QUY LUẬT PHỤNG VỤ VÀ VẺ ĐẸP PHƯỢNG THỜ
(Tìm hiểu nội dung “Khám phá lại mỗi ngày vẻ đẹp đích thực
của việc cử hành Kitô giáo” trong Tông thư Desiderio Desideravi)
Lm. Giuse Trương Đình Hiền.
Dẫn nhập: Hai “vị” cần có trong “thang thuốc giải độc” mang tên “Phụng vụ”
Sau khi phân tích và mổ xẻ tóm tắt những tác động tai hại của hai đại biểu chính thức cho tinh thần thế tục là Ngộ Đạo thuyết và Tân Pelagio thuyết[1] lên đời sống đức tin của Dân Chúa, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đề ra “phương thuốc giải độc” chính là Phụng vụ: “Theo những điều tôi vừa nhắc lại, rõ ràng Phụng vụ tự bản chất là liều thuốc giải độc hiệu quả nhất đối với những chất độc này.” (DD 18). Vâng, theo Đức Phanxicô, Phụng vụ chính là con đường, là phương thế tối cần và tối hảo nhằm “Khám phá lại mỗi ngày vẻ đẹp đích thực của việc cử hành Kitô giáo”. Cụ thể, ngài đề ra một “liều thuốc giải độc” mang tên “Phụng vụ” mà trong “thang thuốc đặc trị” nầy, cần có hai “vị” cơ bản:
– Nói không với chủ nghĩa “duy hình thức”, “duy luật lệ’: “Việc liên tục tái khám phá vẻ đẹp của Phụng vụ không phải là việc phô diễn nghi lễ bằng cách cẩn thận tuân thủ các nghi thức bên ngoài hoặc tỉ mỉ giữ đúng luật chữ đỏ. Tất nhiên, nói như thế không có nghĩa là tôi tán thành thái độ ngược lại, thái độ nhầm lẫn giữa nét đơn giản với sự tầm thường bất cẩn, giữa điều thiết yếu với sự hời hợt thiếu hiểu biết, hoặc giữa tính cụ thể của nghi lễ với quan điểm duy chức năng quá mức trong thực hành.” (DD 22).
– Nói có với tinh thần chỉn chu, nghiêm túc, trân trọng quy luật của Hội Thánh: “Chúng ta hãy nói rõ luôn: phải quan tâm đến tất cả các khía cạnh của việc cử hành (không gian, thời gian, cử chỉ, lời nói, đồ vật, lễ phục, ca hát, âm nhạc, v.v.) và phải tôn trọng từng điểm trong luật chữ đỏ: Một thái độ chú ý như thế sẽ đủ để không cướp mất quyền của cộng đoàn được cử hành mầu nhiệm Vượt Qua theo nghi thức do Hội Thánh thiết lập. Nhưng ngay cả khi nghi lễ được cử hành cách tốt đẹp và đúng quy định, thì điều đó vẫn chưa đủ để chúng ta thông phần cách trọn vẹn.” (DD 23).
Trong cái xã hội mà trào lưu tự do phóng khoáng và tâm thức tôn thờ chủ nghĩa nhân văn, chủ nghĩa cá nhân đang tỏ ra thắng thế, thiết nghĩ, chẳng có được mấy người “phò chủ nghĩa duy luật”. Vì thế, xin được không bàn sâu về khía cạnh nầy. Tuy nhiên, việc “nói có với tinh thần chỉn chu, nghiêm túc, trân trọng với quy luật phụng vụ của Hội Thánh”, dĩ nhiên không thể xem thường; hay đúng hơn, rất cần thiết để anh em linh mục chúng ta “chấn hưng” đời sống đức tin cho chính mình và cho dân Chúa.
Thế nhưng, cách tốt nhất, như Đức Phanxicô nhận xét, để “cộng đoàn khỏi bị cướp mất cái quyền được cử hành Mầu nhiệm Vượt Qua theo nghi thức do Hội Thánh thiết lập” (DD 23), thì điều cơ bản phải thực thi đó chính là hiểu biết và thực hành nghiêm túc quy luật phụng vụ. Bởi vì, Đây cũng chính là “điểm nhấn lưu ý” được nêu bật trong Huấn Thị Redemptionis Sacramentum[2]: “Khi có một lạm dụng trong việc cử hành Phụng Vụ thánh, thì phải nhìn nhận đó là một sự làm sai đi thật sự phụng vụ công giáo. Thánh Tôma đã viết: “Ai thay mặt Giáo Hội hiến dâng cho Thiên Chúa một sự thờ phượng đi ngược với những hình thức mà Giáo Hội tự quyền Thiên Chúa đã thiết lập và chính Giáo Hội này thực hành, thì mắc lỗi giả mạo”[3].
Như một gợi ý để chúng ta cùng tái khám phá vẻ đẹp của phụng vụ, xin được kiến giải đôi điều về các hướng dẫn và quy luật thực hành phụng vụ; nói nôm na, có thể “đặt tên” cho chủ đề của bài thuyết trình hôm nay đó là: QUY LUẬT PHỤNG VỤ VÀ VẺ ĐẸP PHƯỢNG THỜ, với ba nội dung chính sau đây:
– Quy luật phụng vụ trong viễn tượng định hướng.
– Quy luật phụng vụ trong ứng dụng thực hành.
– Quy luật phụng vụ và những “Chữ Đỏ” bị lãng quên”.
I. QUY LUẬT PHỤNG VỤ TRONG “VIỄN TƯỢNG ĐỊNH HƯỚNG”
1. Hiểu biết “quy luật phụng vụ”: khởi điểm cho “nghệ thuật cử hành”:
Trước hết, chủ đích của bài gợi ý nầy là như một chút hành trang để giúp anh em linh mục chúng ta (và qua chúng ta, với cộng đoàn, với anh chị em giáo dân…) thực hiện ước mơ của Công Đồng Vatican II qua những dặn dò của Hiến Chế Phụng vụ: “Nhưng để đạt được hiệu năng trọn vẹn ấy, các tín hữu cần phải đến tham dự Phụng vụ thánh với thái độ sẵn sàng của một tâm hồn ngay thẳng, hòa hợp tâm trí với lời đọc bên ngoài, và cộng tác với ân sủng trên trời, để đừng nhận lãnh ơn Chúa cách vô ích. Vì vậy, các mục tử không chỉ chủ tâm tuân giữ các quy luật trong các hành vi phụng vụ để cử hành thành sự và hợp pháp, nhưng còn phải làm cho các tín hữu tham dự Phụng vụ cách ý thức, tích cực và mang lại nhiều hoa trái.” (PV 11). Đây cũng chính là điều được nhắm tới như mục đích mà mỗi anh em linh mục chúng ta được lắng nghe trong lời Huấn dụ ngay từ khi lãnh bí tích Truyền chức và Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc lại nơi tông thư Desiderio Desideravi: “Hãy ý thức việc con làm, noi theo điều con cử hành, và rập mẫu đời sống con theo mầu nhiệm Thánh giá Chúa” (DD 36).
Thế nhưng, có một nguyên tắc nền tảng mặc nhiên được lưu hành trong đời sống xã hội mà lịch sử đã chứng minh không hề sai đó là “Vô tri bất mộ”. Vâng, khi không hiểu biết, không ý thức giá trị nền tảng, đặc biệt về “tính năng động của phụng vụ”, thì “Luật lệ” cũng sẽ trở thành một “mớ chữ chết”, một số những quy luật khô cứng, nhạt nhẽo, biến cộng đoàn cử hành phụng vụ trở nên một “sự vận hành cái máy” chứ không còn đang cùng nhau thể hiện một “nghệ thuật cử hành”: Như bất kỳ nghệ thuật nào, ars celebrandi đòi hỏi nhiều loại kiến thức khác nhau. Trước tiên, nghệ thuật này đòi hỏi phải hiểu biết về tính năng động trong Phụng vụ. Cử hành phụng vụ là lúc tưởng niệm mầu nhiệm Vượt Qua được hiện tại hóa, để các tín hữu, khi tham dự, có thể cảm nghiệm mầu nhiệm ấy trong cuộc sống. Nếu không có sự hiểu biết này, việc cử hành có thể chỉ bận tâm đến hình thức bên ngoài (hơn kém về mức độ tinh tế) hoặc quan tâm đến luật chữ đỏ (hơn kém về tính cứng nhắc). (DD 49). (x. Bài huấn dụ ngày 1.9.2022 của ĐGH Phanxicô khi tiếp kiến các thành viên của Hiệp hội các giáo sư và những người yêu thích Phụng vụ, một nhóm người Ý kỷ niệm 50 năm thành lập)[4].
2. Hiểu biết “quy luật phụng vụ”: để chuẩn hoá việc “cử hành đời sống đức tin”:
Việc thiếu hiểu biết hay hiểu biết cách hời hợt nông cạn (và cả thái độ hạ giá hay xem thường) các quy luật Phụng vụ, cụ thể, luật “Chử Đỏ”, cũng có nguy cơ làm biến chất hoặc dẫn đến lệch lạc việc cử hành các mầu nhiệm đức tin. Thay vì việc cử hành Phụng vụ sẽ diễn tả đầy đủ vẽ đẹp rạng ngời và thiêng thánh của đời sống đức tin, của các Mầu Nhiệm thánh… và mang lại những hiệu quả thiêng liêng trọn hảo, lại cho thấy những biến dạng và lệch lạc (như chiêu trò quảng cáo hay tuyên truyền cho một mục đích mang tính thế tục…)[5]. Đức Phanxicô trong Desiderio Desideravi đã ân cần lưu ý: “Tôi muốn vẻ đẹp và những hiệu năng cần thiết của việc cử hành Kitô giáo trong đời sống của Hội Thánh không bị biến dạng bởi một sự hiểu biết hời hợt và giản lược về giá trị, hoặc thậm chí tệ hơn, bởi việc biến Phụng vụ thành công cụ phục vụ một quan điểm ý thức hệ, dù quan điểm ấy có như thế nào đi nữa.” (DD 16).
Cũng vậy, không nắm vững “quy luật Phụng vụ”, nhất là không đi sâu vào “tinh thần Phụng vụ”, thì, theo ngôn ngữ của thần học gia J. Ratzinger (tức Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI), Phụng vụ trở thành một thứ “Nhảy múa chung quanh con bò vàng là hình ảnh của việc thờ phượng tự tìm kiếm chính mình”…, một “việc thờ phượng không quan tâm gì đến Thiên Chúa nhưng con người tự ban cho mình một thế giới dễ thương khác được sản xuất từ những nguồn riêng của con người”…, “phụng vụ thực sự mất hướng và chỉ loanh quanh vớ vẩn”… , “phụng vụ phản bội Thiên Chúa hằng sống. Đây là một loại bội giáo trá hình mang tính thiêng liêng. Cuối cùng, những gì còn lại chỉ là sự bực dọc, một cảm giác trống rỗng…”[6].
