Mục vụ gia đình

Ngăn Ngừa Những Bất Ðồng, Làm Mới Tình Yêu 

Ngăn Ngừa Những Bất Ðồng, Làm Mới Tình Yêu 

Cầu nguyện:

Thư thánh Phaolô gửi giáo đoàn Ephesô (5,21-33): Chồng yêu vợ, vợ kính chồng.

  1. Trình bày đề tài:

Truyện mở đầu: Bảng kết tội nhau:

Tạp chí Readers Digest, số xuất bản tháng 11, năm 1985, có đăng một chuyện ngắn, nhưng đầy ý nghĩa về gia đình:

Ðôi vợ chồng đã nhiều lần cãi nhau, và lần này đang lúc hai người cãi nhau hăng say, người chồng đề nghị với vợ: “Này, chúng ta đừng cãi nhau nữa, mỗi người lấy giấy viết ra tất cả những lỗi lầm, những tật xấu của người kia rồi trao cho nhau”. Người vợ đồng ý. Người chồng cầm lấy tờ giấy, nhìn vợ rồi cúi xuống viết một câu. Vợ thấy chồng mình bắt đầu viết, cúi xuống hối hả viết lia lịa, dường như cố ý tranh với chồng để kể ra nhiều tật xấu hơn. Người chồng chỉ viết một câu rồi ngừng lại nhìn vợ. Sau vài phút, trang giấy của người vợ đầy những dòng chữ kể ra tật xấu của người chồng và người vợ xem ra hả dạ, vì đã viết nhiều hơn.

Ðến lúc không còn gì để viết nữa, họ trao cho nhau bảng kể tội nhau. Sau khi nhìn vào tờ giấy của chồng, nét mặt của vợ bỗng đổi vì xúc động. Bà vội vã đòi lại tờ giấy đã đưa cho chồng và có thái độ làm hoà ngay. Trong tờ giấy của chồng, bà chỉ đọc có một câu: Anh yêu em.

1.1. Nuôi Dưỡng Tình Yêu:  

Một trong những đặc tính căn bản của hôn nhân Công giáo là thuỷ chung với nhau đến chết. “Sự gì Thiên Chúa đã liên kết, con người không được phân ly” (Mt 19,6).

Chẳng nói gì đến Công giáo đòi buộc, tình yêu chân thật tự nó đòi buộc “mãi mãi” không chia sẻ, không chấm dứt:

Vợ chồng là nghĩa già đời,
Ai ơi chớ nói những lời thiệt hơn.  

Nó đã được thắt chặt bằng lời thề nguyền, với sự chứng giám của trời đất:

Trời cao đất rộng,
Em vọng lời nguyền,
Ðất trời còn đó,
Em giữ tuyền thuỷ chung.
Hoặc lời thề thốt nói lên giữa đêm trăng:
Ðêm hè gió mát trăng thanh,
Em ngồi chẻ lạt cho anh chắp thừng,
Lạt chẳng mỏng sao thừng được tốt,
Duyên đôi ta đã trót cùng nhau,
Trăm năm thề những bạc đầu,
Chớ ham phú quý, chớ cầu trăng hoa.
Và cả hai nhất quyết rằng:
Chừng nào đá nát vàng phai,
Biển hồ lấp cạn mới sai lời thề,
Trăm năm lòng gắn dạ ghi,
Dẫu ai đem bạc đổi chì cũng không.  

Nhưng trên đời này không có người chồng nào tuyệt đối, hoặc người vợ nào tuyệt vời:

Thế gian được vợ hỏng chồng,
Ðâu phải như rồng mà được cả đôi.  

Nên đã yêu là yêu cả cái tốt lẫn cái xấu của người yêu, thế mới đúng nghĩa “Yêu nhau yêu cả đường đi” và rồi “một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng.

Muốn duy trì tình yêu vợ chồng, nên để ý: Ðề phòng những bất đồng và Nuôi dưỡng tình yêu.

