy nhanh hơn, đã đến mộ trước và bỏ ông Phêrô ở lại phiá sau.

Chính tình yêu hai ông dành cho Đức Giêsu đã làm cho đôi chân các ông trở nên săn chắc, bạo dạn, vững mạnh, qủa quyết phóng nhanh trên đường ra mộ với duy nhất một niềm vui đến từ hy vọng được gặp Thầy. Và niềm hy vọng đã thành sự thật, khi hai ông đã tận mắt chứng kiến cảnh tượng của người chết sống lại khi “những băng vải để ở đó, khăn che đầu được cuốn lại, xếp riêng ra một nơi” (Ga 20,6-7); khi hai ông hiểu vì nhớ lại lời Đức Giêsu cũng như Kinh Thánh đã nói: “Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết” (Ga 20,9), và niềm vui Phục Sinh tràn ngập tâm hồn khi hai ông “đã thấy và đã tin” (Ga 20,8).

Vâng, cả ba nhân vật trong trình thuật buổi sáng Phục Sinh đều chạy: Maria Mácđala đã chạy từ mộ, hai môn đệ Phêrô và Gioan đã chạy đến mộ, nhưng cả ba đều chạy do một động lực chung là đức tin, một niềm vui chung là Tin Mừng Sống Lại, một Tình Yêu chung là Đức Giêsu Phục Sinh. 

Thực vậy, đức tin luôn là động lực thúc bách, vì đức tin bao hàm tình yêu mãnh liệt dành cho một đối tượng là Đức Giêsu, và Phục Sinh luôn là tin vui vĩ đại, tin mừng vô cùng lớn lao, không gì có thể so sánh, vì đã chết mà nay sống, đã tiêu tan mà nay hiện hữu, đã không còn gì mà nay có tất cả, đã chết trên thập giá và chôn trong mồ mà nay sống lại vinh quang, khải hoàn.

Nhận được Tin Vui Phục Sinh, những con người hạnh phúc như Maria Mácđala, Phêrô và Gioan mỗi người đã chạy theo kiểu của mình, chạy theo hướng riêng được Chúa Thánh Thần hướng dẫn để loan báo “Đức Giêsu đã chết và nay đã sống lại”: Maria Mácđala chạy báo tin vui “Thầy đã sống lại” cho các môn đệ; Phêrô chạy đi loan báo Đức Giêsu, “Đấng mà nhờ danh Người mà mọi người nhận được ơn tha tội” (Cv 10,43) tại nhà ông Conêliô, người Rôma, sĩ quan đại đội trưởng thuộc cơ đội Italia ở Xêdarê (x. Cv 10,1); còn Gioan, những bước chân chan chứa niềm vui Phục Sinh đã dẫn ông vào con đường nội tâm của đức tin, để tìm kiếm “những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa…, chứ không còn chú tâm vào những gì thuộc hạ giới” (Cl 3,1-2).

Nhận Tin Vui Phục Sinh, các vị  không còn đi trên những con đường cũ, nhưng đi trên con đường mới đang mở ra, trên đó mỗi người loan báo “Đức Giêsu sống lại” theo kiểu của mình, bằng kinh nghiệm bản thân, nhờ cảm nghiệm thiêng liêng cá nhân với Đức Giêsu phục sinh.

Con đường Phục Sinh mới này rực rỡ hy vọng và vượt qua những mặc cảm tội lỗi đã chối Thầy, mặc cảm đã hèn nhát bỏ Thầy ở giờ phút đau thương, mặc cảm đã không tin Thầy sẽ sống lại… để lên đường đến muôn dân với Đức Giêsu phục sinh và Bình An của Ngài.

Nhận Tin Vui Phục Sinh, chúng ta cũng như Maria Mácđala, Phêrô và Gioan được mời gọi chạy nhanh trên đường đức tin, tình yêu và hy vọng vào Đấng đã sống lại từ cõi chết và hẹn gặp các môn đệ Ngài ở Galilê, để từ đó Tin Mừng Phục Sinh được lan toả đến các dân tộc và hết mọi thời, bởi niềm vui Phục Sinh chỉ tiếp tục tồn tại và lớn lên, sinh sôi ơn cứu rỗi cho mọi người, khi chúng ta hối hả “chạy nhanh” đến tận cùng thế giới “loan truyền Chúa chịu chết và tuyên xưng Chúa sống lại, cho tới đi Chúa đến”, như Maria Mácđala, Phêrô và Gioan đã hối hả, vội vã chạy để báo tin Chúa đã chết và đã sống lại như lời Ngài đã hứa. Alléluia!

Về mục lục

THẤY GÌ TRONG MỘ

Bông hồng nhỏ

Vừa tảng sáng, khi bầu trời vẫn còn chìm trong bóng tối, ta nhìn thấy thấp thoáng bóng dáng của một người phụ nữ. Nét mặt chị u buồn. Chị mang theo thuốc thơm để ra thăm mộ Thầy Giêsu. Đó là bà Maria Mácđala. Đêm tối không cản được bước chân của người phụ nữ đang yêu. Người Thầy chị yêu thương, kính mến và mang ơn nay đã nằm yên trong mồ. Đứng trước ngôi mộ trống, chị hốt hoảng chạy về báo tin cho ông Phêrô và người môn đệ Đức Giêsu thương mến: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu” (Ga 20,1-2).

Nghe tin, hai môn đệ liền ra mộ, cả hai người cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phêrô và đã đến mộ trước. Ông cúi xuống nhìn vào trong mộ nhưng không vào. Ông đứng ở ngoài để chờ ông Phêrô hay những gì ông đã thấy khiến ông phải dừng bước chân? Lòng ông đang hướng về điều gì? Ông muốn tìm Thầy ở đâu? Ông Phêrô theo sau cũng đến nơi, ông vào thẳng trong mộ và thấy những băng vải còn ở đó cùng với khăn che đầu Đức Giêsu, khăn này đã được cuộn lại xếp riêng ra một nơi. Bấy giờ, người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước cũng đi vào, ông đã thấy và đã tin (x. Ga 20, 4-8).

Trước ngôi mộ trống, ba người đều có một cái nhìn khác nhau. Bà Maria Mácđala không thấy thi hài của Chúa đâu, liền nghĩ ngay đến việc xác Thầy đã bị lấy trộm. Việc Thầy đã phục sinh hoàn toàn vượt quá điều bà có thể ước mong hay nghĩ tới. Còn ông Phêrô, ông đã thấy gì? Ông thấy những băng vải và khăn che đầu của Thầy vẫn còn đây. Môn đệ Gioan cũng đã thấy những gì ông thấy, nhưng cái nhìn của người môn đệ được Thầy thương tiến xa hơn, ông tin Thầy đã sống lại. Những gì đã được xếp đặt trong ngôi mộ đây đâu phải do một kẻ trộm xác để lại trong vội vàng. Bàn tay Thầy đã xếp đặt một trật tự mới nơi chính ngôi mộ này. Những băng vải và chiếc khăn che đầu vẫn còn đây, nó đã được dùng để mai táng Thầy nhưng nay nó đã hoàn tất nhiệm vụ. Thầy đã sống lại rồi. Chắc chắn, môn đệ Gioan đã chia sẻ xác tín của mình với ông Phêrô. Trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: “Theo Kinh Thánh, Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết” (x. Ga 20,9).

Chúng ta vẫn thường đứng trước ngôi mộ trống của cuộc đời mình. Hôm qua ta được thành công, hôm nay ta gặp thất bại. Trong thất bại của hôm nay, ta tìm về thành công của hôm qua và nuối tiếc. Trong thất bại, ta hụt hẫng, bàng hoàng khi vừa đánh mất một điều gì quý giá. Có những lúc, ta tìm kiếm Chúa trong nước mắt: “Chúa đang ở đâu trong những thất bại của con?”. Nhìn quanh, ta chỉ thấy một khoảng không bất tận. Không có ai ở bên để chia sẻ nỗi thất vọng đang ập tới trong lòng ta. Ngay cả căn phòng, nơi ta từng ngước lên ngắm nhìn Chúa Giêsu trên Thánh Giá, hôm nay, Thánh Giá đã bị tháo gỡ. Chúa không có ở đây rồi. Ta nấc lên tiếng nấc nghẹn ngào, nước mắt rơi lã chã, mặn đắng trên khóe môi. Có một tiếng nói trong lòng ta vang lên mạnh mẽ: “Chúa đang ở trong con”. Đã bao lần, Chúa vực ta lên từ nơi ta ngã xuống, Chúa vẫn ở ngay trong lòng ta và nâng đỡ ta trong nỗi ngặt nghèo. Đừng để thất bại và đau khổ làm mờ đi niềm tin trong ta. Tội lỗi nhiều lần làm ta ngã gục nhưng nó sẽ không bao giờ khuất phục được ta, bởi vì Chúa Giêsu Phục Sinh, Người đang ở trong ta và làm cho ta vươn mình đứng dậy. Chính Người sẽ mang lại cho tâm hồn ta niềm vui của người được cứu độ, Người sẽ lấy tinh thần quảng đại đỡ nâng ta. Đừng chỉ nhìn thất bại và khổ đau như chính nó, đừng dừng lại trên nó nhưng hãy vượt qua nó để nhìn nó trong cái nhìn của người môn đệ được Chúa thương. Hãy chú tâm nhìn vào trật tự mới trong đời ta và tìm ra ý nghĩa cho riêng mình.

Lạy Chúa Giêsu! Chúa đã phục sinh để giải thoát con khỏi quyền lực của sự chết. Xin Chúa không ngừng ban lại cho con niềm vui, niềm vui của người biết mình được Chúa thương yêu. Ngôi mộ trống là dấu chỉ việc Chúa sống lại. Xin cho con tin rằng, những thất bại và khổ đau xảy đến cho con đều mang một ý nghĩa cứu độ và bày tỏ tình thương yêu quan phòng của Chúa. Chính lúc con dám chết đi cho những ước vọng tầm thường để vươn lên đến Chúa, cũng là lúc con được Chúa cho sống lại trong tình thương vô biên. Amen.

Về mục lục

KHOẢNG TRỒNG TÂM HỒN

Anna Cỏ May

“Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để ở Người ở đâu” (Ga 20,1-2).

Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria Mácđala đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. Bà liền chạy về gặp ông Simôn Phêrô và người môn đệ Đức Giêsu thương mến. Bà nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu” (Ga 20,1-2).

Tình yêu đã làm cho bà Maria Mácđala có sự tinh tế và nhạy cảm với Thầy. Chỉ cần thấy tảng đá lăn ra khỏi mộ, bà nghĩ ngay đến việc người ta lấy xác Thầy, liền chạy về báo cho các môn đệ. Còn ông Phêrô và người môn đệ Đức Giêsu thương mến, sau khi nghe bà Maria Mácđala cho hay, cả hai cùng chạy đến mộ. Môn đệ kia chạy nhanh hơn nên đến trước, nhưng ông không vào mà chỉ đứng ở ngoài, còn ông Phêrô đến sau đã chạy thẳng vào mộ. Ông thấy những băng vải và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuộn lại, xếp riêng ra một nơi. Mội sự tươm tất và gọn gàng không giống như một vụ trộm cướp. Một người ăn trộm không dành thời gian cho việc đó. Nó chỉ tìm cách lấy cái nó muốn sao cho thật nhanh nhất có thể. Môn đệ kia đến sau cũng vào. Ông đã thấy và đã tin. Trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: “Theo Kinh Thánh, Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết” (x. Ga 20,9).

Hai môn đệ đã tin việc Thầy sống lại nhưng trong lòng họ vẫn mang một sự bối rối. Họ bối rồi vì họ đang buồn phiền vì Thầy đã qua đời, họ đang thấy hồn mình trống vắng Thầy, sự trống vắng ở bên ngoài và cả trong tâm hồn. Nếu xác Thầy còn ở đó, họ vẫn đến thăm và còn lưu luyến về Thầy. Giờ đây, xác Thầy không còn nữa, lòng họ cảm thấy mất Thầy thật rồi, khoảng trống càng trống thêm. Mất Thầy, cuộc sống của các ông dường như trống vắng quá. Nhưng Chúa không để tâm hồn các ông trống vắng quá lâu mà đã kịp thời lấp đầy khi Ngài đến với các ông sau khi được Phục sinh trong căn phòng mà các ông đang đóng kín cửa và nói: “Bình an cho anh em” (x.Ga 20,19).

Cũng như bà Maria Mácđala và các môn đệ xưa, hôm nay chúng ta cũng sống trong tâm tình trống vắng Thầy trong thế gian. Ngài hiện diện ở đó mà mắt thường chúng ta không thấy được. Hãy mở con mắt đức tin để đón tiếp Ngài để Ngài đến lấp đầy khoảng trống trong tâm hồn mỗi chúng ta. Ngài là bến bình an, là Đấng sẽ giải thoát và đem lại sự sống cho những ai có lòng tin tưởng phó thác cuộc đời cho Ngài.

Lạy Chúa! Chúng con cảm tạ Chúa đã sống lại để niềm tin chúng con thêm vững mạnh và làm cho chúng con được thông dự vào sự sống lại đời sau. Nguyện xin Chúa đoái thương nhìn đến chúng con trong ngày hôm nay và cho chúng con luôn vững tin vào Ngài. Amen.

Về mục lục

PHỤC SINH VÀ ƠN BIẾN ĐỔI

Lm.Giuse Đỗ Đức Trí

Một số người bị nhiễm Virus Vũ Hán, được các bác sĩ Việt Nam tận tình chăm sóc và đã được được phục hồi, khi trở về nước họ đã có những lá thư gửi đến các y bác sĩ để cảm ơn với những cảm nhận đặc biệt. Có nhưng người nói rằng: Tôi có cảm giác như được sống lại; Cảm ơn các bác sĩ đã cho tôi một cuộc sống mới; Cảm ơn vì đã cho tôi được sống lần thứ hai… Đặc điểm chung của các bệnh nhân khi mắc bệnh đều hoang mang hốt hoảng. Nhiều người rơi vào chán nản tuyệt vọng vì chưa có thuốc đặc trị. Những người được khỏi, vượt qua được cơn dịch bệnh này họ cảm thấy như thoát chết, được đón nhận một cuộc sống mới. Đối với họ, cuộc sống mới sau cơn dịch sẽ ý nghĩa hơn, họ quyết tâm sẽ sống khác hơn, sẽ làm gì đó cho công đồng nhiều hơn là chỉ nghĩ đến bản thân. Có thể nói các bệnh nhân được bình phục sau đại dịch phần nào đã cảm nhận được niềm vui và sự biến đổi của cuộc “phục sinh”.

Thưa quý OBACE, chỉ khi đã từng đối diện với cuộc sinh tử, người ta mới thấy cuộc sống là quý giá, không thể đánh đổi bằng bất cứ thứ gì; chỉ khi rơi xuống tận đáy của đau khổ, tuyệt vọng trước sự mất mát, chia ly, thì khi gặp lại, họ mới cảm nhận được niềm vui, thấy sự quý giá của tình thân, của những lúc còn hiện diện bên nhau. Các bài đọc lễ Phục Sinh hôm nay cũng diễn tả niềm vui ngập tràn nơi các môn đệ của Chúa Giêsu sau những ngày sống trong đau khổ, sợ hãi, bị dày vò bởi cái chết của Thầy. Họ đã hoàn toàn được biến đổi nên những con người mới, con người sống trong niềm vui Chúa đã phục sinh.

Các sách Tin Mừng vào lễ đêm qua nhắc đến các phụ nữ như những con người đầu tiên đón nhận tin vui Chúa phục sinh và các bà đã được biến đổi hoàn toàn. Hôm nay, Thánh Gioan kể lại tin mừng phục sinh đã lan toả từ các phụ nữ đến các tông đồ. Theo thánh Marco, lúc đầu khi nghe các phụ nữ báo tin Chúa phục sinh, các tông đồ coi như chuyện vớ vẩn, không thể tin. Hôm nay thánh Gioan cho thấy tin vui Chúa phục sinh đã lay động tâm hồn cứng cỏi của các tông đồ và biến đổi các ông. Vào sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần lúc trời còn tối, bà Maria Madalena ra thăm mộ, bà thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ. Bà liền chạy về gặp ông Simon Phêrô và người môn đệ Chúa yêu mà nói: Người ta đã đem xác Chúa đi khỏi mộ và chúng tôi không biết họ để Người ở đâu. Chi tiết này cho thấy rằng, màu nhiệm Chúa phục sinh là màu nhiệm của đức tin, vượt quá sức tưởng tượng của con người. Bà Madalena khi đối diện với màu nhiệm này thì không dễ chấp nhận, bà chỉ nghĩ một điều là có ai đó đã lấy mất xác của Chúa. Có một chi tiết quan trong mà Tin Mừng muốn nhấn mạnh cho chúng ta thấy: Khi gặp khó khăn trong đức tin, bà Madalena đã không đi tìm câu trả lời ở bất cứ nơi đâu khác, nhưng bà đã chạy về gặp Simon Phêrô để trình bày suy nghĩ của mình. Bà chạy về với simon, có nghĩa là bà chạy về với Giáo Hội để được nghe tiếng nói chính thức của Giáo Hội giải gỡ những khó khăn cho bà.

Lúc đó các tông đồ đang tụ tập với nhau vì sợ người Do Thái. Khi được báo tin thì Simon Phêrô và Người môn đệ được Chúa yêu chạy ra mộ. Người môn đệ kia dù đã tới trước, nhưng với lòng kính trọng dành cho Vị Thủ lãnh, ông đã nhường cho Simon vào mộ trước. Thánh Gioan kể tiếp: Ông Simon Phêrô đến nơi và vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để chung với những băng vải, nhưng cuộn lại xếp riêng ra một nơi. Mặc dù không nhắc cách rõ ràng, nhưng Gioan cho thấy, khi nhìn những dấu chứng Chúa Giêsu đã để lại, khi tận mắt thấy các băng vải, tận tay chạm vào các tấm khăn đã được xếp gọn, Simon Phêrô đã tin cách chắc chắn Chúa đã sống lại. Điều này cũng cho thấy Simon Phêrô tức là Giáo Hội là nhân chứng đầu tiên về màu nhiệm Chúa phục sinh và lời chứng của Giáo Hội là lời chứng đáng tin nhất, không thể sai lầm.

Gioan cũng chia sẻ về kinh nghiệm đức tin của riêng ông khi khéo léo kể lại: Người môn đệ kia tới trước, ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. Chỉ sau khi Simon Phêrô đã vào trước, lúc đó người môn đệ kia mới bước vào mộ: Ông đã thấy và đã tin. Cách tiếp cận của tông đồ Chúa yêu với màu nhiệm này trước hết là sự cung kính cúi xuống trước ngôi mộ trống và những băng vải gấp gọn. Thái độ cúi xuống là thái độ khiêm nhường để lắng nghe và cúng kính đón nhận một màu nhiệm vượt quá kinh nghiệm thông thường. Mặc dù ông đến mộ trước và cũng có thể ông đã đạt đến niềm tin phục sinh trước Simon, nhưng ông vẫn cúi đầu để nhường bước và nhường chỗ cho tiếng nói và sự quyết định của Giáo Hội về Màu nhiệm này. Vì thế, Ông đã theo sau Simon để bước vào mộ. Ông đã thấy và đã tin. Ông tin những gì Giáo Hội thấy và tin những gì Giáo Hội dạy.

Thánh Gioan cũng cho thấy một lý do quan trong để mọi người có thể đón nhận niềm tin Chúa đã sống lại đó là phải dựa vào Kinh Thánh. Vì chính các tông đồ đã quên rằng: Theo Kinh Thánh, thì Đức Giêsu phải sống lại từ cõi chết. Khi nhắc lại điểm này, Thánh Gioan muốn nói cho các thế hệ tín hữu sau các tông đồ và cho chúng ta nhớ rằng chính kinh Thánh đã nói trước về việc Đức Giêsu phải sống lại từ cõi chết. Vì thế khi chúng ta siêng đọc và suy gẫm lời Kinh Thánh, chúng ta sẽ đón nhận được đức tin về màu nhiệm Chúa Phục sinh. Kinh Thánh là chứng lý quan trọng nhất cho chúng ta về việc Chúa đã sống lại từ cõi chết. Những ai siêng đọc Kinh thánh sẽ được cũng cố đức tin và sẽ không bao giờ phải lăn tăn hoặc nghi ngờ về màu nhiệm này.

