TRẦM CẢM CƯỜI VÀ 6 NGUYÊN NHÂN PHỔ BIẾN
MỤC LỤC
- Trầm cảm cười là gì ?
- Phân biệt Trầm cảm với Trầm cảm cười như thế nào?
- Nguyên nhân của Trầm cảm cười
- Dấu hiệu của trầm cảm cười
- Tôi phải làm gì?
Trầm cảm cười là gì ?
Trầm cảm cười là thuật ngữ mà các chuyên gia về sức khỏe tâm thần sử dụng để mô tả những người mắc chứng “rối loạn trầm cảm” nhưng che giấu triệu chứng của mình với người khác bằng việc “cười”.
Nhìn vào tên gọi thì có thể thấy ngay có 2 yếu tố liên quan: “trầm cảm” và “cười”.
Yếu tố đầu tiên là “trầm cảm” thì chúng ta chỉ có thể kết luận một cách chắc chắn ai đó bị “trầm cảm” (trầm uất) khi họ có kết quả của bài kiểm tra theo đúng khoa học.
Mọi quan sát, hay là thấy này thấy nọ nơi người khác, đều là võ đoán, mang tính chủ quan.
Bấm vào đây để làm Bài Kiểm tra Mức độ Trầm cảm.
Trầm cảm là gì?
Trầm cảm là một trạng thái dai dẳng, có thể ảnh hưởng đáng kể đến khả năng hoạt động của một người.
Trầm cảm không giống như nỗi buồn hay cảm giác buồn bã thường xuyên. Với nỗi buồn thông thường, luôn có lý do đằng sau nó và nó chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn trước khi biến mất.
Khi bị trầm cảm, nỗi buồn thường không thuyên giảm trong thời gian dài, khiến một người cảm thấy không thể giải tỏa được cảm giác u ám và tuyệt vọng của mình.
Tìm hiểu thêm về Trầm cảm tại đây
Xin nhắc lại, đừng vội kết luận một ai đó bị “trầm cảm” cho đến khi có xác nhận chắc chắn mang tính chuyên môn.
Yếu tố thứ hai là “cười” – một cách để thể hiện cảm xúc của cá nhân.
“Cười” có thể là một trạng thái tự nhiên, mang tính bộc phát, đồng thời cũng có thể là một chọn lựa dùng để đối diện với vấn đề của bản thân.
Nếu cái sự “cười” thuộc vế thứ hai – là một chọn lựa dùng để đối diện với vấn đề của bản thân trong lúc đang bị “trầm cảm”, thì gọi là “trầm cảm cười”.
Cũng cần phân biệt với cái sự “cười” của những người lành mạnh về tâm lý, khi sử dụng cơ chế hài hước hóa, dùng nụ cười hay sự hóm hỉnh, trào phúng để tích cực nhìn vào thực tế cuộc sống. Cái cười đó rất khác với cái cười của những người đang trầm cảm và vẫn cười được.
Phân biệt Trầm cảm với Trầm cảm cười như thế nào?
Những người “trầm cảm cười” là những người đang bị trầm cảm nhưng che giấu các triệu chứng của mình. Họ ẩn sau nụ cười để thuyết phục người khác rằng họ hạnh phúc.
Một người mắc chứng “trầm cảm cười” có vẻ ngoài hạnh phúc, nhưng thực tế, họ có thể đang phải vật lộn với cảm giác tuyệt vọng và buồn bã bên trong. Một cách nào đó, họ đang mang một “mặt nạ” khác lên khuôn mặt của chính mình.
“Mặt nạ” này giúp cho những người mắc chứng “trầm cảm cười” thường tỏ ra vui vẻ và giữ được bí mật về chứng trầm cảm của mình với thế giới bên ngoài.
Do đó, loại trầm cảm này thường không bị phát hiện vì khi hầu hết mọi người tưởng tượng về một người bị trầm cảm, họ nghĩ ngay đến một người trông rất buồn hoặc khóc rất nhiều. Và mặc dù sự thật là nỗi buồn và những cơn khóc không rõ nguyên nhân là những đặc điểm chung của bệnh trầm cảm, nhưng không phải ai cũng tỏ ra buồn bã khi bị trầm cảm.
