TỪ NỂ VỢ ĐẾN SỢ VỢ
TỪ NỂ VỢ
Báo Phụ Nữ Thứ Hai, số 111, ra ngày 8.11.2010, có đăng một mẩu chuyện như sau:
Trong buổi tuyên dương gia đình hạnh phúc, người ta đã hỏi một ông cụ 71 tuổi, nhân vật được tuyên dương:
– Xin bác cho biết làm thế nào bác giữ được hạnh phúc suốt 50 năm chung sống?
Ông cụ móm mén, đầy vẻ hài hước:
– Vợ chồng chúng tôi có một nguyên tắc: Cái gì quan trọng thì tôi quyết định, còn cái gì không quan trọng thì vợ tôi quyết định.
– Thế những vấn đề gì được xem là quan trọng ạ?
– Thú thật là…vấn đề đó do vợ tôi quyết định, nên suốt 50 năm qua, chúng tôi chưa gặp vấn đề quan trọng nào cả.
Và tác giả bài viết đã kết luận:
– Nếu phỏng vấn bất kỳ người chồng nào có “thâm niên” cơm lành canh ngọt với vợ, chắc chắn bạn sẽ được nghe nói đến một điều kiện quan trọng nhất: Nhường vợ. Cánh đờn ông chẳng thường nói đùa với nhau “Nhất vợ nhì trời” đó sao.
Lại có chuyện khác rằng:
Có một anh nọ xưa nay rất là sợ vợ. Vợ quát tháo thế nào, anh ta cũng ngậm miệng, không dám cãi một lời. Anh ta đi đánh bạc, mãi xẩm tối mới về. Thổi cơm ăn xong, chị vợ ngồi chờ chồng mỏi mắt. Chị ta tức lắm. Khi anh chồng vừa mới ló mặt vào ngõ, chị ta đã chạy ra túm ngực lôi vào nhà, gầm rít. Anh ta vừa gỡ tay vợ túm ngực, vừa kêu xin:
– Bỏ tôi ra! Tôi xin bu nó!
Chị vợ được thể càng làm già, túm luôn tóc ấn đầu anh ta xuống. Anh ta liền vung tay gạt ngã chị vợ, tát cho luôn chị vợ mấy cái, rồi trợn mắt, quát:
– Người ta đã sợ thì để cho người ta sợ chứ!
Và chuyện sau cùng:
Một trận mưa đám mây bất ngờ đổ xuống làm cho anh chồng kia không kịp chạy ra sân thu gom quần áo đang phơi. Và thế là anh ta liền bị bà vợ thuộc vào hạng sư tử Hà đông “tích” cho một trận tơi bời hoa lá cành.Thấy vậy anh chồng này, vốn là người hàng xóm, bèn mở miệng chê bai, phóng thanh qua dậu mồng tơi mà rằng:
– Sao ông hèn quá vậy, sao ông nhát quá vậy. Cứ để cho bà ấy làm tới hoài mãi sao? Phải tay tui thì…
Vừa nói đến đây, bỗng bà vợ xuất hiện. Bà đứng chống nạnh, trừng mắt và phán:
– Phải tay tui thì sao?
Và thế là anh chồng này bèn cúi mặt xuống như muông chim, miệng thì ấp a ấp úng:
– Dạ, phải tay anh, thì anh đã thu gom từ trước lúc trời mưa ạ.
Mencken có nói một câu đáng cho gã suy nghĩ: Khi một người đờn ông và một người đờn bà lấy nhau, thì họ chỉ còn là một người. Tuy nhiên, cái khó đầu tiên là phải quyết định xem người đó là người nào?
Qua hai câu chuyện kể trên, gã nhận thấy quan điểm của tác giả Trần Triều trong bài viết “Nhất vợ” hơi bị đúng:
“Chuyện phái mạnh chấp nhận lùi một bước, để vợ ở “cơ trên” là hết sức bình thường. Và hơn thế nữa, chuyện vâng lời vợ để được yên ổn cũng chẳng có gì lạ. Người đờn ông vốn thích suy luận và phân tích, luôn hiểu rằng: Gây với vợ và trái lời vợ, thì từ chết đến bị thương, chỉ chuốc khổ thêm cho cả nhà mà thôi”.