3. Hiểu biết và thực hành “quy luật phụng vụ”: xây dựng hiệp nhất:
Cho dù những người ưa tự do phóng khoáng và tôn thờ chủ nghĩa cá nhân thường biện minh cho cách sống và chọn lựa của mình qua câu tục ngữ “Chiếc áo không làm nên thầy tu” để muốn nói rằng: nội dung mới quan trọng chứ hình thức không cần thiết. Tuy nhiên, người xưa cũng dạy rằng: “Hữu ư trung xuất hình ư ngoại”. Khi nội tâm trống rỗng, khi đức tin khô cằn, khi tình yêu mờ nhạt… thì chẳng có gì để bộc lộ, để diễn cảm ra bên ngoài…
Thế nhưng, một trong những nét đẹp đặc thù của Hội Thánh Công giáo đó chính là tính hiệp nhất, như sách Công Vụ Tông đồ mô tả đời sống các cộng đoàn Giáo Hội thuở sơ khai: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng… Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung… Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ.” (Cv 2,42-47).
Cùng với “lời chứng mang tính mạc khải” là Lời Chúa, việc cử hành Phụng vụ cũng là một nguồn mạc khải đích thực thuộc kho tàng “Thánh Truyền” là bằng chứng sống động nói lên sự hiệp nhất và mối giây hiệp thông diệu kỳ của Dân Chúa, như cách khẳng định chắc nịch của Desiderio Desideravi: “Việc cử hành phụng vụ không thuộc về cá nhân nhưng thuộc về Đức Kitô-Hội Thánh, về toàn thể các tín hữu hợp nhất trong Đức Kitô. Phụng vụ không nói “tôi” mà nói “chúng tôi” và những hạn chế đối với tính cách “chúng tôi” này luôn luôn là do ma quỷ. Phụng vụ không để chúng ta đơn độc trong việc tìm kiếm sự hiểu biết mang tính cá nhân về mầu nhiệm Thiên Chúa, nhưng nắm lấy tay chúng ta, cùng với mọi người, trong cộng đoàn, để dẫn chúng ta vào mầu nhiệm mà Lời Chúa và các dấu chỉ bí tích bày tỏ cho chúng ta. Phụng vụ thực hiện việc này, phù hợp với cách hành động của Thiên Chúa, theo phương thức nhập thể, nghĩa là thông qua ngôn ngữ biểu tượng của thân xác, mở rộng đến các vật thể trong không gian và thời gian.” (DD 19).
4. “Quy luật phụng vụ”: phương thế gặp gỡ và gần gũi nhau của Dân Chúa:
Nếu tội lỗi đã biến nhân loại thành một cộng đồng “ngôn ngữ bất đồng” để người ta ra đi “mỗi người một ngã” (St 11,1-9), thì ân sủng cứu độ do Đức Kitô mang lại đã khiến mọi người hiểu nhau, gặp nhau và trở thành “bốn bể anh em một nhà”, như chuyện kể của Thánh sử Luca trong Công vụ Tông đồ về sự kiện “Ngày lễ Ngũ Tuần” năm thứ 33 của thế kỷ thứ nhất Công Nguyên: Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho. Lúc đó, tại Giê-ru-sa-lem, có những người Do-thái sùng đạo, từ các dân thiên hạ trở về. Nghe tiếng ấy, có nhiều người kéo đến. Họ kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình. Họ sửng sốt, thán phục và nói: “Những người đang nói đó không phải là người Ga-li-lê cả ư? Thế sao mỗi người chúng ta lại nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta? (Cv 2,1-8).
Giáo Hội tiếp tục không ngừng những cuộc họp mặt như thế; và một nhân tố nền tảng để qua đó mọi người có thể hiểu nhau, hiểu Lời Chúa, và cùng chia sẻ cho nhau những tâm tình, cảm nhận của niềm tin đó chính là những “dấu chỉ cụ thể của Phụng vụ”; những “dấu chỉ” mà nếu không có những quy luật để hướng dẫn thực hành sẽ trở thành một thứ “ngôn ngữ Baben”, một “âm thanh hổn tạp” chỉ dẫn đến rẽ chia và rạn nứt, tan rã và xa lìa. Đây cũng chính là điều được Desiderio Desideravi lưu ý cách đặc biệt: “Tôi nghĩ đến tất cả các cử chỉ và lời nói thuộc về cộng đoàn: quy tụ, nghiêm trang đi trong đoàn rước, ngồi, đứng, quỳ, hát, im lặng, tung hô, nhìn, nghe. Có nhiều cách để cộng đoàn, tất cả như một (Nhm 8,1), thông phần vào việc cử hành. Tất cả cùng làm một cử chỉ như nhau, tất cả cùng chung một giọng nói – điều này truyền tải cho mỗi cá nhân năng lượng của toàn thể cộng đoàn. Đó là sự đồng nhất không làm chết đi mà trái lại, dạy cho từng cá nhân tín hữu khám phá ra tính duy nhất đích thực của nhân vị, không phải trong thái độ cá nhân chủ nghĩa nhưng trong nhận thức về việc tất cả là một thân thể. Vấn đề không phải là làm theo một quyển sách về nghi thức phụng vụ. Đúng hơn, theo cách nói của Guardini, đó là “kỷ luật” sẽ đào tạo chúng ta, nếu được chúng ta tuân giữ cách xác đáng. Đây là những cử chỉ và lời nói làm lắng đọng thế giới nội tâm trong chúng ta, giúp chúng ta sống những cảm xúc, thái độ, hành vi nào đó. Những cử chỉ và lời nói đó không phải là lời giải thích về một lý tưởng mà chúng ta đang kiếm tìm để gợi lên cho chúng ta những tâm tình cảm nghĩ, nhưng thay vào đó, là một hành động của thân xác trong trạng thái toàn vẹn, nghĩa là trong con người toàn diện với cả thân xác và linh hồn.” (DD 51).
5. Quy luật phụng vụ: cửa ngõ dẫn đưa vào thế giới của “ngôn ngữ biểu tượng”:
Toàn thể diễn trình Phụng vụ trong Hội Thánh Công Giáo, có thể nói được, là một tổng hợp các thực hành nghi thức qua “hệ thống quy luật phụng vụ”, mà nếu nói theo ngôn ngữ của Desiderio Desideravi thì đó là “ngôn ngữ biểu tượng”; một thứ ngôn ngữ mà do trào lưu thực dụng và kỹ thuật đang tác dụng rộng khắp và sâu xa vào mọi biên giới cuộc sống, đã gần như xa lạ hay “khó hiểu” đối với con người hôm nay, như Desiderio Desideravi nhận xét: “Việc mất khả năng nắm bắt giá trị biểu tượng của thân xác và của các vật thụ tạo làm cho ngôn ngữ biểu tượng của Phụng vụ hầu như không thể tiếp cận được với não trạng hiện đại. Tuy nhiên, vấn đề không phải là từ bỏ ngôn ngữ này. Chúng ta không được từ bỏ ngôn ngữ biểu tượng vì đây là cách Chúa Ba Ngôi đã chọn để đến với chúng ta qua máu thịt của Ngôi Lời. Đúng hơn, vấn đề là khôi phục khả năng sử dụng và hiểu các biểu tượng phụng vụ.” (DD 44).
Đức Giáo Hoàng Phanxicô hoàn toàn đồng ý với nhà thần học Guardini khi cho rằng: việc đào tạo Phụng vụ trong bước cơ bản chính là “đào tạo cách đọc các ngôn ngữ biểu tượng” của Phụng vụ: “Đây là nhiệm vụ đầu tiên của việc đào tạo phụng vụ: con người phải một lần nữa tìm lại được khả năng hiểu được biểu tượng”. Đó là trách nhiệm của tất cả mọi người, của các thừa tác viên đã lãnh chức thánh cũng như của các tín hữu. Đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, vì con người hiện đại đã trở nên thất học, không còn biết đọc các biểu tượng; dường như cũng chẳng nghĩ đến việc có biểu tượng hay không nữa…” (DD 44).
Riêng tác giả Anscar j. Chupungco o.s.b thì cho rằng: hiểu biết thấu đáo và thực hành cách nghiêm cẩn quy luật phụng vụ sẽ là cách làm cho các “biểu tượng thở hơi vào cuộc sống và biểu lộ mầu nhiệm Chúa Kitô và Giáo Hội đến nhận thức của chúng ta”[7]. Trong khi đó, thần học gia J. Ratzinger, trong chương nói về “Hình tượng trong phụng vụ” (Icon), đã rọi sáng thêm ý nghĩa về “Nhập Thể” thông qua các dấu chỉ và hành động cụ thể mà quy luật phụng vụ đòi buộc phải thi hành[8].
6. Trân trọng luật phụng vụ: thái độ cần có của nhà truyền giáo:
Khi hiểu biết và trân trọng quy luật phụng vụ của Hội Thánh sẽ là con đường, là cửa ngõ giúp chúng ta tìm hiểu ý nghĩa các lễ nghi phụng tự nơi các tôn giáo. Thái độ nầy sẽ cho chúng ta có cái nhìn phong phú và sâu sắc hơn, bao dung hơn trong đối thoại liên tôn và ngay trong chương trình mục vụ truyền giáo[9]. Điều nầy đã được chính Thánh Augustinô đã cảm nhận từ lâu trong buổi đầu Giáo Hội mà ngài diễn tả qua những từ “chung chia với nhau những dấu chỉ hữu hình”[10]; nhất là đã được chính Giáo Hội Việt Nam xác quyết như một định hướng mục vụ trong Thông cáo của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam về việc việc tôn kính Tổ tiên[11]. Và “những dấu chỉ hữu hình” đó chính là các lễ nghi phụng tự, hay “ngôn ngữ biểu tượng”, mà “Chúa Ba Ngôi đã chọn để đến với chúng ta qua máu thịt của Ngôi Lời” (DD 44).
II. QUY LUẬT PHỤNG VỤ TRONG ỨNG DỤNG THỰC HÀNH.
Sau khi phác thảo vài “nguyên tắc định hướng” về Quy luật Phụng vụ, chúng ta tiến gần hơn tới việc “áp dụng thực hành”.
1. Quy luật Phụng vụ được thể hiện thế nào và ở đâu?: cội nguồn Lời Chúa:
Bản chất cũng là nguồn cội của mọi luật lệ trong Hội Thánh đều phát xuất từ kho tàng Lời Chúa tức Kinh Thánh Cựu và Tân ước, như khẳng định của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong Tông hiến “Sacrae Disciplinae Leges” (Các luật lệ của kỷ luật thánh) để ban hành Bộ Giáo Luật 1983: “Một vấn nạn thứa hai về chính bản chất của Bộ Giáo Luật được đặt ra. Để trả lời đúng câu hỏi nầy, cần phải hướng tâm trí về di sản xa xưa của luật pháp được hàm chứa trong các sách Cựu ước và Tân ước, là nơi đã phát xuất toàn bộ truyền thống lề luật pháp chế của Giáo Hội, như nguồn mạch tiên khởi”[12].
