Tài liệu JraiThư viện

Ước mơ Jrai (11)

Ước mơ Jrai (11)

Mỗi ngày dạy học là một điều bất ngờ đối với tôi, nhưng điều bất ngờ nhất chính là sự chăm chỉ đến say mê của những đứa học trò. Các em thường đến lớp trước 15, 20 phút xếp bàn ghế, rồi ngồi chờ tới giờ học. Không bao giờ đòi nghỉ nếu tôi chưa cho nghỉ, ngay cả khi học quá giờ cũng không ai lên tiếng. Buôn Phùm Ang cách đó chừng hai cây số cũng qua học ké. Mấy gia đình người Kinh gần đó cũng cho con tới học. Lớp học đã lên tới hơn 50 em rồi. Gian nhà sàn của ami H’hot ban ngày rộng rãi là thế, vậy mà buổi tối cứ chật ních, chật đến mức tối nay trong nhà không còn chỗ ngồi.

Có ba em học trò mới không tìm được chỗ bèn kéo nhau ra hiên. Ngoài hiên không có đèn đóm gì cả, lại dơ bẩn, gồ ghề. Làm sao viết chữ đây? Thế là một trong ba đứa đeo cái đèn soi ếch lên đầu. Hai đứa kia chụm lại. Ba quyển vở được bày ra. Ba thân hình gầy gò nằm bẹp xuống hiên mà viết. Ba cây bút chì khổ sở đưa từng nét chữ. Ba mái đầu khẽ rung theo nhịp thở. Rồi cứ thế cho đến lúc hết giờ. Tôi đã lặng người đi khi nhìn thấy cảnh ấy. Thật không thể tưởng tượng nổi. Ôi, học trò của tôi!

 

Người ta nói, buôn Phùm Gi khổ thì chẳng ai bằng, mà tình cảm thì cũng không ai hơn. Mà quả đúng là vậy. Một sáng kia thức giấc, tôi còn đang mơ màng thì ngoài cửa có tiếng gọi. Nhìn ra thấy bé H’mái đứng thập thò, tay xách cái bịch nilon. Nó bẽn lẽn chạy lại đưa tôi rồi biến mất. Tôi mở ra xem thì ô kìa, một quả thơm! Có lẽ đó là quả thơm ngon lành nhất, thơm tho nhất và ngọt ngào nhất mà tôi từng nếm. Quả thơm ngon không phải vì quả thơm, mà vì thứ tình cảm lặng lẽ nhưng nồng nàn mà nó chứa đựng. Cám ơn em rất nhiều, H’mái à! Và suốt thời gian tôi dạy học ở đấy, học trò trả “lương” cho tôi bằng những bó lá mì, vài quả xoài, mấy quả dưa, những thứ các em đem về từ nương rẫy xa xôi của mình.

Lớp học

Một hôm, tôi hỏi các em có biết các em đang sống ở nước nào không. Cả lớp im phăng phắc nhìn nhau, phải gợi mãi, cuối cùng một em ngập ngừng nói:

– Nước Việt Nam phải không cô?

Tôi hỏi tiếp:

– Ai biết, trên thế giới còn nước nào khác?

Lần này thì cả lớp hào hứng hẳn lên, rồi một em nhanh miệng nói:

– Dạ, nước sông Pa ạ.

Tôi không tài nào nhịn được cười bởi câu trả lời ngây thơ ấy, nhưng ngẫm lại thì thấy chua xót quá. Buôn làng của các em bị những ngọn núi chất ngất kia bủa vây, cuộc sống của các em chỉ có nương rẫy, trâu bò và dòng sông miệt mài chảy. Mọi biến chuyển của thế giới bên ngoài không lọt tới cuộc sống của các em được. Khi tôi hỏi có ai từng đi du lịch đâu chưa thì nhiều bạn hăng hái nói:

– Dạ rồi cô ơi

– Các em đi đâu?

– Dạ, đi chợ Ia R’siơm

– Có ai đi xa hơn Ia R’siơm chưa?

Không có ai cả. Chuyến du lịch xa nhất của các em chỉ vỏn vẹn có 12 cây số cả đi và về. Nơi đó không phải là danh lam thắng cảnh mà chỉ là một cái chợ nhỏ lèo tèo vài hàng quán thông thường. Nhưng với các em, được đi Ia R’siơm đã là một niềm hạnh phúc lớn. Cũng vì ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài, mà các em sợ tất cả những gì mới lạ. Hôm tôi đem laptop đến chiếu phim cho cả lớp xem, nhiều bạn rón rén tới đụng cái máy rồi chạy ra xa như sợ cái máy đuổi theo, nhìn không khác gì nhân vật Xi[1] trong bộ phim “Thượng đế cũng phải cười”. Học trò của tôi là thế đấy, hồn nhiên và thật thà như khi tôi hỏi ước mơ của các em là gì. Một nửa lớp muốn trồng lúa, trồng mì khi lớn lên, số khác thích đi bảo vệ rừng, đi đánh cá, nhưng cũng có ước mơ làm cô giáo, làm người bốc thuốc. Các em không dám mơ ước những điều to tát, chỉ rụt rè đưa ra những khát khao khiêm tốn vì các em biết các em là ai, đang ở đâu trong xã hội này.