Simon Phhêrô đã trở thành một nhân chứng nổi bất về màu nhiệm Chúa phục sinh, được sách Công vụ Tông đồ ghi lại. Từ một người thuyền chài đơn sơ chất phác, nay Simon trở nên người thông thái uyên bác, từ một người nhút nhát sợ hãi trước cuộc tử nạn của Chúa, nay ông mạnh mẻ làm chứng Chúa đã sống lại. Simon Phêrô còn thể hiện xuất sắc và có trách nhiệm trong vai trò làm thủ lãnh trong Giáo Hội, là cột trụ trong đức tin cho anh anh em và cho các tin hữu. Câu chuyện sách Công Vụ kể lại hôm nay tại nhà ông Cornêliô, Phêrô đã tự tin hiên ngang làm chứng về Chúa Giêsu. Ông đã kể lại cho mọi người về con người và sứ vụ của Chúa Giêsu và những việc lạ lùng Người đã thực hiện. Ông mạnh dạn nhắc đến cái chết thập giá của Chúa Giêsu mà người Do Thái đã gây ra cho Người. Phêrô quả quyết dầu đã bị giết, nhưng Chúa Giêsu đã sống lại và các tông đồ là các nhân chứng. Chính các ông đã được trò chuyện, ăn uống với Người khi Người từ cõi chết sống lại. Nay ông làm chứng cho mọi người rằng: Chính Đức Giêsu là Đấng được Thiên Chúa đặt làm thẩm phán xét xứ kẻ sống và kẻ chết. Ai tin vào Người, thì nhờ danh Người mà được ơn tha tội.

Thưa anh em, chúng ta đã được chỗi dậy với Đức Kitô để sống một cuộc sống mới. Vì thế, hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới. Đó là điều Thánh Phaolô trong thư Colôsê đã nói, nhờ ơn của Bí Tich rửa Tội, chúng ta đã thực cùng chết với Chúa Kitô và cùng sống lại với Người. Vì thế chúng ta không thể để mình sống và cư xử như những người thuộc về hạ giới nữa, nhưng phải sống cao thượng và hướng thượng xứng đáng là những con người thuộc về Chúa Kitô.

Trong đại dịch Corona đang diễn ra, người ta thấy khi đối diện với chuyện sinh tử, nhiều người đã bộc lộ cách sống hoàn toàn theo bản năng thuộc hạ giới. Nó thể hiện qua sự ích kỷ, cố gắng giành giật thật nhiều về cho mình mà không nghĩ đến người khác, thể hiện qua việc tích trữ gạo, mì giấy vệ sinh; người khác lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ nâng giá khẩu trang; người khác thu gom khẩu trang đã qua sử dụng về bán lại cho người tiêu dùng. Nhiều người tuy khá giả nhưng vẫn chen lấn để giành quà của người nghèo. Nhiều người nhìn những người nhiễm bệnh như những con dịch phải xa tránh, họ không tíếc lời chửi rủa những người mang mầm bệnh lây cho người khác… Những hành động đó thể hiện lối sống theo bản năng thấp hèn nơi con người.

Chúng ta cũng thuộc về hạ giới khi chúng ta để mình bị lôi kéo theo lối sống của người đời, khi chỉ biết cắm đầu vào tìm kiếm công danh, vật chất, hưởng thụ mà không tìm kiếm đời sống đạo đức và nước trời. Chúng ta không thể trở nên chứng nhân cho màu nhiệm phục sinh nếu chúng ta không chấp nhận sự biến đổi; nếu không từ bỏ con người cũ, từ bỏ những đam mê xấu, những bê tha rượu che cờ bạc, để vươn lên sống tốt lành thánh thiện trước mặt Chúa và mọi người. Tuyên xưng Màu nhiệm phục sinh còn phải chấp nhận thay đổi nếp sống cũ của gia đình, để tạo nên nếp sống mới, vui tươi, hoà thuận, êm ấm hơn.

Xin Chúa giúp chúng ta tin tưởng suy gẫm lời Kinh Thánh mỗi ngày và khiêm nhường lắng nghe sự chỉ dạy của Giáo Hội để được hướng dẫn và lớn lên trong đời sống đức tin và sống tốt ơn gọi Kitô hữu của mình. Amen.

Về mục lục

TÁI NGỘ

Trầm Thiên Thu

Quá Khứ Đau Thương Không Còn Nữa

Hôm Nay Hạnh Phúc Mãi Vĩnh Tồn

Hẹn gặp lại, hẹn tái ngộ – See you again. Đó là ước muốn của chúng ta khi chia tay người khác, đặc biệt là người thân. Đối với Công giáo, tín nhân cũng hẹn gặp lại người quá cố trên Nước Trời. Chúa Giêsu cũng hẹn gặp lại chúng ta ở đó, Ngài đi trước để dọn chỗ cho chúng ta. (x. Ga 14:2-3) Rõ ràng nhất là Ngài đã gặp lại Maria Mácđala và các môn đệ sau khi Ngài phục sinh. Đó là sự thật minh nhiên, mặc dù có những kẻ xấu phao tin đồn nhảm nhí vì không muốn người khác biết Chúa Giêsu sống lại. Vô ích!

Ai cũng biết rằng mỗi người chỉ có một cuộc sống, tức là chỉ sống một lần và chết một lần, không ai có thể sống lại, cũng chưa có ai trải nghiệm như vậy. Chắc chắn có sự sống lại nhưng không ai thấy xảy ra. Chỉ có Thánh sử Luca kể lại trường hợp của Ladarô, (x. Ga 11:1-44) và con trai bà góa thành Nain. (Lc 7:11-17) Nhưng cả hai người đó cũng chỉ sống lại tạm thời mà thôi, rồi họ lại chết. Sự sống lại trong ngày cánh chung mới là sự sống vĩnh viễn.

Tuy nhiên, sự sống lại đã xảy ra thực sự đối với Đức Kitô. Ngài bị đóng đinh vào Thập Giá, đã chết và đã sống lại. Nếu Đức Kitô không sống lại, niềm tin của chúng ta chỉ là hoang đường. Nhưng Đức Kitô đã thực sự sống lại, như vậy đức tin của chúng ta đã được “đóng ấn tín đời đời.” Điều đó đã được Thánh Phaolô minh chứng chi tiết. (x. 1 Cr 15:12-28)

Chúng ta chỉ là những con người bình thường, thế thì ai cũng có nỗi nhớ – nỗi nhớ vô tính. Nhưng người ta thường nói là nỗi nhớ đàn bà chứ không nói nỗi nhớ đàn ông. Có phải vì phụ nữ có “khoảng nhớ” lớn hơn nam giới chăng? Theo khoa học, chỉ có MỘT bộ óc nhưng có HAI bán cầu não. Phụ nữ “nói nhiều” hơn nam giới vì họ sử dụng cả hai bán cầu não một lượt, còn nam giới chỉ sử dụng một bán cầu não. Nếu xét như vậy thì cũng có phần đúng khi gọi là nỗi nhớ đàn bà, nghĩa là “khoảng nhớ” của phụ nữ lớn hơn nam giới. Trong tình trường bình thường, khi bị phụ tình, nỗi nhớ ở phụ nữ vẫn dai dẳng hơn ở nam giới. Khoa học cũng không có gì trái ngược với đức tin Công giáo. Và phụ nữ cũng được Thiên Chúa ưu đãi nhiều điều lắm – cả ngoại tại và nội tại.

Nếu xét chung về con người thì khác, bởi vì Thánh Phêrô xác nhận: “Quả thật, tôi biết rõ Thiên Chúa không thiên vị người nào.” (Cv 10:34) Điều này vừa đáng mừng vừa đáng lo. Thật “đáng mừng” vì chúng ta không sợ bị thua thiệt, bởi vì Thiên Chúa công bình, chính trực. Thế nhưng lại “đáng lo” nếu chúng ta ảo tưởng mà tự nhận mình “ngon” hơn người khác – về bất cứ lĩnh vực gì.

Đề cập biến cố đã xảy ra tại Giuđê, bắt đầu từ miền Galilê, sau phép rửa mà ông Gioan rao giảng, Thánh Phêrô nói lai lịch về Đức Giêsu xuất thân từ Nadarét, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Ngài. Đi tới đâu là Ngài thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Ngài. Phêrô hôm nay khác hẳn Phêrô hôm qua, ông đã “lột xác” thực sự.

Và tất cả các tông đồ cũng biến đổi, can đảm làm chứng về mọi việc Đức Giêsu đã làm trong vùng dân Do Thái và tại Giêrusalem: “Họ đã treo Người lên cây gỗ mà giết đi. Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường, không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại. Người truyền cho chúng tôi phải rao giảng cho dân, và long trọng làm chứng rằng chính Người là Đấng Thiên Chúa đặt làm thẩm phán, để xét xử kẻ sống và kẻ chết. Tất cả các ngôn sứ đều làm chứng về Người và nói rằng phàm ai tin vào Người thì sẽ nhờ danh Người mà được ơn tha tội.” (Cv 10:39-43) Ngày nay cũng vậy, những người thực sự tin vào Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết và đã sống lại, cũng hoàn toàn có cách sống mới.

Sự thật minh nhiên là Đức Kitô đã sống lại, và chắc chắn chúng ta cũng sẽ được sống lại như Ngài, một ân huệ quá lớn, vì thế chúng ta phải “tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.” (Tv 118:1) Bởi vì chính “tay hữu Chúa đã ra oai thần lực, tay hữu Chúa giơ cao, tay hữu Chúa đã ra oai thần lực” nên tử thần đã chiến bại ê chề, mất khả năng hoành hành như trước. Do đó, Thánh Vịnh gia hân hoan chia sẻ: “Tôi không phải chết, nhưng tôi sẽ sống, để loan báo những công việc Chúa làm.” (Tv 118:17) Sự kỳ diệu không ngừng nối tiếp nhau: “Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.” (Tv 118:22-23) Chỉ có Thiên Chúa mới khả thi những điều như vậy. Thật là hạnh phúc khi chúng ta có niềm tin vào Đức Giêsu Kitô và xác tín Ngài là Đấng Cứu Độ duy nhất.