1.1. Từ khái niệm “Lễ” tới “Lễ nghi phụng tự Cựu ước”:
Nếu “Lễ” là một khái niệm phổ quát liên quan đến những sinh hoạt tinh thần và những quy phạm lễ nghi liên quan đến toàn bộ cuộc sống, thì PHỤNG TỰ lại là cách thể hiện đặc thù mang chiều kích tín ngưỡng, tôn giáo. Bởi vì, tôn giáo, theo cách hiểu chung của nhân loại, là một sự ràng buộc, mối dây liên hệ có tính bổn phận, giữa con người với thần linh, với Thượng Đế. Theo nghĩa “tầm nguyên”, tôn giáo, tín ngưỡng dịch từ tiếng La tinh: Religio. Theo một số trường phái, chữ re-ligio bắt nguồn từ động từ Re-ligare: buộc, cột, thắt đai, thắt băng: dấu chỉ của sự tùng phục thần linh. Nhưng một trường phái khác xem ra hợp lý hơn khi cho rằng “theo cổ ngữ Rôma, religio tự nó nói lên một thái độ nghiêm túc trong việc thi hành bổn phận. Religio là sự chuyên cần, chăm chỉ; đối lại với neg-ligio (lơ đễnh, chểnh mảng). Về sau, religio được áp dụng vào việc cúng tế thần linh, đòi hỏi sự chăm chú nghiêm trang tuân giữ các nghi thức…”[13].
Có một điều cũng cần ghi nhận đó là: nếu Nho Giáo có bộ Ngũ Kinh mà trong đó pho kinh thứ ba tức Kinh Lễ là nền tảng của mọi nghi lễ và quy phạm đạo đức, thì trong Đạo Do Thái, có bộ Ngũ Thư (hay còn được gọi là Torah, gồm 5 tác phẩm đầu tiên của bộ Kinh Thánh Cựu ước là: Sáng Thế, Xuất Hành, Lê Vi, Dân Số và Đệ Nhị Luật) và cuốn sách thứ ba là sách Lêvi, cũng có nội dung về nghi lễ, tế tự[14].
Như vậy, có thể nói được rằng, phụng vụ Kitô giáo có nhiều nguồn nhưng quan trọng nhất là từ nền phụng tự Do Thái mà căn bản đó chính là Kinh Thánh (Cựu ước), như khẳng định của Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo: “Chúng ta sẽ hiểu rõ hơn một số khía cạnh của Phụng vụ Kitô giáo, nếu hiểu biết nhiều hơn về đức tin và đời sống tôn giáo của dân Do Thái như họ vẫn tin và sống cho đến ngày nay. Đối với người Do Thái cũng như đới với Kitô hữu, Kinh Thánh là phần cốt yếu của Phụng vụ để: công bố Lời Chúa, đáp lại Lời Chúa, ca ngợi Thiên Chúa và cầu nguyện cho người sống cũng như kẻ đã chết, kêu cầu lòng thương xót Chúa…” (Số 1096). (x. ĐHY CHRISTOPH SCHONBORN, Tìm hiểu sách GLHTCG Phần II)[15].
1.2. Phụng vụ và “cội nguồn Tân ước”:
Mặc dù chúng ta không tìm thấy những “mô tả chi tiết” các lễ nghi phụng vụ thời Chúa Giêsu và thời các Tông đồ kế tiếp, nhưng qua các “chỉ dẫn” của các trình thuật Tân ước (nhất là các thánh ca Kitô giáo) như các sách Tin Mừng, sách Công vụ Tông đồ, Khải Huyền, các Thư Thánh Phaolô… chúng ta có thể tìm thấy một số những “cấu trúc cơ bản” về phụng vụ Kitô giáo buổi sơ khai; đại để như “việc nhóm họp vào “Ngày của Chúa” (Kh 1,10) để “thực hiện lời dạy của Chúa Giêsu và cử hành Thánh Thể” (Lc 22,19-20), để rao giảng và rửa tội (Mt 28,19-20), để cầu nguyện (1 Tx 5,17-18), xức dầu bệnh nhân (Gc 5,14-15)[16]…
2. Thực hành phụng vụ vào thuở ban đầu của Giáo Hội:
2.1. Phụng vụ và cội nguồn Tông đồ, Giáo phụ:
Thời đầu, Kitô giáo luôn đối diện với những thách đố khó khăn để tự khẳng định chính mình; những thách đố chủ yếu đến từ áp lực và ảnh hưởng của ba “trào lưu”: Hội đường Do Thái giáo, triết học nhân văn Hy Lạp và văn hóa thế tục Rôma. Tuy nhiên, cho dù khan hiếm các tài liệu, những bằng chứng về tính liên tục của mạch sống đức tin được thể hiện qua phụng vụ vẫn được tìm thấy. Chẳng hạn: Sách DIDACHE (hoặc Lời Giảng dạy của mười Hai Tông đồ) chứa đựng nhiều công thức cầu nguyện và mô tả phép Rửa tội. Tiếp đến là một số tác phẩm của các Giáo phụ (một số là đồ đệ của các Thánh Tông đồ) như thánh Ignatio thành Antiokia và thánh Polycarp. Sau đó, có các tài liệu quan trọng liên quan đến cấu trúc phụng vụ Thánh lễ như cuốn “Biện giáo” (Apology của thánh Justinô, năm 155-157), bản văn “Truyền thống Tông đồ” của thánh Hippolytus thành Rôma (215)[17].
2.2. Phụng vụ trong những thế kỷ đầu: Các truyền thống hay nghi lễ phụng vụ:
Trong những thế kỷ tiếp theo, phụng vụ Kitô giáo hình thành các “Truyền Thống” hay “Gia đình Phụng vụ”: “Truyền thống phụng vụ, còn gọi là nghi lễ phụng vụ, là hình thức cử hành phụng vụ lâu đời của một Hội Thánh địa phương, với những nét riêng biệt về văn hoá, ngôn ngữ, lịch sử,v,v. Chỉ có một hy tế duy nhất và một nền phượng tự duy nhất, nhưng có những phương thức cử hành khác nhau, tạo nên các truyền thống phụng vụ khác nhau. Các truyền thống này không chỉ đa dạng về nghi thức bên ngoài nhưng còn mang những di sản riêng về thần học, linh đạo, kỷ luật, v,v. Từ thế kỷ thứ III, những truyền thống nầy được bắt đầu viết thành văn bản tuỳ theo mỗi vùng như Rôma, Alexandria, Antiochia, v,v. Sau những cuộc canh tân phụng vụ của Hội Thánh từ Công Đồng Trentô (Tk XVI) đến công Đồng Vaticanô II, các truyền thống phụng vụ hiện nay được công nhận là phù hợp với đức tin Công Giáo …” (x. GLHTCG 1203)[18].
3. Những bộ Luật Phụng vụ hình thành, lưu hành và kiện toàn:
3.1. Những khó khăn để có một “bộ luật phụng vụ chung”:
– Từ “di sản lịch sử”: Sự độc lập của các Tòa Thượng phụ: Từ thế kỷ V, Hội Thánh có 5 tòa giám mục quan trọng (Tòa Thượng Phụ) là Rôma, Constantinople, Alexandrie, Antiokia, và Giêrusalem. Chính những dẫn giải thần học, cộng thêm những ảnh hưởng văn hóa chính trị đã tạo nên sự độc lập cho các Tòa Thượng Phụ với những nghi lễ riêng, gọi là gia đình phụng vụ. Các gia đình phụng vụ không phải một sớm một chiều hình thành, song là một quá trình lâu dài, hoặc là kết quả của sự hội tụ nhiều gia đình phụng vụ khác nhau[19]. (x. Từ Điển Công Giáo)[20].
– Từ những yếu tố khách quan: văn hóa, tập tục, ngôn ngữ, sự cập nhật thường xuyên, thẩm quyền địa phương, những cuộc ly giáo (Đại ly giáo Đông Tây vào thế kỷ 11)…, việc hình thành một “bộ sách Luật Phụng vụ” để áp dụng chung cho toàn thể Giáo Hội là điều không tưởng. (x. Tại sao có quá nhiều nghi lễ trong Hội Thánh?)[21].
3.2. Công cuộc canh tân và thống nhất quy luật phụng vụ: Công đồng Trentô:
Từ thế kỷ IX đến trước Công đồng Trentô[22] (thế kỷ XVI), phụng vụ bị pha tạp nhiều yếu tố phụ làm lu mờ các cử hành chính, xảy ra nhiều lạm dụng, dị đoan, dẫn đến các phong trào cải cách và phe phái trong Hội Thánh. Công đồng Trentô (1562) đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử phụng vụ của Hội Thánh. Công đồng Trentô tái khẳng định các nghi thức thánh lễ là hợp pháp với hai phần: bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể, chỉ dùng ngôn ngữ La Tinh trong phụng vụ, và cũng trong thời kỳ này, Hội Thánh có một cuốn sách Giáo lý chung làm nền tảng cho việc huấn giáo và canh tân phụng vụ.
3.3. Cuộc “đại canh tân”của Công Đồng Vatican II:
Việc canh tân của Công đồng Trentô đã có ảnh hưởng trong phụng vụ Rôma và kéo dài trong nhiều thế kỷ. Công đồng Vatican II đã kế thừa di sản ấy và tiếp tục đường lối canh tân của Công đồng Trentô. Hiến chế về Phụng vụ thánh[23] là văn kiện đầu tiên của công đồng Vatican II (1963) đã mở ra những hướng đi tích cực, vừa trở về nguồn Thánh Kinh và Truyền Thống, vừa hội nhập văn hóa để cộng đồng Dân Chúa tham dự một cách chủ động và tích cực như chúng ta thấy hiện nay: “Giáo Hội Mẹ Thánh coi tất cả những nghi lễ đã được chính thức công nhận đều bình đẳng trên pháp lý và được tôn trọng như nhau, lại muốn các Nghi Lễ ấy được duy trì trong tương lai và được cổ võ bằng mọi cách. Thánh Công Đồng cũng ước mong, nơi nào cần, các Nghi lễ ấy phải được cẩn thận tu chỉnh cho toàn vẹn theo tinh thần truyền thống lành mạnh và được bổ sung một sinh khí mới mẻ hầu phù hợp với hoàn cảnh và nhu cầu hiện tại.” (PV 3).
4. Những tài liệu khả tín và cần thiết về ‘”Quy luật phụng vụ”:
Từ giáo huấn và định hướng của hai Đại Công Đồng Trentô và Vatican II, hệ thống luật pháp của Giáo Hội, trong đó có các Quy luật phụng vụ, được phong phú hóa và kiện toàn. Ở đây chỉ xin đơn cử một số các tài liệu khả tín và cần thiết liên quan đến “Quy luật Phụng vụ”, để, vừa là điểm tựa chắc chắn để thêm phần xác tín, vừa là những hướng dẫn cơ bản để cử hành cách sinh động và đúng đắn.
4.1. Quy luật phụng vụ và các tư liệu thuộc Huấn Quyền (mang tính “pháp quy” và định hướng):
– Các quy định về phụng vụ bí tích của Công Đồng Trentô: x. HEINRICH DENZINGER[24].
– Thư Luân Lưu (Thông điệp) “Mediator Dei” (Đấng Trung gian của Thiên Chúa) được ĐGH Pio XII ban hành ngày 20.11.1947; văn kiện dọn đường cho Công Đồng Vatican II[25].
