ĐỨC MARIA VỚI NGƯỜI Á CHÂU
Chúng ta biết rằng “Tết âm lịch” không chỉ là lễ hội của người Việt mà còn của nhiều dân tộc ở Á Đông. Chúng tôi muốn nhân lễ Kính Đức Mẹ Dâng Chúa Trong Đền thánh để giới thiệu một đề tài khá thú vị: tại Á châu, lòng tôn kính Đức Maria không chỉ giới hạn trong khuôn khổ đạo Công giáo, nhưng còn mở rộng đến các tôn giáo khác. Đức Maria đóng vai trò như là một chiếc cầu liên tôn thuộc về hết mọi người. Mẹ là nhân vật tôn giáo phổ biến nhất trên lục địa
Trong hai bài viết sau đây (Những gương mặt của Đức Maria ở châu Á; – Đức Maria và các nữ thần Á Đông), tác giả Michael Chamboni, Điều phối viên Trung tâm nghiên cứu đạo Công giáo ở Á châu (Initiative for the Study of Asian Catholics, Singapore), đúc kết vài đề tài của cuộc hội thảo online được tổ chức hồi tháng 5 năm 2023, với chủ đề “More Universal than Catholicism? Mary Among Asian Religions”, được đăng trên tạp chí World Mission December 2023 (https://worldmissionmagazine.com/the-asian-faces-of-mary/) Đàng sau các dữ kiện lịch sử, tác giả gợi lên nhiều suy tư thần học liên quan đến vai trò của Đức Maria trong cuộc đối thoại liên tôn hiện nay.
I. NHỮNG GƯƠNG MẶT CỦA ĐỨC MARIA Ở CHÂU Á
Theo Pew Research Center (Hoa kỳ) và ISAC (International Schools Asia Conference), Đức Maria được tôn kính trong mọi ngõ ngách ở châu Á, bởi các tín đồ thuộc các tôn giáo khác nhau. Theo một nghĩa nào đó, Đức Maria là nhân vật tôn giáo phổ biến nhất trên lục địa.
Tại nhà thờ Novena, ngôi thánh đường nổi tiếng nhất ở Singapore, người ta rất dễ gặp các tín đồ Islam và Hindu đến cầu khẩn Đức Maria. Những vị khách này đến đền kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp vì nhiều lý do. Khác với phần lớn các giáo xứ tại địa phương, những hoạt động mục vụ của các cha dòng Chúa Cứu Thế nhắm cách riêng đến các ngoại kiều và công nhân di cư.
Một vài vị khách giải thích rằng hồi còn trẻ, họ đã theo học các trường học Công giáo đây đó ở châu Á và có thói quen khấn hứa với Đức Trinh Nữ Maria. Họ cầu nguyện theo truyền thống tôn giáo của họ nhưng vẫn nghĩ tới Đức Maria trong đời sống tâm linh của họ. Họ không muốn trở lại Kitô giáo nhưng vẫn nhìn nhận hình ảnh quan trọng của Đức Maria.
Lòng tôn kính của người Islam đối với Đức Maria không chỉ gặp thấy ở Singapore. Đây là thực tế chung trong thế giới người Islam. Trong cuốn sách “Muslim and Catholic Pilgrimage Practices: Explorations Through Java,” linh mục Bagus Laksana S.J. ở Inđonêsia giải thích có rất nhiều tín đồ Hồi giáo đi hành hương các đền thánh và tỏ lòng tôn kính Đức Maria.
ĐẠO HINDU VÀ ISLAM
Trong bài nghiên cứu “Muslim and Catholic Pilgrimage Practices: A Case Study of the Mariamabad Annual Gathering”, học giả Jamil Akhtar đã trưng ra những điểm tương tự trong việc thực hành tôn giáo ở Pakistan.
Thông qua các trung tâm hành hương, Đức Maria trở thành tâm điểm của các cuộc giao lưu tôn giáo lớn ở Châu Á. Ở Ấn Độ, hàng ngàn tín hữu Hồi giáo đến với Đức Mẹ Velankanni (Tamil Nadu), nơi mà tục truyền Mẹ đã hiện ra vào các thế kỷ XVI và XVII, để cầu nguyện và khấn hứa.
