Kỹ năng sống

Ý thức các đặc sủng của Thần Khí giúp củng cố sự hiệp thông

Ý thức các đặc sủng của Thần Khí giúp củng cố sự hiệp thông

 

Hội Thánh Công giáo Việt Nam đang trong thời gian thực hiện củng cố sự hiệp thông, việc huy động các phương thế là cần thiết, để đạt tới mục tiêu tham gia thực hành sứ vụ theo như chủ trương hiệp hành của Hội Thánh hoàn vũ. Thực ra, đối với Hội Thánh Công giáo, hiệp thông vốn như một nhu cầu tối thiết để xây dựng và phát triển. Từ khi có sự quy tụ các tín hữu để làm thành cộng đoàn, là đã cần có ngay sự hiệp thông, nhưng dưới dạng thức và danh xưng khác nhau. Ngay từ thuở sơ khai, sự hiệp thông đã thể hiện khi các tín hữu tân tòng quy tụ quanh các Tông đồ. Lối sống của các cộng đoàn tín hữu tiên khởi cho thấy có sự hòa hợp và liên kết chặt chẽ rất lý tưởng:

“Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng. Mọi người đều kính sợ, vì các Tông Đồ làm nhiều điềm thiêng dấu lạ. Tất cả các tín hữu hiệp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm người được cứu độ” ( Cv 2,42-46 )

HIỆP THÔNG VÀ THỬ THÁCH

Nếp sống đạo hạnh đầy tình thương gắn bó của các cộng đoàn tiên khởi diễn tiến theo thời gian. Khi số cộng đoàn càng ngày càng đông, và khi tâm tính của các tín hữu bộc lộ ngày càng nhiều, thì sinh hoạt của các cộng đoàn trở nên đa dạng. Tới thời kỳ thánh Phaolô trực tiếp tham gia hoạt động, ngài đã phải chứng kiến những khó khăn xảy ra, nơi một số cộng đoàn và giữa một số cộng đoàn với nhau. Thánh Phaolô đã phải dành khá nhiều công sức để làm công việc hòa giải, dàn xếp, củng cố, cả việc chỉnh đốn các lệch lạc xảy ra. Cũng do đó, mà thánh Phaolô đã có những bài giáo huấn rất thiết thực và phải kể là quý giá dành cho một số cộng đoàn. Các bài giáo huấn đó cũng lưu lại cho hậu thế và trở thành hữu ích lâu dài trong việc củng cố và xây dựng Hội Thánh.

Trong thư gởi giáo đoàn Êphêxô, thánh Phaolô viết: “Vậy, tôi là người đang bị tù vì Chúa, tôi khuyên nhủ anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau; Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hòa gắn bó với nhau. Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người” (Ep 4,1-6).

Trong thư gửi giáo đoàn Galát, thánh Phaolô tha thiết kêu gọi các tín hữu sống theo thần khí: “Tôi xin nói với anh em là hãy sống theo Thần Khí, và như vậy, anh em sẽ không còn thỏa mãn đam mê của tính xác thịt nữa. Vì xác thịt thì ước muốn những điều trái ngược với Thần Khí, còn Thần Khí thì lại ước muốn những điều trái ngược với tính xác thịt, đôi bên kình địch nhau, khiến anh em không làm được điều anh em muốn” (Gl 5,16-17).

Thánh Phaolô nêu những nếp nghĩ, nếp sống đẹp gọi là “hoa quả của Thần Khí” để các tín hữu chuyên tâm thực hiện, đó là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ (x. Gl 5,22-23).

Thánh Phaolô còn nhấn mạnh: “Những ai thuộc về Đức Kitô Giêsu, thì đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê” (Gl 5,24-26). “Nếu chúng ta sống nhờ Thần Khí, thì cũng hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước. Chúng ta đừng có tìm hư danh, đừng khiêu khích nhau, đừng ganh tị nhau” (Gl 5,24-26)

Những lời hướng dẫn của Thánh Phaolô hết sức chân thành và cụ thể, vì đã có các trường hợp xảy ra và chính thánh nhân đã từng chứng kiến. Những nhược điểm như thế hoặc nhiều hơn thế đã xảy ra thời đó, các thời gian sau vẫn còn, và vẫn còn tiếp tục tới ngày nay, nên giáo huấn của thánh Phaolô vẫn còn có ý nghĩa và cần thiết.