Trước câu hỏi: Đờn ông vốn mạnh ngoài xã hội, nhưng sao lại “yếu” trong gia đình? Một anh chồng khác đã trả lời như sau:
“Thực ra không phải đờn ông sợ vợ, mà là sợ mất hoà khí trong gia đình. Với bản tính rộng lượng, anh chồng dễ chép miệng cho qua để yên chuyện. Khổ nỗi, mỗi lần được anh chồng nhịn là một lần chị vợ tưởng mình đúng hoàn toàn, nên cứ thế “phát huy”. Một lần, hai lần, ba lần và nhiều lần như thế, quyền lực của chị vợ tăng lên dần, khiến cán cân quyền lực trong gia đình nghiêng hẳn về bên nội tướng lúc nào cũng chẳng biết. Cái bi kịch khó giải quyết ở chỗ: Có những chị vợ thâu tóm quyền lực một cách quá đáng, mà vẫn nghĩ chân lý thuộc về họ, nên không chịu lùi một bước, không nghĩ mình còn phải biết tôn trọng anh chồng nữa”.
Được đàng chân lân đàng đầu. Chị vợ cứ vô tư phom phom tiến tới, đâu có ngờ rằng sức chịu đựng của anh chồng cũng có hạn, tới một lúc nào đó, tức nước ắt hẳn sẽ vỡ bờ, để lại những hậu quả não nùng và bi đát. Một anh chồng đã tâm sự như sau:
“Nhịn mãi, nhịn hoài đến lúc không nhịn được nữa, tôi đã nghĩ:
– Một sự nhịn là chín sự…nhục.
Thế nên, thỉnh thoảng tôi bất ngờ quật lại vợ một phát, khiến bà ấy cũng tá hoả. Tôi vô tình nghe được vợ tâm sự với người bạn qua điện thoại:
– Ông nhà tôi lạ lắm, vốn hiền lành, nhưng lâu lâu lại nổi khùng bất tử, làm mình cũng sợ thật. Mà sao lạ thế nhỉ?
Tôi cười thầm trong bụng, hoá ra bà ấy cũng biết sợ, thế là còn may. Thực ra, lâu lâu vùng lên một lần chỉ để vớt vát lại đôi chút quyền lực, cho bà ấy “tỉnh ngộ”, chứ lúc nào cũng nhịn, thì vợ dễ “hư” lắm. Nói ra nghe kỳ cục, chứ khoảng một tháng là tôi lại cãi vợ một lần và có thể gây nhau từ cuộc cãi vã đó”.
ĐẾN SỢ VỢ
Thế nhưng, có người lại cho rằng sợ vợ là một căn bệnh di truyền hay mãn tính của nhiều anh chồng. Căn bệnh mãn tính này đã bén rễ sâu vào tâm can tì phế, và lục phủ ngũ tạng, khó lòng mà chạy chữa;
“Sợ vợ” là chứng nan y
Cố công, chạy chữa thuốc gì cũng toi!
Cái này lệ thuộc giống nòi
Di truyền trong máu phải coi kỹ càng
Xin đừng hụt hẫng, hoang mang
Nên đi xét nghiệm..chớ than, chớ sầu!
Nhiều anh chồng chẳng những không hổ thẹn, mà lại còn rất lấy làm hãnh diện về cái “nhân đức sợ vợ” của mình:
Tôi đây thích sợ vợ nhà
Thì đâu có sợ người ta chê cười.
Vợ tôi, tôi sợ kê tôi
Miễn tôi không sợ vợ người thì thôi.
Người xưa thường bảo với tôi
Vợ mày mày sợ thế là người khôn
Chớ không mày đã không còn
Công ơn vợ dưỡng nên chồng hôm nay.
Là người phải biết nghĩ dài
Mai sau già yếu ngày ngày vợ nuôi
oOo
Sợ vợ, đôi chữ nghe thanh
Thời nay sợ vợ, nổi danh… anh hùng
Người ta cứ bảo tui khùng
Đường đường quân tử, nhưng chùn hồng nhan
Thời nay sợ vợ mới sang
Chớ không sợ vợ, có màn ra hiên.