1.2. Ðề phòng những bất đồng:  

Vì quen quá hoá nhàm: tình yêu ban đầu có thể phai lạt, gây nên những bất đồng lủng củng trong đời sống lứa đôi. Những bất đồng có thể do những nguyên nhân sau:

1.2.1. Bất đồng khi tình yêu lạnh nhạt  

Alfred De Vigny, một văn sĩ Pháp đã phát biểu khá đúng như sau: Tình chỉ vui khi còn dang dở. Tình hết vui khi đã vẹn lời thề.

Và một triết gia khác cũng nói: Người ta thường muốn cái gì khác cái hiện đang có, vì trong cái hiện có, người ta thấy nó khiếm khuyết.

– Trước khi lấy nhau: hai người là “tình nhân, là bồ của nhau, hai người theo đuổi nhau, rạo rực, hăng hái muốn chiếm đoạt nhau, giữ ý, giữ lời, e lệ, làm duyên, làm đẹp, có thể đi với nhau bất cứ nơi nào, dù cha mẹ ngăn cản, thường hỏi ý nhau chuyện này chuyện nọ, nhớ ngày kỷ niệm sinh nhật của nhau, rồi quà tặng, hoa hồng. . .quí hóa món quà người yêu trao tặng.

Rồi khi mới lấy nhau, tình yêu còn nồng, anh chị chia sẻ với nhau từng phần ăn lẫn niềm vui, nỗi buồn, công việc trong nhà, – Anh chị thông cảm, yên ủi, khích lệ nhau, – Mỉm cười tha thứ khi gặp điều không hài lòng – Có chút ghen khi người yêu nhìn chằm chằm vào ai khác – Sung sướng bên nhau – Ra mở cửa khi người yêu về – Săn sóc người yêu dù chỉ nhức đầu một chút.

Bây giờ đã qua thời gian rạo rực, tân hôn, bộ mặt thực xuất hiện, anh chị thấy khuyết điểm của nhau quá rõ ràng, vì không để ý tới những khác biệt nam nữ, tính tình, anh muốn biến chị thành như anh, chị muốn cải hóa anh thành như chị!

– Gia tăng những bất đồng: về mọi phương diện (tiền bạc, phái tính, con cái, sở thích, nếp sống, giải trí. . .). Ðúng là:

Yêu nhau chia áo chia quần,
Ghét nhau kể nợ kể nần nhau ra. 

– Gia tăng những bất kính: to tiếng cãi lẫy, nói quá lời, moi móc gia đình nhau, làm nhục, đoán xấu, ghen bóng gió, căn vặn đay nghiến.

– Từ chỗ chán nhau, anh chị giữ kín vui buồn cho riêng mình, nhưng lại chia sẻ với người ngoài, tử tế với người láng giềng, người cùng sở, người gọi điện thoại đến. Rồi đi xa hơn: tìm những hình ảnh mới, tình yêu mới, từ đó có những gặp gỡ thầm lén, có thể ngoại tình, rồi đòi ly thân, ly dị.

Coi chừng: “Khi xưa ngọc ở tay ta, bởi vì chểnh mảng, ngọc ra tay người”.

1.2.2. Bất đồng trong việc chăn gối  

Bác sĩ G. Hamilton để ra bốn năm tìm hiểu đời sống gia đình của 200 ông và bà qua 400 câu hỏi, đã kết luận: Thiếu hoà hợp trong chuyện chăn gối là nguyên nhân hàng đầu sự bất hoà trong đời sống vợ chồng.

Ông Hoffman, chánh án Toà Cincinnati, bang Ohio, tuyên bố: Có tới 9/10 vụ ly dị là do thiếu hoà hợp trong việc yêu đương. Ðừng ngại nói cho nhau biết ý thích của mình.

Sự cô đơn, ham chuộng mới lạ, khiến người chồng tìm vui thú ở ngoài, có khi mang về những chứng bệnh hiểm nghèo cho sinh mạng đôi bên (ví dụ, bệnh Aids. . .)

