Góc tư vấn

Hạnh đầu-đà – Hiện tượng Thầy Minh Tuệ

Hạnh đầu-đà
Hiện tượng Thầy Minh Tuệ
Hạnh đầu-đà là một lối tu khổ hạnh của phật tử, thực hành những gian khổ để khống chế dục vọng bản thân. Lối sống khổ hạnh hay nói theo ngôn ngữ nhà Phật là hạnh đầu-đà, đạt đến sự an lạc qua việc buông bỏ tất cả. Sự hoan hỉ không phải vì sở hữu được nhiều, ngược lại, ở chỗ không có gì. Càng buông xả con người càng bay cao lên, đạt tới cảnh giới tiên thánh.
Lối tu đầu-đà có nguồn gốc từ đạo Bà La Môn, và rất là hiểm nguy như tuyệt thực, gieo mình xuống vực sâu, nhảy vào hố lửa, trèo lên núi cao rồi đâm đầu xuống, thường đứng một chân, nướng thân trên lửa, luôn nằm trên tro đất, gai nhọn, cỏ độc, phân bò, v.v… thậm chí “kinh hoàng” hơn như khoét mắt cho người, hoặc lóc thịt nuôi chim ưng, hoặc đưa thân cho cọp đói, cắt đầu bỏ tủy não, v.v… Một trong mười đại đệ tử của Thích Ca Mâu Ni là Đại Ca Diếp đã nổi tiếng với phẩm hạnh đầu-đà trước khi là môn đệ của Đức Thế Tôn. Chính Đức Thích Ca cũng theo đuổi lối tu này trong sáu năm rồi từ bỏ và phát huy con đường trung đạo pháp, Phật đạo sau này.
Phương thức hạnh đầu-đà qua Phật pháp không còn cực đoan như nguyên thủy, đại loại như sau: lấy vải rách làm y phục, vải càng dơ bẩn, ở nơi tha ma, cuốn chó chết càng tốt; ăn vào giữa trưa với thức ăn bất kể nhờ xin được, không ăn quá no; không đụng đến tiền bạc; sống một mình và du hành ngoài trời, bất định nghĩa là không gắn với nơi ở nhất định nào; ngủ ngồi và ngủ trên gò mả càng hay.
Thầy Minh Tuệ cách nào đó đã trở nên ánh lửa thiêng trong đêm đen vật chất đối với một số người. Xã hội Việt Nam sau bao năm ngụp lặn trong thể chế vô thần, từ chối đức tin vào Thượng Đế, đang phô bày ra nạn đói khát tâm linh. Người ta chao đảo ngả nghiêng nên cần đến một điểm tựa tinh thần. Đây là một hiện tượng cần phải được phân tích kỹ lưỡng dưới góc nhìn hiện sinh. Chúng ta bị quy trách bởi sự lựa chọn và hành động của chính mình, càng sở hữu nhiều, càng trống vắng hơn. Bất kể là ai, trong xã hội sa đà hưởng thụ này, người nào coi nhẹ vật chất, không quyến luyến những giá trị trần gian, đều đáng trân quý.
Tùy vào thời điểm khác nhau, các lối sống/tu khổ hạnh khác nhau được đề cao, hay tác động nhiều ít đến xã hội. Chúng ta luôn có các dòng tu nhiệm nhặt khắc khổ, những tu sĩ chỉ trong bốn bức tường tu viện, và cũng luôn có các tu sĩ hiện diện ở bất cứ nơi nào cần đến: từ nhà trẻ đến đại học, các viện khoa học, từ nhà thương cho đến các nơi chăm sóc người phong, và cả ở trên chiến trường mù mịt bom đạn. Người tu luôn ở những nơi đó cùng với các anh em mình, hơn nữa, những nơi nào mà tâm lý chung thường sợ hãi trốn tránh, họ sẽ ở đó.
Những chuyển động bên ngoài của đoàn người xoay quanh thầy Minh Tuệ không thể sánh được với các chuyển động bên trong tâm hồn, đó là thức tỉnh lòng dạ vốn đam mê vật chất của con người thời nay. May thay, có rất nhiều đốm lửa hy vọng như thế, nơi những người ngày đêm lặng lẽ tận tụy phục vụ, hiến thân cho tha nhân. Chung quanh ta, nếu để ý, sẽ thấy rất nhiều người đang bước theo khổ hạnh (đầu-đà), họ thật lặng lẽ giữa cuộc đời náo nhiệt.
Thế gian là vô thường, con đường thầy Minh Tuệ sẽ còn nhiều gian lao khốn khó, hãy để mọi sự thuận theo tự nhiên của nó. Thần linh không thể bị giới hạn trong bức tượng. Con người vĩ đại không hệ tại kỷ lục được ghi trên báo chí, nhưng ở nhân cách trải dài xuyên suốt cho đến điểm cuối đường đời. Hãy tôn trọng lối sống của tha nhân. Ai đó, nếu thấy thích hợp, hãy từ bỏ tất cả, độc hành thân cát bụi mà đi, đừng đi theo người khác. Vậy mới đúng tinh thần hạnh đầu-đà.
“Mình ấy mà ngốc lắm
Rong ruổi khắp nẻo miền
Ngỡ rằng mình là gió
Thênh thênh bước độc hành
Vẫn cười từ đáy mắt
Xem đời là hư không”
Lm. Phêrô Nguyễn Đức Thắng

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!