Những người mắc chứng “trầm cảm cười” có thể tiếp tục thực hiện hầu hết các hoạt động hàng ngày.
Vì họ có thể che giấu chứng trầm cảm của mình rất tốt, nên những người mắc chứng “trầm cảm cười” thường không nhận được sự điều trị mà họ rất cần.
Những người sống chung với loại trầm cảm không được điều trị này có thể có nguy cơ tự làm tổn thương bản thân và tử vong do tự tử cao hơn.
Tóm lại, “trầm cảm cười” là thuật ngữ mô tả việc một cá nhân che giấu sự trầm cảm sau nụ cười, là một dạng của chứng rối loạn tâm trạng nghiêm trọng.
Nguyên nhân của Trầm cảm cười
Trầm cảm cười – Nguyên nhân vì đâu?
Tại sao cá nhân có thể cười được khi buồn bã, chán nản hay thậm chí đang trong lúc tuyệt vọng?
Trầm cảm cười xảy ra khi cá nhân sử dụng cơ chế phòng vệ tâm lý từ trong vô thức, theo Phân tâm học của S. Freud, đó là hai cơ chế: dồn nén/kìm nén và phản ứng ngược.
- Cơ chế dồn nén hoặc kìm nénlà một cơ chế phòng vệ trong đó con người đẩy những suy nghĩ khó khăn hoặc không thể chấp nhận ra khỏi nhận thức có ý thức, đẩy lùi những cảm xúc khó khăn hoặc tránh đối mặt với những cảm xúc hoặc niềm tin nhất định. Cơ chế từ trong vô thức này ngăn chặn những ý tưởng hoặc xung động không mong muốn trong tiềm thức, với mục đích để bảo vệ tâm trí của cá nhân khỏi sự kiện đau thương, mặc dù họ vẫn tỉnh táo và nhận thức được sự kiện đó.
- Cơ chế phản ứng ngượclà một cơ chế phòng vệ trong đó con người hành xử theo hướng hoàn toàn ngược lại để che giấu cảm xúc thật. Hình thành phản ứng ngược là một cách để cá nhân tự bảo vệ trước những suy nghĩ và cảm xúc mà họ cảm thấy không thể chấp nhận được với cá nhân họ, gia đình, cộng đồng hoặc những tiêu chuẩn xã hội đặt ra. Mặc dù “tấm khiên” này có thể bảo vệ lòng tự trọng của cá nhân ngay lúc đó nhưng về lâu dài nó có thể gây ra nhiều vấn đề.
Trầm cảm cười xảy ra khi cá nhân che giấu trầm cảm sau nụ cười vì họ muốn luôn giữ kín chứng trầm cảm của mình, muốn bảo vệ sự riêng tư của mình và lo sợ bị người khác phán xét.
Sợ làm gánh nặng cho người khác
Trầm cảm cười xảy ra khi cá nhân quá nhạy cảm và sợ làm gánh nặng cho người khác. Trầm cảm và cảm giác tội lỗi có xu hướng song hành với nhau. Do đó, nhiều cá nhân không muốn tạo gánh nặng cho bất kỳ ai khác bằng những khó khăn của họ. Thực tế này có thể đặc biệt đúng đối với những người quen chăm sóc người khác hơn là nhờ người khác chăm sóc họ. Đơn giản là họ không biết cách yêu cầu giúp đỡ nên họ giữ kín những khó khăn của mình.
Sự bối rối, lúng túng, xấu hổ
Trầm cảm cười xảy ra khi một số cá nhân tin rằng trầm cảm là một khuyết điểm trong tính cách hoặc là dấu hiệu của sự yếu đuối. Họ thậm chí có thể tin vào lời nói dối rằng họ có thể “thoát khỏi nó”. Khi không thể, họ nghĩ có điều gì đó không ổn với họ. Do đó, họ có thể cảm thấy xấu hổ khi bị trầm cảm vì họ nghĩ rằng họ có thể tự mình giải quyết nó.