1.2.3. Bất đồng trong tổ chức gia đình  

Vì không biết cách tổ chức sinh hoạt hàng tuần, hàng tháng, từ đó cuộc sống gia đình mất trật tự.

Vì phân chia không đồng đều. Không san sẻ, săn sóc, nâng đỡ nhau, nhất là khi cả hai cùng đi làm, về nhà vợ lại vất vả đủ chuyện, chồng cứ lè phè hưởng thụ nằm coi TV, football, đọc báo. . ..

1.2.4. Bất đồng về con cái  

  1. a)Lấy nhau lâu mà không có con, có thể là do nguyên nhân nào đó mà không ai muốn.
  2. b)Sinh con cái quá đông, cha mẹ không đủ tiền bạc lo cho các con ăn, học..
  3. c)Cũng có khi cha mẹ bất đồng vì cách dạy con.

1.2.5. Bất đồng về tiền bạc chi tiêu  

Cha ông ta nói lên sự quan trọng của tiền bạc như sau:

Có tiền mua tiên cũng được,
Không tiền mua lược cũng không.  

  1. a)Có thể vì lợi tức thu vào, hoặc chi tiêu không đồng đều,  không cho nhau biết những món chi quan trọng (mua sắm, quà tặng cho gia đình cha mẹ, anh em, họ hàng đôi bên. . .),
  2. b)Có thể vì không bàn bạc nhau về cách giữ tiền, không sổ sách chi thu rõ ràng,
  3. c)Có thể vì cờ bạc. . . mà đâm nợ nần, chơi hụi, mất mát khi cho vay,
  4. d)Có thể vì “ganh đua” cho bằng người mà không lượng sức gia đình mình,

Người Công giáo không khinh chê tiền của, cũng không nên tìm kiếm cách tham lam, bất công, trái phép (Mt 6,19), nhưng cần cù làm việc nuôi thân (St 2,1) trong niềm trông cậy vào Chúa Quan Phòng (Mt 6,24).

Ðề nghị: Ðể tránh những cãi vã, nghi kyï về tiền bạc:

– Anh chị nên đứng tên chung trong một chương mục. Chị giữ tiền chung thì hợp lý hơn anh, nhưng anh cũng nên có ít tiền xăng nhớt phòng hoạn nạn bất ngờ.

– Rất nên lập sổ Chi thu hàng tháng để biết rõ lợi tức của gia đình.

– Làm dự chi cho gia đình với sự góp ý của cha mẹ con cái. Con cái sẽ biết giá trị đồng tiền, biết giữ gìn đồ đạc.

– Cân nhắc kỹ lưỡng trước khi mua đồ trả góp bằng thẻ tín dụng. Ðây là một hình thức nợ nần. Kinh Thánh nói: “Người vay làm tôi chủ nợ” (sách Huấn đạo 22,7).

1.2.6. Bất đồng về cách cư xử với họ hàng đôi bên  

Vợ chồng đã nên một xác hồn, họ tên. Do đó, ông bà, cha mẹ anh chị em, họ hàng của bên này cũng là của bên kia, không nên kỳ thị phân chia, cư xử thiếu tế nhị, nhưng nên coi trọng cả hai. Giúp đỡ đôi bên những gì có thể.

Những dịp tết, lễ, giỗ. . . là những dịp để tỏ ra niềm tôn kính, quý mến.

1.2.7. Cho bạn bè ở chung nhà, chia phòng  

– Cho bạn bè ở chung nhà dễ có nguy cơ bất hòa cho vợ chồng. Khi họ chỉ là bạn, họ vô trách nhiệm. . .Họ biết cách săn đón. . . vợ chồng chủ nhà.

