Làm chứng cho những mối phúc & mối họa
Nền tảng của những mối phúc
Từ “beatitude” bắt nguồn từ beatus trong tiếng Latinh, dịch từ tiếng Hy Lạp makarioi (μακάριοι), có nghĩa là ban phước, hoặc hạnh phúc, may mắn. Các mối phúc chúng ta quen thuộc nhất được tìm thấy ở phần đầu của Bài Giảng Trên Núi nơi Tin Mừng Mát-thêu 5, 3-12 và Bài Giảng Nơi Đất Bằng trong Tin Mừng Luca 6, 20-26. Tuy nhiên, các mối phúc được tìm thấy trong Tin Mừng không phải là những mối phúc duy nhất trong Kinh thánh; chúng bắt nguồn từ kinh nghiệm của người Do Thái được Chúa chúc phúc trong suốt lịch sử cứu rỗi. Nhiều sách Cựu Ước đề cập đến những người dân được Chúa chúc phúc thường với câu “Phúc cho…”. Sách Đệ nhị luật khi mô tả viễn cảnh lúc dân Chúa tiến vào Đất Hứa, đã nói về phước lành, về hạnh phúc cho người vâng theo lề luật Chúa (Đnl 28,1-6). Phúc lành Chúa ban sẽ “tràn đầy” nơi cuộc sống nông thôn cũng như thành thị, sẽ ngập tràn lúc chào đời của trẻ em cũng như gia súc, và đến cả việc sản xuất hoa màu. Chúa chúc lành cho dân tộc này sẽ được an toàn, dư đầy và và thịnh vượng. Những phúc lành như thế là bằng chứng cho việc Chúa làm cho một dân tộc đã từng là nô lệ. Trong bối cảnh của Đệ nhị luật, ai muốn được hưởng phước lành đều phải tuân theo các luật lệ của giao ước. Chúng ta có thể tóm tắt ý này bằng câu, “Phúc cho những ai tuân theo các mệnh lệnh Chúa, Đấng đã giải phóng ngươi.”
Chúng ta cũng tìm thấy các mối phúc nơi sách các tiên tri. Thật thế tương tự như những tiểu quốc vùng Lưỡi Liềm Phì Nhiêu bị lật đổ trước những nước lớn hơn, nước Giuđa phải tranh đấu để sống còn và để luôn trung thành với Đức Chúa. Trong lúc nước Giuđa nghĩ đến việc lập liên minh với Ai Cập để chống lại Asiri, tiên tri Isaia nói ngay rằng những nỗ lực của Giu-đa như thế là nổi loạn. Ông đưa ra lời khuyên ngược đời này dưới dạng một mối phúc: “Vì Đức Chúa là Thiên Chúa công minh, hạnh phúc thay mọi kẻ đợi chờ Người”(Is 30, 18). Trong sách Giê-rê-mia đoạn 17, lời của nhà tiên tri cũng chất chứa nỗi thất vọng với dân Giu-đa vì họ đã vi phạm Giao ước và quay lưng lại với sự khôn ngoan được tìm thấy nơi Giao ước. Tiên tri Giêrêmia đã tạo niềm hy vọng khi nói “Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào ĐỨC CHÚA, và có ĐỨC CHÚA làm chỗ nương thân.” Những lời chúc phúc như thế trong các sách tiên tri là cách làm rất thực tế trong bối cảnh chiến tranh xảy ra, chính quyền sụp đổ, và cuối cùng dân phải lưu vong.
Tiếp đến, những người được coi là “được ban phước” dưới hình thức “phúc thay” cũng có thể tìm thấy trong sách Thánh Vịnh:
– Phúc thay người chẳng nghe theo lời bọn ác nhân (1, 1)
– Hạnh phúc thay, kẻ lỗi lầm mà được tha thứ, người có tội mà được khoan dung.(32, 1)
– Phúc thay người ở trong thánh điện họ luôn luôn được hát mừng Ngài. (84, 4-5)
– Hạnh phúc thay dân nào biết ca ngợi tung hô; nhờ Thánh Nhan soi tỏ, họ tiến lên, lạy CHÚA. (89,15)
Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ CHÚA, ăn ở theo đường lối của Người.Đó chính là phúc lộc CHÚA dành cho kẻ kính sợ Người (128, 1 & 4).
Sách Châm ngôn 8,32-34 dạy rằng những ai nghe theo lời Chúa chỉ dạy sẽ được chúc phúc, và xác quyết nơi đoạn 22 câu 9 rằng ai biết chia sẻ thức ăn với người nghèo, người hào phóng ấy sẽ được ban phúc. Qua những ví dụ này, chúng ta bắt đầu thấy rằng phúc lành Chúa ban không phải là phần thưởng cho việc sống một đời sống tốt đẹp mà là một ân sủng Chúa ban tặng cho những ai sống như chứng nhân cho bản tính toàn hảo của Thiên Chúa và đặc tính của dân Người.