– Hiến chế về Phụng vụ thánh (Sacrosanctum Concilium) của Công Đồng Vaticanô II (04.12.1963)[26].
– Tự sắc Sacram Liturgiam (ban hành năm 1964, của Đức Thánh Giáo hoàng Phaolô VI) hướng dẫn thực hiện cuộc canh tân phụng vụ của Công đồng Vatican II với Hiến Chế Phụng vụ thánh (Sacrosanctum Concilim).
– Tông hiến Missale Romanum (ban hành ngày 03.04.1969) của Đức thánh Giáo hoàng Phaolô VI công bố Sách lễ Rôma mới theo cuộc canh tân của Công Đồng Vatican II.
– Bộ Giáo Luật 1983[27].
– Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo – Phần Hai: Cử hành Mầu nhiệm Kitô giáo (1992).
– Huấn thị về Việc Áp Dụng Đúng Đắn Hiến Chế Phụng Vụ (Các Số 37-40) hay việc thích nghi và hội nhập văn hóa trong phụng vụ của Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích (25.01.1994).
– Huấn thị Liturgiam Authenticam (Ban hành năm 2001, của Bộ phụng tự và Kỷ luật Bí tích) về bản dịch phụng vụ.
– Thông điệp Ecclesia Eucharistia (Giáo Hội sống nhờ Thánh Thể) của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II (ban hành ngày 17.04.2003).
– Huấn Thị Redemptionis Sacramentum (Bí tích Cứu độ) của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích (ban hành ngày 25.03.2004) về một số điều phải tuân thủ hay phải xa lánh liên quan đến Phép Thánh Thể Chí Thánh.
– Tự sắc Magnum Principium của Đức Thánh Cha Phanxicô (ký ngày 03-09-2017), có hiệu lực từ ngày 01-10-2017. Nội dung nhằm điều chỉnh bổ sung một số điểm của Điều 838 trong Bộ Giáo luật liên quan đến thẩm quyền lập luật và vấn đề dịch các bản văn phụng vụ sang các ngôn ngữ địa phương[28].
– Tự sắc Traditionis Custodes của Đức Giáo Hoàng Phanxicô (ban hành ngày 16.07.2021) về việc sửa đổi các quy tắc quy định việc sử dụng Sách lễ Rôma năm 1962.
– Tông huấn Desiderio Desideravi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô (ban hành ngày 29.06.2022) về việc đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa…
4.2. Các văn bản chứa dựng “Luật Chữ Đỏ” để áp dụng thực hành:
4.2.1: Thuộc về Thánh Lễ:
– Sách lễ Rôma (Missale Romanum)[29]. (x. Báo HIỆP THÔNG)[30].
– Sách Nghi thức An táng (2014)[31].
– Sách Nghi thức cử hành Hôn nhân (2009)[32].
– Quy Chế Tổng quát Sách Lễ Rôma (Institutio Generalis Missalis Romani)[33].
– Nghi Thức Thánh lễ (Ordo Missae)[34].
4.2.2. Thuộc về các Bí tích – Á Bí tích:
– Nghi thức Thánh tẩy trẻ em 1969.
– Nghi thức Khai tâm kitô giáo cho người lớn 1972.
– Nghi thức bí tích Thêm sức 1972.
– Nghi thức Xức dầu bệnh nhân và săn sóc họ theo mục vụ 1972.
– Nghi thức ban bí tích Sám hối và Hòa giải 1973.
– Sách Các phép của Đức Hồng Y G.M. Trịnh Văn Căn, Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội 1983.
– Sách Lễ Nghi Giám Mục (Coeremoniale Episcoporum) (Bộ Phụng tự công bố ngày 14.09.1984)[35].
– Sách các phép lành (De benedictionnibus) do Bộ Phụng tự công bố ngày 31.05.1984[36].
– Tài liệu hướng dẫn chương trình đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa của Ủy Ban Phụng tự trực thuộc HĐGMVN: Bài 1: CỬ HÀNH THÁNH LỄ.
5. Những tài liệu giúp tìm hiểu, chú giải về phụng vụ bằng việt ngữ đang lưu hành:
5.1. Tác giả ngoại quốc được phiên dịch:
– ĐỨC HỒNG Y JOSEPH RATZINGER – ĐGH BÊNÊĐICTÔ XVI, Tinh thần Phụng vụ (The Spirit of the Liturgy), biên dịch Nguyễn Luật Khoa, OFM, Phạm Thị Huy, OP, nxb Tôn Giáo 2007.
– LINH MỤC EDWARD MCNAMARA, Dòng Đạo binh Chúa Kitô, giáo sư phụng vụ, đại học Regina Apostolorum, Rôma, Giải đáp thắc mắc phụng vụ, 6 Tập, người dịch Nguyễn Trọng Đa: Tập 1, nxb Phương Đông 2013; Tập 2 (tái bản lần 2), nxb Tôn Giáo 2023; Tập 3 (tái bản lần 1), nxb Tôn Giáo 2022; Tập 4, nxb Hồng Đức 2018; Tập 5, nxb Đồng Nai 2019; Tập 6, nxb Đồng Nai 2020. (x. Có cuốn sách nào hệ thống hóa luật phụng vụ không?)[37].
– ANSCAR J. CHUPUNGCO O.S.B, Phụng vụ là gì? (What, Then, Is Liturgy?), dịch giả Giuse Nguyễn Thế Lân O.P., hiệu đính Giuse Nguyễn Cao Luật O.P, Học Viện Đa Minh 2019.
5.2. Các tác giả Việt Nam:
– LINH MỤC VINH SƠN NGUYỄN THẾ THỦ: Với khoảng 17 đầu sách chuyên đề Phụng vụ như: Các nguyên tắc căn bản về Phụng vụ, nxb tp. HCM 2001, Giải đáp các vấn nạn về Phụng vụ, nxb Tôn Giáo 2001; Hướng dẫn cử hành Phụng vụ, 2000; Tuyển tập những quy luật căn bản khi cử hành phụng vụ, 2014; Phụng vụ Thánh Thể 2001, Phụng vụ các Bí tích, 2000; Cẩm nang các nghi thức Bí tích và Á bí tích, 2003….
– LINH MỤC GIUSE PHẠM ĐÌNH ÁI, SSS: Để nhớ đến Thầy: Lịch sử và ý nghĩa của từng yếu tố trong nghi thức Thánh lễ, nxb Đồng Nai 2019; Cẩm nang & Nghệ thuật cử hành Thánh lễ, nxb Đồng Nai 2022;
– ĐỨC GIÁM MỤC PHÊRÔ TRẦN ĐÌNH TỨ: các giáo trình về Phụng vụ tại ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn…
III. QUY LUẬT PHỤNG VỤ VÀ NHỮNG “CHỮ ĐỎ” BỊ LÃNG QUÊN.
Ở giữa “bầu trời luật Giáo Hội”, có cả một “khung trời luật phụng vụ” ! Ở đây, chỉ xin dừng lại khái quát về “Luật Chữ Đỏ” trong Phụng vụ; nhất là về hai khoản “Luật Chữ Đỏ” liên quan đến cử hành phụng vụ Thánh lễ thường bị lãng quên hay thực hành không đến nơi đến chốn. Đây cũng là “điểm nhấn” quan trọng của Desiderio Desideravi: “Chúng ta hãy nói rõ luôn: phải quan tâm đến tất cả các khía cạnh của việc cử hành (không gian, thời gian, cử chỉ, lời nói, đồ vật, lễ phục, ca hát, âm nhạc, v.v.) và phải tôn trọng từng điểm trong luật chữ đỏ: một thái độ chú ý như thế sẽ đủ để không cướp mất quyền của cộng đoàn được cử hành mầu nhiệm Vượt Qua theo nghi thức do Hội Thánh thiết lập…” (DD 23).
1. Luật “Chữ Đỏ” trong cử hành phụng vụ;
Tác giả ANSCAR J. CHUPUNGCO O.S.B, trong tác phẩm Phụng vụ là gì? (What, Then, Is Liturgy?) đã có cả một chương để minh giải về “Luật Chữ Đỏ”[38]; và đã dẫn nhập về nội dung nầy bằng những nhận xét: “Từ Công đồng Trentô đến cải cách phụng vụ của công đồng Vaticanô II, khoảng 400 năm, luật chữ đỏ đã đạt được một vị trí vô tiền khoáng hậu trong cử hành các nghi lễ phụng vụ…”[39].
1.1. Tìm hiểu khái quát:
Luật Chữ đỏ tiếng La tinh là Rubricae[40] (Anh: Rubric; Pháp: Rubrique)… được Tự Điển Công Giáo của HĐGMVN định nghĩa: “Luật chữ đỏ là những hướng dẫn và quy định được in bằng chữ đỏ trong các sách phụng vụ, nhất là Sách Lễ Roma và sách Kinh Thần Vụ, liên hệ tới việc cử hành và diễn tiến của buổi cử hành phụng vụ. Những quy định hay những chỉ dẫn nầy được viết ra nhằm giúp buổi cử hành được trang nghiêm, xứng đáng và nhất là giúp thi hành các nghi lễ phụng vụ cách thống nhất trong Hội Thánh và trung thành với Hội Thánh. Bộ luật chữ đỏ hiện hành được Bộ Phụng Tự ban hành năm 1960, được Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII chuẩn nhận qua Tự sắc Rubricarum Instructum. Bộ luật gồm ba phần. Phần thứ nhất, gồm những luật chữ đỏ tổng quát (Rubricae generales), quy định về ngày phụng vụ như Chúa Nhật, thời gian vọng, ngày lễ, bát nhật, và những vấn đề như màu áo lễ. Phần thứ hai gồm những quy định hay hướng dẫn tổng quát cho các Giờ Kinh Phụng Vụ Roma (Rubricae generals Breviarii Romani). Phần thứ ba gồm những quy định tổng quát dành riêng cho Thánh lễ Roma (Rubricae generales Missalis Romani)[41].
1.2. Hai khoản “Luật Chữ Đỏ” thường bị lãng quên trong Thánh lễ: THINH LẶNG & ĐỌC THẦM:
Ở đây, chỉ xin dừng lại luật chữ đỏ trong cử hành Thánh lễ mà Ordo Missae (Nghi Thức Thánh Lễ) ghi rõ và Quy Chế Tổng Quát Sách lễ Rôma cắt nghĩa và hướng dẫn chi tiết; và cũng chỉ dừng lại với hai “khoản luật chữ đỏ” thường bị lãng quên: THINH LẶNG & ĐỌC THẦM.