Từ chối, phủ nhận thực tế
Trầm cảm cười xảy ra khi cá nhân phủ nhận rằng họ đang cảm thấy chán nản. Họ có thể nghĩ rằng chỉ cần họ cười thì chắc chắn họ không bị trầm cảm. Nhiều người không thể thừa nhận rằng có thể có điều gì đó không ổn xảy ra với họ. Họ sẽ dễ dàng giả vờ như mình ổn hơn là cởi mở, nói ra hay tâm sự về cảm giác thực sự của mình.
Sợ phản ứng dữ dội
Trầm cảm cười đôi khi xảy ra khi cá nhân lo lắng về những hậu quả hay hệ lụy nghề nghiệp khi người khác biết họ mắc phải chứng trầm cảm. Chắc không cần phải lấy ví dụ về những trường hợp cá nhân sợ bị nghi ngờ khả năng thực hiện công việc của họ, hoặc lo lắng đối tác sẽ rời bỏ họ nếu họ tiết lộ rằng mình bị trầm cảm. Vì vậy, thay vì có nguy cơ bị phán xét hay trừng phạt vì trầm cảm, họ giấu mình sau nụ cười.
Lo lắng về việc tỏ ra yếu đuối
Trầm cảm cười xảy ra khi cá nhân thường lo sợ rằng người khác sẽ lợi dụng họ nếu họ tiết lộ mình mắc chứng trầm cảm. Họ không chỉ lo lắng người khác sẽ nhìn thấy họ yếu đuối và dễ bị tổn thương, nhưng họ lo ngại rằng những người khác sẽ lợi dụng chứng trầm cảm của họ làm đòn bẩy chống lại họ. Họ thà khoác lên mình vẻ ngoài cứng rắn hơn là thừa nhận rằng họ cần được giúp đỡ.
Mặc cảm Tội lỗi
Trầm cảm cười xảy ra khi cá nhân mang trong mình cảm giác tội lỗi thường xuyên.
Vì cảm giác tội lỗi có xu hướng đi kèm với trầm cảm nên đôi khi mọi người không cảm thấy mình đáng bị trầm cảm. Họ có thể nghĩ rằng họ có một cuộc sống tốt đẹp và không nên cảm thấy tồi tệ.
Họ cũng cảm thấy như thể họ đã làm sai điều gì đó hoặc họ phải chịu trách nhiệm vì bị trầm cảm. Do đó, họ cảm thấy tội lỗi và thậm chí đôi khi xấu hổ vì chứng trầm cảm của mình. Vì vậy, họ giấu nó đằng sau một nụ cười.
Quan điểm không thực tế về hạnh phúc
Trầm cảm cười xảy ra khi cá nhân bị ảnh hưởng bởi truyền thông xã hội quá nhiều.
Phương tiện truyền thông xã hội thường miêu tả hạnh phúc một cách phi thực tế. Nhiều người lướt mạng xã hội và nhìn thấy hình ảnh của những người hạnh phúc. Do đó, họ ngày càng tin rằng họ là những người duy nhất phải vật lộn với các vấn đề sức khỏe tâm thần. Họ có thể cảm thấy bị cô lập hơn bao giờ hết và điều đó có thể khiến họ che giấu những khó khăn của mình.
Chủ nghĩa hoàn hảo
Trầm cảm cười xảy ra khi cá nhân có khuynh hướng cầu toàn và để điều này ảnh hưởng rất nhiều!
Những người cầu toàn thường luôn hướng đến sự hoàn hảo. Và điều đó có nghĩa là phải che giấu mọi nỗi đau hoặc vấn đề họ đang gặp phải. Kết quả là, thừa nhận mình mắc chứng trầm cảm có nghĩa là cuộc sống của họ kém hoàn hảo và họ không thể tự mình làm được điều đó.
Dấu hiệu của trầm cảm cười
“Trầm cảm cười” không phải là một chẩn đoán lâm sàng.
Tìm hiểu thêm nguyên nhân và triệu chứng của trầm cảm điển hình, gồm 9 yếu tố cơ bản có liệt kê tại đây.
