Góc tư vấn

THU TIỀN TỪ VIỆC SAO CHÉP THÁNH CA: Ranh giới từ việc phổ biến ca khúc và xâm phạm QTG

PHẦN 2: THU TIỀN TỪ VIỆC SAO CHÉP THÁNH CA: Ranh giới từ việc phổ biến ca khúc và xâm phạm QTG
Một diễn biến đáng chú ý và gây bức xúc trong câu chuyện bản quyền thánh ca là việc tổ chức nước ngoài không chỉ yêu cầu trả tiền bản quyền mà còn sao chép, công bố các tác phẩm thánh ca của nhiều Nhạc sĩ Công giáo VN để thu tiền. Thậm chí, họ còn yêu cầu các trang mạng đã đăng tải các bản PDF này phải gỡ bỏ, một hành động mâu thuẫn và đặt ra nhiều nghi ngại.
SAO CHÉP, PHÂN PHỐI BẢN NHẠC ĐỂ THU TIỀN: Lợi bất cập hại
Ghi nhận nỗ lực số hóa của các nhà sưu tập: việc số hóa các bản nhạc viết tay, tập hợp và phân phối giúp ca đoàn thuận tiện hơn, đưa thánh ca đến gần người yêu nhạc và cộng đoàn dân Chúa theo tôi là rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, sự tiện lợi không thể đánh đổi bằng việc vi phạm và việc nghĩa vụ xin phép là ranh giới không thể vượt qua.
Thực vậy, việc chép lại bản nhạc rồi phân phối có thu tiền mà không xin phép tác giả lại có thể được xem là khai thác tác phẩm trái phép, đi ngược lại hoàn toàn các quy định của pháp luật. Điều 20 của Luật SHTT quy định: Việc sao chép, phân phối có thu tiền cần phải được sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả và trả tiền bản quyền, các quyền lợi vật chất khác (nếu có) cho chủ sở hữu quyền tác giả.
Theo thông tin tác giả bài viết này nhận được, có rất nhiều tác giả có bản nhạc bị rao bán cho biết họ chưa hề cho phép như thế; Hàng nghìn tác phẩm bị rao bán với giá 2 đô la Mỹ – một hành động có nguy cơ xúc phạm đến sự thiêng liêng của âm nhạc phụng vụ, khiến những người nhạc sĩ viết bằng cả tấm lòng cho Chúa phải chịu đựng nỗi đau âm thầm.
Một dẫn chứng đơn giản mà tôi tự thống kê trên trang là bài của cha Nguyễn Duy đã bị sao chép và bán với số lượng 30 chủ đề với 617 bài; Của nhạc sư Kim Long là 30 chủ đề với 1.416 bài.
Đa số các nhạc sư, nhạc sĩ kỳ cựu như Cha Kim Long, Nguyễn Duy, Thiên Ân, Ngọc Linh… đã tuyên bố với toàn thể cộng đoàn là CHO PHÉP SỬ DỤNG các bản nhạc của các ngài để phục vụ cộng đoàn, thờ phượng Thiên Chúa, không yêu cầu tác quyền. Tuy nhiên, việc sử dụng các tác phẩm này để khai thác, kinh doanh là một chuyện hoàn toàn khác, không nằm trong sự cho phép ấy.
NGUY CƠ LÀM ẢNH HƯỞNG DANH DỰ NHIỀU NHẠC SĨ CÔNG GIÁO
Việc trang web đưa ra hàng nghìn tác phẩm của các nhạc sĩ Công giáo và thu phí cho mỗi lượt tải PDF đã vô tình gieo rắc sự hoài nghi và tổn thương sâu sắc rằng:
– Liệu tác giả này có ở trong Hội tác quyền nước ngoài kia không để họ biết mà tránh sử dụng?
– Ai đã cấp phép cho trang mạng thu tiền các bản nhạc của các Giám mục, Linh mục đã qua đời?
