Kỹ năng sống

Chuyện đời qua những gói xôi

Chuyện đời qua những gói xôi

Có những thứ đã qua đi thì không bao giờ tìm lại được. Trong số ấy có món xôi nếp và xôi bắp. Nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa đã mãi mãi lấy đi hương vị quê nhà của những người mang đậm bản chất quê.

Mấy chục năm rồi tôi chưa một lần ăn lại gói xôi đúng vị cho dù là xôi nếp hay xôi bắp. Xôi nếp và xôi bắp đúng nghĩa đối với tôi chỉ có xôi của dì Hai Quẩn. Chẳng biết đó là tên của dì hay gọi theo tên của chồng dì, vì ở quê người ta thường gọi tên các dì, các bà theo tên chồng của họ.

Hồi thập niên 1980, dì Hai Quẩn bán xôi ở chợ gần nhà tôi. Dì bán hai loại, đó là xôi nếp và xôi bắp. Mỗi sáng dì chất mấy cái xửng đựng xôi nếp, xôi bắp và các thứ lỉnh kỉnh lên sàn chiếc xe đẩy, rồi đẩy ra chợ bán.

Xe đẩy của dì bằng gỗ có hai cái cán đẩy. Mỗi cán có chiều dài bằng chừng chiều dài cánh tay người lớn. Thùng xe thì được be hai thành ở hai bên và phía trước mũi để cho đồ trên sàn đừng rớt xuống.

Sáng nào “ngon lành” thì tôi có ba đồng để mua một gói xôi nếp hay xôi bắp của dì. Thường thì tôi đi bộ thẳng đến nhà dì để mua, trước khi dì đẩy xe ra chợ bán. Hôm nào dậy muộn thì tôi phải dí theo xe của dì để mua giữa chừng.

Dì nấu xôi nếp bằng nếp trắng và đậu đỏ. Màu từ trong đậu đỏ quyện vào nếp làm cho nếp trở thành màu phơn phớt tím. Hạt xôi nếp của dì mềm nhưng vẫn ráo. Dì hớt vài cục xôi bỏ trên miếng lá chuối (ba tôi hồi đó rất ghét tôi nói chữ “cục”, mà cái gì ổng ghét thì tôi lại ưa) rồi tán đều xôi ra. Tiếp theo dì rải đường cát, muối đậu, dừa nạo lên xôi.

Xong, dì cuộn tròn gói xôi lại, nhấn hai đầu gói xôi cho xôi đừng có lòi ra. Sau cùng, dì lấy sợi dây lạt quấn quanh gói xôi và quay sợi dây lạt vòng vòng để cho nó đừng có bung ra.

Xôi bắp của dì là xôi bắp nhão. Các hột bắp đã nở bung ra chứ không còn nguyên hột. Tuy vậy, bắp của dì vẫn ráo. Dì gói xôi bắp theo kiểu khác. Dì cho xôi bắp vào miếng lá chuối thứ nhất nhưng không tán đều xôi ra mà tém lại thành một cục. Sau đó, dì túm hai mép lá chuối lại trông giống như chiếc xuồng.

Một bàn tay dì giữ “chiếc xuồng”, còn bàn tay kia dì lấy miếng lá chuối thứ hai nhỏ hơn miếng lá chuối thứ nhất để đậy lên cục xôi bắp. Rồi dì múc đường, muối đậu, dừa nạo bỏ lên miếng lá chuối thứ hai và gói tất cả lại như cái nắm tay.

Chưa hết, dì lấy một cái muỗng bằng lá dứa gai xọt vào khe gói xôi bắp. Cái muỗng dài bằng chừng một ngón tay người lớn. Khi ăn, tôi mở gói xôi bắp ra và dùng cái muỗng lá dứa gai ấy trộn đều các thứ lại, rồi xúc từng muỗng nhỏ nhấm nháp.

Các mùi vị thơm, béo, ngọt, mặn, giòn, mềm, bùi, của nếp, bắp, dừa, đường, đậu, muối, hòa quyện cùng mùi thơm của lá chuối, dứa gai làm cho tôi không thể nào quên.