1.3. Nuôi dưỡng tình yêu:  

Tình nghĩa vợ chồng đúng nghĩa cao quý biết bao trước xã hội cũng như trước Thiên Chúa: Trước khi lấy nhau đã mất bao nhiêu công theo đuổi, khi lấy nhau rồi, đừng để mất đi cách oan uổng. Khi lãnh Bí tích Hôn phối, là lãnh nhận một “mầm cây hạnh phúc”. Mầm cây này cần được tưới bón, che chở để không bị khô héo, chết nghẹt, nhưng triển nở. Nuôi dưỡng Tình yêu gia đình là một nghệ thuật đòi nhiều học hỏi, công lao, cần được trau dồi mỗi ngày.

Dù thời gian cưới nhau mau hay đã lâu, dù có những bất bình gì đi nữa, nếu anh chị không muốn chấm dứt, không muốn bóp chết tình yêu, thì tình yêu vẫn tồn tại.

Những điều nên làm có thể là:

1.3.1.  Ðẹp mãi trong thể xác:  

Ban đầu khi chưa cưới, anh chị lôi cuốn nhau vì điều gì? Bây giờ hãy lôi cuốn nhau vì cái đó: một mái tóc, một nụ cười, vẻ thuỳ mị đoan trang, tính hiền lành, dễ dãi, quảng đại, sạch sẽ, đạo hạnh. . .

Anh đừng lấy vợ rồi, để người ta nói:

Cúi đầu lạy Chúa Ba Ngôi,

Con lấy được vợ, con thôi nhà thờ. . .

Chị đừng bận rộn bếp núc gia đình, rồi để người ta chê:

Gái một con trông mòn con mắt,

Gái hai con vú quặt đàng sau,

Gái ba con chỉ đâu ngồi đấy. . .

1.3.2. Ðẹp mãi trong tâm hồn

Chồng phải thật tình yêu vợ, đừng vì ham những cái mới lạ đâu đâu mà bỏ vợ “bơ vơ” ở nhà, hoặc coi vợ chỉ như người giúp việc. Ngược lại, vợ cũng thật tình yêu chồng, giữ chồng không phải bằng cách kiểm duyệt thư, nghe điện thoại, thăm dò đường đi nước bước của chồng, rồi ghen tương, đay nghiến. . .

– Ðẹp mãi trong tư tưởng, lời nói, việc làm:

* Luôn đoán tốt cho nhau.

* Luôn nói lịch sự, kính trọng nhau “tương kính như tân”. Không làm mất mặt nhau trước bất cứ ai, dù trong nhà hay ngoài ngõ.

Luôn biết nói lời “cám ơn” sau khi vợ hoặc chồng đã làm tốt cho mình. Cũng đừng ngại nói lời “xin lỗi” khi mình làm chuyện gì gây khó chịu bực tức cho người mình yêu.

Luôn nhường nhịn nhau:

Chồng giận thì vợ bớt lời,

Cơm sôi nhỏ lửa chẳng đời nào khê.

Luôn biết nghe nhau, vì:

Một nhà hai chủ không hoà,

Hai vua một nước ắt là không yên

Những việc quan trọng phải bàn nhau: Vợ chồng “Ðều có nhiệm vụ và quyền lợi bằng nhau trong tất cả những gì có liên hệ đến đời sống chung của vợ chồng” (GL 1135). Luật đối thoại là: có nói có nghe, có giải quyết hợp tình hợp lý. Không ai nên độc tài, độc đoán. Nói cho nhau những điều mình muốn hay không và nghe những điều bên kia nói. Hai ý kiến giải quyết tốt hơn một ý.

Thêm chút vui vẻ, hài hước cho cuộc sống bớt căng thẳng. Nụ cười dễ thương hơn là nhăn nhó, lời nói vui gây cảm hứng hơn lời chỉ trích:

Chồng giận thì vợ làm lành,

Miệng cười hớn hở rằng anh giận gì,

Thưa anh anh giận em chi,

Muốn cưới vợ bé em thì cưới cho.