Đãi học trò dưa hấu

Tuy rằng, Giáo Hội giúp đỡ rất nhiệt tình trong việc học hành của con em Jrai nhưng kết quả chẳng đáng là bao. Tại mỗi nhà thờ đều có nhận nuôi học sinh Jrai, người ta hay gọi là đệ tử. Các em sẽ ở đó để đi học. Chuyện ăn ở hoàn toàn miễn phí, gia đình không phải lo. Thế nhưng, mặc cho các cha nuôi đệ tử hơn nửa thế kỷ qua, thì vẫn chưa có một linh mục nào người Jrai, và rất ít đệ tử học hành thành tài. Điều này buộc Giáo Hội phải tìm kiếm một giải pháp khác hiệu quả hơn, bền vững hơn. Việc dạy hè cho học sinh Jrai như tôi đang làm, cũng chỉ là giải pháp chữa cháy. Làm sao trong một hai tháng có thể vực dậy học lực yếu của một em lớp bảy? Đó là một quá trình dạy dỗ lâu dài trong khi tôi chỉ ở được có một thời gian. Bao giờ người ta cũng phải tốn nhiều công sức hơn để uốn nắn một cây đã trồng sai. Chi bằng, hãy trồng đúng ngay từ đầu.

Thăm học trò bệnh

Học sinh Jrai thường học hết cấp một là nghỉ. Động viên mãi thì học hết cấp hai. ai bền chí lắm mới tới lớp 12 được, và phần lớn gãy gánh giữa đường vì không thi đậu tốt nghiệp. Hiếm có gia đình nào con cái vào được đại học. Thời gian tôi ở Krông Pa, cũng là thời gian diễn ra kỳ thi tốt nghiệp cấp ba. Nhà ami H’noel có đứa con gái cũng đi thi. Kỳ thi này, cả buôn Nu có hai người đậu. Khi biết tin con đậu, ami giết ngay một con heo ăn mừng vì đây là điều trọng đại. Đó mới chỉ là thi tốt nghiệp thôi nhé. Còn thi đại học, cao đẳng nữa. Nếu con cái người Kinh phải học gấp mười lần để vào được đại học, thì con cái người Jrai phải cố gắng một trăm lần mới mong là sinh viên. Chỉ đến khi dạy các em, tôi mới vỡ lẽ ra tại sao học trò Jrai phải đổ nhiều công sức như vậy.

Cặm cụi viết

Học trò lớp lớn của tôi, thấp nhất cũng học tới lớp ba, và cao nhất là lớp bảy. Tôi không thể tưởng tượng được một học sinh lớp sáu mà không biết 7 + 8 bằng bao nhiêu. Phép cộng là phép căn bản nhất, và phép cộng một chữ số là phép tính dễ nhất trong mọi phép tính, vậy mà học trò của tôi không cộng nổi. Các em cũng không đọc viết thành thạo được. Mỗi lần đọc bài cho các em viết, tôi phải đánh vần từng chữ một. Tại sao một em học sinh lớp bảy mà không biết 12 – 8 bằng bao nhiêu, không viết được một câu ra hồn và đọc thì ấm ớ? Ở trường người ta dạy em cái quái gì vậy? Tôi không ngờ, thật sự không thể ngờ. Chẳng lẽ lại đúng như lời H’nhao nói: “Em học lớp 12 rồi mà còn không thạo nhân chia nữa chị ơi”. Trời ơi! Họ dạy cái gì trong 12 năm học của em?

Những bất đồng về ngôn ngữ, về văn hóa và cách suy nghĩ trở thành rào cản cho các em trong việc học. Một đứa bé Jrai vào lớp một, nghe thầy cô người Kinh nói, sẽ chẳng hiểu gì hết. Phải vài năm sau, khi nó nghe tiếng Kinh quen rồi thì nó mới biết thầy cô nói gì. Nhưng lúc này, nó đã lên tới lớp ba lớp bốn, mọi điều thầy cô nói về kiến thức nó không hiểu gì cả. Nó bắt đầu chán ngán, không muốn học, thích nói chuyện, quậy phá. Thầy cô la mắng. Bạn bè khinh chê. Nó thấy học thật là mệt nhọc và nó nghỉ dễ dàng. Người ta không thể xây một ngôi nhà cao tầng nếu chân móng yếu, trước sau gì nó cũng sụp đổ mà thôi. Những ngày dạy các em, tôi thấy rõ sự tiến bộ của nhiều em. Điều đó cho thấy không phải các em không có khả năng học, mà quan trọng là ở người thầy. Nếu nhà nước đã nhận lấy trách nhiệm giáo dục cho người Jrai, thì phải xây dựng một phương pháp giáo dục phù hợp cho họ. Vì mỗi dân tộc là một sự khác biệt nên anh không thể chơi kiểu “cá mè một lứa” như bây giờ được. Còn nếu không, người ta sẽ nói anh là kẻ không biết dạy, nói tắt là kẻ mất dạy. Cho dù nhà nước có xây trường, có đưa giáo viên đến dạy, có miễn giảm học phí tùm lum thì tất cả những thứ đó chỉ là vỏ bọc bên ngoài để chụp hình đăng báo, còn thực chất bên trong thì rỗng tếch. Đừng nói với tôi về những chính sách này nọ của giáo dục. Đừng nói với tôi về chương trình, dự án hay những chiến lược giáo dục. Hãy đến mà xem học trò của tôi đi. Hãy đến mà hỏi học trò của tôi đi. Hãy đến mà dạy học trò của tôi đi. Lúc đó, sẽ tự có câu trả lời cho các vấn đề giáo dục.