2. Luật chữ đỏ về “Thinh lặng” trong Thánh lễ:
2.1. Liệt kê tổng quát (lúc thinh lặng) và cắt nghĩa của Desiderio Desideravi:
“Trong số các động tác nghi lễ dành cho toàn thể cộng đoàn, thinh lặng chiếm một vị trí quan trọng tuyệt đối. Động tác này được quy định rõ trong luật chữ đỏ. Toàn bộ việc cử hành Thánh Thể chìm đắm trong thinh lặng trước khi bắt đầu và đánh dấu mọi khoảnh khắc của nghi lễ đang diễn ra. Thật vậy, mọi người thinh lặng trong nghi thức sám hối, sau lời mời gọi “Chúng ta hãy cầu nguyện”, trong Phụng vụ Lời Chúa (trước các bài đọc, giữa các bài đọc và sau bài giảng), trong Kinh nguyện Thánh Thể, sau khi hiệp lễ. Thinh lặng không phải là nơi ẩn náu để thu mình trong một kiểu cô lập nội tâm nào đó, như thể muốn rời khỏi những nghi thức làm phân tâm chia trí. Kiểu thinh lặng đó mâu thuẫn với bản chất của cử hành phụng vụ. Thinh lặng trong Phụng vụ là một điều gì đó cao siêu hơn nhiều: đây là biểu tượng của sự hiện diện và hành động của Chúa Thánh Thần, Đấng làm sinh động toàn bộ việc cử hành. Vì thế, thinh lặng là cao điểm của một trình tự phụng vụ. Chính vì là biểu tượng của Thánh Thần, nên thinh lặng có sức mạnh thể hiện hành động đa dạng của Thánh Thần. Theo cách này, trong những khoảnh khắc tôi vừa đề cập, thinh lặng đưa đến tâm tình đau buồn vì tội lỗi và ước muốn được hoán cải, đánh thức tâm trí sẵn sàng lắng nghe Lời Chúa và cầu nguyện. Chúng ta thinh lặng để tôn thờ Mình và Máu Chúa Kitô. Nơi mỗi người, khi kết hiệp mật thiết với Chúa, thinh lặng gợi lên điều Thánh Thần muốn tác động trong cuộc sống để làm cho chúng ta trở nên tấm Bánh được bẻ ra. Vì tất cả những lý do đó, chúng ta được kêu gọi thực hiện thật sốt sắng phút thinh lặng như một động tác mang tính biểu tượng, để qua đó chúng ta được Chúa Thánh Thần uốn nắn” (DD 52). (x. Hiến chế PV số 30[42] và Phụng vụ là gì?[43]).
Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma khi hướng dẫn về “Thinh Lặng” trong Thánh lễ đã có những lời chắc chắn rõ ràng như sau: “Thinh lặng thánh là một phần của việc cử hành; vì thế phải được thực hành đúng lúc. Tính chất của sự thinh lặng tùy thuộc vào lúc phải giữ trong mỗi cử hành. Thật vậy, trong hành động thống hối và sau lời mời cầu nguyện, là để mọi người hồi tâm lại; sau bài đọc hoặc bài giảng là để mọi người vắn tắt suy niệm những gì đã nghe; còn sau khi rước lễ thì để ca ngợi và cầu xin Thiên Chúa trong lòng. Ngay trước khi cử hành thánh lễ, rất nên giữ thinh lặng trong nhà thờ, trong phòng thánh và trong những nơi gần cận, để mọi người dọn lòng cử hành các mầu nhiệm thánh cách sốt sắng và đúng phép.” (Số 45).
2.2. Chữ đỏ “Thinh lặng” trong Ordo Missae (Nghi Thức Thánh lễ – Viết tắt: NTTL) và hướng dẫn cụ thể của Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (Viết tắt: QCSL):
2.2.1. Phần Nghi thức đầu lễ – Hành động thống hối (số 4): “Anh chị em, chúng ta hãy nhìn nhận…”
– Chữ đỏ của NTTL: Mẫu 1: Thinh lặng giây lát rồi mọi người cùng đọc kinh thú tội chung: Tôi thu nhận…; mẫu 2: thinh lặng giây lát rồi linh mục đọc: Lạy Chúa xin…; mẫu 3: Thinh lặng giây lát rồi linh mục nói: Lạy Chúa, Chúa đã được…
– Hướng dẫn của QCSL: Số 51: Tiếp đến, linh mục mời mọi người thống hối. Sau giây lát thinh lặng, tất cả cộng đoàn đọc kinh cáo mình và linh mục đọc lời xá giải để kết thúc, …
2.2.2. Lời nguyện Nhập lễ (Số 9): Chúng ta dâng lời cầu nguyện.
– Chữ đỏ NTTL: Mọi người cùng linh mục thinh lặng cầu nguyện trong giây lát. Sau đó…
– Hướng dẫn của QCSL: Số 54: Tiếp đến, linh mục mời cộng đoàn cầu nguyện; và mọi người cùng linh mục thinh lặng trong giây lát, để ý thức mình đang ở trước thánh nhan Thiên Chúa và có thể thầm thĩ trong lòng những nguyện ước của mình. Rồi linh mục đọc lời nguyện…
2.2.3. Phụng vụ Lời Chúa:
– Chữ đỏ trong NTTL: Không có.
– Hướng dẫn của QCSL: Số 56: Phụng vụ lời Chúa phải được cử hành thế nào để có thể giúp cho cộng đoàn suy niệm, vì vậy phải tránh mọi hình thức vội vã khiến người ta khó hồi tâm. Trong phụng vụ lời Chúa, nên có những lúc thinh lặng ngắn, phù hợp với cộng đoàn đang hiện diện, nhờ đó, dưới tác động của Chúa Thánh Thần, lời Chúa thấm vào tâm hồn và giúp cộng đoàn sẵn sàng đáp lại bằng lời cầu nguyện. Tùy hoàn cảnh, có thể giữ thinh lặng sau bài đọc thứ nhất và thứ hai, cũng như sau bài giảng…”. Số 66: Sau bài giảng, nên giữ thinh lặng một khoảng thời gian ngắn.
Dựa vào các hướng dẫn trên, việc giữa thinh lặng sau các Bài đọc 1, 2, bài giảng là “nên” hay “tùy hoàn cảnh, có thể giữ thinh lặng”, chứ không “minh nhiên” phải giữ như trong nghi thức thống hối và sau lời kêu gọi gọi cầu nguyện của Lời Nguyện Nhập lễ.
2.2.4. Phần Hiệp lễ:
– Chữ đỏ trong NTTL: Số 138: “Linh mục có thể trở về ghế. Tùy nghi giữ thinh lặng thánh trong ít phút, cũng có thể hát hoặc đọc thánh vịnh hay thánh ca tạ ơn hay thánh thi”. Số 139: (Lời nguyện hiệp lễ): Chúng ta dâng lời cầu nguyện: Mọi người cùng với linh mục thinh lặng giây lát, trừ khi đã giữ thinh lặng trước rồi, đoạn linh mục dang tay đọc lời nguyện hiệp lễ.
– Hướng dẫn của QCSL: Số 88: Sau khi cho hiệp lễ, linh mục và cộng đoàn tùy nghi thinh lặng cầu nguyện ít phút. Nếu muốn, tất cả cộng đoàn cũng có thể hát một thánh ca ngợi khen, hoặc một bài tụng ca.
Chúng ta nên hiểu chữ “tùy nghi” trong nghĩa tích cực: cử hành việc thinh lặng cách linh động, uyển chuyển, thích hợp… chứ không phải “giữ cũng được” mà “không giữ cũng chẳng sao”. Riêng Đức Tổng Giám Mục Sài Gòn đã ấn định: “các giáo xứ và cộng đoàn thực hiện trong tất cả các Thánh lễ từ đầu Mùa Vọng nầy (2022)… Xin quý cha giúp cộng đoàn của mình xác tín để cùng thực hiện thật sốt sắng việc thinh lặng vào những thời điểm sau của Thánh lễ:
1. Trong ghi thức sám hối và sau lời mời cầu nguyện đầu lễ để hồi tâm.
2. Sau bài giảng hoặc bài Tin Mừng để Lời Chúa thấm nhập trong tâm hồn.
3. Sau khi rước lễ để tạ ơn và kết hợp với Chúa trong tâm tình cầu nguyện[44].
Để hiểu thêm về nghĩa “thinh lặng thánh” sau khi rước lễ, có thể đọc thêm phần cắt nghĩa của linh mục Giuse Phạm Đình Ái trong tác phẩm “Để nhớ đến Thầy”[45].
3. Luật chữ đỏ “đọc thầm” trong Thánh lễ:
Nếu để ý trong Ordo Missae, chúng ta thấy chữ đỏ quy định có 4 cách “phát ngôn” trong Phụng vụ Thánh Lễ:
– Đọc, nói, xướng…: có nghĩa đọc, nói, xướng bình thường để mọi người nghe.
– Đọc nhỏ tiếng: Đọc ra tiếng nhưng âm lượng nhỏ.
– Đọc thầm: Đọc nhưng âm lượng không phát ra tiếng (chỉ để nghe trong lòng).
– Đọc rõ ràng, dõng dạc: Đọc với âm lượng và âm sắc được nhấn mạnh đặc biệt…
Ở đây, chỉ xin dừng lại ở chữ đỏ về các chỗ “đọc thầm”; vì rất thường chúng ta đồng hóa việc “đọc thầm” với việc “không cần đọc”. Nếu chữ đỏ không quy định là “có thể” hoặc “tùy nghi” đọc thầm thì phải hiểu đó là buộc “đọc thầm” chứ không được bỏ qua. Và sau đây là các chỗ đọc thầm theo NTTL và QCSL (liên quan đến linh mục chủ tế):
3.1. Đọc thầm trước khi công bố Tin Mừng:
– Chữ đỏ trong NTTL (số 14): Nếu không có phó tế, linh mục đến cúi mình trước bàn thờ, đọc thầm: Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin thanh tẩy…
– Hướng dẫn của QCSL (số 132): Khi hát Alleluia, hoặc ca khúc nào khác, nếu có xông hương, linh mục bỏ hương và chúc lành cho hương. Rồi linh mục chắp tay, cúi mình trước bàn thờ, đọc thầm: Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin thanh tẩy tâm hồn…
3.2. Đọc thầm sau khi công bố Tin Mừng:
– Chữ đỏ trong NTTL (số 16): Rồi hôn sách đọc thầm: Nhờ những lời Tin Mừng vừa đọc, xin Chúa xóa tội lỗi chúng con.
– Hướng dẫn của QCSL (số 134): Linh mục hôn sách, đọc thầm: Nhờ những lời Tin Mừng vừa đọc, xin Chúa xóa tội chúng con.
3.3. Đọc thầm khi pha nước vào rượu[46]:
– Chữ đỏ trong NTTL (số 24): Phó tế hoặc linh mục rót rượu và một chút nước vào chén thánh và đọc thầm: Nhờ dấu chỉ nước hòa rượu nầy, xin cho chúng con…
– Hướng dẫn của QCSL (số 142): Đoạn linh mục đứng cạnh bàn thờ, thừa tác viên đưa các bình rượu nước, linh mục đổ rượu và một chút nước vào chén thánh, đọc thầm: Nhờ dấu chỉ nước hòa rượu này…
3.4. Đọc thầm sau khi dâng rượu:
– Chữ đỏ trong NTTL (số 26): Linh mục cúi mình sâu đọc thầm: Lạy Chúa là Thiên Chúa, xin thương nhận chúng con đang hết lòng khiêm nhường thống hối…
– Hướng dẫn của QCSL (số 143): Sau khi đặt chén thánh trên bàn thờ, linh mục cúi mình, đọc thầm: Lạy Chúa là Thiên Chúa, xin thương nhận chúng con …
3.5. Đọc thầm khi rửa tay:
– Chữ đỏ trong NTTL (số 28): Chủ tế rửa tay ở góc bàn thờ và đọc thầm: Lạy Chúa, xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tội con phạm, xin Ngài thanh tẩy.