Tượng Đức Mẹ Velankanni
Những tín đồ đạo Hindu này cùng đi với các tín đồ Công giáo để tìm kiếm sự cứu giúp của Đức Maria cho các mối bận tâm về sức khỏe, gia đình hoặc công ăn việc làm. Người ta có thể ghi nhận rằng họ đến với Đức Maria cũng tương tự như cách họ tôn kính các vị thần của đạo Hindu. Họ khấn hứa, dâng lễ vật, bái kính và tin tưởng. Cuối cùng, các tín đồ Hindu này tín thác vào quyền năng của Đức Maria có thể làm thay đổi mọi sự.
Tính chất liên tôn trong việc sùng kính Đức Mẹ có thể thách thức quan niệm của chúng ta về tôn giáo. Xã hội học hiện đại có xu hướng tin rằng các tôn giáo bao gồm những cơ cấu đạo lý chặt chẽ gồm bộ sách thánh và các chức sắc đặc thù. Tôn giáo thường được trình bày như một hệ thống các điều phải tin và phải giữ.
Nhưng với sự tôn kính Đức Maria về phía các tín đồ Ấn giáo, Phật giáo và Đạo giáo, thì định nghĩa ấy về tôn giáo không còn tác dụng nữa. Việc thực hành tôn giáo không phải lúc nào cũng ăn khớp với các đạo lý có hệ thống mạch lạc.
ĐỨC MARIA TRONG CÁC GIA ĐÌNH
Ngoài ra, chúng ta phải nhớ rằng Đức Maria không thể chỉ giới hạn vào trong các nơi thờ tự những địa điểm thờ phượng cộng đồng. Mẹ là một nhân vật tôn giáo phổ quát nhất trong mọi gia đình. Những bức tượng và hình ảnh của Mẹ thường được gặp thấy trong phòng khách và phòng ngủ của nhiều người châu Á. Giữa tâm hồn của mỗi cá nhân và các thánh đường của họ, còn có ngôi nhà riêng. Không gian này là một địa hạt thiết yếu trong đời sống tôn giáo của họ!
Tại các gia đình, Đức Maria có thể thoát khỏi các quy định do các cơ quan lãnh đạo nhà nước và tôn giáo đưa ra. Đây là trường hợp của Maria Kannon (Đức Maria Quan Âm) ở Edo Nhật Bản. Ngày nay, cha Aristotle Dy S.J. tường thuật rằng bên trong những ngôi nhà của người Philippines gốc Hoa mà cha đến thăm, đôi khi người ta có thể tìm thấy Đức Mẹ Maria bên cạnh một bức tượng Quan Âm. Cả hai vị đều được cúng bái như nhau, và các tín đồ cho rằng cả hai đều phát xuất bởi cùng cùng một nguyên lý.
Nói cách khác, ưu thế vượt trội của Đức Maria trong khung cảnh ấm cúng của gia đình, nơi mà Mẹ có thể cùng tồn tại với nhiều truyền thống và thực hành tôn giáo khác nhau, mời gọi chúng ta xét lại về xu hướng thu gọn tôn giáo vào vài việc thờ phượng công cộng hoặc trong khung cảnh thể chế. Khung cảnh gia đình cần phải trở thành trọng tâm cho các nghiên cứu tôn giáo.
Nói một cách đơn giản, dù ở nhà hay tại các địa điểm hành hương công cộng, những người tôn kính Đức Maria không dễ bị đóng khung trong những tôn giáo ước định. Họ bộc lộ những hy vọng và nhu cầu của chính mình thường đã được định hình bởi ngôn ngữ tôn giáo, thực trạng chính trị xã hội và thói quen văn hóa. Vượt lên những định kiến sẵn có, họ lấy cảm hứng từ nhiều nguồn gốc và truyền thống khác nhau. Đối với nhiều người, đời sống tôn giáo không bị giới hạn vào một hệ thống hay tính cách thuộc về một nhóm. Đời sống tôn giáo còn được tạo nên bởi các mối tương quan cá vị với những nhân vật thuộc thế giới thế giới bên kia.
Kế đó, sự đa dạng của việc tôn kính Đức Maria này cũng mời gọi chúng ta xem xét lại sự lai tạp và gặp gỡ giữa các tôn giáo. Nếu Đức Maria mời gọi chúng ta suy nghĩ lại về tôn giáo, Mẹ cũng thách thức nhiều diễn từ về đối thoại liên tôn. Ở Singapore, Ấn Độ và Việt Nam, một số thế lực chính trị từ lâu đã cổ võ sự hiểu biết về tôn giáo, trong đó nguy cơ bạo lực giữa các cộng đồng thường ở mức cao.