Mối phúc họa trong Tin Mừng Luca
Trong hai bộ “phúc thay” được tìm thấy trong các Tin Mừng Mátthêu và Luca, bộ tám mối phúc thật của Mát-thêu là quen thuộc nhất, bộ này cũng được gọi là Bài Giảng Trên Núi. “Phúc thay ai. . . vì họ sẽ . . .” là một công thức hữu ích vì nó ngắn gọn và dễ hiểu, cung cấp một khuôn mẫu dễ nhớ và cho thấy sự cân bằng bất ngờ giữa những gì được coi là một nhân đức và phần thưởng cho nhân đức đó. Hầu hết các mối phúc trong Mátthêu sử dụng ngôi thứ ba (họ – của họ), vì vậy các mối phúc này nghe hao hao giống như những châm ngôn hướng dẫn cách sống ở đời. Khi nghe phiên bản của Mátthêu, chúng ta có thể tách mình ra khỏi sự thật đầy thách thức để có thể tìm thấy nuớc Chúa với tâm hồn nghèo khó, sầu khổ, hiền lành, khao khát sự công chính, lòng thương xót, tâm hồn trong sạch, xây dựng hòa bình và bị bách hại. Những phúc lành này vừa có thể (không nhất thiết sẽ) ở “xa xa, không đụng chạm đến ta” như một bài học đạo đức và vừa có thể đem lại an ủi cho những ai tìm thấy mình trong những cảnh ngộ được nêu. Tuy nhiên, phiên bản “phúc thay” của Luca cho chúng ta một trải nghiệm khác.
Bài Giảng Nơi Đất Bằng của Luca ngắn hơn nhiều so với Bài Giảng Trên Núi gồm ba chương của Mátthêu; thực thế, phiên bản Luca bao gồm hai mươi chín câu trong chương 6. Giống như phiên bản Mátthêu, bài giảng trong phiên bản Luca cũng bắt đầu với một tập hợp các mối phúc, nhưng thay vì những câu nói ở ngôi thứ ba trong phiên bản Mátthêu, các mối phúc trong Luca sử dụng ngôi thứ hai (anh/ chị/em – của anh /chị/em). Những câu chữ “Phúc cho anh em . . .” hướng thẳng vào vào những người đang lắng nghe Chúa giảng, bất kể bao nhiêu thế hệ đã qua đi, chúng ta có thể trở thành những thính giả ban đầu của Chúa là các môn đệ và những người hiếu kỳ tình cờ đi ngang qua.
Ngoài ra, phiên bản của Phúc âm Luca có bốn mối phúc và kèm theo bốn “mối họa”. Từ tiếng Hy Lạp ouai (οὐαὶ) là một biểu hiện của than thở, đau buồn, và thậm chí là hành động tố cáo. Giống như các phúc lành có gốc rễ từ Cựu Ước, những mối họa trong Luca 6, 24-26 cũng có liên hệ gốc gác với Cựu Ước. Cho ví dụ, Tiên tri A-mốt nói thẳng mặt những người vi phạm Giao ước Chúa đã ký kết với Ít-ra-en: “Khốn cho những ai biến lẽ phải thành ngải đắng và vứt bỏ công lý xuống đất đen…nào áp bức người công chính, lại đòi quà hối lộ, nào ức hiếp kẻ nghèo hèn tại cửa công” (A-mốt 5, 7, 12b), những lời của Tiên tri ở trên cũng giống với thông điệp mà Chúa Giê-su muốn chuyển tải trong Lu-ca 6, 24-25. Theo truyền thống của các tiên tri, Chúa Giêsu than thở và lên án những người giàu có được ăn ngon mặc ấm, họ hài lòng về cuộc sống của họ, nhưng họ không nhận ra bản chất tạm thời mau qua của sự hài lòng đó.
Sự tương phản rõ nét ở chương 6 giữa phần về mối phúc và phần về mối họa, cùng với việc sử dụng ngôi thứ hai (“Phúc cho anh em” và “Khốn cho các ngươi”), xác định rõ ràng rằng Nước Trời đến mang lại những lựa chọn cho những người theo Chúa, và những lựa chọn này cũng mang đến hậu quả. Vì thế “Phúc cho anh em ” vừa là một lời quan sát và cũng vừa là một sự khích lệ, còn “Khốn cho các ngươi ” có ý nghĩa là một lời than thở nhưng cũng có nghĩa là một sự phán xét.