– Hướng dẫn của QCSL (số 145): linh mục đứng bên cạnh bàn thờ, rửa tay, đọc thầm: Lạy Chúa, xin rửa con … đang khi thừa tác viên đổ nước.
3.6. Đọc thầm khi hòa bánh Thánh vào chén thánh:
– Chữ đỏ trong NTTL (số 129): Rồi cầm lấy bánh thánh, bẻ ra trên đĩa thánh,lấy một miếng nhỏ bỏ vào chén thánh và đọc thầm: Xin cho việc hòa Mình và Máu Ðức Giêsu Kitô,…
– Hướng dẫn của QCSL (số 155): Sau đó, linh mục cầm Mình Thánh, bẻ ra trên đĩa thánh và bỏ một phần nhỏ vào chén thánh, đọc thầm: Xin cho việc hòa Mình và Máu Đức Giêsu ….
3.7. Đọc thầm sau kinh “Lạy Chiên Thiên Chúa”:
– Chữ đỏ trong NTTL (số 131): Linh mục chắp tay đọc thầm: Lạy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, bởi thánh ý Chúa Cha và nhờ sự hợp tác của Chúa Thánh Thần,…
– Hướng dẫn của QCSL (số 156): Bấy giờ linh mục chắp tay đọc thầm kinh dọn mình rước lễ: Lạy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa … hoặc Lạy Chúa Giêsu Kitô, con sắp rước Mình và Máu Thánh Chúa …
3.8. Đọc thầm khi rước lễ:
– Chữ đỏ trong NTTL (số 133): Linh mục quay lên bàn thờ đọc thầm: Xin Mình Thánh Chúa Kitô gìn giữ con, cho con được sống muôn đời…. Rồi cầm chén thánh đọc thầm: Xin Máu Thánh Chúa Kitô gìn giữ con, cho con được sống muôn đời.
– Hướng dẫn của QCSL (số 158): Rồi linh mục đọc thầm: Xin Mình Thánh Chúa Kitô gìn giữ con …, và kính cẩn rước Mình Thánh Chúa Kitô. Đoạn ngài cầm chén thánh đọc thầm: Xin Máu Thánh Chúa Kitô gìn giữ con …, và kính cẩn rước Máu Thánh Chúa Kitô.
3.9. Đọc thầm khi tráng chén:
– Chữ đỏ trong NTTL (số 137): Cho rước lễ xong, linh mục hoặc phó tế hoặc thầy (đã lãnh tác vụ) giúp lễ lau đĩa thánh gạt vào chén thánh rồi tráng chén thánh. Trong lúc tráng chén thánh, linh mục đọc thầm: Lạy Chúa, miệng chúng con vừa rước Mình và Máu Chúa,..
– Hướng dẫn của QCSL (số 163): Linh mục trở lại bàn thờ, gom những mụn bánh, nếu có; rồi đứng sang phía cạnh bàn thờ hay tới bàn phụ mà gạt các mụn bánh trên đĩa thánh và trong bình thánh vào chén thánh; đoạn vừa tráng chén, vừa đọc thầm: Lạy Chúa, miệng chúng con … và dùng khăn thánh để lau chén.
Như vậy, theo luật chữ đỏ, chúng ta có cả thảy 9 lần “đọc thầm”. Ngoài tất cả những chỉ dẫn của luật chữ đỏ buộc phải “đọc thầm” đó, những gì còn lại trong nghi thức hoặc đọc nhỏ tiếng, đọc bình thường hay dõng dạc chứ không có chỗ nào phải đọc thầm. Chẳng hạn, khi trao Mình Thánh, chữ đỏ trong NTTL số 134 ghi rõ: Rồi cầm đĩa thánh hoặc bình đựng Mình Thánh đi đến với những người rước lễ, nâng bánh thánh lên một chút trước mặt từng người và nói: Mình Thánh Chúa Kitô. Rõ ràng chỗ nầy không có đọc thầm, hay nhỏ tiếng…
Kết luận: “Luật Chữ Đỏ” và cảm thức đức tin
Trong tác phẩm “Phụng vụ là gì”, tác giả Anscar j. Chupungco o.s.b đã hài hước khi bàn đến luật chữ đỏ trong phụng vụ: “Khi cử hành Thánh lễ, một số linh mục thường phạm ít nhất là mười tội nhẹ”[47] ! Điều đó muốn nói rằng: nhiều khi vì quá quen thuộc với một cử hành thường xuyên mỗi ngày, chúng ta dễ dàng quên sót các chi tiết nhỏ của luật chữ đỏ.
Nếu đến với Phụng vụ, đặc biệt, với cử hành Thánh lễ, như đang đến với “cuộc hẹn tình yêu”[48] thì chắc chắn những khoản chữ đỏ sẽ trở nên những dấu chỉ của tình yêu và sự sống !
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý: cho dù “Luật chữ đỏ” luôn là điều kiện tiên quyết để các cử hành phụng vụ “thành sự” trong căn bản thực hành (Ex opera operato), nhưng chỉ dừng lại sự thực hành cách máy móc, đạt yêu cầu “kỹ thuật, kỷ luật và chuyên môn…” thì cũng không là đích nhắm cuối cùng mà phụng vụ nhắm tới. Phải thực hành “Luật chữ đỏ” bằng tất cả cảm thức đức tin, bằng trọn vẹn kinh nghiệm sống: “Chúng ta biết rõ rằng, bởi ân sủng của Thiên Chúa, việc cử hành các bí tích có hiệu năng ex opere operato (hiệu năng do sự), nhưng điều này không bảo đảm rằng mọi người sẽ tham dự trọn vẹn nếu họ không hiểu được ngôn ngữ của cử hành một cách thích đáng. Khả năng “đọc” biểu tượng không phải là kiến thức của trí tuệ, cũng không phải là hiểu biết các khái niệm, mà là một kinh nghiệm sống.” (DD 45).
Vâng, như một nhà thần học chuyên về Phụng vụ đã nhận xét rằng: “Khó khăn trong Luật Phụng vụ thường không ở trong sự hiểu biết, nhưng trong đức tin, đức mến và ý muốn thực hiện nó”[49]. Ước gì mỗi người chúng luôn tràn đầy tin cậy mến khi cử hành phụng vụ.
[1] ĐGH PHANXICÔ, Desiderio Desideravi (DD), số 17: Thuyết Ngộ đạo giản lược đức tin Kitô giáo thành một thái độ chủ quan, “cuối cùng giam hãm con người trong những suy tư và cảm xúc cá nhân” (Evangelii gaudium 94).
Thuyết Tân-Pêlagiô hủy bỏ giá trị của ân sủng và “thay vào đó quan điểm ưu tuyển tự mãn và chuyên chế, chỉ muốn phân tích và xếp loại người khác thay vì loan báo Tin Mừng; và dành hết năng lượng cho việc tra xét và kiểm chứng thay vì mở rộng tâm hồn đón nhận ân sủng” (Evangelii gaudium 94).
[2] Huấn Thị Redemptionis Sacramentum (Bí tích Cứu độ) được Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích soạn, theo sự uỷ quyền của Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II, cùng với sự cộng tác của Bộ Giáo Lý Đức Tin, đã được cũng Đức Giáo Hoàng này phê chuẩn ngày 19 tháng 3 năm 2004, nhằm lễ trọng thánh Giuse, và truyền lệnh công bố và để mọi người liên quan tuân giữ. Huấn thị được ban hành tại trụ sở Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, Rôma, ngày 25 tháng 3 năm 2004, nhằm lễ trọng Truyền Tin Chúa.
[3] REDEMPTIONIS SACRAMENTUM, số 169.
[4] TÝ LINH biên dịch từ Vatican News, website https://xuanbichvietnam.net/trangchu/phung-vu-duc-phanxico-canh-giac-tinh-than-tran-tuc-cua-viec-quay-tro-lai-dang-sau/
[5] Trong Giáo Hội hoàn vũ và ngay tại Việt Nam, những năm gần đây, nhiều nơi, nhiều cộng đoàn đã xuất hiện nhiều hình thái lạm dụng môi trường Phụng vụ để quảng cáo, tuyên truyền cho các hình thức “đạo đức bình dân” hay “ơn mạc khải tư” chủ quan lệch lạc (Đặt tay chữa lành, nói tiếng lạ, làm chứng ơn lành hay đặc sủng, mạc khải tư, trừ quỷ…)…
[6] ĐỨC HỒNG Y JOSEPH RATZINGER – ĐGH BÊNÊĐICTÔ XVI, Tinh thần Phụng vụ (The Spirit of the Liturgy), biên dịch Nguyễn Luật Khoa, OFM, Phạm Thị Huy, OP, nxb Tôn Giáo 2007, tr. 25.
[7] ANSCAR J. CHUPUNGCO O.S.B, Phụng vụ là gì? (What, Then, Is Liturgy?), dịch giả: Giuse Nguyễn Thế Lân, O.P., hiệu đính: Giuse Nguyễn Cao Luật, O.P., Học Viện Đa Minh 2019, tr. 306-307: “Các hành động thở hơi vào cuộc sống trong các biểu tượng. Cử chỉ phải được thực hiện, các bài hát phải được hát lên, nước phải được đổ, bánh phải bị bẻ ra và chia sẻ, ngôn từ phải được đọc, bàn tay phải được đặt, dầu phải được xức, và cộng đoàn phải được triệu tâp nhân danh Chúa Ba Ngôi. Khi điều nầy được thực hiện, các biểu tượng thở hơi vào cuộc sống và biểu lộ mầu nhiệm Chúa Kitô và Giáo Hội đến nhận thức của chúng ta...”.
[8] ĐỨC HỒNG Y JOSEPH RATZINGER – ĐGH BÊNÊĐICTÔ XVI, Tinh thần Phụng vụ (The Spirit of the Liturgy), sđd, tr. 137: “Trước tiên, Nhập thể có nghĩa là Thiên Chúa vô hình đi vào trong thế giới hữu hình, để chúng ta, những người gắn liền với vật chất, có thể biết được Người. Theo nghĩa này, con đường dẫn tới Nhập thể đã được chuẩn bị cho tất cả như Thiên Chúa đã nói và hành động trong lịch sử vì sự cứu độ nhân loại. Nhưng vệc Thiên Chúa xuống thế nhằm kéo chúng ta vào chuyển động đi lên. Nhập thể nhắm đến việc biến đổi con người qua Thập giá và dẫn tới tính hữu hình mới của Phục Sinh. Thiên Chúa tìm kiếm chúng ta nơi chúng ta đang hiện diện, nhưng không phải để chúng ta ở lại đó, mà để chúng ta có thể đến nơi Người ở, để chúng ta có thể vượt qua khỏi chính chúng ta. Đó là khi diện mạo hữu hình của Đức Kitô bị giảm thiểu vào một “Đức Giêsu lịch sử” thuộc về quá khứ đã đánh mất đi diện mạo hữu hình của Ngài, đánh mất luôn Nhập thể”
[9] LINH MỤC GIUSE TRƯƠNG ĐÌNH HIỀN, Bình vẫn chưa hề cũ, nxb An Tôn & Đuốc sáng 2021, Truyền giáo và hội nhập văn hóa, tr. 49-54.