Chia quần áo cho học trò

Tôi đem chuyện kể cho ama nghe. Nghe xong, ama chỉ cười bảo: “Chính sách hết đấy con ơi. Người ta đâu có muốn người Jrai giỏi”.

Tôi sẽ không thắc mắc tại sao người Jrai cứ nợ nần mãi nữa, vì họ có được dạy tính toán đâu.

Tôi sẽ không dò hỏi tại sao người Jrai lại bán hết đất đai màu mỡ cho người Kinh nữa, vì họ có biết giá trị là gì đâu.

Tôi sẽ không nghẹn ngào tại sao học trò của tôi lại học kém như thế, vì các em có được dạy dỗ đâu.

Tôi không đổ lỗi cho các em, vì các em chỉ là những tờ giấy trắng. Người ta có viết gì lên đó đâu mà hy vọng các em có chữ nghĩa. Nếu nền giáo dục Việt Nam không thể dạy cho một học sinh lớp sáu người Jrai biết 15 – 8 bằng bao nhiêu thì đây chỉ là một nền giáo dục tồi. Ôi, một đất nước chỉ mới đây thôi tự hào là quốc gia đoạt giải Nobel toán học mà dân chúng thì chẳng biết 4 + 7 bằng bao nhiêu.

Nhưng điều ê chề nhất của tôi không phải là học trò của tôi dốt, mà là tôi không hiểu nổi tại sao các em có thể lên lớp đều đều như thế được. Năm năm, sáu năm hay 12 năm ngồi trên ghế nhà trường của các em hình như chẳng có chút nghĩa lý gì với chúng tôi hay sao mà chúng tôi lại có thể cướp của các em bao nhiêu đó thời gian và trả lại cho các em một nhúm những con số vô hồn, vất vưởng và chữ viết nghệch ngoạc, sai lầm. Bao nhiêu đó thời gian để đổi lấy bấy nhiêu chữ nghĩa thật là một cái giá quá đắt. Đau lắm Jrai ơi! Tôi không trách các em đâu. Tôi thương các em vô cùng, và càng dạy các em thì tôi càng nhói đau trong tim. Tôi không khinh khi chê bai các em điều gì cả, nhưng tôi cảm thấy người Kinh của tôi nợ các em rất nhiều.

Người Kinh chúng tôi nợ các em, và các thầy cô giáo dạy dỗ các em phải là người gánh lấy sự bất hạnh và ngu dốt của các em. Họ cũng phải là người phải trả nợ cho những đau khổ và lạc hậu của dân tộc các em. Khốn thay những người làm giáo dục mà không giáo dục, vì họ sẽ phải hứng chịu lấy tất cả những tang thương và điêu linh của nhiều thế hệ về sau. Làm sao tôi có thể kể cho các em biết rằng người Kinh của chúng tôi đang giết chết dân tộc các em từng ngày từng giờ. Chúng tôi giết các em ngay trong những buổi học, giết các em trong những con chữ, giết các em bằng sự dễ dãi lên lớp và ru ngủ cả một thế hệ bằng ảo tưởng văn minh.

Jrai ơi, tôi chỉ là một người khách qua đường, dừng chân nơi đây một thời gian, dạy dăm ba chữ cho các em như một làn gió. Trước khi lên đây, tôi vạch ra không biết bao nhiêu điều muốn dạy cho các em. Nhưng bây giờ tôi chỉ còn một ước muốn nhỏ nhoi là các em sẽ biết cộng trừ nhân chia, biết viết tên của mình khi người ta hỏi. Tôi không dám mong các em sẽ tiếp thu được tất cả những gì tôi nói. Tôi chỉ xin bỏ một viên sỏi vào trong túi của các em, để một ngày nào đó, sau nhiều cố gắng, các em có một túi sỏi khôn để sử dụng trong đời. Các em sẽ biết đọc, biết viết, biết số bảy lớn hơn số sáu và nhỏ hơn số tám để khi bán hột đào, các em không bị người ta lừa lọc nữa. Tôi chỉ mong có thế thôi.

Amai H’ Blan

[1] Một thổ dân người Sho sống trên sa mạc Kalahari. Đạo diễn Jamie Uys, 1980. The God Must Be Crazy.

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!