Giáo Hội Hoàn VũTin Giáo Hội

Nói không với Thiên Chúa là bi kịch của cuộc sống con người.

Hôm nay Chúa Giêsu mời gọi chúng ta tìm thời gian giải phóng: thời gian dành cho Thiên Chúa, thời gian soi sáng và chữa lành tâm hồn chúng ta, gia tăng bình an, niềm tin và niềm vui trong chúng ta, cứu chúng ta khỏi sự dữ, sự cô đơn và mất đi ý nghĩa”. Đức Phanxicô nhắc nhở như thế trong buổi đọc Kinh Truyền Tin hôm Chúa Nhật 15/10/2023, và đồng thời cho thấy việc nói không với Thiên Chúa là bi kịch của cuộc sống con người.

Dưới đây là bài suy niệm của Đức Thánh Cha :

Anh chị em thân mến, chào anh chị em !

Đoạn Tin Mừng hôm nay kể cho chúng ta về một ông vua chuẩn bị tiệc cưới cho con trai mình (x. Mt 22, 1-14). Ông là một người quyền lực, nhưng trên hết ông là một người cha quảng đại, luôn mời gọi người khác chia sẻ niềm vui của mình. Đặc biệt, ông bộc lộ tấm lòng nhân hậu của mình ở chỗ ông không ép buộc ai mà mời gọi tất cả mọi người, mặc dù cách làm này của ông khiến ông có khả năng bị từ chối. Hãy lưu ý: ông chuẩn bị một bữa tiệc, hào phóng tạo cơ hội gặp gỡ, cơ hội dự tiệc. Đây là điều Thiên Chúa chuẩn bị cho chúng ta: một bữa tiệc, để hiệp thông với Người và với nhau. Và vì thế, tất cả chúng ta đều được Thiên Chúa mời gọi. Nhưng tiệc cưới đòi hỏi thời gian và sự dấn thân từ phía chúng ta: nó đòi hỏi tiếng “xin vâng”: đi, đi theo lời mời gọi của Chúa. Ngài mời gọi, nhưng Ngài để chúng ta tự do.

Đây là kiểu tương quan mà Chúa Cha ban cho chúng ta: Ngài kêu gọi chúng ta ở lại với Ngài, để cho chúng ta khả năng chấp nhận hoặc không chấp nhận lời mời. Ngài không đề nghị với chúng ta một mối quan hệ phục tùng, nhưng đúng hơn là mối quan hệ phụ tử, vốn nhất thiết đòi hỏi sự đồng ý tự do của chúng ta. Thiên Chúa tôn trọng tự do; rất tôn trọng. Thánh Augustinô sử dụng một cách diễn đạt rất hay về vấn đề này khi nói: “Đấng vốn đã tạo dựng nên chúng ta mà không có sự giúp đỡ của chúng ta sẽ không cứu chúng ta nếu không có sự ưng thuận của chúng ta” (Bài giảng CLXIX, 13). Và chắc chắn không phải vì Ngài không có khả năng làm điều đó – Thiên Chúa là Đấng toàn năng! – nhưng bởi vì, là tình yêu, Ngài hoàn toàn tôn trọng sự tự do của chúng ta. Thiên Chúa đề nghị: Ngài không áp đặt, không bao giờ.

Vậy, chúng ta hãy quay trở lại với dụ ngôn: nhà vua – bản văn nói – “sai đầy tớ đi gọi những người được mời đến dự tiệc cưới; nhưng họ không chịu đến” (c.3). Đây là bi kịch của câu chuyện: nói “không” với Thiên Chúa. Nhưng tại sao con người lại từ chối lời mời của Ngài? Có lẽ đó là một lời mời khó chịu? Không, thế nhưng – Tin Mừng nói – “họ không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi: người thì đi thăm nông trại, người thì đi buôn” (câu 5). Họ không quan tâm, vì họ đang nghĩ đến việc riêng của họ. Và vị vua đó, là một người cha, là Thiên Chúa, ông ấy làm gì? Ngài không bỏ cuộc, Ngài tiếp tục mời gọi; quả thực, Ngài đã mở rộng lời mời cho đến khi Ngài tìm được những người chấp nhận, trong số những người nghèo. Trong số những người biết mình nghèo nàn, nhiều người đến, cho đến khi chật kín hội trường (x. câu 8-10).