[10] JOSEPH MARTOS, Doors to the sacred – Cửa vào thánh thiêng, bản dịch của lm. Đaminh Nguyễn Đức Thông CSsR, nxb Tôn giáo 2015, trang 13: “Người ta chỉ có thể hợp nhất với nhau trong các tôn giáo, bất kể tôn giáo ấy đúng hay sai, khi họ cùng chung chia với nhau những dấu chỉ hữu hình hoặc các bí tích; và quyền uy của các bí tích nầy mạnh mẽ đến độ coi khinh chúng sẽ bị coi là phạm thánh” (Augustinô).
[11] LM. TRĂNG THẬP TỰ, Năm mươi năm thờ cúng Tổ tiên, nxb Phương Đông, 2014, trang 17: “Đối với các tôn giáo khác, Giáo Hội Công Giáo cũng chủ trương một lập trường rõ rệt. Dĩ nhiên Giáo Hội không thể tham dự vào các nghi lễ của các tôn giáo khác, hoặc coi tôn giáo nào cũng như tôn giáo nào, và lãnh đạm để mặc ai muốn hay không muốn tìm xem Thiên Chúa có mạc khải một đạo không sai lầm, trong đó Thiên Chúa được nhận biết, kính mến và phụng thờ. Tuy nhiên, Giáo Hội không từ chối công nhận một cách kính cẩn những giá trị tinh thần và luân lý của các tôn giáo khác (Đức Phaolô VI, thông điệp Ecclesiam suam, 6-8-1964). Giáo Hội không phủ nhận điều gì vốn là chân lý và thánh thiện của bất cứ tôn giáo nào. Giáo Hội luôn luôn rao truyền Đức Kitô là ‘đường đi, là chân lý và là nguồn sống’ và, trong Đức Kitô, Thiên Chúa làm hòa với muôn vật.”
[12] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM (Bản dịch), Bộ Giáo Luật 1983, nxb Tôn Giáo 2007, ĐGH GIOAN PHAOLÔ II, Tông hiến “Sacrae Disciplinae Leges” (Các luật lệ của kỷ luật thánh), tr. 10.
[13] PHAN TẤN THÀNH, Đời sống tâm linh I, Dẫn nhập vào các khoa học tôn giáo, nxb Phương Đông 2015, tr. 21.
[14] JOHN A. HARDON, SJ. IMAGE BOOKS, NEW YORK, Chủ biên Lm Đặng Xuân Thành. Dịch: Nhóm Chánh Hưng, Tự Điển Công Giáo Phổ thông, nxb Phương Đông 2008. Mục từ: Lêvi, sách: “Sách thứ ba của Thánh Kinh, được đặt tên theo nội dung của sách; toàn bộ sách trình bày về việc phục vụ Thiên Chúa và các lễ nghi tôn giáo sẽ do những người thuộc chi tộc Lêvi (gồm các tư tế và các thầy Lêvi) cử hành…”.
[15] ĐHY CHRISTOPH SCHONBORN, Tìm hiểu sách giáo lý HTCG Phần II, Bài 2: Thiên Chúa Cha, cội nguồn của toàn thể Phụng vụ, website https://memaria.net/SachGiaoLyHoiThanhCongGiaoP2.html#_Toc417455905: “Kinh Thánh Cựu Ước cho chúng ta nhiều ví dụ như thế và qua đó, cung cấp “nguyên mẫu” cho phụng vụ Kitô giáo. Chẳng hạn, khi Môsê kể lại cho bố vợ của mình biết việc Thiên Chúa đã giải thoát dân Israel khỏi tay vua Pharaô và cảnh nô lệ Ai Cập cách lạ lùng như thế nào, thì ông Gíthrô vui sướng nói rằng: “Chúc tụng Chúa đã giải thoát các anh khỏi tay người Ai Cập và tay Pharaô. Giờ đây tôi nhận biết rằng Chúa cao cả hơn hết mọi thần minh”. Rồi ông dâng lên Thiên Chúa lễ toàn thiêu và các hy lễ. Và sách Xuất Hành kể tiếp: “Ông Aaron và mọi kỳ mục của Israen đến ăn bánh với nhạc phụ của ông Môsê trước nhan Thiên Chúa” (Xh 18,8-12). Ở đây chúng ta đã thấy những gì báo trước những yếu tố chủ chốt trong phụng vụ Kitô giáo: Phụng Vụ Lời Chúa nhắc chúng ta nhớ lại những kỳ công của Chúa; Kinh Tiền Tụng chúc tụng Chúa vì mọi phúc lành Ngài ban; hy lễ bao hàm lời tạ ơn và khẩn cầu; việc cử hành kết thúc bằng một bữa ăn, dấu chỉ phúc lành của Chúa…”
[16] X. LINH MUC EDWARD MCNAMARA, Dòng Đạo binh Chúa Kitô, Giải đáp thắc mắc Phụng vụ, Tập 3, người dịch Nguyễn Trọng Đa, nxb Tôn Giáo 2022, tr. 12.
[17] Sđd, tr. 13.
[18] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, UỶ BAN GIÁO LÝ ĐỨC TIN, BAN TỪ VỰNG CÔNG GIÁO, Từ Điển Công Giáo, nxb Tôn Giáo 2016, mục từ PHỤNG VỤ, CÁC TRUYỀN THỐNG (Traditiones Liturgicae, Liturgical Rites, Familles Liturgiques…), tr. 698-699.
[19] Giáo lý viên Tìm hiểu Phụng Vụ, website
http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/GIAOLUAT/TuSachGiaoLyGP/CuHanhPhungVu/00MucLuc.htm.
[20] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, UỶ BAN GIÁO LÝ ĐỨC TIN, BAN TỪ VỰNG CÔNG GIÁO, sđd, tr. 698-699: Theo Từ Điển Công Giáo của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, các Gia đình phụng vụ hay các “nhánh” lễ nghi được ghi nhận như sau:
– Nhánh Tây Phương:
– Nghi lễ Rôma: Đây là truyền thống phụng vụ chính của Hội Thánh. Ngoài tiếng Latinh là ngôn ngữ chung, các Hội Thánh địa phương còn sử dụng tiếng địa phương, nhất là sau Công Đồng Vaticanô II. Phụng vụ của Hội Thánh Việt Nam thuộc nghi lễ Rôma.
– Nghi lễ Ambrosius: là truyền thống phụng vụ của địa phận Milano.
– Một vài nghi lễ riêng của các dòng tu như Đa Minh, Chartreux, v,v.
– Nhánh Đông Phương:
– Truyền thống Antiochia phát sinh từ Jerusalem, là một trong những nghi lễ chính yếu của Giáo Hội Đông Phương, ngôn ngữ phụng vụ ban đầu là tiếng Hy Lạp, sau đó là tiếng địa phương như nghi lễ Syria (Antiochia), Syria Malankar, Maronitus, Armenia, Chaldaea, Syria Malabar tại Kerala (Ấn Độ).
– Truyền thống Alexandria phát sinh từ Ai Cập gồm các nghi lễ Coptus và Coptus Aethiopia.
– Truyền thống Byzantium hay Hy Lạp, phát xuất từ truyền thống Antiochia, gồm các nghi lễ Byzantium và Byzantium Melchita
[21] EDWARD MCNAMARA, Giải đáp thắc mắc Phụng vụ, Tập 4, sđd, tr. 55-64.
[22] GHI CHÚ RIÊNG: Công đồng Trentô (hay còn được gọi là Tridentino) là Công đồng chung thứ XIX của Giáo Hội Công Giáo được khai mạc ngày 13.12.1545 tại Trentô, miền bắc nước Ý, gần các quốc gia germaniques là nơi đã lan tràn giáo phái Tin lành. Công đồng Trentô diễn ra từ năm 1545 -1563 do Giáo hoàng Phaolô III triệu tập. Lúc khai mạc có 70 Giám mục, lúc kết thúc có 252 Giám mục và nhiều giáo sĩ tham dự trong 25 khoá họp từ ngày 13 tháng 12 năm 1545 đến ngày 4 tháng 12 năm 1563 và trải qua 3 thời kỳ Giáo Hoàng: Đức Phaolô III (1545-1547); Đức Giuliô III (1551-1552); Đức Piô IV (1562-1563). Công đồng xác định một số tín điều và giáo lý liên quan đến Phong trào Cải Cách, canh tân Giáo hội về nhiều điểm thực tế. Nội dung của công đồng có thể được tóm tắt như sau:
– Thúc đẩy sự canh tân trong Giáo hội Công giáo, phản đối phong trào cách mạng của nhóm Thệ Phản (Tin Lành) liên quan đến vấn đề Mặc Khải và Đức Tin (Lý trí và sự Tiếp thụ) như Thánh Kinh, Thánh Truyền, Huấn quyền của Giáo hội, Tội Nguyên Tổ, ơn Công Chính hoá, Đặc Sủng, Bảy Phép Bí tích (Thánh Lễ), Thánh nhân, Thánh cốt, Thánh tượng.
– Quy định quyền lợi và trách nhiệm của Giám mục.
– Quy định đời sống của Giáo sĩ và Tu sĩ.
– Quy chế việc thành lập Dòng tu.
Công đồng Trentô đã có một ảnh hưởng quyết định trên đời sống và bộ mặt của Giáo hội Tây phương vào thế kỷ 16 và tiếp sau đó. (Nguồn tổng hợp).
[23] HIẾN CHẾ VỀ PHỤNG VỤ THÁNH (SACROSANCTUM CONCILIUM), website https://suyniem.net/hien-che-ve-phung-vu-thanh/: “Lược đồ của Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh được một Ủy Ban tiền Công Đồng soạn thảo dưới sự hướng dẫn của Đức Hồng Y Gaetano Cicongani. Sau khi Ngài từ trần, lược đồ được chuyển sang Đức Hồng Y Arcadio Larraona. Đây là lược đồ được cứu xét đầu tiên ở Công Đồng và cũng có thể là lược đồ giá trị nhất theo tầm quan trọng của nó trong đời sống Giáo Hội. Ngày 14-11-1962, trong một phiên họp khoáng đại, lược đồ đã được các Nghị Phụ bỏ phiếu chấp thuận trên nguyên tắc. Kết quả có 2162 phiếu thuận và 46 phiếu chống. Sau đó các chuyên viên Công Đồng bắt tay vào việc cứu xét những điểm đề nghị tu chỉnh. Công việc kéo dài từ 17-11 đến 6-12-1962 và đầu kỳ họp II năm 1963. Ngày 4-12-1963 Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, trước kia, khi còn là Hồng Y, đã tích cực ủng hộ lược đồ, bây giờ long trọng công bố Hiến Chế với tư cách thủ lãnh của Giáo Hội…”.