Bên cạnh đó, việc tạo ra bản hoà âm phối khí (ngôn ngữ pháp lý gọi là “tạo ra tác phẩm phái sinh”) làm ảnh hưởng đến uy tín các tác giả cũng được Luật xem xét là hành vi vi phạm quyền tác giả rất nhiêm trọng. Khoản 4, Điều 19 Luật SHTT quy định rằng: Tác giả có quyền được “Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm không cho người khác xuyên tạc; không cho người khác sửa đổi, cắt xén tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả”. Tuy nhiên, việc phối khí có thể hợp pháp nếu được phép, hoặc nếu không gây ảnh hưởng tiêu cực đến nội dung và danh dự tác phẩm
NHẬN ĐỊNH PHÁP LÝ: Thu phí và yêu cầu gỡ bỏ dưới góc độ Pháp luật
Tôi rất hi vọng rằng, khi thực hiện sao chép, phổ biến, thu tiền các bản PDF, các tổ chức/cá nhân vừa nêu đã thực hiện với ý định tốt đẹp và có thể do chưa hiểu biết pháp luật. “Nhân vô thập toàn”, làm người mấy ai sạch tội và không cần được Chúa xót thương, huống hồ gì đây là lĩnh vực mới mẻ và cần có sự tư vấn của giới có chuyên môn.
Vì vậy, với những phân tích nêu trên, tôi mạn phép đưa ra một số nhân định và kiến nghị sau đây:
1) Nghĩa vụ xin phép:
Các trang mạng dành thời gian để chép thành PDF hàng nghìn bài hát của các Cha rất đáng trân trọng. Tôi tin là các Ngài sẽ rất vui khi các bản nhạc của các Ngài được các ca đoàn sử dụng để phụng vụ trong các thánh lễ.
Tuy nhiên, việc thu tiền các bản PDF từ việc sao chép phải được đồng ý bằng văn bản hẳn hoi. Nếu tác giả không cho phép khai thác, thu tiền, mọi hành vi tự ý kinh doanh sẽ có nguy cơ vi phạm nghiêm trọng Luật SHTT.
2) Hành động cấm sử dụng PDF tự chép:
Việc tổ chức, cá nhân nước ngoài yêu cầu các trang mạng gỡ bỏ các bản PDF mà họ tự sao chép là một hành động cần được xem xét kỹ lưỡng. Nếu họ đã được tác giả cho phép sao chép, phân phối và tạo tác phẩm phái sinh, thì yêu cầu này có vẻ hợp lý để bảo vệ quyền lợi kinh tế của họ.
Ngược lại: Nếu tác giả không hề cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài tự ý khai thác, thì việc họ cấm người khác sử dụng những bản sao trái phép đó có thể là một yêu cầu khiên cưỡng, khó thực thi và thậm chí có thể phương hại đến quyền lợi của chính tác giả gốc theo Điều 19 khoản 4 Luật SHTT (quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm).
BÀI HỌC TỪ KINH THÁNH và nỗi trăn trở về các nhạc sĩ đã khuất
Trong dòng chảy của những chuyện ồn ào, tôi chợt nhân ra rằng tác phẩm vĩ đại nhất, được sao chép nhiều ấn bản nhất, được dịch ra nhiều ngôn ngữ nhất, được tạo ra nhiều tác phẩm phái sinh nhất trong lịch sử và lan toả tới gần 3 tỷ tín đồ trên thế giới đó chính là KINH THÁNH. Tác giả của cuốn sách này là Thiên Chúa chưa bao giờ đòi người đọc phải trả tác quyền của Tác phẩm này.
Ngoài ra, còn một câu chuyện khác, tôi cũng cảm thấy thật sự lo lắng bởi vì những nhạc sĩ Công giáo đã mất như Hải Linh, Thông Vi Vu,… Liệu trên Thiên Đàng, các Ngài có buồn sầu khi có một số tổ chức ngoại đạo đang muốn độc chiếm ca khúc của các Ngài và ngăn cản Giáo dân tiếp cận. Giải pháp và hiến kế cho UB Thánh Nhạc là gì? Xin mời đọc Phần 3.  (Trần Đức Hiệp – Thạc sĩ Luật Quốc tế)

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!