Góc tư vấn

Một Thiên Chúa, một hệ thống dẫn đường, một con đường cho tất cả chúng ta

 

Ronald Rolheiser,

 

Đến tận cùng, tất cả chúng ta, dù là kẻ tin hay không tin, sốt sắng hay hờ hững, đều chia sẻ cùng một nhân tính và tất cả đều cùng kết thúc trên một con đường. Câu này có nhiều ngụ ý.

Một chuyện rõ ràng là việc giữ đạo đang dần xuống dốc ở khắp nơi trong giới thế tục. Những người quyết định rời Giáo hội, họ không giống nhau, cũng không mang những cái tên giống nhau. Có người vô thần, thẳng thừng chối bỏ Thiên Chúa hiện hữu. Một số theo thuyết bất khả tri, để ngỏ khả năng chấp nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa nhưng vẫn chưa quyết định. Một số khác thì nhận mình là “không tôn giáo”, nếu hỏi họ theo tôn giáo nào, họ sẽ nói là “không”. Còn có những người nhận mình là “chấm dứt”, họ từ bỏ, không còn dính dáng gì đến tôn giáo và Giáo hội. Rồi có những người chần chừ, những người biết đến một ngày nào đó họ sẽ phải đối diện với vấn đề tôn giáo, nhưng như thánh Âugutinô, họ nói “cuối cùng tôi phải làm việc này, nhưng bây giờ thì khoan!” Và cuối cùng, có một nhóm lớn tự nhận mình là “có đời sống thiêng liêng nhưng không tôn giáo”, họ tin Thiên Chúa nhưng không tin vào thể chế tôn giáo.

Tất cả chúng ta đều quen biết một vài người thuộc các nhóm này và cảm thấy lo ngại cho họ. Chúng ta có thể làm gì, bất cứ điều gì, để đưa họ về với đức tin, tôn giáo và Giáo hội không? Nếu họ chết trong tình trạng này thì sẽ thế nào? Ý của Chúa về chuyện này là sao?

Tôi cho rằng Thiên Chúa không mang nặng mối lo này như chúng ta, và Thiên Chúa cũng không xem đây là lành mạnh hoàn hảo (con người là con người!), nhưng đúng hơn, Thiên Chúa có tầm nhìn rộng lớn hơn về chuyện này, chắc chắn đầy yêu thương và nhẫn nại dù đau đớn khi dung thứ cho những lựa chọn của chúng ta. Tại sao lại thế? Tầm nhìn rộng hơn của Thiên Chúa về chuyện này là gì?

Trước hết, sự thật là đức tin chúng ta đã làm phép rửa cho những người chúng ta yêu thương. Gabriel Marcel từng có câu nói nổi tiếng: “Nói với ai đó ‘Tôi yêu bạn’ nghĩa là nói ‘Bạn sẽ không bao giờ hư mất’”. Là tín hữu kitô, chúng ta hiểu câu này theo sự hiệp nhất trong Nhiệm thể Chúa Kitô. Tình yêu chúng ta dành cho ai đó nối kết người đó với chúng ta, và vì chúng ta là một phần Nhiệm thể Chúa Kitô, nên người đó cũng nối kết với Nhiệm thể Chúa Kitô, và chạm đến Chúa Kitô là chạm đến ân sủng. Nhờ những kỳ công của Nhập thể, mọi tín hữu kitô thành tâm có thể nói “Thiên đàng của tôi bao gồm những người mà tôi yêu thương”. Chúng ta từng gọi đây là “phép rửa nhờ khát khao”, ngoại trừ một điều trong chuyện này, khao khát được rửa tội là của chúng ta, nhưng vẫn có hiệu lực tương đương.

Tiếp theo, chúng ta cần nhận ra, Thiên Chúa yêu thương những người này hơn cả chúng ta yêu thương, và còn mong muốn hạnh phúc và sự cứu rỗi cho họ hơn cả chúng ta mong muốn. Thiên Chúa yêu thương tha thiết mỗi một người và Ngài hành động theo nhiều cách để bảo đảm không ai bị hư mất. Hơn nữa, Thiên Chúa rất tinh tế! Như các nhà biện giáo kitô luôn đưa ra, Thiên Chúa có dự định riêng của Ngài, Ngài có những cái bẫy yêu thương và những phương thức để dẫn dắt con người đến với đức tin.

Hơn nữa, Thiên Chúa nhẫn nại đến vô hạn. Tạm gác lòng sùng đạo qua một bên, chúng ta có thể có một so sánh rất hay giữa Thiên Chúa và Hệ thống Định vị Toàn cầu GPS, GPS kiên nhẫn và kiên trì dẫn đường cho chúng ta đến cùng. Một GPS được làm theo giả định nó sẽ thường bị phớt lờ, và phải tự điều chỉnh khi cần.  Chúng ta đã quen thuộc với cách hoạt động của nó. Chúng ta lên chương trình lái đến một nơi và GPS bảo chúng ta rẽ phải ở ngã tư. Nhưng chúng ta phớt lờ và cứ lái thẳng. GPS sẽ im lặng một lát, chấp nhận chúng ta đã bỏ chỉ dẫn, nó “đang tính toán lại” rồi đưa chỉ dẫn mới để chúng ta đến đích. Và nó sẽ lặp lại trình tự đó đến vô tận. Một GPS, kiên nhẫn đến vô hạn, cứ nói “đang tính toán lại” rồi cho chúng ta chỉ dẫn mới cho đến khi chúng ta đến được đích mới thôi. Nó không bao giờ bỏ chúng ta.

Thiên Chúa cũng vậy. Chúng ta có một điểm đến định sẵn và Thiên Chúa liên tục cho chúng ta những chỉ dẫn trên đường. Tôn giáo và Giáo hội là một GPS phi thường. Tuy nhiên, cả hai có thể bị làm ngơ và thường bị làm ngơ. Nhưng phản ứng của Thiên Chúa không bao giờ giận dữ hay đây là kiên nhẫn lần chót. Như một GPS uy tín, Thiên Chúa luôn mãi nói “đang tính toán lại” và cho chúng ta chỉ dẫn dựa trên chọn lựa bỏ qua trước đó. Cuối cùng, dù chúng ta rẽ sai bao nhiêu lần, rơi vào ngõ cụt bao nhiêu lần, Thiên Chúa vẫn đưa chúng ta về nhà.

Một chuyện cuối cùng. Xét cho đến cùng, Thiên Chúa là người duy nhất nắm cuộc chơi, dù chúng ta có đi vào biết bao con ngõ cụt hay bỏ qua biết bao con đường tốt, thì cuối cùng, chúng ta đều đi vào một con đường như nhau, con đường cuối cùng. Tất cả chúng ta, vô thần, bất khả tri, “không tôn giáo”, “chấm dứt”, chần chừ, không tin vào tôn giáo thể chế, lãnh đạm, chống đối, giận dữ, cay đắng, tổn thương, tất cả cuối cùng đều vào cùng một con đường, hướng về điểm đến cuối cùng là cái chết. Tuy nhiên, tin vui là con đường cuối cùng này sẽ dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa.

 

J.B. Thái Hòa dịch

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!