Sở dĩ như vậy là vì “nhân đức sợ vợ” sẽ đem lại cho anh chồng nhiều lợi ích thiết thực cho cuộc sống:
Ngồi buồn kiếm chuyện nói chơi,
Nhất vợ nhì trời là chuyện tự nhiên.
Đàn ông sợ vợ thì sang,
Đàn ông đánh vợ tan hoang cửa nhà.
Đàn ông không biết thờ “bà”
Cuộc đời lận đận kể là vứt đi.
Đàn ông sợ vợ ai khi,
Vợ mình, mình sợ sá gì thế gian!
Đàn ông khí phách ngang tàng,
Nghe lời vợ dạy là hàng “trượng phu.”
Đàn ông đánh vợ là ngu,
Tốn tiền cơm nước, ở tù như chơi.
Mặc dù đôi lúc cũng cảm thấy xót xa cho thân phận làm chồng của mình:
Lấy nàng từ thuở mười nhăm,
Đến khi mười chín tôi đà năm con.
Nàng thì trông hãy còn son,
Tôi thì đinh ốc, bù lon rã rời.
Nắng mưa là chuyện của trời,
Tề gia nội trợ có tôi bao thầu.
Suốt ngày cày cấy như trâu,
Chiều về rửa chén cũng “ngầu” như ai.
Nấu cơm, đi chợ hàng ngày,
Bồng con, thay tã tôi đây vẹn toàn.
Lau nhà, lau cửa chẳng màng,
Ôi thời oanh liệt ngang tàng còn đâu.
Nhiều khi muốn hộc xì dầu,
Xin nàng nghỉ phép, nàng chau đôi mày.
Nàng đòi thi đấu võ đài,
Tung ra một chưởng, chén bay ào ào.
Nhớ xưa mình mới quen nhau,
Em ăn, em nói ngọt ngào dễ thương.
Cho nên tôi mới bị lường,
Mang thân ngà ngọc cậy nương nơi nàng.
Nhưng dầu sao chăng nữa, thì cuối cùng vẫn một lòng một dạ thuỷ chung cùng nàng:
Than ôi thực tế phũ phàng,
Mày râu một kiếp thôi đành đi đoong.
Một lòng thờ vợ sắt son,
Còn non còn nước thì tôi còn… thờ.
Tóm lại, người khôn thì phải “ăn lời vợ”, chỉ kẻ dại khờ mới dám cãi lại mà thôi:
Đàn ông nể vợ là sang,
Ngồi nghe vợ dạy là hàng trượng phu.
Đàn ông đánh vợ là ngu,
Vừa mất tiền thuốc vừa tù chung thân.
Tới đây, gã xin mượn câu truyện của tác giả Thảo Trần trên báo Phụ Nữ Việt Nam như một kết luận. Tác giả viết như sau:
Tớ sợ vợ.
Vợ ghê gớm nên chồng sợ vợ thì chẳng có gì đáng nói. Nhưng vợ tớ lại không ghê gớm mà tớ vẫn sợ mới là điều để nói, nên tớ nói ra để các chị em nghe mà học.
Tớ cũng lắm tội như nhiều đàn ông khác, cũng nhậu nhẹt bia bọt, cũng về muộn, ít ăn cơm nhà, cũng một tấc đến trời, trăm voi không được bát nước xáo. Nhưng vợ tớ lại chẳng giống vợ các ông ấy. Cô ấy không gầm gào, chì chiết khi thấy chồng về muộn. Không rình rập, theo dõi khi chồng nói là đi họp hành, công tác. Không phong tỏa kinh tế, không theo dõi điện thoại. Nghĩa là vợ tớ để tớ tự giác hoàn toàn (chứ không phải là mặc xác đâu).
Càng nghĩ đến vợ, tớ càng phục cô ấy. Vợ tớ là người đàn bà đảm đang, chịu thương chịu khó. Việc nhà cô ấy làm tất, không bắt tớ làm gì cả. Nhưng có hôm thấy cô ấy mệt, tớ bảo để tớ rửa bát chẳng hạn, là mắt cô ấy nhìn tớ cực kỳ âu yếm, cô ấy hôn tớ đánh chụt rồi bảo: “Ôi! Anh thật tuyệt vời. Hôm nay em thấy mệt. May quá…”.
