Chưa phân loại

Ơn cứu độ của Chúa Giêsu Kitô có thể chạm đến cả những người ngoài Kitô giáo.

Ơn cứu độ của Chúa Giêsu Kitô có thể chạm đến cả những người ngoài Kitô giáo.

Giáo lý này đã được khẳng định trong hiến chế Lumen Gentium của công đồng Vaticanô II.

Nhưng cũng cần rõ là: giáo lý này hoàn toàn không có nghĩa là bất kỳ ai cũng có thể được cứu độ mà không cần đến Chúa Giêsu hay ân sủng. Giáo lý này càng không có nghĩa là một người ngoài Kitô giáo chỉ cần cố gắng sống tốt và mẫu mực là đủ để lên thiên đàng. Mọi người đều cần ân sủng tái sinh và tẩy sạch tội lỗi để được cứu độ. Không ai đã đến tuổi khôn có thể được cứu độ nếu không có một dạng nào đó lòng ao ước được tha thứ tội lỗi và ao ước được cứu độ, một khả năng đón nhận ân sủng nào đó để dẫn đến đức tin và đức mến siêu nhiên.

Chung quy, chân lý là chúng ta tin rằng người ngoài Kitô giáo vẫn có thể được cứu độ.

 

Hội Thánh là “Công Giáo” vì hai ý niệm. Thứ nhất, từ “Công Giáo” nghĩa là “hoàn cầu” hoặc “của tất cả”, và do đó diễn tả sứ mệnh của Giáo Hội có tính hoàn vũ: Giáo Hội được Chúa Giêsu Kitô thiết lập, Người là Đấng Cứu Độ chung của toàn nhân loại, nên Giáo Hội là khí cụ cứu độ cho toàn thể nhân loại. Thứ hai, “Công Giáo” chỉ về sự hoàn thiện và sung mãn của đức tin cũng như giáo huấn của Giáo Hội, cũng là sự hoàn thiện và sung mãn phương tiện cứu độ trong lòng Giáo Hội, bao gồm: các bí tích, phụng vụ, tông truyền và mục vụ giáo sĩ, bên cạnh đó là sự trợ giúp của các truyền thống tốt đẹp như sùng kính các Thánh, đặc biệt là Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa.

Vì vậy, những Kitô hữu ngoài Công Giáo, dù nhận được những phương tiện ân sủng (nhất là ơn của bí tích rửa tội) cũng không nhận được đầy đủ phương tiện hỗ trợ mà Thiên Chúa đã ban cho. Quả vậy, người Tin Lành thiếu hầu hết các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, là bí tích đứng đầu mọi bí tích, và bí tích Hoà Giải, vốn là nhu cầu quy chuẩn (normative) để được ơn cứu độ đối với những người phạm tội sau khi chịu phép rửa. Một người có thể được phục hồi về tình trạng ân sủng sau khi nhận bí tích Hoà Giải thành sự. Tuy những nhu cầu quy chuẩn này lại không thể áp dụng với người Tin Lành vì họ vốn là “vô thức bất đắc dĩ” với các kiến thức Công Giáo; dù sao, bí tích này vẫn cần thiết và hữu ích cho linh hồn. Do vậy, những người Tin Lành có thể được cứu độ, nhưng tình trạng thiếu phương tiện cứu độ – tức là ơn lành từ các bí tích, hoa trái của phụng vụ, chân lý của giáo huấn Công Giáo – là một ngăn trở và khó khăn. Trên con đường tiến về thiên quốc, họ có nhiều chướng ngại và nhận được ít sự trợ lực hơn chúng ta.

Với những người chưa được rửa tội, và không có một chút kiến thức nào về đời sống Kitô hữu, tình trạng còn khó khăn hơn. Đức Giáo Hoàng Piô XII, cảnh báo rằng kể cả những người tiến đến ơn cứu độ trong sự ước ao vô thức “vẫn bị tước đoạt rất nhiều ân huệ và sự phù trợ từ trời mà họ chỉ có thể nhận được trong Giáo Hội Công Giáo. Vì vậy, ước chi họ gia nhập sự hiệp nhất Công Giáo và ước chi, nhờ hiệp thông cùng ta nên một Thân Mình Chúa Giêsu Kitô, họ cùng với chúng ta chạy về phía Đầu duy nhất trong một cộng đồng yêu thương vinh hiển. Trong sự kiên trì cầu nguyện cùng Thần Khí chân lý và yêu thương, ta chờ đợi họ với vòng tay dang rộng, để khi họ đến, họ thấy không phải là nhà người lạ, mà là nhà của chính họ, của Cha họ.”

Gần đây hơn, Thánh bộ Giáo Lý Đức Tin, trong tuyên ngôn năm 2000 “Dominus Iesus” (Trong ơn cứu độ phổ quát độc nhất của Chúa Giêsu Kitô và Hội Thánh), khẳng định: “Đúng là những người theo các tôn giáo khác có thể nhận được ân sủng của Thiên Chúa, nhưng cũng chắc chắn rằng, nói một cách khách quan, họ ở trong tình trạng giới hạn nghiêm trọng so với những người có đầy đủ phương tiện cứu độ trong Hội Thánh.”

Còn về chủ quan mà nói, tín đồ các tôn giáo khác có thể vẫn đang sống theo lương tâm của họ, tôn kính Chúa theo khả năng họ có, và tìm kiếm ân sủng trong bất kỳ cách nào họ có thể; nếu vậy, Thiên Chúa sẽ tôn vinh và ban thưởng họ. Ngay cả như vậy, “tình trạng giới hạn nghiêm trọng” cũng không phải là tình trạng tốt để chọn.

Thiên Chúa đầy yêu thương và lân ái, nên chúng ta có thể hy vọng ơn cứu độ cho những người thiện tâm trong mọi tôn giáo khác, kể cả người vô thần, nhưng con đường họ đến cùng Thiên Chúa thì thật sự khó khăn và bấp bênh. Chúa Kitô đã ban Giáo Hội Công Giáo cho trần gian, với tràn đầy các phương tiện cứu độ, để chúng ta có thể cậy nhờ trong đời này và bảo đảm sự sống đời đời sẽ đến.

Đây là lý do vì sao chúng ta phải truyền giáo. Nếu chúng ta không làm những gì Chúa Kitô truyền, thì chúng ta không đáng được gọi là Kitô hữu.

Chúng ta có thể hy vọng gặp lại những người thuộc các tôn giáo khác hay những người vô thần trên thiên đàng. Nhưng sẽ vui hơn nếu thấy mọi người hiệp thông trong Giáo Hội Công Giáo ở đời này, và niềm hy vọng vững chắc gặp nhau trên thiên đàng sẽ lớn lao hơn.

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!