* Luôn xây dựng cho nhau: Qua Bí tích Hôn phối, dù có con hay không, hôn nhân vẫn tồn tại như một cuộc sống chung và vẫn giữ được giá trị cùng đặc tính bất khả phân ly của mình  (MV 50).

 Ðó cũng là điều người Việt mình thường nói:

Xét ra trong đạo vợ chồng,
Cùng nhau nương tựa đề phòng nắng mưa.

“Hạnh phúc gia đình làm bằng những cái nhỏ li ti”. Cái nhỏ li ti là gì, nếu không phải là những hi sinh liên lỉ của cả đôi bên được cô đọng trong mấy câu ca dao sau đây:

Vì chàng thiếp phải bắt cua,

những như thân thiếp thiếp mua ba đồng.

Vì chàng thiếp phải mua mâm,

những như thân thiếp bốc ngầm cũng xong.

Vì chàng thiếp phải long đong,

những như thân thiếp cũng xong một bề.

Vì chàng nên phải gắng công,

nào ai xương sắt da đồng chi đây.

Nếu nàng hi sinh như vậy thì chàng cũng không kém:

Anh về hái đậu tương cà,

để em đi chợ kẻo mà lỡ phiên.

Và cùng nhau:

Rủ nhau xuống biển mò cua,

Ðem về nấu quả mơ chua trên rừng,

Em ơi chua ngọt đã từng,

Non xanh nước bạc ta đừng quên nhau.

Thật là êm đềm, thật là thú vị, thật là hạnh phúc. Hạnh phúc ấy ở trong tình yêu chân chính, tình yêu biết hi sinh, biết nhường nhịn, dù trong cảnh nghèo:

Ðầu tôm nấu với ruột bầu,
Vừa chan vừa húp gật đầu khen ngon.

Và:

Ðói no có thiếp có chàng,
còn hơn chung đỉnh giầu sang một mình.

Sự hoà thuận ấy, tình yêu thương ấy cần phải được bảo vệ bằng mọi giá. Ðừng bên nào nghe lời đàm tiếu xúi bẩy của người ngoài cuộc, vội tin ngay, không kiểm chứng để rồi mặt nặng mặt nhẹ với nhau, hoặc đi xa hơn nữa.

Vợ chồng là nghĩa già đời,
Ai ơi chớ nói những lời thiệt hơn.

Nấu ăn, may vá và chăn gối: Nếu gia đình mà người vợ khéo tay, biết nấu ăn vừa ngon vừa bổ, vừa rẻ vừa lành, biết thay đổi món ăn cho vừa miệng người nhà thì còn gì quý bằng, quý gấp mấy lần người vợ sợ vào bếp, nay rủ đi ăn tiệm, mai mua hamburger, vừa tốn tiền vừa ít thú vị. Phụ nữ Việt Nam “có giá” thêm một phần cũng ở chỗ đó.

Ð- Sơ Germana, người Ý, phụ trách mục Nấu ăn trong lớp Dự bị Hôn nhân, sau 20 năm kinh nghiệm, khi mọi người vào bếp coi bà nấu, ai cũng đều thích thú. Bà viết trong cuốn “Khi các thiên thần nấu ăn” như sau: “Nấu ăn ngon làm cho mọi người vui vẻ và yêu đời. Nấu ăn ngon, sức khoẻ tốt, làm cho đời đáng sống hơn. Chúa Kitô cũng đã làm những điều tốt đẹp nơi bàn ăn”. . .

Quando Cucinano gli Angeli, Ed. Piemme, The English translation: Italian Cookbook, Catholic Book Pub., 1988.  

Tác giả Ngọc Quỳnh trong cuốn Người Ðàn Bà Tuyệt Vời đã viết: “Người vợ tuyệt vời là người vợ vui vẻ trong phòng khách, khéo léo trong nhà bếp, và khéo léo trong phòng ngủ”. Thật là của trời ban.

Tác giả còn thêm: “Gia đình mà người chồng được tôn sùng như ông vua và người vợ được cưng chiều nâng niu như ái khanh, gia đình đó nhất định có hạnh phúc, người vợ không cần đi mỹ viện cũng trẻ đẹp hoài hoài”.