Trong mắt của họ, các tôn giáo làm cho con người sống nặng về cảm xúc và giảm nhẹ suy luận. Vì thế, trong một xã hội đa dạng bậc cao, nhà nước phải giám sát chặt chẽ các tôn giáo và các nhà lãnh đạo tôn giáo để ngăn chặn bạo lực giữa các tôn giáo. Nhưng đặc tính này của các tôn giáo cũng là một chiêu bài để củng cố tính hợp pháp của nhà nước và sự kiểm soát của nhà nước đối với người dân. Ví dụ, ở Indonesia, hôn nhân khác đạo bị nhà nước coi là bất hợp pháp.
Nhưng việc tôn kính Đức Mẹ liên tôn mang lại một cách hiểu khác về các mối quan hệ liên tôn. Trước hết, chúng ta thấy rằng các tôn giáo không thể bị rút gọn vào những hệ thống đã được định hình và khép kín. Đời sống tôn giáo có tính sáng tạo, hỗn hợp và linh hoạt hơn. Thứ hai, Đức Maria cho thấy rằng những người thực hành đức tin có thể phớt lờ các cơ quan lãnh đạo và các đạo lý chính thức để vượt qua các ranh giới mà không giết hại lẫn nhau. Những người ngoan đạo có thể tạo ra một loạt các hoạt động tôn sùng và hành hương xuyên tôn giáo để xây dựng các hình thức hiệp thông trong sự đa dạng tôn giáo xã hội.
ĐỨC MARIA NHƯ MỘT CHIẾC CẦU NỐI KẾT TÔN GIÁO
Bất chấp những lo ngại về tính chính thống được ấn định một cách hẹp hòi, Đức Maria vẫn là cầu nối liên tôn, Mẹ thuộc về mọi người. Một cách âm thầm, Mẹ là một đồng minh nổi tiếng để xây dựng sự hòa hợp tôn giáo và ngăn chặn bạo lực giữa các cộng đồng. Trong thực tế, Mẹ đưa ra một giải pháp thay thế cho sự kiểm soát trịch thượng.
Mặc dù tính chất đa tôn giáo của việc tôn kính Đức Maria có thể gây ra những lo ngại chính đáng về thuyết hổ lốn (syncretism), nhưng có rất nhiều điều cần học hỏi từ nó. Tính phổ quát của Đức Maria ở Châu Á giúp chúng ta xem lại cách thức chúng ta quan niệm về tôn giáo, các mối quan hệ liên tôn và các quy định tôn giáo.
Tuy nhiên, và đây sẽ là điểm cuối cùng của tôi, tính chất xuyên tôn giáo của việc tôn kính Đức Maria cũng có thể giúp chúng ta đặt nghi vấn về định nghĩa của chúng ta về các tôn giáo châu Á. Điều gì làm nên một tôn giáo châu Á? Đức Maria giữ vai trò gì trong quá trình châu-Á-hóa và giải-châu-Á-hóa các truyền thống tôn giáo?
Trong sách “Race, Gender, and Religion in the Vietnamese Diaspora”, nhà xã hội học Ninh Thiên Hương trình bày những biến đổi mà Đức Mẹ La Vang đã trải qua trong mấy chục năm qua. Việc tôn kính Đức Mẹ này dựa trên việc Đức Maria hiện ra của vào cuối thế kỷ XVIII gần làng La Vang (miền Trung Việt Nam). Một khía cạnh hấp dẫn là cho đến cuối thế kỷ XX, Đức Mẹ La Vang được miêu tả qua những nét nghệ thuật bắt nguồn từ phong cách châu Âu. Đức Maria trông giống người phương Tây.
Tuy nhiên, vào cuối những năm 1990, các giám mục ở Việt Nam được gợi ý bởi ông Trần Văn Nhân, một nhà điêu khắc người Việt sống ở Mỹ, và đã bắt đầu quảng bá hình ảnh Đức Mẹ La Vang mặc trang phục truyền thống của Việt Nam như áo dài truyền thống màu trắng và đội khăn đóng vàng.
