Góc tư vấn

Tự tử và những hiểu lầm của chúng ta

Tự tử và những hiểu lầm của chúng ta

 

Tự tử thật sự là một cách chết kinh khủng, nhưng chúng ta phải hiểu, ít ra trong hầu hết trường hợp, nó là một căn bệnh, một sự sụp đổ của hệ miễn dịch cảm xúc.

Nhà văn Margaret Atwood từng viết, đôi khi có những chuyện cần được nói ra, nói đi, nói lại cho đến khi không cần phải nói nữa. Chính vì thế mà hàng năm tôi đều viết bài về tự tử, chủ yếu là để nói đi nói lại một điều. Tôi hy vọng, như lời nhắn trong chiếc chai thả ra biển, thông điệp nhỏ của tôi sẽ đến được với ai đang cần khuây khỏa sau khi mất một người thân yêu vì tự tử.

Vậy điều gì cần được nói, và nói đi nói lại, về tự tử? Có bốn điều.

Thứ nhất, nó là một căn bệnh và có lẽ là căn bệnh khó hiểu nhất. Chúng ta có khuynh hướng nghĩ rằng nếu người tự gây ra cái chết của mình, thì nó là chuyện tự nguyện với suy nghĩ rằng cái chết do bệnh tật hoặc tai nạn thì không phải thế. Nhưng trong hầu hết các vụ tự tử, chuyện không phải như thế. Một người chết vì tự tử, cũng như người bị bệnh nan y hoặc gặp tai nạn chết người, không chết do lựa chọn của họ. Khi người ta chết vì đau tim, đột quỵ, ung thư, AIDS và tai nạn, là họ chết trái với ý họ. Với tự tử cũng thế, trừ một chuyện, tự tử là cơn bộc phát cảm xúc hơn là thể lý, một cơn đột quỵ về cảm xúc, một khối ung thư về cảm xúc, một sự sụp đổ của hệ miễn dịch cảm xúc, một tai nạn chí tử của cảm xúc.

Và đây không phải là cách nói ẩn dụ. Có nhiều loại đau tim, đột quỵ, ung thư, sụp đổ hệ miễn dịch, và tai nạn chết người. Tuy nhiên, chúng có cùng một tác động, chúng đều tước đoạt mạng sống của người nào đó trái với ý muốn của họ. Không ai chết vì tự tử mà thật sự muốn chết cả. Người đó chỉ muốn kết thúc nỗi đau không thể chịu đựng thêm nữa, cũng như một người nhảy ra khỏi tòa nhà đang cháy vì họ đã bị bắt lửa như cây đuốc sống.

Thứ hai, chúng ta không nên lo lắng quá mức về sự cứu rỗi đời đời của người chết vì tự tử, không nên tin rằng tự tử là hành động tuyệt vọng tận cùng và là điều mà Thiên Chúa sẽ không tha thứ. Chắc chắn Thiên Chúa thông hiểu hơn chúng ta vô hạn, tấm lòng của Chúa an toàn và êm ái hơn chúng ta vô hạn. Chúng ta hình dung một bà mẹ vừa sinh con, lần đầu tiên ôm con vào lòng. Tôi tin rằng đó chính là hình ảnh chính xác nhất để hình dung một nạn nhân của tự tử (hầu hết là một linh hồn quá nhạy cảm) sẽ được đón nhận vào đời sau. Thiên Chúa thông hiểu, yêu thương và trìu mến vô cùng vô tận. Chúng ta không nên lo lắng về số phận của bất kỳ ai đã rời thế giới này một cách trung thực, quá đỗi nhạy cảm, ân cần, quá đỗi kiệt quệ và bị sụp đổ về mặt cảm xúc. Thiên Chúa yêu thương đặc biệt những con người tan nát.

Tuy nhiên, dù biết mọi chyện này nhưng không nhất thiết chúng ta không còn đau đớn (hay có khi giận dữ) vì mất người thân yêu do tự tử, nhưng đức tin và sự thông hiểu không phải để xóa bỏ nỗi đau cho bằng cho chúng ta hy vọng, hình dung và nâng đỡ khi bước đi trong nỗi đau.

Thứ ba, chúng ta không nên hành hạ bản thân khi băn khoăn liệu mình đã đánh mất người thân yêu nào vào thời điểm nào: “Có việc gì đáng ra mình phải làm? Mình đã phụ lòng người ấy lúc nào? Giá mà mình ở đó? Giá như…” Lẽ tự nhiên, chúng ta sẽ bị ám ảnh với suy nghĩ, “Giá như mình ở đó vào đúng lúc đó”. Hiếm khi chuyện này tạo nên khác biệt gì. Thật vậy, hầu như chúng ta đều không ở đó vì người đó không muốn chúng ta ở đó. Người đó đã chọn thời điểm, địa điểm và phương thức sao cho chúng ta không thể làm được gì. Có lẽ chính xác hơn, tự tử là căn bệnh chọn nạn nhân theo cách làm sao để loại trừ những người khác và loại trừ sự quan tâm của họ. Đây không phải là cái cớ cho sự thờ ơ, thiếu nhạy cảm, nhất là với những người đang gặp trầm cảm nghiêm trọng, nhưng nó nên là một khẳng định lành mạnh để bác bỏ cảm giác tội lỗi và băn khoăn vô ích.

Chúng ta là con người, chúng ta không phải là Thiên Chúa. Con người luôn chết vì bệnh tật và tai nạn và đôi khi tình yêu và sự quan tâm của cả thế giới cũng không ngăn nổi cái chết. Tình yêu, với mọi sức mạnh của nó, đôi khi cũng bất lực trước một căn bệnh nan y.

Thứ tư, khi mất một người thân yêu vì tự tử, một trong những nhiệm vụ của chúng ta là hành động để chuộc lại ký ức về người đó, cụ thể là nhìn cuộc sống của người đó với một quan điểm không bị hoen ố vì tự tử.

Một phản ứng nhân văn và có đức tin với chuyện tự tử, không nên là kinh hoàng sợ hãi cho sự cứu rỗi đời đời của nạn nhân, hay băn khoăn không biết mình đã phụ lòng họ khi nào, hay cứ cảnh giác đề phòng mỗi khi nhắc đến họ. Tự tử thật sự là một cách chết kinh khủng, nhưng chúng ta phải hiểu, ít ra trong hầu hết trường hợp, nó là một căn bệnh, một sự sụp đổ của hệ miễn dịch cảm xúc. Trong hầu hết, chúng ta phải tin tưởng Thiên Chúa, tin tưởng sự tốt lành, thông hiểu của Ngài, tin tưởng sức mạnh trỗi dậy từ địa ngục và sức mạnh của Ngài có thể biến đổi mọi sự nên đúng đắn, kể cả với tự tử.

Ronald Rolheiser,

J.B. Thái Hòa dịch

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!