– Ðẹp trong cuộc sống đạo:

Vì sự khác biệt của hai phái, cuộc sống hôn nhân không dễ dàng, vì thế Chúa đã tiên liệu ban ơn cho cuộc sống này qua Bí tích Hôn phối. Về phía gia đình cũng phải cộng tác bằng cách Noi gương Thánh gia xưa: sống đời sống Cầu nguyện, Hy sinh, và Yêu mến.

Với Chúa mọi chuyện  đều xong,
Quên Chúa long đong tối ngày.

Và:

Với Mẹ mọi lẽ đều xuôi,
Quỉ ma đừng hóng thò đuôi vào rờ.

Luôn cầu nguyện ở mọi nơi với lời đơn sơ như: “Giêsu Maria Giuse, con mến yêu, xin cứu rỗi các linh hồn” hoặc “xin cho gia đình con. . .”. Chấp nhận những đau khổ Chúa gửi đến, với lòng yêu mến to tát để tôn vinh Chúa và cứu các linh hồn.

Mẹ Têrêsa Calcuta nói:”Tình yêu phải bắt đầu từ trong gia đình, và từ đó tới những người hàng xóm, những người cùng phố, cùng thôn xóm chúng ta sinh sống” (Mother Teresa, One Heart full of Love, Servant Books, Ann Arbor, MI, 1984, p. 23). Mẹ còn nói thêm: ” Chúng ta phải nên thánh. Thánh không phải là điều xa xỉ dành cho một số người. Thánh là nhận tất cả những gì Chúa Giêsu ban, và cho lại tất cả những gì Chúa Giêsu đòi, với một nụ cười thật tươi”. (Sách trên trang 22).

Ðây là lúc phải thực hiện lời cam kết trước cộng đoàn giáo dân và đại diện Giáo hội ngày thành hôn:

 “Anh (em) nhận em (anh) làm vợ (chồng) và hứa sẽ giữ lòng chung thuỷ với em (anh) khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc khỏe mạnh để yêu thương và tôn trọng em (anh) mọi ngày suốt đời anh (em)” .

Phần thực hành, nên có:

  1. Bữa cơm tối với nhau:

Bữa ăn chung gia đình buổi tối là thời gian tuyệt vời. Còn cảnh nào đẹp bằng “Con cái bạn như những chồi non của khóm ôliu vây quanh bàn ăn của bạn” (Tv 127).

  1. Cầu nguyện tối với nhau:

Dưới ánh nến lung linh, gia đình đồng tâm cầu nguyện. Còn cảnh nào đẹp bằng.

(Chỉ cần mươi phút: – nghe một đoạn Kinh Thánh, – gia trưởng nói vài lời giải nghĩa, khuyến khích, – dâng lời cầu nguyện, tạ ơn, thống hối, dâng gia đình cho Thánh gia).

Gia đình cầu kinh, gia đình bình an.

3. Chúa nhật dự lễ chung với nhau, Rước Thánh thể là của ăn nuôi linh hồn.

Chở con đi học giáo lý-Việt ngữ, sinh hoạt đoàn thể, thăm viếng bệnh nhân.

  1. Mùa Vọng, mùa Chay xưng tội, dự tĩnh tâm, học hỏi do cộng đoàn tổ chức.
  2. Luôn hành động theo nguyên tắc:

“Ðược lời lãi cả thế gian mà thiệt mất sự sống linh hồn, nào được ích gì?” (Mt 16,26)

Tóm tắt nghệ thuật sống chung hạnh phúc:

  1. Ăn:”Ðừng ăn thua đủ”. Ðừng muốn tranh cãi thắng ai.
  2. Sống: “Nương nhau mà sống”.Tế nhị chiều ý nhau.
  3. Làm: “Làm cho người, điều muốn người làm cho mình”(Mt 7,12).
  4. Thảo luận

* Anh hay chị nghĩ khi vợ chồng bất hòa, làm sao hàn gắn mau lẹ lại được?

