Kỹ năng sống

ĐỒNG TIỀN

ĐỒNG TIỀN
Tôi có một điểm yếu là quá lo lắng cho tuổi già, từ khi vừa trưởng thành tôi đã lo xa cho tuổi già rồi. Chỉ sợ sau này thành gánh nặng cho con cái. Mà tôi lại khái tính đến lập dị, không bao giờ muốn nhận tiền bạc giúp đỡ của bất cứ ai kể cả của cha mẹ hoặc con cái mình, nên nếu tuổi già không có tiền thì khổ lắm.
Bởi vậy, khi dành dụm được 400 triệu vào năm 2000, tôi quyết định mua 200m2 đất ở Tứ Liên (tương đương 40 cây vàng), coi đó là khoản đảm bảo tuổi già.
Thế nhưng, vừa mua được 1 tháng thì đất lên giá, tôi bỗng nảy ra ý định bán đi rồi làm vốn mua đi bán lại.
Đất vẫn cứ lên giá không ngừng, tôi đăng báo bán giá 7,5 triệu/m2 (lúc mua là 2 triệu ). Tuy nhiên chỉ có người hỏi chứ chưa có ai mua.
Rồi tôi có chuyến công tác dài cùng các chuyên gia Ấn Độ vào Miền Tây Nam bộ, chuyện bán đất cũng quên đi.
Bỗng một sáng tôi đang ngồi họp thì có cuộc điện thoại:
– Chị rao bán mảnh đất 200m2 ở Tứ Liên?
– Đúng
– Chị bán giá 7,5tr/m2?
– Đúng thế!
– Vậy chị bán cho tôi nhé?
– Vâng
Tôi trả lời như reo lên, lòng sướng như điên, không hiểu sao anh ta mua dễ thế, không thèm mặc cả. 1,5 tỷ đồng, đời tôi chưa bao giờ dám mơ có nhiều tiền thế.
Thấy tôi dễ dãi anh ta xin bớt 20 tr₫, tôi cũng đồng ý luôn.
Cả tuần đó tôi không ngủ phút nào, mà người vẫn không mệt, bởi lòng tôi sung sướng, và bởi tâm trí tôi bận rộn với việc lên danh sách đền ơn đáp nghĩa cho những ai đã thương yêu, giúp đỡ chị em tôi từ khi còn là đứa trẻ mồ côi nghèo khổ. Đền ơn luôn là ước mơ cháy bỏng của tôi từ bé, ngặt nỗi tôi chưa có tiền. Tôi từng đem ước mơ đó tâm sự với anh tôi, một vị thứ trưởng ở bộ Nông nghiệp, anh tôi bảo: “Món nợ tình cảm không trả được bằng tiền đâu em ạ”. Biết vậy nhưng tôi vẫn muốn làm, và giờ đây tôi đã có tiền để thực hiện ước mơ, bởi thế mà tôi phấn khích không ăn không ngủ cả tuần lễ trước khi về Hà Nội.
Về đến nhà là tôi nhận tiền đặt cọc, điều kiện họ đưa ra là tôi phải đền gấp 10 lần số tiền 10.000 đô đặt cọc đó nếu tôi không bán nữa. Tôi ok liền, rồi cầm tiền đi mua vàng để đem biếu theo danh sách.
Chiều hôm sau tôi đưa người mua đến chỉ đất thì bà chủ đất cũ (gia đình đó có 350m2 đất, bán cho tôi 200m2, rồi lấy tiền xây lên ngôi nhà ở phần đất còn lại, và họ vẫn trông nom mảnh đất giúp tôi), thấy tôi, reo lên từ xa:
– Con ơi, mày đi đâu lâu thế, bao nhiêu người hỏi mua đất, 12 triệu rưỡi một mét có bán không con, người ta đang chờ.
Tôi xây xẩm mặt mày, đất dưới chân tôi như sụt xuống. Vậy là tôi bán hớ mất một tỷ đồng, vì đi công tác lâu ngày quá không biết đất Hà Nội sốt.
Nhưng cũng chỉ một thoáng, ngay lập tức tôi lại nghĩ: “Lộc trời cho tới đó thôi, hưởng thế là nhiều quá rồi”. Và rồi tôi lại tươi tỉnh như thường.
Sau đó tôi mới biết anh H (người mua đất) chỉ có đúng số tiền đặt cọc ấy, rồi đem đất của tôi rao bán cho người khác ăn lãi cả tỷ bạc (tương đương với 200 cây vàng). Thảo nào họ làm hợp đồng bắt tôi phải đền gấp 10 lần nếu không bán nữa, vì lúc đó tôi không biết là bán hớ.
Cũng trong hợp đồng thì việc thanh toán phải hoàn tất trước tết âm lịch. Nhưng đến tết rồi họ vẫn không có tiền trả tôi, và như thế là tôi hoàn toàn có quyền phá hợp đồng, đòi lại đất.
Nhưng tôi đã không làm thế. Biết họ quá lo lắng, tôi chủ động gọi điện bảo họ cứ yên tâm ăn tết rồi trả tôi sau cũng được.