Nhà dì cách nhà tôi chắc cũng chừng 800 mét nên thỉnh thoảng tôi vẫn đi ngang qua nhà dì và thấy dì phơi lá chuối cho lá dẻo dai, đặng gói xôi. Còn lá dứa gai thì dì phải rọc bỏ hai hàng gai ở hai bên mép thì mới dùng làm muỗng được.

Dĩ nhiên là lá chuối của dì được lau sạch, còn “muỗng” lá dứa gai cũng đã được rửa sạch, trước khi dì xọt nó vào khe gói xôi bắp.

Đùng một cái, một buổi sáng hồi năm 1985, xã phát lệnh đổi tiền. Tờ 10 đồng thì đổi ra chỉ có 1 đồng. Nhà nào dư tiền thì cũng chỉ đổi được một mớ thôi vì xã cho đổi có giới hạn.

Nhà nào không đổi được hết tiền thì khóc ròng. Nhà tôi thì chẳng có đồng nào để đổi nên khỏi khóc. Nhưng mà có điều lạ là chỉ sau vài ngày, thì gói xôi lại có giá bằng giá trước khi đổi tiền?

Có nghĩa là trước khi đổi tiền, một gói xôi có giá ba đồng. Chỉ vài ngày sau khi người ta lấy 30 đồng đổi được ba đồng thì cũng chỉ mua được một gói xôi!

Sau đợt đổi tiền thì xôi dì Hai Quẩn vẫn ngon như vậy. Dì vẫn có đông khách đến mua nên dì dọn hàng về sớm. Thứ Năm và Chủ Nhật thì tôi được nghỉ học. Nếu ngày đó tôi dậy trễ và ra chợ mua xôi thì dì đã dọn về rồi.

Đến một ngày, dì Năm Quạt thấy dì Hai Quẩn bán xôi đông khách “ngon ăn” quá nên dì Năm Quạt cũng mở một sạp xôi song song, sát bên sạp xôi của dì Hai Quẩn.

Hai dì vẫn bán xôi trong hòa bình, chỉ có điều dì Hai Quẩn dọn hàng về trễ hơn lúc trước. Bây giờ hai tiệm kế bên nhau mà bán cùng một loại hàng hóa thì thiếu điều chỉ muốn uýnh lộn!

Khi tôi lên Sài Gòn học, mỗi tháng có 49,500 đồng học bổng. Mỗi sáng tôi trích ra 1,000 đồng để ăn xôi vò, vì tiệm bán xôi vò kế bên ký túc xá. Họ gói sẵn xôi vò trong chiếc bịch ny lông nhỏ xíu và cột dây thun. Loại xôi này không ngon chút nào nhưng tôi phải ăn dằn bụng để đi lên giảng đường.

Bẵng đi một thời gian, tôi về lại quê thì dì Hai Quẩn không còn bán xôi nữa. Nghe nói con Diễm con dì Hai Quẩn lấy chồng Đài Loan nên nhà phất lên rồi. Hồi đó con Diễm học chung với tôi từ năm cấp 1 đến hết cấp 2.

Nó đẹp người, mặt cũng đẹp, chỉ mỗi tội mắt nó hơi lé một tí và có cái mụt ruồi ăn hàng ở một bên mép (lúc ở quê, tụi tôi kêu những đứa học chung bằng thằng, con, nó, là bình thường).

Sau này không biết nó làm đẹp kiểu gì mà hết lé, còn cái mụt ruồi ăn hàng cũng biến đi đâu mất tiêu luôn, thế là nó lấy được chồng Đài Loan.

Những năm giữa thập niên 1990, tôi ra trường thì lúc này ở Sài Gòn người ta bán đầy dẫy các thể loại xôi mặn được đựng trong cái hộp xốp. Người ta thêm đủ thứ loại thịt, nước xốt, hành phi vào xôi nếp. Tôi cũng đã vài lần nếm thử xôi mặn nhưng tôi không thích cái vị của nó chút nào luôn. Xôi bắp thì nguyên hột, thêm hành phi và đủ thứ. Còn xôi nếp thì có khi bị thiu vì chẳng mấy người ăn nên người ta lấy xôi đã nấu từ hôm qua để bán. Và tôi nhận ra một điều, dĩ vãng đúng là quá khứ, đã trôi qua rồi thì đừng cố công tìm rồi thất vọng. st

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!