Cuộc khủng hoảng tuổi trung niên và thức tỉnh tâm linh
Điểm giao mùa giữa Hè và Thu. Những sôi nổi, nhiệt thành bắt đầu lắng xuống. Người ở tuổi trung niên có xu hướng rút vào bên trong, tìm về sự an nhiên, tĩnh tại.
Công danh, sự nghiệp không còn là mối bận tâm. Chuyện mưu sống trở nên nhỏ nhặt. Những lo toan, bộn bề, hoang mang của tuổi trẻ rồi cũng qua đi.
Người bắt đầu tìm cách trả lời cho câu hỏi “tôi là ai, tôi ở đây để làm gì?”. Mặc dù vẫn ở giữa đời, nhưng họ thu xếp gọn gẽ mọi thứ để bước vào đường đạo. Thật là một bước chuyển vô cùng cao sang, đẹp đẽ.
Khi đã nhận thức được bản chất cuộc sống, người cười khúc khích vào những suy nghĩ, ý tưởng, hành động non trẻ của một thời đã xa. Ồ thì ra không phải thế! Thì ra công việc, gia đình, một vài mối quan hệ hẹp hòi không phải là những thứ bao trùm toàn bộ cuộc sống của ta. Các đường biên phân chia dòng họ, vùng miền, dân tộc, tôn giáo, các hệ thống niềm tin… trở nên mờ nhạt dần. Người bắt đầu phát hiện ra mình đã từng theo đuổi nhiều thứ vô lý. Bây giờ là thời gian để bước về phía chân lý.
Sự buông bỏ của một người vào tuổi trung niên cũng giống như bọn nhóc lần lượt quên đi các món đồ chơi. Có thể món này món kia từng rất quan trọng với chúng, nhưng theo từng chặng lớn lên, đứa trẻ sẽ không thèm thứ mà nó ôm khư khư lúc còn nhỏ nữa. Ba tuổi say sưa với Baby Shark, năm tuổi hát Elsa, nhưng lên mười chỉ thích các dòng nhạc kiểu như Alan Walker thôi.
Ở tuổi trung niên, gia đình chỉ là những người bạn đồng hành, xe hơi chỉ là phương tiện, ngôi nhà chỉ là chỗ trú chân. Người không đội bất cứ thứ gì lên đầu, ngoại trừ trí tuệ, sự nhận biết.
Và đó là tôi đang nói về tiến trình bình thường của một đời người.
Trong thực tế thì đa phần lại cố chống lại quy luật tự nhiên. Họ cứ cố níu bám ở lại với mùa Xuân và mùa Hè. Họ như những đứa trẻ không chịu lớn. Họ sợ trưởng thành. Họ khư khư ôm lấy các món đồ chơi nhỏ bé.
Tuổi trung niên, nhiều người bị giằng xé giữa việc tìm hiểu mục đích cuộc đời và những lợi ích tầm thường. Sự nghiệp đã ok, bắt đầu chán. Con cái đã lớn, chúng có xu hướng độc lập dần. Bằng cấp, yêu đương, bạn bè không còn quan trọng. Nhưng mặc dù đã cảm nhận như vậy, rất nhiều người vẫn miễn cưỡng bám víu, bởi vì họ sợ phải đối diện với chính mình, với sự thật. Họ chấp nhận làm một cái cây Bonsai trong chậu của người chơi cây cảnh.
Một trung niên, lão niên mà vẫn còn lăn lộn kiếm sống, học hành thi cử, sưu tập lợi danh, thì trông khá là buồn cười. Nó giống như cậu thanh niên vẫn còn say sưa với đám gấu bông, đống truyện tranh, bộ phim hoạt hình, chơi ô ăn quan… Chúng ta dễ dàng bắt gặp những đứa trẻ con trong thân hình người lớn ở khắp mọi nơi. Đồ chơi của họ có thể là nhà đất, xe cộ, địa vị, bè phái, bồ bịch. Nhìn có vẻ người lớn nhưng bản chất chỉ là nhận thức của trẻ con.
Chống lại quy luật tự nhiên chưa bao giờ là một lựa chọn thông minh và hiệu quả. Bông hoa sen không ở mãi dưới bùn. Nó sẽ đi từ đó qua tầng nước và bung tỏa rực rỡ vào không trung. Bông sen trở thành nhà tạo hóa khi hạt của nó sẽ mọc lên nhiều những cây sen và rồi lại nở ra rất nhiều bông sen khác. Kẻ trưởng thành là biết chấp nhận mọi thứ như nó đang là, để rồi đón nhận bao điều mới mẻ, bao điều chưa biết.
Trong cuốn sách Đời Sống Tỉnh Thức, tôi có có viết một bài mang tựa đề “Cuộc sống chỉ thực sự bắt đầu sau tuổi 40”. Đó là lúc mà chúng ta phát hiện ra những ngu ngơ, dại khờ của tuổi trẻ. Chúng ta nhận ra mình không đơn giản chỉ là một giáo viên, một luật sư, một công chức, một ông bố, một bà mẹ, một người con, một cái tên… Đó chỉ là mấy chiếc áo, mặc vào rồi vứt ra mấy hồi đâu. Chúng ta là lớn hơn rất nhiều so với những khái niệm, định kiến, những vỏ bọc do xã hội định danh.
Phát hiện mang tính lịch sử là THẤY CHÍNH MÌNH, hiểu được mục đích cốt lõi của kiếp sống. Bạn sẽ vô cùng hạnh phúc và hào hứng khi biết rằng bây giờ đây chúng ta mới thực sự bắt đầu. Bây giờ mới là ý nghĩa. Đó là phục sinh.
Một ngày mới bắt đầu khi ta bước ra khỏi giấc ngủ dài. Một cuộc đời mới bắt đầu khi ta thức tỉnh mục đích sống. Q Lâm