Kỹ năng sống

Người Công giáo phải làm gì trước sự phát triển của trí tuệ nhân tạo?

Người Công giáo phải làm gì trước sự phát triển của trí tuệ nhân tạo?

 

 

Cho đến nay, giới khoa học và công nghệ vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất về trí tuệ nhân tạo.

Tuy nhiên, sự tiến bộ của công nghệ kỹ thuật số, mặc dù vẫn đang ở giai đoạn đầu, nhưng đã tạo ra những thay đổi đáng kể đối với cơ cấu xã hội, gây ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa, hành vi xã hội của con người.

Đứng trước sự phát triển nhanh chóng của các hình thức trí tuệ nhân tạo cùng những thách thức do cuộc cách mạng công nghệ số đặt ra, người công giáo phải làm gì?

Vui mừng và biết ơn

Trong Sứ điệp Hòa bình năm 2024 với chủ đề: “Trí tuệ Nhân tạo và hòa bình”, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã mời gọi mọi tín hữu hãy “vui mừng và biết ơn vì những thành tự phi thường của khoa học và công nghệ”, vì trí tuệ nhân tạo là thành quả của trí tuệ con người mà trí tuệ con người là sự diễn tả phẩm giá của con người, đã được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa và giống Thiên Chúa.

trí tuệ 2.jpg

Hình Internet

Nói cách khác, khoa học và công nghệ, cụ thể là trí tuệ nhân tạo, là sản phẩm phi thường của tiềm năng sáng tạo mà Thiên Chúa đã ban cho con người khi sáng tạo con người theo hình ảnh Ngài và ban cho con người để họ cộng tác vào công trình sáng tạo.

Do đó, đối với người công giáo, vì là sản phẩm phi thường của trí khôn con người, nên trí tuệ nhân tạo phải giúp con người thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa và hợp tác với ý muốn của Ngài để hoàn thành công trình sáng tạo. Nói cách khác, trí tuệ nhân tạo phải thúc đẩy sự phát triển con người toàn diện và biến đổi thế giới ngày càng tốt đẹp hơn.

Tỉnh thức trước cám dỗ

Tuy nhiên, vì được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, nên con người cũng được trao ban khả năng đáp lại tình yêu của Thiên Chúa một cách ý thức và tự do. Nhờ tự do, con người cũng có thể lạm dụng sự tự do để chống lại ý định tốt lành của Thiên Chúa.

Vì thế, vừa vui mừng và biết ơn, người công giáo cũng phải cảnh giác trước những nguy cơ lạm dụng trí tuệ nhân tạo cho những mục đích trái đạo đức, chẳng hạn như tung tin sai lệch, lan truyền tin giả, thao túng tâm lý, phân biệt đối xử, can thiệp vào tiến trình bầu cử, nắm giữ một xã hội giám sát và kiểm soát con người và tăng cường chủ nghĩa cá nhân ngày càng mất kết nối với xã hội…

Cổ võ một nền đạo đức trí tuệ nhân tạo

Bên cạnh đó, các Kitô hữu phải cổ võ cho một “nền đạo đức trí tuệ nhân tạo”, trong đó mọi con người, đặc biệt là những người yếu thế và dễ bị tổn thương trong xã hội, không ai bị loại ra khỏi sự phát triển của công nghệ.

Nói cách khác, phẩm giá con người và tình liên đới phải là nền tảng và tiêu chí để đánh giá công nghệ trước khi đưa vào sử dụng. Do đó, “những phát triển công nghệ không dẫn đến việc cải thiện chất lượng cuộc sống của toàn nhân loại, mà làm trầm trọng thêm những bất bình đẳng và xung đột, thì không bao giờ có thể được coi là tiến bộ thực sự.”

Cầu nguyện để trí tuệ nhân tạo phục vụ con người

Cuối cùng, điều quan trọng cần làm đối với người tín hữu là cầu nguyện để sự tiến bộ về công nghệ và trí tuệ nhân tạo luôn phục vụ con người. Đặc biệt, cầu nguyện để Thiên Chúa chúc lành và hướng dẫn các công ty đang phát triển trí tuệ nhân tạo suy tư và tiếp cận đạo đức đối với trí tuệ nhân tạo, nghĩa là, cầu nguyện để việc thiết kế và ứng dụng trí tuệ nhân tạo thật sự mang tính nhân bản.​

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!