Thế là thỉnh thoảng muốn được vợ hôn và cám ơn, tớ lại đóng vai người chồng tốt. Thực ra so với cô ấy thì tớ làm việc nhà chỉ bằng cái móng tay, nhưng chỉ thế thôi mà vợ tớ đã cảm động lắm, nên yêu tớ nhiều hơn và tớ cũng yêu vợ, biết ơn vợ nhiều hơn.
Vợ vò võ ở nhà chăm con, lo chuyện gia đình, tớ thì cứ tớn lên đánh đu với đám bạn ở quán, nhưng vợ tớ không cáu. Hôm nào tớ về sớm, vợ nhìn thấy mừng như bắt được vàng, reo tướng lên: “Ôi, hôm nay anh ngoan quá, về sớm… Sướng thật”. Nghe thế lòng dạ tớ cứ sướng mê tơi. Nhìn mắt vợ sáng long lanh mà lòng cũng thấy vui.
Thế là thời gian nhậu của tớ cứ ngắn dần khiến đám bạn gán cho tớ danh hiệu sợ vợ. Điều mà tớ yêu nhất và cũng nể nhất ở vợ là cô ấy biết cám ơn và xin lỗi từ những điều nhỏ nhặt nhất.
Nhiều bà vợ hiếu thắng, hay tranh cãi đến thắng mới thôi, nhưng vợ tớ mà thấy ý kiến hai đứa trái nhau thì cô ấy không tranh cãi nữa mà sau đó cô ấy đi tìm tài liệu để xem ý nào đúng rồi mới nói tiếp. Cô ấy bảo: Đó không phải là hiếu thắng mà muốn có kiến thức. Khi biết ý mình sai thì cô ấy nói: “… Anh nói đúng, còn em thì sai rồi, xin lỗi chồng nhé”.
Tớ thích vợ tớ ngay cả ở cách nói lời xin lỗi và cám ơn, rất vui vẻ và chân thành. Ví như: “Hôm nay mẹ nấu cơm khô quá. Xin lỗi cả nhà nhé”; “Xin lỗi con bé bỏng. Hôm nay mẹ cáu con thế là mẹ sai rồi. Nhưng lần sau con đừng làm thế nữa nhé…”.
Tớ sợ nhất là khi mở cửa ra thấy vợ ngồi nghiêm túc ở bàn nước chờ mình. Những lúc ấy tớ sợ vãi cả linh hồn vì biết vợ đang cáu lắm. Vợ tớ mà cáu thực sự không bao giờ cô ấy to tiếng, không bao giờ xưng hô anh với tôi. Cô ấy rất giỏi kìm chế. Cô ấy bảo: “Cả giận mất khôn. Mỗi lời nói khi mất khôn sẽ làm sứt mẻ tình vợ chồng, em chả dại…”. Vì vậy mà vợ tớ rất bình tĩnh bảo: “Anh ngồi đây, em muốn nói chuyện với anh…”, thế là cô ấy đem tội của tớ ra nói, cô ấy phân tích tác hại, cô ấy nói sự lo lắng của cô ấy… Sau mỗi lần “em muốn nói chuyện với anh” của vợ là tớ sợ hàng tháng, ngoan ngoãn hàng tháng vì biết mình đã bước đến giới hạn chịu đựng của vợ.
Tớ đẹp trai lại tốt tính nên cũng lắm cô thích, nhưng rồi họ bảo tớ là thầy tu. Mấy thằng bạn thì bảo tớ sợ vợ. Có cậu còn nghĩ vợ tớ ghê gớm lắm, hay ghen lắm nên tớ cứ nhũn như con chi chi. Quả là oan cho vợ tớ. Thực ra, với người vợ đáo để ghê gớm, chồng sợ là sợ mất thể diện, chứ chẳng phải sợ gì vợ, có khi còn ghét là đằng khác. Chả thế mà nhiều anh chán vợ, có bồ là vì thế. Dùng chiêu lạt mềm buộc chặt như vợ tớ mới là cao thủ.
Có lẽ mỗi người chúng ta nên nhiệt liệt hoan hô những anh chồng sợ vợ, bởi vì:
Kính vợ đắc thọ.
Sợ vợ sống lâu.
Nể vợ bớt ưu sầu.
Để vợ lên đầu,
là trường sinh bất tử.