Như để nhắc nhở, Thánh Phaolô xác định: “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới.” (Cl 3:1-2) Thật vậy, Đức Kitô là nguồn sống của chúng ta, Ngài xuất hiện thì chúng ta cũng được xuất hiện với Ngài và cùng Ngài hưởng phúc vinh quang. (Cl 3:3-4) Đó là “đòn bẩy” và là động lực để chúng ta kiên trì vượt qua cuộc lữ hành trần gian này.

Rồi Thánh Phaolô còn cho biết thêm: “Đức Kitô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta. Vì thế, chúng ta đừng lấy men cũ, là lòng gian tà và độc ác, nhưng hãy lấy bánh không men, là lòng tinh tuyền và chân thật, mà ăn mừng đại lễ.” (1 Cr 5:7-8) Tất cả đều biến đổi hoàn toàn, điều đó có thể là được biến đổi hoặc tự cố gắng biến đổi, gọi là “tự cố gắng” nhưng tất cả đều nhờ hồng ân của Thiên Chúa.

Rất ngắn gọn với trình thuật Ga 20:1-9 của tông đồ trẻ Gioan: Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria Mácđala đi đến mộ và thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. Bà liền chạy về gặp người “tổ trưởng” Phêrô và người môn đệ được Đức Giêsu thương mến – tức là chàng trai trẻ Gioan, cũng là người đã được tựa đầu vào ngực và nghe “nhịp tình thổn thức” của Thầy Giêsu tại buổi Dạ Tiệc Vượt Qua trong đêm Thứ Năm Tuần Thánh.

Lo lắng và bối rối, bà Maria Mácđala nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.” Thật tội nghiệp, chắc hẳn bà buồn lắm, và bà thấy nhớ Thầy Giêsu da diết. Các môn đệ nghe nói vậy cũng cảm thấy hoang mang. Bởi vì lúc này, “vụ án Chúa Giêsu” vẫn còn gây chấn động mạnh, chưa thể nào lắng xuống, ai cũng sợ người Do Thái khủng bố và áp bức, thế nên chẳng ai dám đi lại nhiều, có ở nhà thì cũng đóng cửa kín mít, đi đâu thì phải mắt trước mắt sau, đi như chạy, vội vàng như bị ma đuổi. Ai cũng lo sợ!

Thấy cảnh đó, cảm giác của chúng ta trong lúc này cũng tương tự, ai cũng tự cách ly vì quan ngại “nàng” Vũ Hán lắm. Mắt không ngó trước ngó sau mà cứ lặng lẽ đi mau, về nhanh. Nỗi lo sợ của chúng ta ngày nay đối với “cô Vy li ti” kia còn dữ dội hơn nỗi lo sợ của các môn đệ ngày xưa đối với người Do Thái. Khổ thật!

Hôm đó, sau khi nghe bà Maria Mácđala nói, ông Phêrô và Gioan liền đi ra mộ xem sự thể ra sao. Cả hai người cùng chạy, nhưng Gioan còn trẻ nên chạy mau hơn ông Phêrô và đã tới mộ trước. Ông Gioan cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào, đợi cho Phêrô đến nơi và vào trước, vì “kính lão đắc thọ” theo đúng phép lịch sự.

Vừa chạy tới nơi, ông Phêrô vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Rồi Gioan cũng đi vào, ông đã thấy và đã tin. Lúc này hai người tin thật rồi, chứ không bán tín bán nghi như trước đó. Và họ đã hiểu rằng Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết theo như Kinh Thánh đã nói. Thế thì thật tuyệt!

Thế là hai năm rõ mười, mọi điều tỏ tường, ai cũng hân hoan vô cùng, và cũng không còn cảm giác sợ hãi nữa. Bất ngờ cả hai đều có sức mạnh. Chính Đức Kitô Phục Sinh đã biến đổi họ, từ con người nhút nhát thành can đảm, từ con người yếu đuối thành mạnh mẽ, ngay cả các phụ nữ cũng biến thành những chứng nhân sống động của Đức Giêsu Kitô Phục Sinh. Có thể là phụ nữ “vội vàng” một chút, mặc dù “sâu sắc như cơi đựng trầu,” nhưng họ vẫn có những điều khiến chúng ta phải học hỏi, nhất là đối với nam giới.

Có điều kỳ lạ: Hai hành động THẤY và TIN, một của thể lý và một của tinh thần, nhưng vẫn liên kết với nhau. Có người thấy mà không tin thì cũng vô ích. Ai thấy và tin thì mới quan trọng, đáng nói. Giữa hai hành động đó có sự biến đổi mau chóng, thực sự là điều kỳ diệu. Đức tin vẫn cần có lý trí để không ảo tưởng hoặc cuồng tín.

Trong cơn đại dịch hiện nay, người ta dễ hoang tưởng và cuồng tín. Mỗi tín nhân đừng lầm tưởng hoặc bắt buộc Thiên Chúa, Đức Mẹ, các thánh – như Thánh Rôcô và Thánh Corona – trở thành “bùa hộ mạng” cho mình. Kiểu đó là đức tin còn ấu trĩ hoặc không là đức tin, mà chỉ là cuồng tín – cuồng tín là phi tôn giáo.

Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin tỏa ánh sáng phục sinh trên thế giới để tất cả được biến đổi mau chóng khi thấy những điều kỳ diệu mà Ngài vẫn không ngừng thực hiện trong cuộc sống này, xin giúp chúng con biết làm chứng về Đức Kitô Tử Nạn và Phục Sinh, nhất là trong hoàn cảnh đại dịch này. Xin cho chúng con được tái ngộ trên Thiên Quốc. Chúng con cầu xin nhân danh Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

Về mục lục

PHỤC SINH VỚI CHÚA

 Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

Người ta nói “chết là một phần tất yếu của cuộc sống” . Cái chết không loại trừ bất cứ ai. Từ đông sang tây không một ai hiện hữu mà không một lần phải đối diện với cái chết, dù đó có là Tần Thủy Hoàng hay Alexsander Đại đế. Tài giỏi. Quyền uy. Tất cả cũng đi vào dĩ vãng của dòng đời, đôi khi chẳng để lại cho đời một chút luyến tiếc, nhớ thương.

Sinh lão bệnh tử là quy luật lẽ thường của đời người. Con người từ khi sinh ra đã tập chia tay. Chia tay từng tuổi đời để tiến đến tuổi trưởng thành hơn hay già đi và chết đi. Chia tay những con người đang sống với chúng ta trong thời gian ngắn, dài hay vĩnh viễn. Và trong số họ cũng có không ít người là thân nhân, là bạn bè của chúng ta.

Một điều mà nhân loại vẫn thao thức qua qua mọi thời đại là chết rồi đi đâu? Mặc dù cũng có rất nhiều câu chuyện được kể từ những người chết rồi bất thần sống lại. Mỗi người kể mỗi khác về những gì họ thấy được trong thời gian chết ấy. Cõi chết mà họ bước vào như thế nào? Phong cảnh, sự vật, màu sắc, âm thanh thế nào? Nơi ấy con người ra sao? Sinh vật nào hiện diện và sự sinh hoạt nơi ấy diễn ra có giống với thế giới mà ta gọi là dương thế hay dương gian hay không?

Tuy nhiên, cho đến nay, những tường thuật của những người đã chết sống lại kể ra thì chẳng mấy ai chịu tin nhất là trong thời đại văn minh này. Vì nó vẫn vượt lên trên sự suy nghĩ của con người. Có lẽ con người sẽ không bao giờ lý giải được về cái chết. Cái chết vẫn là ẩn số mà các nhà khoa học không bao giờ tìm được câu trả lời thỏa đáng.

Người ky-tô hữu chúng ta chỉ biết được cái chết một cách trọn vẹn trong ánh sáng Phục Sinh của Chúa Ky-tô. Sự sống lại của Chúa là lời mạc khải về sự sống đời sau. Cái chết là hậu quả của tội lỗi con người như thánh Phao-lô đã quả quyết: “Vì một người mà tội lỗi đã vào thế gian, và tội lỗi gây nên sự chết, như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì một người đã phạm tội” (Rm 5, 12). Thế nhưng, sự sống lại trường sinh lại là hồng phúc mà Thiên Chúa ban cho nhân loại qua cái chết của Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa.

Theo Thánh Kinh, Thiên Chúa không tạo dựng con người để chết mà là để sống, cho dù tội lỗi có phá hủy chương trình của Chúa thì Ngài cũng tìm mọi cách để khôi phục lại sự sống đời đời cho con người. Đức Ky-tô khi xuống thế làm người đã phục hồi lại những gì đã tan vỡ. Chính Ngài đã lãnh lấy sự chết loài người và đã chiến thắng sự chết bằng sự phục sinh. Qua sự phục sinh của Ngài đã khai mở một mùa xuân hy vọng cho con người nếu cùng chịu chết với Người thì cũng sẽ được sống lại với Người.

Sự phục sinh của Chúa Giê-su được Phúc Âm ghi lại qua những lần Chúa hiện ra với các môn đệ, với những người thân tín của Chúa. Sự Phục sinh của Chúa còn được ghi dấu ấn qua ngôi mộ trống. Một nơi đã chôn cất xác Chúa nhưng ngày thứ ba dù quân lính canh gác, dù tảng đá nặng trĩu vẫn không còn xác Chúa. Nơi nấm mồ ấy không còn là dấu chỉ sự chết mà là dấu chỉ của sự sống. Vì Chúa đã sống lại và ra khỏi mồ.

Sự Phục sinh của Chúa cho chúng ta một niềm vui mừng và hy vọng cho kiếp người chúng ta. Kiếp người chúng ta không có tận cùng. Kiếp người chúng ta sẽ được sống mãi trong sự sung mãn của Chúa. Cái chết chỉ là một chuyển tiếp để được sống mãi bên Chúa nếu chúng ta cùng chết với Đức Ky-tô.

