Góc tư vấn

Giáo hội Công giáo cần làm gì trước trào lưu “chữa lành”?

Giáo hội Công giáo cần làm gì trước trào lưu “chữa lành”?

Công giáo từ lâu được biết đến là đạo của sự yêu thương, của sự chữa lành, và là nơi con người có thể kiếm tìm được sự ủi an về mặt tâm hồn. Tuy nhiên, với trào lưu “chữa lành” phổ biến như hiện nay, liệu Giáo hội sẽ làm thế nào, khi ngày càng nhiều người trẻ không tìm đến Chúa nữa?

Cover_giaohoivatraoluuchualanh_phailamgi.jpg

Khái niệm “chữa lành” chưa bao giờ “hot” giống như tại thời điểm hiện tại. Đây là một khái niệm rộng lớn, nó là tập hợp của những hình thức và phương pháp khác nhau, nhằm giúp con người có thể cải thiện tinh thần, xua đi những áp lực cuộc sống, làm cho tâm hồn đạt được trạng thái bình an, an nhiên.

Khi nhắc tới đạo Công giáo, người ta sẽ nghĩ ngay tới đạo của sự yêu thương, đồng thời là niềm an ủi và nguồn chữa lành, vì Giê-su là Đấng chữa lành. Điều này được ghi lại trong Tin Mừng của thánh Mác-cô (6, 53-56). Chúa đi tới đâu, người ta đưa bệnh nhân tới đó và xin Ngài chữa lành, và họ đều được khỏi. Ngay cả người chỉ chạm đến tua áo Ngài thôi, cũng được khỏi. Rõ ràng, Chúa Giê-su chính là sự chữa lành cho những ai đau khổ cả về thể xác, cũng như tâm hồn.

Thế nhưng hiện nay, Giáo hội Công giáo đang phải đối mặt với trào lưu “chữa lành” bằng nhiều phương pháp khác nhau, tốt cũng có, xấu cũng có. Một số hình thức và phương pháp “chữa lành” phổ biến hiện nay phải kể tới như: Thiền định, khóa tu, sống hòa mình với thiên nhiên,…Bên cạnh đó cũng có những phương pháp “chữa lành” trái với giáo lý, đạo đức Công giáo như tin vào sức mạnh của các thực thể siêu nhiên, lắng nghe “tín hiệu vũ trụ”, xem chỉ tay sinh mệnh…dẫn tới mê muội mà dần dần mất niềm tin vào Thiên Chúa.

Với nhịp sống hiện đại, người trẻ ngày nay gặp vô vàn áp lực, từ công việc cho tới áp lực gia đình, khiến họ đa phần luôn gặp phải những trạng thái căng thẳng, mệt mỏi, cảm giác bồn chồn, bất an,…Thậm chí, nhiều bạn còn gặp phải tình trạng “rối loạn lo âu”. Khi đó, họ tìm đến các phương pháp chữa lành, như một phương pháp giải tỏa tâm hồn.

Vậy, đứng trước những thực trạng đó, Giáo hội Công giáo cần làm gì, khi mà người trẻ không còn cần Chúa nữa, Đấng thực sự mới là sự chữa lành đích thực.

Xin được đưa ra 2 gợi ý sau đây:

  • Tăng cường phổ biến Giáo huấn xã hội của Giáo hội Công giáo: Đây là một sự trình bày chính xác những thành quả, suy tư nghiêm túc về các thực tế phức tạp của đời sống con người trong xã hội, dựa vào ánh sáng đức tin và truyền thống Giáo hội. Đồng thời, lý giải, xác định các thực tại có phù hợp hay không với đường hướng giáo huấn của Tin mừng liên quan tới con người và ơn gọi của con người, mục đích là hướng dẫn người Ki-tô hữu biết cách cư xử sao cho đúng. (TLHT 72)​
  • Liên tục đổi mới: Giáo huấn xã hội của Giáo hội Công giáo cũng thừa nhận, do hoàn cảnh văn hóa, chính trị, kinh tế không ngừng thay đổi. Vì thế, công cuộc loan báo Tin Mừng cũng cần có những hành động phù hợp với thời cuộc. Đồng thời, tiếp tục tăng cường sự hiểu biết các thực tại xã hội phức tạp, cũng như về việc đóng góp cụ thể do Tin mừng đem lại (Diễn từ Giáng sinh 2005 của x.Bê-nê-đích-tô XVI). Chỉ riêng trong việc “chữa lành” thôi, đã có rất nhiều tổ chức, cá nhân bên ngoài sẵn sàng làm thay Giáo hội công việc đó, nếu Giáo hội không đổi mới, chỉ ra những khác biệt mang giá trị Tin Mừng, rất có thể, người trẻ sẽ tìm đến cách phương pháp bên ngoài, thay vì tìm Giê-su.​
Tóm lại

Giáo hội Công giáo thực sự cần hành động trước trào lưu “chữa lành” đang dần phổ biến như hiện nay. Đây cũng là nhiệm vụ trong công cuộc Loan báo tin mừng, để người trẻ thấy được, tìm về bên Chúa thì mới được chữa lành thực sự, đồng thời là việc thực hành Giáo huấn xã hội và đổi mới hành động, nhưng vẫn duy trì các nguyên tắc căn bản.​ trên nét

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!