Sau đó tôi ký bán đất thẳng cho khách hàng của họ, họ chỉ ở giữa buôn nước bọt và không phải trả một đồng thuế mua bán nào, tôi hoàn toàn không khó dễ để vòi tiền họ như hầu hết những người bán đất khác vẫn làm trong tình huống đó.
Thấy tôi dễ, anh H sau đó thường xuyên đến nhà tôi chơi, phát triển thành quan hệ bạn bè. Tôi làm như không biết rằng tôi nhận ra anh ta ham tiền đến quên cả lương tâm. Anh H luôn rủ tôi tham gia hết “dự án” này đến “dự án” khác mà theo như anh ấy thì hời kếch xù. Tôi chỉ ừ hữ chứ không mảy may để tâm đến những dự án của anh ta. Anh ta cũng tìm mọi cách làm cò bán đất cho tôi để được hưởng hoa hồng hậu hĩnh, nhưng anh ta không thành công được lần nào nữa.
Bẵng đi, một hôm tôi gọi cho anh H để trao đổi một việc, thì con anh H nghe máy: “Cô ơi, bố cháu bị ung thư đang nằm ở viện 354”.
Tôi vù đến thăm. Thật không thể tin nổi, một anh H đỏm dáng và tham vọng tiền bạc thì nay chỉ còn nắm xương, co rúm vì đau đớn trên giường bệnh. Tôi đưa anh H chiếc phong bì tiền biếu, nhưng anh ấy chẳng thèm nhìn nó nữa. Tôi nhớ hôm đó là sắp tết.
Tết năm đó tôi cho con đi du lịch Sapa. Vừa về đến nhà tôi gọi ngay cho anh H xem tình hình thế nào, thì vợ anh ấy nghe máy:
“Chị là ai?”
“Em là Hạnh ạ”
“Có phải cô Hạnh ở Tứ Liên không?”
“Dạ phải”
Thế là chị ấy khóc oà lên:
“Em ơi, anh H vừa mất rồi, chị vừa đưa anh vào nhà lạnh về đến đây. Cả ngày hôm qua anh ấy đau lắm, chiều hôm qua anh ấy cứ dặn đi dặn lại chị rằng nếu anh chết thì nhớ báo cho cô Hạnh. Chị hỏi: “Hạnh nào?”, thì anh ấy bảo “cô Hạnh ở Tứ Liên, cô ấy tốt lắm..”.
Tôi hỏi thì chị ấy bảo sáng ngày kia đưa tang, lễ viếng từ 10h – 12h trưa và an táng tại Tứ Liên.
Tôi quyết định đưa anh ấy ra tận mộ nên căn 11h30 mới ra viếng để khỏi phải đợi lâu.
Nhưng khi tôi ra đến nơi thì cả nhà tang lễ không còn ai. Tưởng mình nhầm giờ, tôi hỏi bảo vệ thì họ bảo: “Đi lâu rồi”, tôi hỏi thêm thì họ trả lời nhấm nhẳn: “Hết người viếng thì đi chứ ở lại làm gì?”.
Tôi hộc tốc đuổi theo hướng người ta chỉ, thì thấy chỉ lèo tèo vài người đưa tang. Cảm thấy ái ngại quá, thấy một chị ngày xưa hay đi cùng anh H đến nhà tôi môi giới đất, lúc này đang đi rắc vàng hương theo quan tài trên đường, tôi lại gần chào và bảo: “Chị thật tốt với anh H”.
Ra đến nghĩa địa, tôi ngạc nhiên, anh ấy chết mới ngoài 50 tuổi mà sao chẳng thấy ai thương xót.
Chị bạn lúc nãy lại gần tôi, nói nhỏ: “Chị tiễn anh ấy ra đây là vì cái nghĩa chứ cái tình thì hết rồi. Em xem, anh ấy gốc Hà Nội phố cổ, lẽ ra phải rất nhiều họ hàng bạn bè tiễn viếng, nhưng làm gì có ai, lừa hết lượt người ta em ạ. Chị không hiểu sao anh ấy lại không lừa được em trong khi em thật thà cả tin thế”.
Tôi hỏi chị 2 mảnh đất chung với anh H đã bán hết chưa thì chị khóc bảo anh ấy lừa hết của chị rồi, mua chung, anh ấy đứng tên, chị giữ sổ, nhưng anh ấy bảo chị đưa sổ cho người mua xem, chị chủ quan đưa, thế là anh ấy bán mất, hu hu…”.
Tôi chăm chú nhìn người ta hạ huyệt, cô con dâu phấn son bự và cặp mi giả cong vút, không một giọt nước mắt. Rồi đất rào rào lấp lên quan tài anh H. Lúc đó tôi cảm nhận đồng tiền nó vô nghĩa nhường nào, khi con người ta về với đất nào có mang theo được thứ gì.
Từ nhà tôi mỗi khi ra vườn đào Nhật Tân vẫn đi qua khu nghĩa địa có mộ anh H, và những lúc đó tôi lại nghĩ đến sự vô nghĩa của đồng tiền.
Hôm nay, tôi cũng đi qua đó. st

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!