Cùng chết với Đức Ky-tô nghĩa là cùng chết đi con người cũ với những tính hư nết xấu để sống lại con người mới là con cái Thiên Chúa. Con người cũng phải chôn đi những tính xác thịt yếu đuối để từ khước những danh lợi thú mau qua. Nhất là con người cũng phải biết chết đi ý riêng của mình để ý Chúa được thục hiện trong cuộc đời chúng ta. Ý Chúa vẫn là tiếng mời gọi làm việc lành tránh điều dữ. Ý Chúa vẫn mời gọi chúng ta sống có ích cho tha nhân qua tinh thần bác ái, dấn thân phục vụ.

Ước gì đời sống ky-tô hữu chúng ta luôn biết chết đi con người cũ để được sống lại với Chúa trong vinh quang phục sinh. Xin cho chúng ta đừng vì những đam mê lầm lạc mà đánh mất Nước Trời mai sau. Amen

Về mục lục

 


ĐÓN NHẬN TIN VUI PHỤC SINH

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí, GP.Xuân Lộc

Chúng ta đang cùng với Giáo Hội long trọng cử hành mầu nhiệm Chúa Phục Sinh, là một trong những mầu nhiệm cốt lõi của đức tin Kitô Giáo. Tuy nhiên, đối với nhiều người, thì việc Chúa sống lại từ cõi chết vẫn là điều khó chấp nhận, dù trong cuộc sống họ cũng đã nghe có những người hồi sinh. Còn đối với người Kitô hữu, để đón nhận được mầu nhiệm lớn lao này, cần phải có sự trợ giúp đặc biệt của ơn Chúa, và thái độ khiêm nhường đón nhận của mỗi người. Đó là điều mà tác giả Tin Mừng Gioan đã kinh nghiệm và đã kể lại cho chúng ta.

Mặc dù khi còn ở với các tông đồ, Chúa Giêsu đã nói trước nhiều lần về việc Người bị bắt, bị giết và sẽ chỗi dậy vào ngày thứ ba, nhưng khi sự kiện xảy ra thì hầu như các tông đồ không hề nhớ gì đến những điều Chúa đã nói, và bởi vì chứng kiến cái chết kinh hoàng của Chúa, và sự xôn xao của thành Giêrusalem về cái chết của thầy Giêsu, khiến các tông đồ vô cùng hoảng loạn, sợ hãi, bóng tối của sợ hãi bao trùm cuộc sống, khiến cho các tông đồ dường như tê liệt. Câu chuyện cho thấy hai nhóm người đầu tiên được chứng kiến ngôi mộ trống thì họ đã có những phản ứng khác nhau.

Trước hết là nhóm các phụ nữ – Thánh Gioan nhấn mạnh chi tiết : “Vào sáng sớm khi trời còn tối, bà Maria Madala đi đến mộ thì thấy tảng đá đã bị lăn ra khỏi mồ”. Lúc này trời còn tối. Trời tối, không chỉ tối về không gian, mà bầu trời trong tâm hồn của các phụ nữ này cũng đang bị màn tối che phủ, đó là sự tối tăm của sợ hãi, các bà không còn chút hy vọng, các bà chỉ tìm kiếm một Đức Giêsu đã chết và cần được tẩm liệm theo đúng tập tục. Chính vì thế, khi thấy ngôi mồ trống, các bà đã không thể nghĩ được gì khác hơn, không thể nhớ lời Chúa Giêsu đã nói về việc phục sinh của Người, các bà chạy về báo tin cho các môn đệ : “Người ta đã lấy mất xác Chúa khỏi mộ rồi và chúng tôi không biết họ để Người ở đâu”.

Nhóm thứ hai chạy ra mộ, đó là Phêrô và Gioan. Tại sao trước một tin “động trời” như thế mà chỉ có hai ông này đứng dậy chạy ra mộ ? Chắc hẳn cũng không hơn gì các phụ nữ, các tông đồ khác đang bị cái chết của Chúa ám ảnh khiến các ông còn sống mà như đã chết, không thể di chuyển được nữa, nên chỉ có hai ông Phêrô – người môn đệ yêu Chúa nhất, và Gioan – người môn đệ được Chúa yêu nhất chạy ra mộ. Chính tình yêu đã thúc đẩy hai ông trỗi dậy, và cũng chính tình yêu đã đưa hai ông chạy đến ngôi mộ, và đã tin vào mầu nhiệm Phục sinh của Chúa khi thấy những dấu vết còn lại. Gioan đã đến trước, ông không chỉ đến trước tính theo thời gian, mà ông còn đến trước trong đức tin khi “ông cúi xuống để nhìn vào mộ, ông thấy những băng vải còn ở đó”. Ông đã cúi đầu trước mầu nhiệm tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa, vì đức tin không thể được ban cho những người đứng thẳng trong cao ngạo, mà cần phải có một thái độ khiêm tốn đón nhận, và cúi đầu trước quyền năng của Thiên Chúa.

Gioan đã không bước vào mộ trước, ông đã chờ đợi Phêrô đến, và ông theo sau Phêrô để bước vào khám phá ngôi mộ trống. Thái độ này của Gioan cho thấy sự tôn trọng của ông dành cho Phêrô là anh cả của các tông đồ, và là thủ lãnh Giáo Hội, là người có tiếng nói chung cuộc. Vì thế, trong mầu nhiệm Phục Sinh, thái độ cần có đó là bước theo Phêrô, tức là bước theo sự hướng dẫn của Giáo Hội. Phêrô đã bước vào, đã thấy những băng vải được xếp gọn gàng, khăn che đầu được gấp lại và để riêng một chỗ. Cả hai ông thấy những dấu vết này thì các ông đã tin không chút nghi ngờ : Chúa đã sống lại thật rồi.

Tác giả Tin Mừng cho thấy, sở dĩ hai ông và các tông đồ khác rơi vào hoảng loạn sợ hãi trước cái chết của Chúa, là bởi vì các ông đã chưa tin vào lời Kinh Thánh, vì theo Kinh Thánh, Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết. Như thế, để đón nhận được Tin Mừng Phục Sinh thì điều hết sức quan trọng đó là phải tin vào Kinh Thánh, vì Kinh Thánh đã nói về Chúa Giêsu chính là Thiên Chúa, và nói về cái chết cùng sự phục sinh của Người. Tin vào Kinh Thánh là tin vào Đức Giêsu và những lời giảng dạy của Người, cùng thực hành những huấn lệnh của Người, thì chúng ta cũng sẽ dễ dàng đón nhận được tin vui phục sinh của Người.

Chính vì đã có một cảm nghiệm sâu xa về biến cố phục sinh và tin tưởng một cách mạnh mẽ, chắc chắn vào lời Kinh Thánh cùng những lời chứng của Giáo Hội, mà các tông đồ đã là những con người đầu tiên được biến đổi để trở thành những người làm chứng về Chúa Giêsu phục sinh. Sách Công Vụ Tông Đồ là cuốn sách thuật lại các hoạt động của các tông đồ, đặc biệt là của Phêrô, cho thấy chính niềm tin vào Chúa Phục Sinh đã là sức mạnh thúc đẩy các ông miệt mài rao giảng cho mọi người về Chúa Giêsu, và sự phục sinh của Người. Với các tông đồ lúc này, các ông đã đi đến một xác tín mạnh mẽ : Đức Giêsu, Đấng mà các ông đã cùng sống, cùng ăn, cùng ngủ, cùng đồng bàn, chính là Thiên Chúa, là Đấng mà Thiên Chúa đã hứa từ ngàn xưa, đã chết nay đã sống lại và đang sống.

Trong bài giảng tại nhà ông Cornêliô, chúng ta có thể thấy một Phêrô hoàn toàn khác, không phải là một Phêrô nhát sợ chối Thầy ba lần như hôm trước nữa, mà là một Phêrô mạnh mẽ hiên ngang, mạnh dạn nói về Đức Giêsu “Đấng đã đến thế gian, đã rao giảng Tin Mừng, đã bị người Do Thái bắt và giết chết, nhưng ngày thứ ba Người đã sống lại và hiện ra trước mặt những người mà Người đã tuyển chọn”, và hôm nay Phêrô đã làm chứng : “Chúng tôi đã được ăn uống với Người sau khi Người từ cõi chết sống lại”, và chính Người đã truyền cho các ông phải ra đi để làm chứng cho mọi người biết điều này. Sở dĩ có sự thay đổi lạ lùng này nơi các tông đồ là nhờ chính Đấng Phục Sinh. Khi đã nhận biết và tin vào Người thì Người sẽ biến đổi những kẻ tin và lôi kéo họ về phía Thiên Chúa, để chúng ta không còn bị trói buộc bởi ma quỷ thế gian và xác thịt nữa, vì Chính Đức Giêsu Kitô đã thông truyền cho mọi người tin sức mạnh của Người.

Chúng ta là những thế hệ tín hữu sau các tông đồ, chúng ta không được diễm phúc chạy ra để nhìn xem ngôi mồ trống, nhưng chúng ta vần có thể thấy Đức Giêsu Phục sinh và tin vào Người nhờ tình yêu, nhờ ơn đức tin Người ban tặng cho chúng ta và nhờ lời chứng của Giáo Hội đã để lại cho chúng ta.

Nếu như ngày xưa Phêrô và Gioan đã tin vào Đức Giêsu và mầu nhiệm phục sinh, là vì các ông là những người yêu Chúa và là những người được Chúa yêu, thì ngày hôm nay, nhờ Chúa yêu và nhờ việc đáp lại tình yêu của Chúa, chúng ta cũng sẽ có thể đón nhận được mầu nhiệm lớn lao này vào trong cuộc đời của mình, Chúa phục sinh sẽ củng cố đức tin cho chúng ta, với điều kiện chúng ta biết khiêm tốn đón nhận sự chỉ dạy của Người.