Theo báo cáo của Tổ chức Sức khỏe Thế giới (WHO) vào ngày 31/03/2023:
“Ước tính có khoảng 3,8% dân số bị trầm cảm, bao gồm 5% người trưởng thành (4% ở nam và 6% ở nữ) và 5,7% người lớn trên 60 tuổi.
Khoảng 280 triệu người trên thế giới bị trầm cảm. Trầm cảm phổ biến hơn ở phụ nữ khoảng 50% so với nam giới. Trên toàn thế giới, hơn 10% phụ nữ mang thai và phụ nữ mới sinh con bị trầm cảm. Hơn 700.000 người chết vì tự tử mỗi năm. Tự tử là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ tư ở độ tuổi 15–29.
Mặc dù đã có những phương pháp điều trị rối loạn tâm thần hiệu quả nhưng hơn 75% người dân ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình không được điều trị. Rào cản đối với việc chăm sóc hiệu quả bao gồm thiếu đầu tư vào chăm sóc sức khỏe tâm thần, thiếu nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe được đào tạo và sự kỳ thị của xã hội liên quan đến rối loạn tâm thần”.
Cho dù bạn là người cố gắng giả vờ hạnh phúc trong khi thực tế không phải vậy, hay bạn có một mối quan hệ mà bạn nghĩ có thể đang che giấu nỗi đau của họ, thì việc chú ý đến các dấu hiệu và triệu chứng tổng quan của “trầm cảm cười” là thực sự có ích.
Những người mắc chứng “trầm cảm cười” có thể gặp nhiều triệu chứng trầm cảm điển hình, bao gồm nỗi buồn sâu sắc, lòng tự trọng thấp và những thay đổi trong cuộc sống hàng ngày của họ. Một số triệu chứng này có thể được người khác nhận thấy, trong khi những triệu chứng khác có thể được giữ kín.
Không có gì lạ khi những người mắc chứng “trầm cảm cười” cố gắng hết sức để che giấu các triệu chứng của họ. Vì lý do này, điều quan trọng là phải tìm kiếm những dấu hiệu khác ít rõ ràng hơn cho thấy có điều gì đó không ổn, chẳng hạn như những thay đổi trong thói quen, sự mệt mỏi và mất hứng thú với những thứ họ từng yêu thích.
Dấu hiệu có thể nhìn vào:
Thay đổi khẩu vị: Trong khi một số người ăn quá nhiều khi họ bị trầm cảm, thì những người khác lại mất cảm giác thèm ăn.
Thay đổi cân nặng là điều thường gặp ở bất kỳ loại trầm cảm nào.
Thay đổi giấc ngủ: Một số người khó có thể ra khỏi giường khi họ bị trầm cảm vì lúc nào họ cũng muốn ngủ. Những người khác không thể ngủ được và họ có thể báo cáo rằng họ bị mất ngủ hoặc có những thay đổi lớn trong thói quen ngủ, chẳng hạn như thức vào ban đêm và ngủ vào ban ngày.
Cảm giác tuyệt vọng: Cảm giác tội lỗi, vô dụng và vô vọng là phổ biến.
Mất hứng thú với các hoạt động: Những người mắc chứng “trầm cảm cười” có thể không hứng thú với các hoạt động mà họ thường yêu thích.
Bất chấp những dấu hiệu và triệu chứng này, những người mắc chứng “trầm cảm cười” vẫn có khả năng hoạt động tốt. Họ có thể có một công việc ổn định và tiếp tục duy trì một cuộc sống xã hội năng động. Họ thậm chí có thể tỏ ra vui vẻ và lạc quan.
Đó là lý do chúng ta hãy dám nói về các vấn đề sức khỏe tâm thần một cách cởi mở với nhau. Làm như vậy chúng ta có thể giúp họ có can đảm để cởi mở về cảm xúc của mình.
Đặc biệt, nguy cơ tự tử nơi những người mắc chứng “trầm cảm cười” có thể rất cao.
Vì trầm cảm thường gây ra suy nghĩ về cái chết và tự tử. Nhưng đôi khi, những người bị trầm cảm lâm sàng thiếu năng lượng để lập kế hoạch và thực hiện việc tự sát. Trong khi những người mắc chứng “trầm cảm cười” thường có đủ năng lượng để thực hiện ý định tự tử của mình. Hơn nữa, những người mắc chứng “trầm cảm cười” cũng thường không được điều trị.
