Sau hai tuần đầy cảm xúc, hơn một triệu người tham dự Đại hội Giới trẻ Thế giới ở Lisbon trở về nhà với niềm tin, sức sống mới. Nhiều người trong số họ làm chứng cho ước muốn sống một cuộc đời dấn thân phục vụ người khác, thoát khỏi những nguy hiểm của thế giới ảo.
Cô Adela, một người Hàn Quốc 34 tuổi, nói khi kết thúc Ngày Giới trẻ Thế giới ở Lisbon: “Giờ đây, tôi có thể sống cuộc đời mình và không phải sợ hãi hay nghi ngờ gì nữa. Tôi đã nhận được rất nhiều can đảm và sức mạnh từ Đức Thánh Cha Phanxicô. Thật không thể tin được”.
Rất cảm động trước sự tử tế của người Bồ Đào Nha, Adela đảm bảo rằng cô “rất mong chờ” sự kiện hoàn vũ này diễn ra ở Seoul. “Chúng tôi hy vọng sẽ thấy nhiều người từ khắp nơi trên thế giới đến đất nước chúng tôi với lòng biết ơn, niềm vui và một môi trường như thế này”, Adela nói chỉ vào những người hành hương cắm trại xung quanh. Adela cho biết những thách đố mà những người trẻ phải đối diện ở quê hương Hàn Quốc: “Ở đất nước châu Á phát triển này, hiện đang có một văn hóa cạnh tranh để có được bằng cấp và công việc, với rượu và mạng xã hội như những phương tiện giải quyết những vấn đề này.” Với lòng nhiệt thành muốn chào đón những người trẻ đến với Giáo hội, Adela than phiền: “Những người trẻ cạnh tranh với nhau. Tôi nghĩ điều này không chỉ từ những người trẻ, mà còn từ các linh mục, nữ tu và giáo dân. Chúng ta phải giúp đỡ lẫn nhau và tập trung vào các vấn đề xã hội”.
Thoát khỏi điện thoại di động
Johannes, một thiếu niên 17 tuổi đến từ Đức, rất hào hứng khi được sống những ngày của Đại hội Giới trẻ Thế giới đầu tiên ở Lisbon. Johannes nói: “Rất tuyệt vời, tôi đã tham gia nhiều sự kiện và chứng kiến những người nổi tiếng cầu nguyện. Chính những người này đã truyền cho tôi rất nhiều cảm hứng trong cuộc sống, và điều đó đã giúp tôi rất nhiều để thúc đẩy bản thân chuẩn bị cho kỳ tốt nghiệp sắp tới”.
Với động lực mới này, Johannes quyết tâm khi trở về Đức sẽ thay đổi lối sống. Cụ thể không để mình bị điện thoại di động làm chủ. Cậu thú nhận đã từng rất nghiện thế giới ảo. Johannes hy vọng mọi thứ sẽ được cải thiện và nhìn thế giới theo một cách khác, tích cực hơn.
Giới trẻ “biến hình giống hình ảnh Chúa Kitô”
Chị Céline, một phụ nữ 44 tuổi đi cùng nhóm từ giáo phận Guiana của Pháp, đã kết thúc Đại hội Giới trẻ Thế giới với một đầu gối bị đau, phải băng. Chị là một trong những người được đội y tế hỗ trợ. Dọc theo các đại lộ và đường phố của Lisbon, các đội y tế đã hỗ trợ cho nhiều người bị kiệt sức vì nóng, bong gân và gặp khó khăn về thể chất do phải đi bộ một quãng đường dài đến địa điểm tổ chức các sự kiện cuối cùng.
Nhưng, bất chấp tất cả, niềm tin và niềm vui vẫn chiếm ưu thế. Céline nói: “Thể xác chúng tôi bị thương tích, nhưng chúng tôi được biến đổi nên giống hình ảnh Chúa Kitô. Rất nhiều điều đã xảy ra trong hai tuần này, rất nhiều ơn chữa lành, rất nhiều ý chí tích cực, muốn thay đổi cuộc đời theo đường lối Chúa… Đó mới là điều quan trọng! Sau đó, chúng tôi mới nhìn đến thể xác mình”.
Hiểu tầm quan trọng của dấn thân
François-Léopold, một thanh niên đến từ Paris, đã tham dự Đại hội Giới trẻ ở Krakow vào năm 2016 với tư cách là một khách hành hương. Nhưng lần này, ở Lisbon anh muốn được trải nghiệm theo một cách khác và quyết định phục vụ người khuyết tật, với hiệp hội “Với vòng tay rộng mở”. Anh giải thích: “Tôi phải cố gắng rất nhiều, nhưng rất ấn tượng! Rất tuyệt vời! Bạn cho đi sức lực và thời gian của mình, nhưng bạn cũng nhận được nhiều hơn thế nữa”.
Người thanh niên mà anh đã đồng hành trong suốt các sự kiện là Gabriel, gặp khó khăn về ngôn ngữ, miễn cưỡng trả các câu hỏi, nhưng giờ đây khẳng định: “Tôi trở về nhà và cảm thấy vui hơn trước. Đó là tất cả những gì tôi có thể nói”. Anh thú nhận điều này, trong khi các bạn nhìn anh với vẻ thích thú và ngưỡng mộ. François-Léopold giải thích: “Gabriel đã dạy tôi rất nhiều điều và giúp tôi sống tích cực từng khoảnh khắc. Người bạn này giúp tôi hiểu tầm quan trọng của sự dấn thân. Đối với những người trẻ, dấn thân là điều rất cần thiết”.
Pierre-Louis bạn của François-Léopold, giải thích “bầu khí lễ hội” của Đại hội Giới trẻ Thế giới 2016 đã “làm cho anh ý thức được đặc tính Công giáo của Giáo hội”, nhưng lần này anh đến với sự trưởng thành hơn. Anh giải thích: “Giờ đây, tôi quan tâm nhiều hơn đến việc cho đi những gì tôi đã nhận được. Điều đáng ngạc nhiên về kỳ Đại hội này là số lượng công việc đã được thực hiện để chuẩn bị cho sự kiện này. Những gì chúng tôi đã nhận được, chúng tôi nợ người khác. Và bây giờ, khi trở lại Paris, chúng tôi phải chuyển món quà này. Tôi nghĩ chúng tôi sẽ phải nhắc nhở giới trẻ Pháp rằng thông điệp niềm vui mà họ nhận được tại Đại hội sẽ phải được truyền tải và biến đổi, thông qua các dấn thân và ơn gọi”.
Sophie cũng tham dự hiệp hội “Với vòng tay rộng mở” nói rằng cô “rất ngạc nhiên trước thời gian dành cho việc cầu nguyện với những người khuyết tật”. Cô chia sẻ: “Cách mọi người tạ ơn Chúa sẽ vẫn khắc sâu trong tâm trí tôi. Tôi sẽ trở về nhà với tâm hồn nhẹ nhàng hơn và với niềm xác tín rằng niềm tin sẽ đi vào mọi tâm hồn”.