Để đón nhận được mầu nhiệm Phục Sinh, chúng ta còn cần phải ngoan ngoãn vâng theo lời chỉ dạy của Giáo Hội, hãy có thái độ khiêm nhường như Gioan, hãy bước theo sau những lời dạy và lời chứng của Giáo Hội. Đừng bao giờ đi ra ngoài sự chỉ dạy của Giáo Hội, và cũng đừng kiêu căng cho mình khôn ngoan hơn Giáo Hội và đừng muốn đi trước Giáo Hội, nhưng hãy khiêm tốn để đón nhận sự dạy bảo của Giáo Hội, vì Giáo Hội là Mẹ, là Thầy của chúng ta trong đức tin, và Giáo Hội đang từng ngày trình bày đức tin cho chúng ta, nuôi dưỡng đức tin của chúng ta bằng Lời Chúa và bằng các Bí tích mà Chúa Giêsu trao cho Giáo Hội.

Sau cùng để đi đến xác tín sâu xa trong đức tin vào Chúa Giêsu Phục Sinh, thì cần phải thường xuyên đọc và suy gẫm lời Kinh Thánh. Đừng bao giờ cho rằng Kinh Thánh là cuốn sách lỗi thời, và cũng đừng bao giờ nghĩ rằng Kinh Thánh chỉ dành cho một số người nào đó, nhưng trái lại hãy siêng năng đọc và lắng nghe lời Kinh Thánh mỗi ngày trong Thánh Lễ, trong các giờ kinh gia đình, hãy để cho lời Kinh Thánh uốn nắn và sửa dạy đời sống chúng ta, hãy để cho lời Kinh Thánh trở thành người bạn đồng hành và dẫn đường trong hành trình đức tin và trong cuộc sống thường ngày của chúng ta. Vì Kinh Thánh chính là Lời của Chúa, lời có sức cứu độ, thánh hóa và biến đổi chúng ta.

Mừng lễ Chúa Phục Sinh hôm nay, xin cho niềm tin này ngày càng trở nên vững mạnh trong cuộc đời mỗi tín hữu và biến đổi chúng ta nên những nhân chứng sống động cho mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa qua gương mặt, qua đời sống vui tươi và hy vọng của mỗi chúng ta, để mỗi người khi gặp gỡ tiếp xúc với chúng ta họ có thể cảm nhận được Đấng Phục sinh đang hiện diện và chi phối cuộc đời chúng ta. Amen.

Về mục lục

 

BIẾN ĐỔI

 Trầm Thiên Thu

Mỗi người chỉ có một cuộc sống, tức là chỉ sống một lần và chết một lần, không ai có thể sống lại. Đó là điều ai cũng biết dù chưa bao giờ trải nghiệm. Dù có sự sống lại nhưng cũng không xảy ra. Điều đó chỉ có Thánh sử Luca kể lại: Chuyện La-da-rô nghèo khổ và phú hộ (x. Lc 16:19-31).

Nhưng sự sống lại đã xảy ra thật: Đức Kitô bị giết chết trên Thập Giá và Ngài đã sống lại. Nếu Đức Kitô không sống lại, niềm tin của chúng ta chỉ là hoang đường! Nhưng Đức Kitô đã thực sự sống lại, như vậy đức tin của chúng ta đã được “đóng ấn tín đời đời”. Điều đó đã được Thánh Phaolô minh chứng (x. 1 Cr 15:17).

Là con người bình thường thì ai cũng có nỗi nhớ. Gọi là nỗi nhớ thì không có giới tính. Vậy tại sao lại gọi là nỗi nhớ đàn bà mà không là nỗi nhớ đàn ông? Phải chăng vì phụ nữ có “khoảng nhớ” lớn hơn nam giới? Có phần đúng. Theo khoa học, MỘT bộ óc nhưng có HAI bán cầu não. Phụ nữ “nói nhiều” hơn nam giới vì họ sử dụng cả hai bán cầu não một lượt, còn nam giới chỉ sử dụng một bán cầu não.

Như vậy, có thể nói rằng “khoảng nhớ” của phụ nữ lớn hơn nam giới. Trong tình trường bình thường, khi bị phụ tình (hoặc tình phụ), nỗi nhớ ở phụ nữ vẫn “lâu dài” hơn ở nam giới là vậy. Khoa học không có gì trái ngược với đức tin Công giáo. Phụ nữ được Thiên Chúa ưu đãi nhiều điều lắm!

Thánh Phêrô xác nhận: “Quả thật, tôi biết rõ Thiên Chúa không thiên vị người nào” (Cv 10:34). Điều này vừa đáng mừng vừa đáng lo. Thật “đáng mừng” vì chúng ta không sợ bị thua thiệt: Thiên Chúa công minh, không thiên vị. Nhưng lại “đáng lo” nếu chúng ta ảo tưởng mà tự nhận mình “ngon” hơn người khác.

Thánh Phêrô nói về biến cố đã xảy ra tại Giu-đê, bắt đầu từ miền Ga-li-lê, sau phép rửa mà ông Gioan rao giảng, và nói về lai lịch về Đức Giêsu xuất thân từ Na-da-rét, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Ngài. Đi tới đâu là Ngài thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Ngài.

Các tông đồ đã can đảm làm chứng về mọi việc Đức Giêsu đã làm trong cả vùng dân Do-thái và tại chính Giê-ru-sa-lem: “Họ đã treo Người lên cây gỗ mà giết đi. Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường, không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại. Người truyền cho chúng tôi phải rao giảng cho dân, và long trọng làm chứng rằng chính Người là Đấng Thiên Chúa đặt làm thẩm phán, để xét xử kẻ sống và kẻ chết. Tất cả các ngôn sứ đều làm chứng về Người và nói rằng phàm ai tin vào Người thì sẽ nhờ danh Người mà được ơn tha tội” (Cv 10:39-43).

Đức Kitô sống lại và chúng ta cũng sẽ được sống lại như Ngài, một ân huệ quá lớn, vì thế chúng ta phải “tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 118:1). Chính “tay hữu Chúa đã ra oai thần lực, tay hữu Chúa giơ cao, tay hữu Chúa đã ra oai thần lực” nên tử thần đã chiến bại ê chề, mất khả năng hoành hành như trước. Do đó, tác giả Thánh Vịnh hân hoan: “Tôi không phải chết, nhưng tôi sẽ sống, để loan báo những công việc Chúa làm” (Tv 118:17). Sự kỳ diệu nối tiếp nhau: “Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta” (Tv 118:22-23). Chỉ có Thiên Chúa mới khả thi những điều như vậy!

Thánh Phaolô xác định và nhắc nhở: “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới” (Cl 3:1-2). Thật vậy, Đức Kitô là nguồn sống của chúng ta, Ngài xuất hiện thì chúng ta cũng được xuất hiện với Ngài và cùng Ngài hưởng phúc vinh quang (Cl 3:3-4).

Thánh Phaolô nói thêm: “Đức Kitô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta. Vì thế, chúng ta đừng lấy men cũ, là lòng gian tà và độc ác, nhưng hãy lấy bánh không men, là lòng tinh tuyền và chân thật, mà ăn mừng đại lễ” (1 Cr 5:7-8). Tất cả đều biến đổi hoàn toàn, điều đó có thể là được biến đổi hoặc tự cố gắng biến đổi.

Trình thuật Ga 20:1-9 rất ngắn gọn. Chàng Gioan cho biết: Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ và thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. Bà liền chạy về gặp người “tổ trưởng” Phêrô và người môn đệ được Đức Giêsu thương mến – tức là chàng trai trẻ Gioan, người tựa đầu vào ngực Thầy Giêsu và nghe được “nhịp tình thổn thức” của Thầy ngay trong Bữa Tiệc Ly.

Bà Ma-ri-a Mác-đa-la nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu”. Thật tội nghiệp, chắc hẳn Bà buồn lắm, và Bà thấy nhớ Thầy Giêsu da diết. Các môn đệ nghe nói vậy cũng cảm thấy hoang mang. Vì trong thời gian này, “vụ án Chúa Giêsu” vẫn còn gây chấn động mạnh, chưa thể nào lắng xuống, ai cũng sợ người Do-thái khủng bố và áp bức, thế nên chẳng ai dám đi lại nhiều, có ở nhà thì cũng đóng cửa kín mít, đi đâu thì phải mắt trước mắt sau, đi như chạy, vội vàng như bị ma đuổi vậy.

Sau khi nghe Bà Ma-ri-a Mác-đa-la nói, ông Phêrô và Gioan liền đi ra mộ xem sự thể ra sao. Cả hai người cùng chạy, nhưng Gioan còn trẻ nên chạy mau hơn ông Phêrô và đã tới mộ trước. Ông Gioan cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào, đợi cho Phêrô đến nơi và vào trước, “kính lão đắc thọ” theo phép lịch sự.

Ông Phêrô vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Bấy giờ Gioan cũng đi vào, đã thấy và đã tin. Lúc này hai người tin thật rồi, chứ không như trước đó. Và hai ông đã hiểu rằng Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết theo như Kinh Thánh đã nói.

Hai năm rõ mười, mọi điều đã tỏ tường, ai cũng hân hoan tột độ, và cũng không còn sợ hãi nữa. Chính Đức Kitô Phục Sinh đã biến đổi họ, từ con người nhút nhát thành can đảm, từ con người yếu đuối thành mạnh mẽ, ngay cả các phụ nữ cũng biến thành những chứng nhân sống động của Đức Kitô Phục Sinh. Phụ nữ có thể “hấp tấp” một chút, dẫu cho “sâu sắc như cơi đựng trầu”, nhưng họ vẫn có những điều khiến chúng ta học hỏi.

Hai hành động THẤY và TIN có liên kết với nhau. Có người thấy mà không tin, vậy là vô ích. Ai thấy và tin thì mới đáng nói. Đó là sự biến đổi mau chóng và thực sự là điều kỳ diệu.

Lạy Thiên Chúa, xin củng cố đức tin nơi chúng con để chúng con được biến đổi mau chóng khi chúng con thấy những điều kỳ diệu mà Ngài vẫn không ngừng thực hiện trong cuộc đời của chúng con, xin giúp chúng con can đảm làm chứng về Đức Kitô Phục Sinh trong suốt cuộc đời. Chúng con cầu xin nhân danh Đức Giêsu Kitô Phục Sinh, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

Về mục lục

.