Ðề nghị

* Mời một thương gia nói về kế hoạch tài chánh gia đình.

  1. Câu hỏi ôn:
  2. Tại sao cần duy trì tình yêu vợ chồng? (1.1)
  3. Những điều nào gây bống đồng? (1,2,1-1.2.7)
  4. Thể xác cần đẹp mãi là sao? (1.3.1)
  5. Tâm hồn cần đẹp ở chỗ nào? (1.3.2)
  6. Nấu ăn ngon đem lại ích lợi gì? (1.3.2)
  7. Phần thực hành cuộc sống đạo gồm điều gì? (1.3.2)
  8. Tóm tắt cuộc sống hạnh phúc? (cuối bài)

Bài Ðọc Thêm

Vợ Chồng Với Nhau Và Với Gia Ðình

(Theo Dale Carnegie, Tâm Lý Vợ Chồng)

Thái độ người chồng:

Làm người con trai thường có hai chuyện khó khăn nhất khi lập gia đình là làm thế nào vừa lòng cả hai bên: cha mẹ và vợ. Nếu bạn là một người con chí hiếu, nghiêng hẳn về cha mẹ thì khó bảo toàn được tình yêu vợ ngược lại, nếu bạn quá yêu vợ thì người đời kết án bạn là người xem thường cha mẹ.

Tình gia đình và tình chồng vợ, hai phương diện khác biệt nhưng cần một mình bạn giải quyết cho bằng được, thái độ của bạn trong lúc đầu là cả một vấn đề nan giải, thành bại là ở lần đầu, nếu bạn nghiêng về cha mẹ thì tình yêu của vợ bị sứt mẻ, người vợ luôn luôn buồn lòng vì có mặc cảm là mình không được chồng thương, cha mẹ chồng hà hiếp và đám anh em chồng hành hạ. Ngược lại, nếu bạn nghiêng lòng yêu về vợ thì chính cha mẹ bạn sẽ buồn lòng vì cho rằng bạn là người con bất hiếu, nhu nhược, anh em bạn bè cũng coi thường bạn, cho rằng bạn là một người coi nặng tình hơn là hiếu.

Bạn phải sáng suốt nhận định, bạn phải nhìn nhận tội của vợ cũng như công của vợ nếu vợ có lỗi lầm gì, phải sáng suốt nhận xét, chớ nên chuyện gì bạn cũng nghe theo lời một bên để gây chuyện hành hung với vợ, vì trong chuyện thường ngày, cha mẹ và vợ cũng như anh chị em trong nhà thường hay có những chuyện không vừa ý, nhất là anh em trong nhà, người con gái nào cũng chịu nhiều đau khổ vì nhà chồng, nhà chồng thường thì những cô em chồng là những người hay gây sự, làm cho người vợ bạn nhiều khi phải ngậm đắng nuốt cay.

Trong tình cảnh ấy, bạn phải thông cảm cho tình đó, khi đi làm về, bạn có nghe cô em hay bà chị hoặc mẹ rầy la vợ mình, bạn nên sáng suốt nhìn vào sự thật, xem đâu là lỗi, đâu là phải. Nếu vợ có lỗi, bạn cũng tỏ ra người sáng suốt, khoan dung, trong những khi cùng nhau chung sống trong tình chăn gối, hai mái đầu kề bên nhau, bạn hãy lợi dụng lúc ấy mà dùng những lời hơn lẽ thiệt khuyên vợ nên hiểu và phục thiện. Nếu vợ bạn là một người khôn ngoan và giầu lòng phục thiện thì nhất định nàng sẽ làm vừa lòng bạn ngay, và chẳng bao lâu gia đình bạn sẽ chiếm được nhiều hạnh phúc.