HIỆP THÔNG VÀ CẦU NGUYỆN

Thông thường, khi nghĩ tới hiệp thông, các ý tưởng liên quan đến cơ cấu tổ chức, đến nhân sự, đến các phương thế thực hiện, đến các đúc kết, các ưu khuyết điểm, các báo cáo, phúc trình… Tất cả đều chính đáng. Nhưng còn một lãnh vực tối cần mà có khi thiếu hoặc ít quan tâm, đó là sự cầu nguyện.

Sự hiệp thông trong Hội Thánh phát xuất từ ơn Chúa. Chính các đặc sủng của Thần Khí dẫn đưa các tín hữu tới hoạt động, và có hoạt động giữa các tín hữu với nhau mới có hiệp thông. Mà ơn Chúa chỉ có khi được chính Thiên Chúa thông ban. Nhưng để có được ơn Chúa thông ban, cần có sự cầu nguyện là điều kiện tiên quyết.

Về phương thế cầu nguyện, thánh Phaolô đã chỉ dẫn cách cầu nguyện có hiệu quả, đó là cầu nguyện nhờ Thần Khí, khi hướng dẫn các tín hữu cầu nguyện trong khi mong chờ đạt được hiệu quả của ơn cứu độ, thánh Phaolô đã dạy các tín hữu cầu xin Thần Khí cầu thay nguyện giúp. Thánh Phaolô nói: “… có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải, nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng kêu rên siết khôn tả. Và Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa” (Rm 8,26-27). Đối với sự hiệp thông, nhu cầu cầu nguyện cũng cần như thế để đạt hiệu quả.

BIẾT TÔN TRỌNG CÁC ĐẶC SỦNG CỦA THẦN KHÍ ĐỂ SỐNG HỢP NHẤT

Chính trong thời điểm một số cộng đoàn gặp thử thách, mà thánh Phaolô đã có những giáo huấn súc tích liên quan đến sự hợp nhất, trong đó có việc hướng dẫn các tín hữu về các đặc sủng của Thần Khí:

“Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng chỉ có một Thiên Chúa, làm mọi sự trong mọi người. Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung. Người thì được Thần Khí ban cho ơn khôn ngoan để giảng dạy, người thì được ban cho ơn hiểu biết để trình bày. Kẻ thì được Thần Khí ban cho lòng tin, kẻ thì cũng được chính Thần Khí duy nhất ấy ban cho những đặc sủng để chữa bệnh. Người thì được ơn làm phép lạ, người thì được ơn nói tiên tri. Kẻ thì được ơn phân định Thần Khí; kẻ khác thì được ơn nói các thứ tiếng lạ; kẻ khác nữa lại được giải thích các tiếng lạ. Nhưng chính Thần Khí ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tùy theo ý của Người” (1Cr 12,4-11)

Khi ý thức các đặc sủng của Thần Khí ban cho mỗi người, các tín hữu mới có sự tôn trọng đối với những ai được Thần Khí thương ban, và xem đó như là vinh dự cho cộng đoàn của mình. Bởi vì nhờ đó mà cộng đoàn có những nhân sự có khả năng vượt trội có thể giúp ích cho các nhu cầu. Khi cộng đoàn có được những nhân sự nói được, viết được, hướng dẫn được, thực hành được các ngành chuyên môn mà cộng đoàn rất cần, thì thật là rất hữu ích và giúp cho cộng đoàn ngày càng thêm phát triển. Sự tranh chấp ganh tị, hạ bệ nhau, loại bỏ nhau… sẽ nhường bước cho cuộc sống hòa hợp, yêu thương, xây dựng, và từ đó hiệp thông được thăng hoa.

 

 

Mt Từ Linh

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!