Tâm tình độc giả

SÂN HẬN VÀ HÀNH XỬ

SÂN HẬN VÀ HÀNH XỬ
Bất cứ người học Phật nào cũng biết “sân” cùng với “tham, si” được gọi là “tam độc”. Nó là một trạng thái tâm lí hết sức tiêu cực, có thể khiến tâm động loạn, sinh khởi những ý bất thiện; đồng thời làm cho thân chịu nhiều tổn thương.
Người hiểu thì nhiều nhưng chế ngự được cái tâm sân ấy có lẽ phải mất một quá trình dài tu tập và đoạn diệt được rốt ráo chỉ có thể ở những bậc chân tu.
Vậy nên, không gì khó lí giải trong những cách hành xử đầy sân hận của họ* trước hiện tượng Minh Tuệ – một cơn sóng ngầm êm đềm mà dữ dội. Nhìn một cách khách quan, sư Minh Tuệ hoàn toàn không chủ ý để tạo nên sự dậy sóng và gây nên những thị phi. Đặc biết hơn, ông càng không nghĩ rằng sự có mặt của ông với pháp hạnh đầu đà đã khiến lộ ra chân tướng của nhiều tu sĩ, kéo theo đó lả những lề thói sai lệch bị xô đổ. Nhưng điều có ý nghĩa nhất – là ông mang lại sự tỉnh thức.
Nghĩa nào đó ông không làm gì, hoặc ông chỉ làm cho ông. Điều ấy có nét gì đó tương đồng với tinh thần “bất bạo động” của Mahatma Gandhi. Thế mà, tại sao sức mạnh của ông khiến người ta lo lắng đến vậy?
Đơn giản thôi, khi trắng đặt cạnh đen sẽ làm hai màu càng trở nên tương phản, hay ánh sáng chiếu rọi sẽ khiến cho màn đêm tan biến.
Như vậy, nghĩ cho thấu đáo, vấn để không phải ở ông mà ở chính họ. Nói chính xác hơn, họ đang tồn tại những vấn đề gì, có những bất ổn ra sao. Và họ đã khởi cái tâm sân khi đứng trước nghịch duyên, nghịch cành.
Trong kinh, Đức Phật nói lòng sân hận cũng như lửa dữ, như rắn độc và như giặc cướp. Nó không chỉ khiến người khác bất an mà trước hết tự thân bị bức bách, khổ não, không có được cảm giác an lạc, hạnh phúc.
Nó không chỉ tạo nghiệp bất thiện, làm nhân khổ cho chính đời này mà còn nhiều kiếp sau nữa. Và khi sân hận nổi lên nó sẽ che mờ lý trí. Do vậy, họ không nhận ra những khiếm khuyết của bản thân hoặc giả không nhận ra căn bệnh trầm kha của chính mình. Thay vào đó, tất cả họ chĩa mũi vào sư Minh Tuệ.
Lẽ ra, họ trước hết phải tự vấn và tìm ra câu trả lời. Đó là cần thanh lọc những cá nhân phá giới, phạm giới làm ảnh hưởng đến thiền môn; thanh tẩy những pháp thoại lệch lạc làm ảnh hưởng đến chánh pháp.
Song song với đó, họ cần tán tán giới hạnh, công phu tu tập, tinh tấn hành trì của sư Minh Tuệ. Làm như vậy đồng nghĩa, họ đang xiển dương chính pháp và cũng đảm bảo được tính chính danh, chính đạo, không dung túng cho tà đạo, tà quyền.
Tiếc thay, họ đã làm ngược lại. Nhưng có lẽ làm hơi muộn và đã sai đối tượng. Vì ngay lúc này đối tượng của họ chính là sự tỉnh thức của đại chúng. Một khi đại chúng đã tỉnh thức thì đòi hỏi họ phải có những ứng biến, cư xử hợp lý, hợp tình, hợp đạo. Nói dễ hiểu, khi con người đã biết rõ đúng / sai thì không một quyền lực nào có thể buộc họ nghĩ đúng thành sai, và ngược lại.
Cho nên, nếu họ chế ngự được cơn sân, có lẽ sẽ có những hành xử đầy lý trí. Khi đó họ sẽ vừa có được một bậc chân tu vừa có được lòng của tất cả những ai ái mộ đạo Phật. Nói không chừng, lúc ấy việc cúng dường phụng sự tam bảo còn nhiều hơn bao giờ hết, mà lại cúng với cái tâm vô cầu, với một tấm lòng hoan hỉ. Thật ý nghĩa biết bao !
Hơn nữa, với sức lan toả ra biên giới bởi công hạnh sâu dày của sư Minh Tuệ, há chẳng phải Phật giáo Việt Nam có thêm niềm tự hào với Phật giáo các nước đó sao?
Đạo Phật, với bản chất, là một tôn giáo từ bi và trí tuệ, tức tự thân nó không tồn tại bất cứ một tà niệm nào. Nó phải là chính, chính một cách thuần khiết. Do vậy, một tổ chức Phật giáo dù bất cứ ở đâu, bất kỳ thời điểm nào, cũng phải đứng trên tinh thần ấy, không cho phép mình lưỡng lự khi đứng trước chính – tà, thiện – ác, sáng – tối. Mặt khác, với tính trí tuệ, những người con Phật đang nắm giữ thanh qui và trọng trách phải tự răn mình mà quán chiếu để biết đâu là lợi lộc ngắn ngủi trước mắt và đâu lợi lạc quần sinh lâu dài.
——-
Ghi chú:
(*) “Họ”là một đại từ chỉ người. Trong bài viết có sử dụng nhiều lần, để thay thế cho ai thì tuỳ người đọc đưa ra nhận định.
@ Hình: gốc tăng phòng chùa Hải Đức (Nha Trang) – tác giả chụp.
——-
Nha Trang, 27/05/2024
Nguyễn Thanh Huy

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!