Chẳng bao lâu, phiên bản Đức Maria Việt Nam đã trở nên cực kỳ phổ biến khắp cộng đồng người Việt hải ngoại và ở Việt Nam. Tại Hoa Kỳ, Mẹ trở thành trung tâm của cuộc hành hương Thánh Mẫu lớn nhất cả nước. Vào tháng 10 năm 2023, một đền Đức Mẹ La Vang thậm chí còn được khánh thành gần Fatima, Bồ Đào Nha.
ĐỨC MẸ LA VANG
Đối với một số người Việt Nam, phiên bản Đức Mẹ La Vang là một niềm tự hào dân tộc. Trong khi đối với những người khác, đây là biểu tượng của sự đa dạng hài hòa mà đạo Công giáo được cho là đại diện. Rõ ràng, sự nổi tiếng trên toàn thế giới của Đức Maria liên quan đến bối cảnh chính trị, các khung cảnh di dân và trí tưởng tượng quốc tế khác nhau. Nhưng Đức Mẹ La Vang cũng minh họa cho việc không ngừng biến đổi của đạo Công giáo thành một tôn giáo châu Á. Bất chấp những định kiến hiện đại, Công giáo từ lâu đã và đang tiếp tục tái khẳng định mình là một tôn giáo của Châu Á. Trong quá trình này, Đức Maria là nhân tố quan trọng được cân nhắc.
Tóm lại, các việc tôn kính Đức Maria cần được đánh giá đúng mức, thay vì chỉ coi đó như là những biểu lộ của cảm xúc mù quáng. Nếu các việc tôn sùng ấy đã thách thức các ý thức hệ và đạo lý khác nhau, thì chúng cũng nhắc nhở chúng ta rằng các thực hành sùng đạo vẫn sinh động trong tâm hồn mọi người, và có khả năng đáp ứng mọi niềm hy vọng, mọi mối quan tâm và nhu cầu.
Mặc dù Giáo hội cần đến các tín điều để diễn tả Đức Maria, nhưng không dễ gì nắm bắt được bản chất của Người. Chúng ta tung hô Mẹ là Đấng Vô nhiễm, nhưng chắc rằng chúng ta không tài nào hiểu thấu đặc ân này. Thời nay, có những khuynh hướng hoặc muốn gạt Người ra bên lề, hoặc đề cao vị trí của Người trong Giáo hội; nhưng sự kiện Người được tôn kính khắp nơi, thậm chí bên ngoài Kitô giáo, buộc chúng ta phải nhìn lại ý nghĩa chính xác của Người.
Việc tôn kính Đức Maria ở Châu Á cho thấy Người giữ một vai trò trung tâm trong cuộc đối thoại giữa Kitô giáo với các tôn giáo khác. Đức Maria ở Châu Á vẫn là một câu hỏi hấp dẫn đưa chúng ta vượt ra khỏi vùng an toàn của mình. Với các thiện nam tín nữ đủ màu sắc, Đức Maria là một nhân vật đầy thách thức, mời gọi chúng ta xem xét lại quan điểm của mình tôn giáo, cũng những quan điểm của chúng ta về đạo Công giáo và đối thoại liên tôn.
II. ĐỨC MARIA VÀ CÁC NỮ THẦN Ở Á ĐÔNG
Người Công giáo tôn kính các nữ thần gắn liền với Phật giáo và tôn giáo dân gian của Trung Quốc trong các bối cảnh khác nhau như một cách để thể hiện lòng sùng kính Đức Mẹ của họ.
Bài viết thứ hai này khám phá cách thức mà việc sùng kính Đức Maria góp phần vào việc gặp gỡ giữa Kitô giáo và Phật giáo ở Đông Á. Vấn đề không phải là thảo luận về cuộc đối thoại thần học trừu tượng giữa hai truyền thống tôn giáo lớn. Đúng hơn, bài viết này xem xét cách các nữ thần gắn liền với Phật giáo (bồ tát Quán Âm) và tôn giáo dân gian ở Trung Quốc (hình tượng Mã Tổ ở Đài Loan) cùng tồn tại với lòng sùng kính Đức Maria. Điều này cho chúng ta biết điều gì về Đức Maria và cuộc đối thoại giữa Phật giáo và Kitô giáo?
Hầu hết mọi người đều đã nghe nói về Maria Kannon (Maria Quán Thế Âm). Hình ảnh tượng trưng cho Đức Trinh Nữ Maria ở Nhật Bản này xuất hiện trong các cuộc bách hại chống Kitô giáo thời Edo (Giang Hộ:1603-1868). Để ngăn chặn sự trừng phạt và cái chết có thể xảy ra, Đức Maria được vẽ qua hình dáng của Bồ Tát Quán Thế Âm, một ni cô Phật giáo có lòng từ bi phổ quát đang ôm một đứa trẻ.