NẤM MỒ VỠ NÁT

Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

Chiều thứ sáu Chúa tử nạn, màu tang tóc phủ kín khắp không gian. Mây u ám như trùm lên nhân gian lên một nỗi buồn đau sầu tủi. Bóng tối bao phủ trái đất in mờ bóng ba cây thập giá trên nền trời đen thẳm. Theo lối nhìn bình thường ở đời, cái chết của Đức Giêsu là một thất bại lớn. Thập giá là một tủi nhục đến tột cùng.

Đức Giêsu đã an nghỉ trong mộ. Ngôi mộ nằm im lìm như trăm ngàn ngôi mộ khác. Thân xác Người nằm trong mộ như hạt lúa ủ trong lòng đất. Có ai nghe được tiếng hạt giống cựa mình? Có ai thấy được một mầm non đang nhú?

Trước khi rời nghĩa trang, các phụ nữ đã có ý nhìn xem nơi người ta đặt xác Đức Kitô, Thầy dấu yêu của họ. Mong mau hết ngày hưu lễ, họ sẽ trở lại xức dầu thơm theo đúng nghi lễ. Họ im lặng canh thức và mua hương liệu chuẩn bị. Đêm dài quá! Họ chỉ mong trời mau sáng. Họ thấp thỏm không ngủ được. Họ chỉ nghĩ đến ngôi mộ, với xác thân của Thầy nằm đó.

Tảng đá to đã niêm phong cửa mồ rồi. Các Thượng tế và những người Pharisiêu xin Tổng trấn Philatô cắt đặt một tiểu đội binh sĩ đến canh ngôi mồ (Mt 27,62),  và “Thế là họ ra đi canh giữ mồ, niêm phong tảng đá, rồi cắt lính canh mồ” (Mt 27,66). Cận vệ đền thờ nghĩ rằng, dấu niêm phong của lãnh đạo Do Thái có khả năng thách thức được quyền phép Đấng Chịu Đóng Đinh?

Giêsu người thành Nagiarét đã yên nghĩ trong mồ sâu. Tảng đá đã lấp cửa mồ. Nỗi lo sợ và niềm đau xót đã giam hãm các môn đệ trong các căn phòng đóng kín. Hãy yên nghỉ và quên đi những đau khổ. Hãy quên đi những oan kiên và tất tưởi của phận người. Hãy quên đi những tiếng la ó, những lời thóa mạ và bản án bất công. Hãy quên đi những tiếng búa nặng nề trên những đinh nhọn xuyên thấu tay chân. Hãy quên đi cơn hấp hối kinh hoàng. Và hãy quên đi đồi Golgotha loang máu chiều tử nạn thê lương.

Câu chuyện tưởng đã ngũ yên, người đời sẽ mau quên lãng, chẳng còn ai nhắc tới Giêsu Nagiarét nữa…

  1. Nấm mồ mở toang

Vậy mà, khi ngày Sabat chấm dứt, vào rạng sáng tinh mơ ngày thứ nhất trong tuần, Maria Mađalêna và một số phụ nữ đang âm thầm lặng lẽ dưới sương mai, gió sớm se lạnh, hối hả bước đi, lòng trí chỉ còn những kỷ niệm xót xa đắng đót. Họ vội vã chạy ra mồ để thi hành cử chỉ thương yêu cuối cùng đối với Thầy.

Đến cửa mồ, họ phát hiện ngôi mộ mở toang, trống rỗng, và thân xác Thầy yêu quý đã không còn trong đó nữa. Dầu thơm và hương liệu khuếch tán vị ngọt ngào ra khắp vũ trụ. Họ hết sức sững sờ khi thấy mồ trống, hai thiên sứ mặc áo trắng canh gác mồ, một phía đầu, một phía chân, nhưng không thấy xác Thầy. Họ nghĩ lại mất Thầy lần nữa. Họ hối hả chạy về báo tin cho nhóm Mười Hai. Họ xúc động và âu lo: “Chúa đã bị mang ra khỏi mồ. Chúng tôi không biết họ để Người ở đâu“.

Các môn đệ đã hoang mang sợ hãi, nay càng thêm hốt hoảng khi nghe tin này. Phêrô và Gioan cũng bị lôi cuốn và muốn tìm ra sự thật. Cả hai bắt đầu chạy ra mồ. Họ cùng chạy bên nhau, nhưng Gioan chạy nhanh hơn và đến mồ trước. Phêrô cũng vừa tới nơi. Tảng đá niêm mồ đã trở thành thử thách đầu tiên đối với niềm tin các môn đệ vào Thầy Giêsu. Trông thấy tảng đá lăn qua một bên, cả ba người đã có thể nhận ra dấu chỉ Chúa đã sống lại. Cả ba đều hụt hẫng, chưa thể thấu đạt những lời Chúa đã báo trước.

  1. Thấy và tin

Tuy Phêrô, Gioan và Mađalêna chưa nhận ra ý nghĩa của dấu chỉ tảng đá lấp cửa mồ, nhưng những trải nghiệm thân tình sống với Thầy đã thôi thúc họ tìm hiểu cặn kẽ những gì vừa xảy đến sáng nay.

Gioan cúi xuống nhìn vào và thấy những khăn liệm ở trên đất. Rồi Phêrô bước hẳn vào trong mồ. Cả hai đều thấy “Những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuộn lại xếp riêng ra một nơi”. Đây là một dấu hiệu mang nhiều ý nghĩa: Thầy đã chỗi dậy, tự mình gỡ và xếp ngay ngắn các băng vải liệm và khăn băng đầu. Chỉ có người đang sống mới làm những việc tỉ mỉ đó. Thầy không còn chết nữa. Thầy đang sống. Thầy đã đánh bại sự chết và bước ra khỏi nấm mồ rồi. Gioan “đã thấy và đã tin”. Không như khi nhìn thấy tảng đá lăn qua một bên, lần này Gioan tin Thầy đã sống lại. Lời tuyên xưng “đã thấy và đã tin”.  diễn đạt quá trình từ “thấy” đến gắn bó trọn vẹn niềm tin vào Đấng Phục Sinh.Gioan đã thấy các dấu chỉ lạ lùng của Ngôi Mộ Trống, khăn liệm và các thứ dây được xếp gọn gàng. Chính bởi Gioan đã chứng kiến dấu lạ Chúa Giêsu cho Lazarô sống lại. Khi Lazarô được Chúa cho sống lại, ông ngồi dậy, nhưng thân mình còn quấn chặt các thứ khăn liệm, còn ở đây, mọi thứ được xếp gọn gàng. Gioan nhớ lại lời Chúa Giêsu:Ngài phải chịu đau khổ trước khi bước vào vinh quang. Ngay giây phút thấy cũng là lúc Gioan nhớ lại lời nói của Chúa Giêsu sau khi đuổi phường buôn bán ra khỏi đền thờ: “Hãy phá đền thờ này đi, và trong ba ngày Ta sẽ xây dựng lại” (Ga 2,19). Gioan còn nhớ điềm lạ của Giona với lời khẳng định của Chúa Giêsu: “Như Giona ở trong bụng cá ba ngày ba đêm thế nào, thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày đêm như vậy” (Mt 12,40). Gioan vẫn nhớ như in, trên núi Tabor, Chúa hiển dung và căn dặn các ông không được nói lại với ai về chuyện đó, cho đến khi Ngài sống lại từ cõi chết (Mc 9,9). Gioan luôn nhớ, trước lúc lên đường về Giêrusalem để dự lễ Vượt qua, Thầy cũng đã nói với 12 môn đệ thân tín: “Này, chúng ta lên Giêrusalem và sẽ hoàn tất cho Con Người mọi điều các tiên tri đã viết. Vì chưng Ngài sẽ bị nộp cho dân ngoại, sẽ bị nhạo báng, hành hạ, khạc nhổ, và sau khi đã đánh đòn Ngài, người ta sẽ giết Ngài, nhưng ngày thứ ba Ngài sẽ sống lại” (Lc 18,31-33). Gioan ghi tạc vào lòng lời tâm sự của Thầy trong buổi tiệc ly: “Hết thảy các ngươi sẽ vấp ngã vì Ta trong đêm nay… Nhưng sau khi Ta sống lại, Ta sẽ đi trước các ngươi tới Galilê” (Mt 26,31-32)…Nhờ ghi nhớ lời Chúa mà đức tin đã đến với Gioan sớm hơn Phêrô.

  1. Ánh sáng bừng tỏa

Từ ngôi mồ trống, ánh sáng Phục sinh bừng toả. Sáng sớm ngày thứ nhất đầu tuần mới, tảng đá cửa mồ vỡ nát ra. Nấm mồ bằng đá nặng nề đã vỡ tan như vỏ trứng. Nấm mồ lạnh lẽo, chật hẹp, tối tăm mở tung ra như cánh hoa hồng hay đôi môi thắm tươi của nụ cười thiếu nữ, đầy sức sống và bình an. Tảng đá lấp mộ làm sao niêm giữ được Người! Nấm mồ chỉ là giai đoạn chuyển tiếp. Nó giống như lối đi ngầm dưới mặt đất, sẽ mở lên một vòm trời vinh quang. Đức Giêsu dùng nó như cánh cửa mở vào miền đất tử thần và từ đó biến nó thành ngõ mở vào cõi sống trường sinh.

Mặt Trời Công Chính đã Phục Sinh. Tin vui làm ấm áp cõi lòng đang buồn phiền vì mất mát đắng cay. Tin mừng đã lau khô đôi mắt ngấn lệ khóc lóc tiếc thương của các môn đệ. Mầu nhiệm sự sống qua cái chết mà Thầy từng rao giảng thực sự được khai trương. Chúa đã chỗi dậy từ chính nơi đã được mai táng. Ánh sáng tràn ngập. Niềm hy vọng lớn lao đã được bắt đầu từ chính nơi hôm qua còn đầy đau thương tuyệt vọng.Từ đây các môn đệ bắt đầu một hành trình mới, loan báo Tin mừng Phục sinh.

  1. Chúa đã sống lại thật! Allêluia!

Đó là niềm vui và tuyên tín của các Tông đồ. Niềm vui và tuyên tín đó đã được loan truyền cho tới ngày nay và mãi cho tới ngày tận cùng của nhân loại.