[24] VĂN PHÒNG THƯ KÝ HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, HEINRICH DENZINGER (DZ), Các tín biểu, định tín và tuyên bố của giáo hội công giáo trong lãnh vực đức tin và phong tục, chuyển ngữ: Lm. Nguyễn Văn Hoà O.P. nxb Tôn Giáo 2019, từ số 1600-1825, tr. 1567-1563.
[25] Sđd, số 3840-3855, tr. 1944-1947.
[26] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Bản dịch của Ủy Ban Giáo lý đức tin trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, nxb Tôn Giáo 2016, tr. 13-68.
[27] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM (Bản dịch), Bộ Giáo Luật 1983, sđd, xem các Khoản luật liên quan đến Phụng vụ (Liturgia), tr. 702-703.
[28] X. website Tìm hiểu tự sắc của Đức Thánh Cha về các bản dịch phụng vụ “Magnum Principium” (hdgmvietnam.com)
[29] Từ thời Công Đồng Trento đến nay, trong Giáo Hội Công Giáo có hai cuốn Sách Lễ Rôma chính thức. Một cuốn thời canh tân phụng vụ của Công Đồng Trento được Đức Giáo Hoàng Pio V ban hành ngày 14.07.1570 với Tông sắc “Quo Primum, nên thường được gọi là Sách Lễ Đức Pio V (Ấn bản 1570). Năm 1962, Sách lễ nầy được Đức Gioan XXIII hiệu đính (Sách lễ Rôma tiếng Latinh hay gọi là Sách lễ Rôma tiền Công Đồng). Sau cuộc canh tân Phụng vụ của Công Đồng Vatican II, Sách Lễ Rôma mới được Đức Phaolô VI ban hành hành ngày 03.04.1969 với Tông hiến Tông hiến Missale Romanum. Đây là Sách lễ Rôma ấn bản I năm 1970. Sau đó Tòa Thánh hiệu đính và cho ra Sách lễ Rôma Ấn bản II năm 1975. Đến năm 2002, Tòa Thánh công bố Sách lễ Rôma Ấn bản III. Riêng tại Việt Nam, chúng ta đang dùng Sách lễ Rôma ấn bản II (1975) với bản dịch Việt ngữ năm 1992 của UBPT trực thuộc HĐGMVN. Riêng phần Nghi Thức Thánh lễ (Ordo Missae) thì lại sử dụng bản văn của Sách Lễ Rôma Ấn bản III 2002 của UBPT trực thuộc HĐGMVN được Tòa Thánh phê chuẩn ngày 10.05.2005. Hiện tại, Giáo Hội Việt Nam đang chờ Sách lễ Rôma ấn bản III cùng với Sách Các Bài đọc theo bản dịch mới !
[30] HIỆP THÔNG, Bản tin của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam số 135 (Tháng 5 & 6 năm 2023), Bí tích Thánh Thể suối nguồn hiệp thông, tr. 168-169).
[31] Sách Nghi Thức An táng*, bản dịch mới từ ấn bản mẫu do Nhà in đa ngữ Vaticanô năm 1969, được Hội đồng Giám mục Việt Nam chấp thuận trong Hội nghị thường niên kỳ I năm 2009 và Bộ Phụng Tự Thánh và Kỷ Luật các Bí Tích phê chuẩn ngày 09 tháng 12 năm 2013, nay đã in xong và đã phát hành. Theo thông cáo của Hội đồng Giám mục đề ngày 24.04.2014, từ ngày 01.01.2015 phải sử dụng bản phiên dịch mới này thay cho bản dịch cũ.
[32] Ủy Ban Phụng Tự Tòan Quốc đã in xong cuốn Nghi thức cử hành hôn nhân, và đã phổ biến cho các giáo phận cũng như gởi bán tại các nhà sách công giáo. Theo Thông cáo của Hội Đồng Giám mục in ở đầu sách, thì được phép sử dụng Nghi thức mới này từ khi có sách và buộc phải cử hành từ sau Lễ Phục Sinh năm nay, tức ngày 12.04.2009.
[33] Quy Chế Tổng quát Sách lễ Rôma (Institutio Generalis Missalis Romani) là các quy định về việc sử dụng Sách Lễ Rôma trong các nghi thức của Giáo hội Công giáo. Các quy chế này được phát hành tương ứng với các ấn bản của Sách Lễ Rôma, bao gồm ấn bản lần thứ I (năm 1970), ấn bản lần II (năm 1975) và ấn bản lần III (năm 2002). Trước đây, có bản dịch Quy Chế Tổng Quát Sách lễ Rôma (Ấn bản III, năm 2000) của linh mục F.X. Nguyễn Chí Cần. Nhưng trong phiên bản nầy chưa cập nhật phần Nghi Thức Thánh lễ (Ordo Missae) năm 2005. Năm 2017, Ủy ban Phụng tự đã dịch Quy Chế Tổng Quát SLRM theo ấn bản III mới nhất (năm 2008) và đã được HĐGMVN phê chuẩn năm 2019. Chúng ta sẽ sử dụng bản văn chính thức nầy.
[34] Đây là phần Nghi Thức Thánh lễ (Ordo Missae) trích từ Sách Lễ Rôma, ấn bản mẫu thứ ba, năm 2002. Bản dịch của UBPT trực thuộc HĐGMVN được HĐGMVN chấp thuận ngày 29.09.2004, thông báo ngày 09.09.2005 và được Tòa Thánh phê chuẩn và ban hành tại Trụ sở Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích ngày 10.05.2005 do Đức Hồng y Francis Arinze Tổng trưởng.
[35] Tài liệu nầy chưa tìm được một bản dịch đầy đủ chính thức bao gồm mọi nghi thức.
[36] Tài liệu nầy có bản dịch Việt ngữ mang tựa đề “SÁCH CÁC PHÉP Nghi thức phục vụ Dân Chúa”, do nhà sách Trái Tim Đức Mẹ ấn hành năm 1994, nhưng chỉ có một số “Nghi thức năng dùng”, và không thấy cơ quan Bản quyền nào imprimatur ?
[37] EDWARD MCNAMARA, Giải đáp thắc mắc Phụng vụ, Tập 4, sđd, câu hỏi 8: Có cuốn sách nào hệ thống hóa luật phụng vụ không?, tr. 28-33. Trong phần trả lời, tác giả đã đưa ra nhiều văn kiện, tác phẩm, tư liệu liên quan đến việc hệ thống hóa luật phụng vụ. Trong đó, tác giả có đề cập đến 2 tác phẩm hiện đang phổ biến: “… là cuốn ‘Ceremonies of the Modern Roman Rite’ (Các nghi thức của Nghi lễ Rôma hiện đại, 2004) và cuốn ‘Ceremonies of the Liturgical Year’ (các buổi lễ của Năm Phụng vụ, 2002) đều là của Đức cha Peter J. Elliot. Về Thánh lễ cũng có một cuốn rất hay ‘A commentary on the general Instruction of the Roman Missal’ (Một bình giải về Quy chế Tổng quát Sách lễ Rooma, 2008)…”
[38] ANSCAR J. CHUPUNGCO O.S.B, Phụng vụ là gì? (What, Then, Is Liturgy?), sđd, Luật chữ đỏ trong phụng vụ, tr. 319-336.
[39] Sđd, tr. 319.
[40] Sđd, tr. 326: “Luật chữ đỏ là gì? Hạn từ nầy xuất phát từ Latin, ruber-đỏ, và từ rubricare, viết bằng mực đỏ. Theo nghĩa tầm nguyên, nó không nói gì ngoài việc được in bằng màu đỏ. Luật chữ đỏ bao hàm những chỉ thị và hướng dẫn về việc làm thế nào mỗi phần của phụng vụ phải được cử hành. Trong truyền thống in ấn sách phụng vụ, những hướng dẫn nầy có màu đỏ để thu hút sự chú ý và phân biệt chúng với những bản văn như lời nguyện, dẫn giải, và các bài đọc…”.
[41] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, UỶ BAN GIÁO LÝ ĐỨC TIN, BAN TỪ VỰNG CÔNG GIÁO, Từ Điển Công Giáo, sđd, mục từ LUẬT CHỮ ĐỎ, tr. 546-547.
[42] PV 30: “Để phát huy việc tham dự tích cực, phải khuyến khích dân chúng tham gia vào những lời tung hô, những câu đối đáp, những bài ca vịnh, tiền xướng, thánh ca, và cả những động tác hoặc cử chỉ bên ngoài. Cũng cần phải có những phút thinh lặng thánh”.
[43] ANSCAR J. CHUPUNGCO O.S.B, Phụng vụ là gì? (What, Then, Is Liturgy?), sđd, tr. 75: “Thinh lặng là lời đáp trả đúng đắn duy nhất cho những lời mầu nhiệm của Đức Kitô ‘Nầy là Mình Thầy sẽ bị nộp vì anh em’…”.
[44] HIỆP THÔNG, Bản tin của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam số 135, sđd, Ghi chú 37, tr. 184.
[45] GIUSE PHẠM ĐÌNH ÁI, SSS, Để nhớ đến Thầy, Lịch sử, ý nghĩa của từng yếu tố trong Nghi thức Thánh lễ, nxb Đồng Nai 2019, tr. 416-417.
[46] Riêng hai công thức chúc tụng “bánh” và “rượu” thì trong NTTL ghi “đọc nhỏ tiếng” (Số 22 và 25); trong khi đó QCSL thì lại ghi “đọc thầm” (số 141, 142). Vì QCSL (2008) chưa chính thức cập nhật, nên cứ theo NTTL (2005) là “đọc nhỏ tiếng”. Tuy nhiên lưu ý: “Đọc nhỏ tiếng” lúc đó khi có tiếng hát, tiếng đàn bài ca tiến lễ; còn khi không có đàn hát thì QCSL (số 142) nói rõ: Nếu không hát ca tiến lễ hoặc không đánh đàn thì khi dâng bánh và rượu, linh mục nên đọc lớn tiếng công thức chúc tụng, và cộng đoàn tung hô đáp lại bằng câu: Chúc tụng Thiên Chúa đến muôn đời.
[47] ANSCAR J. CHUPUNGCO O.S.B, Phụng vụ là gì? (What, Then, Is Liturgy?), sđd, tr. 324.
[48] YOUCAT VIỆT NAM, Giáo lý Hội Thánh Công Giáo cho người trẻ, nxb Tôn Giáo 2013, số 166, tr. 146: “Một hình ảnh khác để minh họa: mỗi dịp thờ phượng Chúa là một cuộc hẹn của tình yêu mà Chúa ghi trong nhật ký của ta. Ai đã cảm nghiệm được tình yêu Chúa thì sẽ tự nguyện đến đúng hẹn”.
[49] EDWARD MCNAMARA, Giải đáp thắc mắc Phụng vụ, Tập 4, sđd, tr. 33.
Tác giả bài viết: Lm. Giuse Trương Đình Hiền