“Nói bằng trái tim”: một tiêu chuẩn của truyền thông Công giáo
Một không gian đa chiều
Đó là một không gian giúp chia sẻ những kinh nghiệm và vun đắp những mối quan hệ chưa từng có trước đây, nhưng cũng là một không gian “đầy cô đơn, thao túng, khai thác và bạo lực… cản trở sự phát triển của các mối quan hệ đích thực giữa người với người.” (Phanxicô, Tông huấn Christus Vivit, # 88).
Ở đó, cũng có rất nhiều người trẻ đang đắm mình. Việc chìm đắm trong thế giới ảo như thế “dễ dàng đưa họ tới một kiểu ‘di cư kỹ thuật số’, nghĩa là xa rời gia đình cũng như các giá trị văn hóa và tôn giáo” (Phanxicô, Tông huấn Christus Vivit, # 90).
Đối với Giáo hội Công giáo, giờ đây, vấn đề không còn phải là có nên tham gia vào thế giới kỹ thuật số hay không, mà là tham gia như thế nào, để trong tư cách cá nhân và cộng đoàn Giáo hội, người Công giáo có thể “sống trong thế giới kỹ thuật số như “những người thân cận đầy yêu thương”, những người thực sự hiện diện và quan tâm đến nhau trong hành trình cùng đi trên “xa lộ kỹ thuật số” (Bộ truyền thông, Hướng tới sự Hiện diện tròn đầy – Suy tư Mục vụ về việc tham gia mạng xã hội, # 1), nhất là để cùng nhau mang Tin mừng vào “trận địa kỹ thuật số” (Docat # 43).
Một trái tim biết nhìn
Đức thánh cha Phanxicô, trong Sứ điệp ngày Thế giới Truyền thông lần thứ 57, năm 2023, với chủ đề “Nói bằng Trái tim”, đã viết: “Chúng ta đừng sợ phải công bố sự thật, cho dù có khi sự thật không dễ chịu, nhưng hãy sợ rằng chúng ta công bố sự thật mà không có bác ái, không có trái tim.”
Theo ngài, vẫn biết “truyền thông xã hội phải phục vụ chân lý” (Phaolô VI, Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông năm 1972), nhưng Hội thánh phải công bố sự thật trong tinh thần bác ái, vì “chương trình của Thiên Chúa là một trái tim biết nhìn” (Benedict XVI, Thông điệp Thiên Chúa là Tình yêu, # 31) và chỉ khi nói bằng trái tim, nhìn bằng trái tim “người ta mới có thể nghe thấy nhịp tim của người khác trong chính trái tim của mình… mới nhìn nhau với lòng thương cảm, mới đón nhận những yếu đuối của nhau với lòng tôn trọng thay vì phán xét qua tin đồn và gieo rắc bất hòa và chia rẽ… mới có thể nhìn xa hơn những vẻ bề ngoài cũng như vượt qua được những tiếng ồn ào hỗn độn của cuộc sống, cả trong lĩnh vực truyền thông” (Phanxicô, Sứ điệp ngày Thế giới truyền thông 2023).
Nói bằng trái tim là làm cho người đọc hoặc lắng nghe hiểu rằng người nói “đang chia sẻ niềm vui, nỗi sợ, niềm hy vọng và nỗi đau của những con người cùng thời đại.”
Một tiêu chuẩn của truyền thông
Trong bối cảnh xã hội và ngay cả Giáo hội đang bị phân cực và mâu thuẫn như hiện nay, việc dấn thân truyền thông “với trái tim và vòng tay rộng mở” không chỉ dành riêng cho những người tham gia trong lĩnh vực truyền thông mà là trách nhiệm của tất cả mọi người. Tất cả đều được mời gọi tìm kiếm và nói lên sự thật với lòng bác ái.
Đặc biệt, đối với chúng ta, các Kitô hữu, chúng ta luôn được khuyên bảo phải giữ mồm giữ miệng, đừng nói lời gian ác điêu ngoa (x. Tv 34,14). Chúng ta không thể vừa dùng miệng lưỡi để chúc tụng Chúa vừa nguyền rủa những con người được dựng nên giống Thiên Chúa (x. Gc 3,9). Miệng chúng ta không được phép thốt ra bất kỳ một lời xấu xa nào, mà “chỉ được nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và làm ích cho người nghe.” (Ep 4,29)
Kết luận
“Nói bằng trái tim” hay “Yêu thương trong sự thật” là tiêu chuẩn quan trọng của truyền thông Công giáo. Chúng ta cần sự thật, nhưng cũng cần “lòng tốt trong lĩnh vực truyền thông, để việc giao tiếp không nuôi dưỡng sự oán giận gây phẫn nộ, không tạo ra sự tức giận dẫn đến đối đầu, nhưng giúp mọi người bình tĩnh suy nghĩ, giải mã thực tế họ đang sống, với tinh thần phê phán mà vẫn luôn tôn trọng nhau.” (Ibid)
Phải làm gì?
Docat 43: Thế nào là cách truyền thông lý tưởng trên Internet?
Vì các Kitô hữu được kỳ vọng chinh phục “trận địa kỹthuật số” và đem Tin Mừng đến soi sáng trận địa này, họcần phải có cách giao tiếp khác với những cách tiếp cận thông thường. Họ nên đưa các thông điệp và viết blog vềnhững chủ đề liên quan đến Kitô giáo. Thế nhưng, nếu họ tố giác người khác trong những chủ đề này, nếu họvu khống, làm nhục và lên án người khác, nếu họ gây ra sự chia rẽ hay ủng hộ sự chia rẽ, thì họ đang làm điều trái ngược với lời kêu gọi của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong Tông huấn Evangelii Gaudium: “Niềm vui Tin Mừng dành cho mọi người, không loại trừ một ai”. Điều này cũng áp dụng cho sự hiện diện của các Kitô hữu trên các phương tiện truyền thông xã hội: “Giáo Hội ngày nay phải tiến lên và rao giảng Tin Mừng cho tất cả: ởmọi nơi, trong mọi dịp, không ngần ngại, không miễn cưỡng hay sợ hãi” (EG 23).