Thưa anh chị em, đã bao nhiêu lần chúng ta không chú ý đến lời mời gọi của Chúa, vì chúng ta chỉ quan tâm đến công việc của mình! Thông thường, chúng ta đấu tranh để có thời gian tự do, nhưng hôm nay Chúa Giêsu mời gọi chúng ta tìm thời gian giải phóng: thời gian dành cho Thiên Chúa, thời gian soi sáng và chữa lành tâm hồn chúng ta, gia tăng bình an, niềm tin và niềm vui trong chúng ta, cứu chúng ta khỏi sự dữ, sự cô đơn và mất đi ý nghĩa. Thật đáng giá, vì được ở với Chúa, dành chỗ cho Ngài là điều tốt. Ở đâu? Trong Thánh Lễ, trong việc lắng nghe Lời Chúa, trong cầu nguyện và cả trong bác ái, bởi vì bằng cách giúp đỡ những người yếu đuối và nghèo khổ, bằng việc đồng hành với những người cô đơn, bằng cách lắng nghe những người xin sự quan tâm, bằng cách an ủi những người đau khổ, người ta ở với Chúa, Đấng hiện diện nơi những người đang cần giúp đỡ. Tuy nhiên, nhiều người nghĩ rằng những điều này là “lãng phí thời gian”, và ví thế họ nhốt mình trong thế giới riêng tư của họ; và nó thật buồn. Và điều này tạo ra nỗi buồn. Có bao nhiêu tâm hồn buồn bã! Vì lý do này: bởi vì họ đã đóng cửa.

Vậy, chúng ta hãy tự hỏi: tôi đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa như thế nào? Tôi dành cho Ngài không gian nào trong những ngày sống của tôi? Chất lượng cuộc sống của tôi phụ thuộc vào công việc và thời gian rảnh rỗi của tôi, hay vào tình yêu dành cho Chúa và anh em tôi, đặc biệt là những người đang cần giúp đỡ nhất? Chúng ta hãy tự hỏi điều này.

Xin Mẹ Maria, Đấng với tiếng “xin vâng” của Mẹ đã dành chỗ cho Thiên Chúa, giúp chúng ta không làm ngơ trước những lời mời gọi của Ngài.

————————————-

Sau Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến !

Tôi tiếp tục theo dõi với nỗi đau buồn sâu sắc về những gì đang xảy ra ở Israel và Palestine. Tôi lại nghĩ đến nhiều người… đặc biệt là trẻ em và người già. Tôi nhắc lại lời kêu gọi giải phóng các con tin và tôi mạnh mẽ yêu cầu trẻ em, người bệnh, người già, phụ nữ và tất cả thường dân không trở thành nạn nhân của cuộc xung đột. Luật nhân đạo phải được tôn trọng, đặc biệt là ở Gaza, nơi việc đảm bảo các hành lang nhân đạo và trợ giúp toàn thể người dân là điều cấp bách và cần thiết. Thưa anh chị em, đã có nhiều người chết rồi. Làm ơn, đừng đổ máu vô tội nữa, ở Thánh địa cũng như ở Ucraina, cũng như ở bất kỳ nơi nào khác! Đủ rồi! Chiến tranh luôn luôn là một thất bại!

Cầu nguyện là sức mạnh hiền lành và thánh thiện để chống lại sức mạnh ma quỷ của hận thù, khủng bố và chiến tranh. Tôi mời gọi tất cả các tín hữu hãy hiệp nhất với Giáo hội tại Thánh Địa và dành Thứ Ba tới, ngày 17 tháng 10 để cầu nguyện và ăn chay. Và bây giờ chúng ta hãy cầu nguyện với Đức Mẹ. [Kính mừng Maria].

Mối quan ngại của tôi đối với cuộc khủng hoảng ở Nagorno-Karabakh vẫn chưa hề suy giảm. Ngoài tình hình nhân đạo của những người phải di dời – vốn rất nghiêm trọng – tôi cũng muốn đưa ra lời kêu gọi đặc biệt để bảo vệ các tu viện và nơi thờ tự trong khu vực. Tôi hy vọng rằng, bắt đầu từ Chính quyền và tất cả người dân, họ có thể được tôn trọng và bảo vệ như một phần của văn hóa địa phương, như là cách thể hiện đức tin và là dấu chỉ của tình huynh đệ giúp chúng ta có thể chung sống với nhau bất chấp những khác biệt.

Hôm nay, Tông huấn về Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu và Thánh Nhan được xuất bản, có tựa đề “Đó là niềm tin tưởng”: quả thực, như vị Thánh vĩ đại và là Tiến sĩ Giáo hội này đã làm chứng, tin tưởng vào tình yêu thương xót của Thiên Chúa là con đường dẫn chúng ta đến trái tim của Chúa và Tin Mừng của Người.

———————————————-

Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn : vatican.va)

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!