Trường hợp khác hơn, nếu vợ bạn là người độc đoán, nhất thiết không nghe, trong trường hợp đó bạn nên cố khuyên thêm một vài lần. Nếu vợ bạn vẫn ngoan cố, bạn hãy cảnh cáo một lần, sau lần đó nếu còn tái phạm bạn hãy quyết định những ý kiến sau cùng. Như thế gia đình bạn dễ tìm hạnh phúc hơn. Ðó là chuyện khó. Trong trường hợp nếu như anh em, chị em bạn có lỗi đối với vợ bạn, thái độ của những cô em bạn có vẻ hà hiếp vợ bạn, bạn phải thẳng tay trừng trị, thái độ đó là một thái độ cần phải có, nhưng không phải bạn thẳng tay trừng trị có nghĩa là đánh đập, chửi mắng. . . Bạn phải rầy các em bạn và làm cho các cô em thấy rằng họ là một người em của chồng. Có như vậy bạn sẽ chiếm được hạnh phúc.

Thái độ người vợ:

Ðối với bạn là người con gái, khi có chồng, bạn phải mềm mỏng, khôn ngoan. Thái độ của bạn là lời ăn tiếng nói, chính lời ăn tiếng nói là một thái độ cần thiết đối với người con gái khi có chồng. Lúc lập gia đình xong, bạn nên khôn ngoan tìm những lời lẽ nhã nhặn đối xử với cha mẹ nhà chồng cũng như anh chị em bên chồng.

Trường hợp cha mẹ chồng khó, bạn cần nhẫn nhịn và chứng tỏ con người khôn ngoan nhiều can đảm. Khi có lỗi, bạn nên can đảm chấp nhận và phục thiện. Thái độ phục thiện của bạn làm cho gia đình nhà chồng càng thêm hạnh phúc. Ðối với em chồng, bạn nên có lòng khoan dung và nhiều kiên nhẫn tha thứ: bạn nên coi họ là những người của bạn thì hơn, bạn nên khôn ngoan lựa lời hơn lẽ thiệt nói cho họ biết. Có như vậy bạn sẽ chiếm được hạnh phúc. Trường hợp những cô em chồng ngoan cố, bạn nên nói lại cho chồng bạn nghe, nhờ chồng can thiệp có thể dễ dàng hơn.

– Trong gia đình, người vợ nên luôn luôn chứng tỏ sự hiểu biết, óc khôn ngoan và lòng xả kỷ của mình đối với chồng con. Nên hoà mình vào cuộc sống để hy sinh cho chồng con và chứng tỏ cho người bạn đời hiểu rằng mình là một người luôn luôn tận tụy với gia đình.

– Trong gia đình, người vợ nên thành thực với chồng. Bất cứ chuyện gì, người vợ cũng không nên lừa dối chồng, vì như thế gia đình không bao giờ giữ được hạnh phúc, mà trái lại nó còn làm cho tình vợ chồng thêm phai lạt mà thôi.

– Người vợ cũng phải ý thức được vai trò của mình trong gia đình, nên hiểu chồng, không nên ghen bừa bãi, phải biết áp dụng tính ghen của mình cho đúng lúc, đúng chỗ. Nếu bạn không biết ghen, bạn sẽ đưa gia đình đến chỗ suy vong, khó mà tìm lại được.

– Ðối với bạn của chồng, bạn phải tế nhị và ý tứ, khôn ngoan, biết cách cư xử, và làm đẹp lòng bạn, để cho người bạn phải kính nể bạn, và đừng bao giờ để cho người đời, cũng như chồng bạn chán nản vì sự kém xã giao của bạn.

– Ðiểm cuối cùng là tính nết của bạn trong gia đình, nên khôn ngoan đối với chồng, cũng như đối với gia đình chồng và những người chung quanh, luôn luôn hiền hoà, nhẫn nhịn, ý tứ, chiều chuộng, khôn ngoan, không lắm lời, và nhiều tài tháo vát, cộng thêm lòng yêu thương và nết vui tính của bạn.

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!