Chúa Giêsu Phục Sinh. Sự kiện lịch sử trọng đại này đã trở thành niềm tin và sức sống mãnh liệt cho nhân loại hơn hai ngàn năm qua. Phục Sinh là một biến cố làm nên lịch sử, và trở thành nền tảng niềm tin cho cả Giáo Hội. Hàng triệu triệu người đã sống với niềm tin Phục Sinh và hàng triệu triệu người đã chết để bảo vệ niềm tin Phục Sinh. Giáo Hội làm chứng bằng tình yêu và sự xác tín dọc dài dòng lịch sử.

Đức Kitô là Thiên Chúa hằng sống, nên Ngài không thể bị chôn vùi trong cõi chết. Là Đấng quyền năng, nên Ngài không thể bị giam hãm trong ngục thất của tử thần. Là Đấng vĩnh cửu, nên Ngài không thể bị giới hạn trong thời gian. Là ánh sáng, lẽ nào Ngài lại bị bao vây bởi bóng tối? Là Đấng tạo dựng, lẽ nào Ngài lại bị thân phận con người cầm chân? Chúa Kitô đã sống lại. Ngài đã đem theo những đau khổ của loài người đi về miền hạnh phúc. Ngài đưa cuộc sống trần gian hướng tới cuộc sống vĩnh cửu.

Chúa Kitô đã sống lại. Từ nay thập giá không còn là dấu hiệu của nhục nhã, nhưng là biểu tượng của vinh quang. Chúa Kitô đã sống lại, cái chết không còn là ngõ cụt mà là cánh cửa mở về đời sống mới. Chúa Kitô đã sống lại, Ngài đang ngự bên hữu Thiên Chúa, chúng ta cũng được hưởng vinh quang với Ngài. Đó là niềm tin và hy vọng của chúng ta.

Phục Sinh là biến cố lạ thường, chưa từng có bao giờ trong lịch sử nhân loại. Mầu nhiệm Phục Sinh là mầu nhiệm Tình Yêu cứu độ. Những chứng nhân đâu tiên của Chúa Phục Sinh cũng là những chứng nhân Tình Yêu.Các môn đệ, bằng các cảm nghiệm bản thân đã tin vào sự Phục Sinh của Thầy mình. Cảm nghiệm thì mỗi người mỗi cách. Mỗi người đều có một kinh nghiệm về đức tin vào Chúa Giêsu một cách khác nhau.

Có người được Chúa ban cho một tình yêu mạnh mẽ như Gioan, cho dù phải sống trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng luôn giữ vững niềm tin. Người môn đệ được yêu và đang yêu này chỉ“thấy cái tối thiểu”, tuy nhiên lại luôn“tin tối đa”.Tình yêu bồi bổ niềm tin và niềm tin giữ cho tình yêu luôn kiên vững.

Có người được Chúa ban cho những kinh nghiệm như Phêrô: yêu mến Thầy nồng nàn, nhưng hay nóng vội, quá tin tưởng vào sức mình; khi gặp những hoàn cảnh khó khăn thì lại trở nên nhát đảm, không dám bày tỏ niềm tin của mình. Nhưng một khi được gặp lại Chúa Phục Sinh, niềm tin đã trở thành như núi đá, không gì có thể lay chuyển được. Sẵn sàng dùng chính mạng sống mình để làm chứng cho đức tin.

Có người được Chúa ban cho một niềm tin đơn sơ như những người phụ nữ đạo đức. Họ chẳng cần lý luận, chỉ cần yêu mến Chúa và cảm nhận được lòng Chúa yêu thương. Họ sẵn sàng cho đi tất cả và chỉ mong được ở bên cạnh Thầy tôn kính.

Mỗi người có một cách thế tiếp cận niềm tin và biểu lộ đức tin; nhưng tất cả đều có một điểm chung là họ yêu mến Chúa và sẵn sàng làm chứng bằng cuộc sống và cả mạng sống của mình.

Hãy hát lên khúc hát Allêluia với những nột nhạc tin yêu và hy vọng. Hãy sống niềm vui Phục Sinh giữa đời và hãy làm chứng cho Chúa Phục Sinh bằng một đời sống chan hòa bình an và yêu thương.

Về mục lục

ĐẤNG PHỤC SINH HẰNG YÊU THƯƠNG TA

 Lm. Jos. DĐH, GP. Xuân Lộc

Có bình minh, thì có hoàng hôn, đó là chân lý; có tình yêu, ắt có hạnh phúc, đó cũng là điều dễ hiểu ! Còn có đau khổ liệu có vinh quang không ? đó còn tuỳ thuộc mỗi người sử dụng tự do của mình đúng hay sai, sử dụng thế nào nữa. Có sinh có tử, đó là qui luật; còn có chết đi, mới sống lại, điều ấy lại là vấn đề không đơn giản, nếu như người ta không được kiểm chứng !

Câu chuyện người chết trở về, vẫn được xem là câu chuyện thần thoại, câu chuyện cổ tích, đối với người có tư duy phong phú ; còn sẽ là nhảm nhí đối với người có đầu óc khoa học. Hai anh trộm chết treo cùng Đức Giêsu coi như chấm hết; còn Đức Giêsu đã chết thật, nhưng linh tính mách bảo những người tham gia giết Chúa là chưa hết, vì thế họ đặt lính canh gác cẩn thận.

Hay tin Ngôi mộ trống, với những ai yêu mến Đức Giêsu thì là hy vọng, là dấu hiệu của sự sống; Ngôi mộ trống, với các Luật sĩ và giới lãnh đạo Do Thái lại là điều lo sợ…. Có thể nói : sự ác độc của những ai liên quan đến bản án giết Đức Giêsu, họ đều phải đối diện với hậu quả : lương tâm bất an. Các phụ nữ ra mồ từ sáng sớm, các Tông đồ đang buồn chán lại đang được rung lên niềm hy vọng từ Đấng Phục Sinh. Nói  cách khác : sự sống, niềm vui, bình an luôn ở bên những tâm hồn có tình yêu, mà những tâm hồn có tình yêu không nhất thiết phải là tài giỏi.

Các Tông đồ : đầy giới hạn thiếu sót, các Phụ nữ chân yếu tay mềm, nhưng những người thuộc về Đức Kitô ấy có chung một tình yêu, luôn cậy trông và Thiên Chúa. Những kẻ mạnh mẽ như các Thượng tế, Kinh sư, Kỳ mục họ lại…. mất ăn mất ngủ, đúng như câu tục ngữ : “chưa đánh được người thì mặt tăm mày tía, đánh được người thì hồn vía lên mây”.

Tin mừng cho biết sáng ngày thứ nhất trong tuần, mấy chị em phụ nữ ra mộ từ sáng sớm với một hành trang gọn nhẹ : Tình yêu và thuốc thơm, với hy vọng được thể hiện niềm tin tuyệt đối vào Thầy Giêsu. Tình yêu giải thoát các phụ nữ khỏi tảng đá to tướng và lính gác, nhưng lại không dẫn các bà tới mục đích gặp thân xác bất động, mà họ lại đối diện với Ngôi mộ Trống. Mađalêna đau khổ thốt lên :“người ta đã đánh cắp xác Chúa tôi rồi” ! Không  biết các bà có hy vọng gì chưa, Tin mừng chỉ nói là họ nhanh chóng về báo tin cho các Tông đồ.

Phản ứng của Phêrô là thinh lặng, ông phân vân, nếu người ta lấy trộm xác Thầy, tại sao lại mất công xếp đặt khăn liệm và dây băng thật gọn gàng như thế ? Có thể ông còn buồn đau về lỗi lầm chối Thầy 3 lần, nên ông không có thời gian tìm hiểu sống lại nghĩa là gì. Còn Gioan khi chứng kiến Ngôi mộ trống, ông “đã thấy và đã tin”.

Trước mưu toan của kẻ dữ, ưu tư nhớ thương và buồn chán của các môn đệ, Đức Kitô Phục Sinh chỉ biểu lộ một sự chiến thắng âm thầm, không ầm vang giữa tiếng kèn trống, reo hò của toàn dân. Chúa đi con đường đau khổ thập giá và Phục Sinh không phải là để nhân loại nhờ đó mà được để sống lâu, sống mãi ở trần gian này. Con đường khổ đau thập giá là mầm sống hạnh phúc đời đời, không bao giờ chấm dứt, nhưng thực tế khiến người ta thất vọng, nếu thiếu ơn Chúa.

Tình yêu không thể bị chôn vùi trong huyệt mả của khổ đau, u sầu, thất vọng, nhưng sẽ chảy hoài chảy mãi niềm vui, vinh quang, và sự sống cho những ai tin tưởng theo Đức Kitô làm môn đệ. Câu chuyện Đức Giêsu sống lại sẽ nhạt nhoà với thời gian, với những ai theo Chúa cách hời hợt, đạo gốc cây, đạo ngoài nhà thờ….

Người xưa nói rằng : “hơn nhau tấm áo manh quần, thả ra bóc trần, ai cũng như ai”. Tất cả mọi người bất toàn giới hạn như nhau, tất cả mọi người có tự do để chọn lựa, tất cả đều được Thiên Chúa yêu thương. Thế giới hôm nay không thiếu những dấu chỉ của Đấng Phục Sinh. Nhưng có thể vì còn lẫn lộn giữa hạnh phúc tạm thời và hạnh phúc đời đời. Hy vọng mỗi lần mừng Chúa Phục Sinh, chúng ta lại trưởng thành hơn, nghĩa là thấy rõ hơn tâm hồn mình là một ngôi mộ trống. Ngôi Mộ Trống là ngôi mộ không còn xác Chúa nhưng còn dấu chỉ Đấng Phục Sinh. Tuy không thấy Chúa bằng mắt thường, chưa đủ cảm nghiệm như thế nào là vinh quang phục sinh; hiện tại bằng niềm tin, chúng ta thấy Ngôi mộ trống là thế giới bao la đầy dấu chỉ sự hiện diện của Đấng Phục Sinh, khi ta ý thức chia sẻ sống yêu thương như Chúa yêu ta.

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!