Lòng tham lam
Thế giới phát triển cùng với những tiến bộ đáng kinh ngạc trong mọi lĩnh vực: kinh tế, xã hội, khoa học và công nghệ. Xã hội ngày một hướng tới một xã hội văn minh, dân chủ, vì lợi ích của con người. Tuy nhiên bên cạnh những mặt tích cực vẫn còn ẩn chứa nhiều mặt tiêu cực. Một trong số đó chính là lòng tham lam – thứ đang ngày càng biến dạng trước những áp lực và khó khăn của cuộc sống. Lòng tham lam không chỉ gây nên sự thụt lùi về mặt đạo đức, nó còn biến xã hội trở nên bất ổn và hỗn loạn.
Trước hết, ta hiểu lòng tham lam là sự ham muốn vượt mức bình thường của con người về một điều gì đó. Đó là tiền tài, danh vọng, tình dục, cũng có thể là địa vị, quyền lực,… Tất cả chúng đều nhằm một mục đích: làm lợi cho bản thân. Lòng tham hiện hữu ngay xung quanh chúng ta. Nó gắn liền với chúng ta từ khi chào đời. Một đứa trẻ ngay khi lọt lòng mẹ vừa cất tiếng khóc vừa nắm chặt bàn tay. Cất tiếng khóc vì không được thoả mãn hài lòng, nắm chặt bàn tay để thể hiện tham vọng. Từ đó lòng tham cứ theo ngày tháng lớn lên cùng với con người. Một người giàu thấy những của cải mình có chưa đủ còn muốn giàu hơn những người giàu có khác; anh em trong gia đình hãm hại, tranh chấp nhau vì tài sản; các quan chức cấp cao lợi dụng chức quyền để tham ô, hối lộ. Lòng tham ấy gây nên biết bao hậu quả nặng nề cho sự phát triển của con người và xã hội.
Ta có thể thấy hậu quả đầu tiên của lòng tham lam là khiến con người mất đi lí trí, không còn phân biệt được đúng – sai. Nhiều người đã để cho ma lực của tiền bạc, dục vọng kéo ghì, bất chấp luân thường đạo lý, sẵn sàng làm mọi thủ đoạn để đạt được mục đích. Tội ác trong tác phẩm “Trong rừng trúc” của tác giả Akutagwa khởi nguồn từ mưu kế chiếm đoạt người đẹp của tên cướp Tajomaru khi vô tình nhìn thấy dung nhan của người vợ. Hắn lập mưu để đánh lừa đôi vợ chồng vào bụi rậm hầu có thể thỏa mãn lòng ham muốn của mình. Âm mưu của hắn trở nên dễ dàng hơn khi đánh động vào chính lòng tham của người chồng võ sĩ về một kho tàng được chôn giấu. Cũng vì lòng tham, người chồng võ sĩ đánh mất đi chuẩn mực đạo đức của mình. Ông đã để cho tên cướp đánh lừa mà phải mất đi tình nghĩa vợ chồng và phải đánh mất cả mạng sống chỉ vì lòng tham tiền bạc. Hay như người thanh niên giàu có trong Tin Mừng Mác-cô đã thất vọng chán nản bỏ đi khi Chúa đòi hỏi anh từ bỏ của cải vật chất mà theo Người. Anh ta muốn nên trọn lành nhưng không muốn từ bỏ của cải anh đang chiếm hữu. Anh đã không phân biệt được điều nào là quan trọng hơn. Anh đã yêu tiền bạc – điều chóng mất hơn là trở nên hoàn thiện – điều vĩnh cửu.
Lòng tham lam cũng để lại hậu quả khác đó là nó khiến con người mất dần nhân tính, dần dần bị cuốn vào “vòng xoáy tội ác”. Kinh Thánh một lần nữa cho chúng ta thấy hậu quả của lòng tham lam sắc dục khi nói về tội ác của Vua Đa-vít. Chính lòng tham lam đã khiến cho Vua Đa-vít bất chấp điều răn, mệnh lệnh của Thiên Chúa để phạm tội nhằm chiếm lấy những điều mình tham muốn. Cũng chính lòng tham lam đã khiến Vua Đa-vít nhìn thấy những điều Chúa ban cho mình là chưa đủ, để rồi ông phải dùng thủ đoạn giết người chồng để chiếm lấy bà Bết-se-va cho mình. Lòng tham lam đã lấy đi ơn phúc Chúa ban và khiến ông phải đau đớn đối diện với hậu quả do tội lỗi của mình.
Lòng tham lam gây nên những hậu quả không tốt cho bản thân và cộng đồng xã hội. Người tham lam chỉ muốn nhận cho mình nên thường có thái độ sợ hãi: sợ vất vả, sợ khổ, sợ mất đi điều mình đang có; đau khổ khi không có được điều mình ham muốn, vì không được bằng người khác. Tham lam là nguồn gốc của mọi thói xấu: thô lỗ, nông nổi, ngoan cố, ghen ghét, lường gạt, giả dối, hèn nhát,… Xã hội sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ nếu như mỗi người chỉ biết thu góp về mình, chỉ quan tâm đến nhu cầu của bản thân mà không biết đến người khác. Do đó, để có thể hạn chế lòng tham lam mỗi người cần rèn luyện cho mình cả về tri thức và đạo đức. Chúng ta đều được mời gọi từ bỏ những gì mình đang có, loại trừ các tội lỗi trong tư tưởng, lời nói, việc làm, nhất là thói tham lam của cải bất chính, thói ham hưởng thụ các lạc thú xác thịt bất chính và sống quảng đại bằng cách chia sẻ, giúp đỡ của cải vật chất và tinh thần cho mọi người, đặc biệt là cho những người nghèo. Nếu chúng ta biết quảng đại chia sẻ và cho đi như thế, thì Thiên Chúa cũng sẽ ban lại cho chúng ta gấp bội như lời Chúa phán: “Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại” (Lc 6,38).
Lòng tham lam với những hậu quả của nó là một mặt xấu cần được lên án và loại trừ. Tuy nhiên, trong xã hội ngày nay vẫn còn rất nhiều người có lối sống giản dị, lành mạnh, thanh thoát, sẵn sàng giúp đỡ người khác. Họ là những tấm gương sáng cho chúng ta noi theo. Lòng tham chỉ trở nên tốt khi chúng ta biết biến nó trở thành những khát vọng về một đời sống cao cả, tốt đẹp, về một gia đình hạnh phúc, một xã hội văn minh, yêu thương và chia sẻ.
Sự tham lam tình dục, địa vị, danh vọng, tiền bạc… đã và đang phá hủy nhiều cuộc đời quanh chúng ta, khiến đời sống dần đánh mất niềm vui và thay thế bằng sự cay đắng, giận dữ, và hung ác. Hãy ý thức cuộc đời trên mặt đất này chỉ là ngắn ngủi và tạm bợ, do đó chúng ta hãy rèn luyện mình mỗi ngày để trở nên những người có ích cho gia đình, xã hội và Giáo hội bằng một đời sống lành mạnh, thanh thoát, bác ái. Có như thế chúng ta sẽ luôn bình an và dễ dàng vượt thắng mọi cám dỗ của thế gian này.
Anna Nguyễn Điểm, Học viên MTG.Thủ Đức