Sức khỏe

Đậu bắp có lắm công dụng nhưng cũng nên đề phòng

Đậu bắp có lắm công dụng nhưng cũng nên đề phòng

Nhiều người không thích đậu bắp vì nó “nhớt nhờn nhợt”. Thế nhưng nó lại là loại đậu không thể thiếu trong nồi lẩu canh chua cá, hay món dê nướng chấm chao mà thiếu đậu bắp thì cũng trở nên… vô vị.

Ngoài ra, nó còn được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như đậu bắp xào tôm khô, đậu bắp sốt cà chua, đậu bắp chiên bơ sữa, đậu bắp xào thịt bò, trứng tráng đậu bắp, hay salad đậu bắp,…

Bỏ qua cái nhớt khó chịu (cho một số người), thì đây là một loại đậu chế biến được nhiều món ngon, và có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe.

Thứ nhất, theo các chuyên gia dinh dưỡng, loại thực phẩm này chứa hàm lượng lớn vitamin K và folate, là những hoạt chất giúp tăng cường sức khỏe cho hệ xương khớp nhờ khả năng tăng mật độ xương, ngăn ngừa hiện tượng loãng xương ở người già.

Thứ hai, trong đậu bắp rất giàu vitamin K, vitamin B, sắt, kẽm, kali, mangan… Đây đều là những chất quan trọng giúp tạo ra nhiều tế bào hồng cầu trong cơ thể. Bởi vậy, nếu muốn ngăn ngừa và điều trị thiếu máu, hãy nhớ ăn hoặc uống nước ép đậu bắp hàng ngày.

Kế tiếp, nước ép đậu bắp được xem là vị thuốc bình dân giúp trị đau họng và ho. Loại nước ép này có tính kháng khuẩn và khử trùng rất tốt nên giúp cải thiện các triệu chứng ho, đau họng.

Nên nhớ, bản chất của đậu bắp là loại thực phẩm giàu chất xơ hòa tan, nên có khả năng làm giảm lượng cholesterol xấu trong cơ thể một cách hữu hiệu. Ngoài ra, sử dụng đậu bắp thường xuyên cũng giúp bảo vệ hệ tim mạch khỏi những triệu chứng hay mắc phải về tim mạch.

Chất xơ có trong đậu bắp cũng có thể giúp kiểm soát nồng độ cholesterol trong máu, cũng như giúp giảm táo bón. Đậu bắp hoạt động như một thuốc nhuận tràng tự nhiên, hàm lượng chất xơ trong đậu bắp liên kết với các độc tố và làm giảm nhu động ruột.

Nhờ có nhiều chất xơ hòa tan, và chất xơ không hòa tan nên đậu bắp giúp giảm cân rất tốt bằng cách tạo cho cơ thể cảm giác no lâu và giảm lượng thức ăn tiêu thụ.

Lượng đường trong máu cao cản trở quá trình giảm cân. Đậu bắp giúp điều chỉnh lượng đường trong máu bằng cách duy trì lượng đường ổn định, ngăn chặn lượng insulin tăng đột biến dẫn đến tích trữ chất béo trong cơ thể.

Trong đậu bắp có chứa hàm lượng vitamin C và các chất chống oxy hóa cao. Loại vitamin này có liên quan đến khả năng giảm bớt các vấn đề về đường hô hấp như hen suyễn. Do đó, khi dùng đậu bắp thì bạn sẽ đỡ khó chịu hơn với các triệu chứng hen, đồng thời giảm khả năng bị hen suyễn.

Đậu bắp cũng là nguyên liệu được nhiều phụ nữ yêu thích lựa chọn để cải thiện sức khỏe của làn da. Những chất chống oxy hóa trong đậu bắp giúp thanh lọc máu, hỗ trợ điều trị mụn trứng cá và các bệnh ngoài da, mang đến một làn da chắc khỏe và hồng hào.

Tuy nhiên, vẫn có một số người nên tránh ăn đậu bắp
Viện Bệnh tiểu đường – Tiêu hóa và Thận quốc gia Mỹ khuyến cáo, những người có tiền sử bệnh sỏi thận cần nắm rõ về hàm lượng oxalate cao có trong đậu bắp.

Thực phẩm giàu oxalate làm tăng nguy cơ sỏi thận, tác động đến quá trình hình thành một dạng sỏi thận phổ biến là calcium oxalate.

Mặt khác, đậu bắp chứa solanine vốn có liên quan với đau khớp, viêm khớp và viêm kéo dài ở một tỉ lệ nhỏ người nhạy cảm với thành phần này. Solanine cũng hiện diện trong khoai tây, cà chua, cà tím, dâu tây và atiso. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào đề xuất nên hạn chế dùng solanine và điều ngược lại dường như có ý nghĩa hơn là rau quả nói chung kéo giảm tình trạng viêm.

Trong thành phần của đậu bắp có chứa nhiều fructan một dạng carbohydrate có thể gây tiêu chảy, đầy hơi ở những bệnh nhân vốn có vấn đề về đường ruột. Đặc biệt lưu ý khi lựa chọn đậu bắp để chế biến khẩu phần ăn cho những bệnh nhân bị hội chứng ruột kích thích và một số bệnh đường ruột khác, vì họ dễ nhạy cảm với thực phẩm có hàm lượng fructan cao.

Ăn nhiều thực phẩm có hàm lượng vitamin K cao có tác dụng ngược đối với bệnh nhân đang dùng thuốc chống đông máu như warfarin – là loại thuốc có tác dụng ngăn ngừa kết tụ huyết khối làm nghẽn đường dẫn máu vào tim hoặc não. Vitamin K cũng bị xem là trợ giúp cho huyết khối hình thành.

Theo kinh nghiệm ẩm thực, nên chọn đậu bắp tươi, không quá non và chỉ trữ để dùng trong không quá 3 hoặc 4 ngày. Nên rửa cả trái trước khi thái thành miếng nhỏ để chế biến thức ăn chứ không nên rửa sau khi thái để thành phần dinh dưỡng không bị hao hụt.

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!