Danh xưng Đức ông, Đức Giám mục, TGM và Hồng y
Hôm nay, chúng ta đang đề cập đến sự khác biệt giữa danh xưng Đức ông, Đức Giám mục, Tổng Giám mục và Hồng y.
SỰ KHÁC BIỆT GIỮA DANH XƯNG ĐỨC ÔNG, GIÁM MỤC, TỔNG GIÁM MỤC VÀ HỒNG Y
Trong Giáo Hội Công giáo, luôn có một phẩm trật nơi hàng giáo sĩ. Khởi đi từ Giáo hoàng đến các Linh mục chính xứ. Mỗi cấp bậc nơi hàng giáo sĩ có những vai trò đặc biệt riêng trong Giáo hội và phẩm phục của họ cũng khác nhau. Tôi đã trình bày về vai trò của từng cấp bậc đối với chức tư tế trong các bài đăng trước của tôi.
Hôm nay, chúng ta đang đề cập đến sự khác biệt giữa danh xưng Đức ông, Đức Giám mục, Tổng Giám mục và Hồng y.
Áo dòng (một loại áo chùng dài, bó sát người, các thành viên của hàng giáo sĩ hoặc những người khác mặc khi tham gia các buổi cử hành Phụng vụ) và chức vụ của Đức ông, Đức Giám mục, Tổng Giám mục và Hồng y rất khó phân biệt. Bài viết này sẽ giúp chúng ta nhận ra khác biệt của chúng và cách xác định từng cái một.
ĐỨC ÔNG
Danh xưng Đức ông không nằm trong phẩm trật nơi hàng giáo sĩ trong Giáo hội Công giáo. Đây là một tước vị danh dự được trao cho một Linh mục làm việc trong Giáo triều Rôma. Trải qua thời gian, tước vị này được mở rộng ra ngoài Rôma, qua sự giới thiệu của Giám mục Giáo phận, tước vị này có thể được trao cho các linh mục làm việc bên ngoài Rôma, những linh mục có công lao trong việc phục vụ Giáo hội.
Đức ông không có nhiệm vụ khác biệt với bất kỳ linh mục nào khác và không có thẩm quyền đối với linh mục đoàn. Gần đây, Đức Thánh Cha Phanxicô đã hạn chế việc mở rộng tước vị Đức ông, tước vị này chỉ được trao cho các linh mục làm việc trong các cơ quan trung ương tại Giáo triều Rôma.
Là một linh mục làm việc trong các Bộ của Giáo triều Rôma, Đức ông mặc áo chùng màu tím hoặc đen với các nút và sọc màu tím. Đức ông không đội mũ sọ và không mang thánh giá ở ngực. Đây là điểm phân biệt giữa Đức ông và Giám mục.
Tước vị Monsignor có thể được gọi là “Đức ông”, sau đó là họ và tên. Monsignor có thể được viết tắt là “Msgr”.
Màu tím áo Đức ông có truyền thống từ đế chế La Mã khi các thành viên mới của nghị viện được ban áo toga tím. Màu sắc này tượng trưng cho công bằng, uy nghi vương giả và chủ quyền.
GIÁM MỤC
Giám mục là giáo sĩ được tròn đầy bởi bí tích truyền chức thánh. Ngài được Giáo hoàng giao nhiệm vụ trông coi một Giáo phận.
Trong lịch sử của Giáo hội, màu xanh lá cây luôn là màu dành cho các Giám mục, đó là lý do tại sao màu này vẫn được nhìn thấy trên huy hiệu truyền thống của tất cả các Giám mục cho đến nay.
Vào thế kỷ thứ 6, màu phẩm phục của Giám mục đã được thay đổi từ màu xanh lá cây sang màu đỏ tía. Màu này tượng trưng cho trách nhiệm của ngài với tư cách là người lãnh đạo một Giáo phận và năng quyền để ban bí tích truyền chức thánh.
Khi mặc áo dòng, khác với Đức ông các ngài đội thêm mũ sọ, lớp vải lót màu đỏ và đeo thánh giá trước ngực.
Giám mục phụ tá là Giám Mục phụ giúp Giáo phận nhưng không có quyền thừa kế Giám Mục.
Giám mục phó là người hỗ trợ Giám mục Giáo phận và có quyền kế vị nếu Giám mục Giáo phận nghỉ hưu hoặc qua đời.
TỔNG GIÁM MỤC
Tổng Giám mục là một Giám mục của Giáo phận Chính tòa được gọi là Tổng Giáo phận. Tổng giám mục không nằm trong hệ thống phẩm trật của Giáo hội Công giáo, đó là chức danh được trao cho một Giám mục coi sóc một Tổng Giáo phận. Ngài có năng quyền tương tự và đóng vai trò giống như các Giám mục khác.
Tổng giáo phận là một Giáo phận lớn hơn khai sinh ra các Giáo phận khác hoặc là một Giáo phận có tầm quan trọng trong lịch sử.
HỒNG Y
Hồng y là một thành viên trong Hồng y đoàn. Các ngài được gọi là Hồng y vì các ngài đủ điều kiện tham gia cuộc bầu chọn Giáo hoàng. Để trở thành Hồng y, trước hết các ngài buộc phải là Giám mục. Sau khi được bổ nhiệm làm Hồng y, các ngài trở thành những cố vấn thân cận của Đức Thánh Cha trong các vấn đề của Giáo hội, có quyền bỏ phiếu trong cuộc bầu chọn Giáo hoàng cho đến khi các ngài 80 tuổi và các ngài cũng có thể được bầu làm Giáo hoàng.
Các Hồng y là cánh tay đắc lực của Giáo hoàng. Các ngài chịu trách nhiệm đặc biệt ở quốc gia của mình và cả Giáo hội hoàn vũ.
Màu sắc phầm phục của các ngài được biết đến là màu đỏ. Điều này nhằm xác định các ngài là Hồng y và là thành viên của Hồng y đoàn.
Chúng ta cũng có thể nhận biết một vị Hồng y bằng mũ Bétra (một chiếc mũ có 3 hoặc 4 góc cứng được đội lên đầu như một phần của phẩm phục trong phụng vụ). Khi Đức Giáo hoàng đặt mũ Barét lên đầu Hồng y, ngài nói “Hãy chấp nhận màu đỏ tươi này như một dấu hiệu của phẩm giá của vị hồng y, biểu thị sự sẵn sàng của hiền đệ để hành động với lòng can đảm, ngay cả hiền đệ phải chịu đổ màu, để gia tăng niềm tin Kitô giáo, vì sự hòa bình của dân Thiên Chúa cũng như sự tự do và phát triển của Giáo Hội Rôma”.
Tác giả: Ofomah Stephen
Chuyển ngữ: Jos. Đăng Vũ
Nguồn: https://amcatholic4life.com/the-difference-between-a…/… (9.11.2021)