Những người sùng kính Đức Maria tôn kính những bức tượng này của Maria Quán Thế Âm nhằm gây cảm tưởng rằng họ là những tín đồ Phật giáo chân chính. Tuy nhiên, một số yếu tố trên những bức tượng này cho thấy bức tượng có liên quan đến Kitô giáo. Trong hai thế kỷ, những bức tượng được tạo tác bằng sứ này hầu hết được tạo ra ở miền Nam Trung Quốc và được đưa bằng tàu thủy vào miền Nam Nhật Bản. Sau này chúng trở thành biểu tượng cho sự đau khổ và đối kháng của Kitô hữu.
Thế nhưng, nghiên cứu gần đây cho thấy kiểu kết hợp giữa Phật giáo và Đức Maria này không phải là một ngoại lệ cụ thể đối với Thời kỳ Edo ở Nhật Bản. Trên thực tế, đây là mô hình lâu dài và sôi nổi của những cuộc gặp gỡ ở Đông Á giữa Kitô giáo và Phật giáo. Đó là lịch sử của một cuộc bách hại và đối kháng chính trị, và một cuộc gặp gỡ và thân cận tôn giáo. Để chứng minh điều đó, tôi tóm tắt ngắn gọn ba phần nghiên cứu được các học giả trình bày trong hội thảo “Có gì phổ cập hơn đạo Công giáo? Đức Maria Giữa Các Tôn Giáo Châu Á” và thảo luận sâu hơn về cuộc đối thoại liên tôn thầm lặng được sắp xếp thông qua việc sùng kính Đức Maria.
NHỮNG BỨC TRANH TRUNG HOA
Các nhà sử học Song Gang và Wang Xintong phân tích hai bức tranh về Quan Âm được cho là của họa sĩ Tang Yin (Đường Dần: 1470–1524). Qua sự so sánh các đặc điểm phong cách, tính biểu tượng và sự thích nghi theo bản địa hóa, họ cho rằng những bức tranh này là những hình vẽ hóa trang về Đức Trinh Nữ Maria được tạo ra trong thời kỳ cấm cách đạo Kitô giáo ở Trung Quốc dưới triều đại nhà Thanh (thế kỷ XVIII) và chủ ý được gán cho ông Tang Yin nhằm tránh sự nhòm ngó của chính quyền. Giống như ở Nhật Bản trong thời kỳ Edo, Phật giáo đã trở thành phương thế để những người Kitô hữu bị bách hại có thể tiếp tục thực hành tôn giáo của họ. Người Công giáo Trung Quốc đã tích hợp một cách hợp lý việc sùng kính Đức Mẹ vào truyền thống tôn giáo và nghệ thuật địa phương của họ để bảo vệ đức tin của họ.
NHỮNG BỨC TƯỢNG Ở HÀN QUỐC
Nhà thần học Mideum Hong phân tích các bức tượng được tạo ra bởi Choi Jong-Tae, một nhà điêu khắc người Hàn Quốc sinh năm 1932 và một giáo dân Công giáo. Hầu hết những bức tượng này là tượng trưng cho Đức Mẹ Maria mà hiện nay thường được tìm thấy trong các nhà thờ Công giáo ở Hàn Quốc. Những bức tượng này được lấy cảm hứng từ nghệ thuật Phật giáo phát triển mạnh mẽ ở bán đảo Triều Tiên trong thế kỷ VI và vẫn còn được nhìn thấy bên trong Động Seokguram.
Không như đá sa thạch và đá vôi được sử dụng rộng rãi ở Ấn Độ và Trung Quốc theo Phật giáo, các nghệ sĩ Hàn Quốc sử dụng đá granit địa phương. Nhà điêu khắc Choi cho rằng phong cách và chất liệu nghệ thuật này thể hiện tinh thần truyền thống của Hàn Quốc. Dựa theo nghệ thuật Phật giáo này từ thế kỷ VI, các bức tượng làm bằng đá granit của ông có đặc trưng là các đường nét đơn giản. Đức Maria có khuôn mặt tròn và đứng chắp hai tay vào nhau. Khác với các bức họa phương Tây, đôi mắt của Mẹ được tượng trưng bằng những vạch ngang để thể hiện vẻ chiêm niệm và trầm ngâm.