Luca 6 | Phúc cho anh em | Khốn cho các ngươi |
câu 20b / câu 24 | kẻ nghèo khó | kẻ giàu có |
câu 21 / câu 25a | kẻ bây giờ đang phải đói | kẻ bây giờ đang được no nê |
câu 21b / câu 25b | kẻ bây giờ đang phải khóc | kẻ bây giờ đang được vui cười |
câu 22 / câu 26 | khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa | khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế. |
Một lưu ý khác, việc sử dụng các mối phúc họa trong Tin Mừng Luca không chỉ thấy ở Bài Giảng Nơi Đất Bằng; nhưng còn ở những nơi khác của Tin Mừng. Trong số những người được ban phúc, được hạnh phúc hoặc may mắn có Mẹ Maria (1,45& 48), những người không vấp ngã vì Chúa (7, 23), các môn đệ là những người được đặc ân chứng kiếnChúa Giêsu hoạt động (10,23), những người lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa (11:28), người đầy tớ tận tụy thi hành những điều chủ nhắm đến (12,43), và những người cho đi mà không mong đợi được đáp lại (14,14). Mặt khác, có rất nhiều người than khóc khi Chúa Giê-su chúc dữ các thành phố Khoradin và Bếtxaiđa, những thành phố tượng trưng cho những người không ăn năn (10,13), và những người Pharisêu cùng các nhà thông luật mà sự giả hình của họ đã bị Chúa tỏ lộ cho mọi người thấy (11: 39-54). Chúa cũng nói “khốn cho kẻ làm cớ cho người ta vấp ngã (17, 1), và Người than khóc cho kẻ phản bội trong số những môn đệ thân cận nhất của mình (22, 22).
Làm chứng cho mối quan hệ
Các tác phẩm của Luca đã được công nhận từ lâu là nhấn mạnh đến nhân tính của Chúa Giê-su và các mối quan hệ của Nguời với những người khác (cũng như các mối quan hệ xuất hiện trong thế hệ đầu tiên của giáo hội; chúng ta hãy đọc lạli sách Công Vụ Tông đồ). Trong bối cảnh này, các mối phúc họa kết nối chúng ta qua các mối quan hệ hữu hình là trọng tâm những trải nghiệm của nhân loại. Chúng nhắc nhở chúng ta rằng Vương quyền của Thiên Chúa không phải là điều gì đó xa thật xa, và Vương quyền ấy không bị giới hạn bởi cõi thiên đàng. Vương quyền đó ngự trị ở đây và ngay bây giờ, đặc biệt ngay trong cách thức chúng ta liên hệ với nhau và với Chúa.
Những điều Chúa giảng dạy về các mối phúc họa trong Phúc âm Luca không có mục đích định tội; nhưng những lời chúc phúc và chúc dữ nhắm đến sự cần thiết phải sống đúng mối quan hệ trong cộng đoàn. Để tìm kiếm sự giàu có trong khi những người khác nghèo xơ xác, được ăn trong khi những người khác đói quanh năm, để cười khi ở giữa những người than khóc, và để tìm kiếm sự tán dương của bạn bè trong khi những người khác bị bắt bớ — tất cả những điều này chỉ ra sự ngắt mạch, không còn tương thông giữa cộng đoàn đức tin và cộng đồng thế giới rộng lớn hơn.
Những môn đệ Chúa Giê-su được kêu gọi làm chứng bằng lời nói và việc làm cũng như bằng các giá trị và nguyên tắc, cho các ưu tiên của Thiên Chúa. Qua Kinh thánh, và đặc biệt qua Tin Mừng Luca, chúng ta biết rằng Thiên Chúa có một tình yêu đặc biệt dành cho người nghèo, người đau khổ và những người bị gạt ra ngoài lề xã hội. Ưu tiên này được nhấn mạnh nơi các mối phúc.
Nước Chúa mà Chúa Giê-su công bố và là hiện thân nâng dậy những người chịu cúi đầu vì hoàn cảnh hoặc vì áp bức. Bài ca Ngợi Khen của Mẹ Maria (1,46-56), chỉ xuất hiện nơi Tin Mừng Luca, đã vẽ ra một bức tranh sống động về lòng Chúa thương xót, và mô tả sự đảo ngược bất ngờ của quyền lực và kinh tế. Trong sự đảo ngược này, chúng ta không thấy việc kết án nhưng thấy chúng ta có một cơ hội để tự xét mình và sắp xếp lại các ưu tiên.
Tác giả: Catherine Upchurch – Nguồn: The Bible Today, Volume 60, N. 3,
Chuyển ngữ: Luke Khổng Quang