Trầm cảm không được điều trị có thể trở nên tồi tệ hơn theo thời gian và làm tăng khả năng tự tử.
Tôi phải làm gì?
VỚI BẢN THÂN
Trầm cảm cười không phải là vấn đề mà bạn có thể dễ dàng nhận ra được, nếu không có sự tập trung chú ý.
Đầu tiên, bạn ý thức hơn một chút về điều đang diễn ra cách khác thường nơi bản thân về ba khía cạnh: thể lý, cảm xúc và hành vi.
Hoặc nếu chưa để ý đến điều này được, thì hãy hỏi hoặc nghe người khác nói về điều đang diễn ra nơi bạn.
Kế đến, bạn khiêm tốn thừa nhận điều đó và chấp nhận: “Tôi cần có một người khác giúp tôi vượt qua điều này!”
Chả có gì phải nghĩ to tát đâu bạn, nó cũng giống như việc bạn thừa nhận mình đang bị bệnh về thể lý như: sốt, ho, sổ mũi… và đi đến bác sĩ để xin khám bệnh, lấy thuốc.
Khi bạn đã khiêm tốn, cúi đầu xuống thừa nhận về căn bệnh của bản thân, thì việc còn lại là bạn hãy chấp nhận để các nhà chuyên môn, đặc biệt là các chuyên gia Tâm lý trị liệu, giúp cho bạn những điều cần thiết để vượt qua trầm cảm một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Tôi tin bạn làm được! Và bạn chắc chắn vượt qua trầm cảm rất nhanh!
Bên cạnh đó, hãy tham gia vào Nhóm Hỗ trợ Kỹ Năng Ứng phó Tâm lý, nếu bạn muốn nâng cao kiến thức và kỹ năng nền tảng trong tâm lý để ứng dụng cho chính mình.
Tham gia Nhóm Hỗ trợ Kỹ năng Ứng phó Tâm lý tại đây.
VỚI VIỆC MUỐN GIÚP ĐỠ NGƯỜI KHÁC
Đầu tiên, nếu bạn nhận ra điều gì đó đang diễn ra cách khác thường nơi ai đó trong các mối quan hệ với bạn về cả ba khía cạnh: thể lý, cảm xúc và hành vi, thì bạn hãy dành ra thời gian cho người đó một cách thực sự để tìm hiểu và lắng nghe tâm sự của họ.
Hãy tìm cách nói chuyện với người đó một cách khéo léo và tế nhị, để khơi gợi và tìm hiểu chắc chắn những điều bạn quan sát được là đúng đắn và có cơ sở.
Sau đó, hãy khuyến khích và động viên họ làm bản Kiểm tra xem họ đang có khuynh hướng trầm cảm thực sự hay không.
Các bài kiểm tra đều nhan nhản trên mạng, bạn có thể mời họ vào làm.
Hoặc đưa họ đường link sau đây để kiểm tra:
Bấm vào đây để làm Bài Kiểm tra Mức độ Trầm cảm.
Nếu họ đồng ý thực hiện bài kiểm tra thì đó là một bước tiến lớn đầu tiên mà bạn có thể giúp cho họ, phần còn lại là của các nhà chuyên môn.
Bên cạnh đó, nếu bạn là người thực sự quan tâm đến việc giúp đỡ người khác, hãy học để nâng cao kiến thức và kỹ năng nền tảng trong tâm lý ứng dụng, bằng việc tham gia vào Nhóm Hỗ trợ Kỹ Năng Ứng phó Tâm lý, để việc giúp đỡ người khác mang lại hiệu quả cao nhất.
Tham gia Nhóm Hỗ trợ Kỹ năng Ứng phó Tâm lý tại đây.
Chúc bạn luôn thành công với việc giúp đỡ người khác!
Nguyễn Thiện Hoàng
Chuyên gia Huấn luyện Tâm lý Ứng dụng
Xem thêm: Kiểm tra mức độ căng thẳng (Stress) tại đây.