Tuy nhiên, những bức tượng về Đức Maria của Hàn Quốc phải được đặt trong công cuộc đối thoại với bối cảnh rộng lớn hơn của họ. Trong những thập kỷ qua, ngày càng nhiều người Hàn Quốc coi tiêu chuẩn trang phục truyền thống của họ là biểu tượng quan trọng để thể hiện sự khác biệt dân tộc của họ. Nhiều người mặc trang phục truyền thống trong đám cưới và các sự kiện đặc biệt. Những bộ y phục này được huy động để biểu diễn và củng cố bản sắc dân tộc.
Tương tự như vậy, hình ảnh Đức Maria mặc hanbok, trang phục truyền thống của Hàn Quốc, đã trở thành một cách để hòa nhập văn hóa Công giáo. Tuy nhiên, hình ảnh và tượng Đức Mẹ mặc hanbok (Hàn phục) vẫn còn khá ít. Ở gia đình, người Công giáo Hàn Quốc thích miêu tả Đức Mẹ theo phong cách phương Tây hơn. Phía trước nhà thờ của họ hầu hết đều có những bức tượng bằng đá granit tượng trưng cho Mẹ Thiên Chúa.
Điều nghịch lý là, trên thực tế, chính truyền thống Phật giáo được huy động để diễn tả Đức Maria ở Hàn Quốc. Ngược lại với trang phục Hàn Quốc che phủ thân thể ở bên ngoài, các tài liệu Phật giáo cung cấp một đường hướng khác để làm nổi bật sự chuyển hóa bên trong của một hành trình tâm linh và vượt qua biên giới quốc gia.
NHỮNG CUỘC HÀNH HƯƠNG ĐÀI LOAN
Nhà ngôn ngữ học Brian Reynolds và nhà nhân chủng học Marco Lazzarotti nghiên cứu cách Đức Maria đã được bản địa hóa ở Đài Loan thông qua các cuộc hành hương và nêu bật những điểm tương đồng giữa các thực hành Công giáo và tôn giáo bình dân của Đài Loan. Chẳng hạn, họ xem xét một lần hiện ra nổi tiếng gần đây của Đức Maria, người đã giúp đỡ năm người ngoài Công giáo bị lạc trong một chuyến đi bộ trên những ngọn núi cao của hòn đảo. Bị mắc kẹt trên một sườn núi nhiều giờ, họ nhìn thấy một bóng trắng tiến đến và chỉ cho họ đường phải đi. Mặc dù hiện tượng này phản ánh nhiều niềm tin thần thánh, nhưng họ vẫn nhận ra hình dáng của Kitô giáo bởi vì cô ấy giống với bức tượng Đức Mẹ được các nhà truyền giáo đặt trên đỉnh núi. Sau đó, họ theo đạo Công giáo và dựng một bức tượng của Mẹ tại địa điểm này. Ngày nay, địa điểm này đã trở thành một địa điểm hành hương nổi tiếng. Một ví dụ khác là cuộc hành hương Thánh Mẫu do Hội đồng Giám mục tổ chức vào năm 2008-2009 để đánh dấu 150 năm Giáo hội tại Đài Loan. Theo cách tương tự với các tập tục xung quanh vị thần địa phương Mazu (Thiên Hậu Thánh Mẫu), một bức tượng Đức Trinh Nữ Maria ở Wanchin (Vạn Khâm) đã được mang đi khắp hòn đảo để đến thăm mọi giáo xứ.
Cuộc du hành của bức tượng này nhằm mục đích củng cố sự gắn kết giữa các giáo phận Đài Loan và khuyến khích người Công giáo thể hiện đức tin của mình một cách công khai. Các nhà nghiên cứu tường thuật rằng “bức tượng Đức Trinh Nữ Maria cũng được những người không theo đạo Kitô giáo chào đón như thể đó là một “biến thể Kitô giáo” của Thiên Hậu. Theo truyền thống, nhiều vị thần đã bước ra khỏi đền thờ của họ để chào đón du khách và tỏ lòng tôn kính với Mẹ.
Trong cả hai trường hợp, phiên bản Đài Loan về Đức Maria đã thành hình dựa trên niềm tin và thực hành tôn giáo địa phương thấm nhuần truyền thống Trung Quốc và Phật giáo. Theo một nghĩa nào đó, có một cách của người Đài Loan để diễn tả các thần linh siêu việt sang hình dáng địa phương. Qua những khả năng khác nhau, những người ngoài Kitô giáo, các giáo dân và giáo sĩ Công giáo đã cộng tác vào việc bản địa hóa Đức Maria tại Đài Loan.
Tuy nhiên, khi chúng ta đối chiếu ba trường hợp Đông Á – các bức tranh Trung Quốc, các bức tượng Hàn Quốc và các cuộc hành hương của Đài Loan – chúng ta thấy rằng những người tôn kính Đức Mẹ đang đi theo một con đường tinh tế để thể hiện những nét đặc trưng của biểu tượng tôn giáo của họ. Các tín hữu Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan đã nuôi dưỡng sự gần gũi giữa Đức Maria, Quan Thế Âm và Thiên Hậu để triển khai dự án tôn giáo-xã hội của họ.
Những điểm tương đồng giữa ba nữ thần có thể là hữu ích để che đậy một phần nào các sắc thái Kitô giáo, ngõ hầu củng cố một nếp sống tâm linh hòa hợp với bản sắc dân tộc. Phải nhìn nhận rằng đây là một nỗ lực để diễn tả niềm tin vào một thời điểm và địa điểm cụ thể, nhờ việc sử dụng những tương đồng với các tôn giáo khác.
Tuy nhiên, trong cuộc đối thoại với các tôn giáo ngoài Kitô giáo, bên cạnh những yếu tố cụ thể của xã hội và chính trị, cần đi xa hơn biên cương của quốc gia và những hình thức đạo đức hời hợt. Thiên Hậu và Quan Âm được vận dụng để diễn mầu nhiệm của Đức Maria, chứ không chỉ là những nhân vật phàm trần.
Đức Maria ở Đông Á không chỉ đơn giản là đồ trang điểm Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan hay Tây phương. Tuy dựa theo các truyền thống tôn giáo châu Á, nhưng những người tôn kính Mẹ nhấn mạnh rằng Mẹ vượt qua thời gian và không gian.
Trong cuộc đối thoại với các vị thần địa phương, Đức Maria vượt qua ranh giới quốc gia và vẻ thu hút của Tây phương. Những động lực tinh tế việc tôn kính Đức Maria, trong đó chúng ta thấy sự tương tác giữa các tín ngưỡng Kitô giáo và ngoài Kitô giáo là điều quan trọng để vượt qua các diễn ngôn trừu tượng và đồng nhất về đối thoại Kitô giáo-Phật giáo. Ở Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc hiện nay, cuộc đối thoại liên tôn mang những đặc điểm rất địa phương của lòng đạo đức bình dân đối với Đức Maria.
Đồng thời, sự gần gũi giữa các tôn giáo và sự phân biệt không rõ ràng giữa các vị nữ thần có thể gây ra nhiều quan ngại. Nguy cơ của chủ nghĩa hỗn hợp (syncretism) và sự trà trộn thần học luôn được nêu lên bởi những người muốn đào sâu và thanh lọc việc tìm kiếm tâm linh của họ. Những mối quan ngại này thực sự có cơ sở và cần phải nghiên cứu nghiêm túc.
Chừng nào chúng ta vạch ra được ranh giới giữa sự tương đồng hiệu quả và thuyết hổ lốn nguy hiểm? Dựa trên ba trường hợp nghiên cứu của chúng tôi ở Đông Á, chúng tôi thấy rằng sự lai tạp giữa các tôn giáo không nhất thiết là tốt hay xấu tự bản chất. Chúng diễn ra trong nhiều bối cảnh khác nhau (không chỉ trong các cuộc bách hại) và được sử dụng theo nhiều cách thức khác nhau (không chỉ để chống lại nhóm đa số).
Các sự tương đồng táp nham có thể được cổ vũ hay gạt bỏ, xúc tiến hoặc khai trừ. Thách thức ở đây là xác định loại bối cảnh và mối quan hệ quyền lực nào khiến những nhận thức này thay đổi. Như một nhân chứng thầm lặng cho những cuộc phấn đấu trong giáo hội của chúng ta, Đức Maria hỏi: ai có thẩm quyền biến đổi sự hỗn hợp tai hại thành sự hội nhập văn hóa đáng quý? Tại sao?
Giuse Phan Tấn Thành