Anh cân nhắc loại trừ khăn giấy ướt
Chính phủ Anh đang lên kế hoạch mới nhằm đảm bảo nguồn nước sạch và đầy đủ cho tương lai nước này, trong đó nhiều khả năng bao gồm lệnh cấm khăn giấy ướt trên toàn lãnh thổ.
Đầu năm 2023, Tạp chí The Economist đưa tin Quần đảo Anh đang xuất hiện các “thành viên” mới. Những “đảo nhỏ” được tượng hình không phải bằng đá granite hoặc đá vôi như thường lệ, mà được tích tụ bởi những khăn giấy ướt quyện bùn. “Đảo” lớn nhất dày 1m, trải dài với diện tích khoảng hai sân tennis và nằm ở một khúc quanh của sông Thames gần cầu Hammersmith thuộc London.
Những “hòn đảo” quái dị
“Hòn đảo” được một nhóm tình nguyện viên của tổ chức từ thiện Thames21 đo đạc vào hè năm ngoái. Họ gọi đây là một trong những hòn đảo quái dị. Trong suốt 7 năm qua, Thames21 bám theo quá trình hình thành của những hòn đảo quái dị tương tự. Tổ chức này cho rằng phải có ít nhất 9 đảo khăn giấy ướt hình thành trên sông Thames, và các đảo nhỏ hơn có thể đang hình thành trên những khúc quanh của các dòng sông khác.
Với dân số gần 68 triệu người, dân Anh thải tổng cộng 11 tỷ khăn giấy ướt mỗi năm. Họ sử dụng khăn giấy cho các mục đích như làm vệ sinh em bé, nhà cửa và khử trùng các bệnh viện, nhà dưỡng lão. Cùng lúc đó, họ cũng gây tắc nghẽn cống thoát nước vì thói quen xả khăn giấy xuống bồn cầu. Báo cáo của Water uk, tổ chức đại diện cho ngành nước ở Anh, vào năm 2017 phát hiện khăn giấy ướt chiếm đến 93% số dị vật gây tắc nghẽn đường cống. Thậm chí những sản phẩm được quảng cáo là dễ phân hủy cũng không tan rã đủ nhanh để tránh được tình trạng tắc nghẽn đường ống thoát nước.
Không những thế, khoảng 90% số khăn giấy chứa vi nhựa, dẫn đến tình trạng thẩm thấu vào nguồn nước và đi vào hệ thống tiêu hóa của cá và người. Theo tính toán của Quỹ Đời sống Hoang dã Thế giới, mỗi tuần người Anh lại hấp thụ số nhựa đủ để đúc thành thẻ tín dụng. Một số chuỗi cửa hàng bán lẻ như Tesco và Boots ngừng kinh doanh tất cả sản phẩm khăn giấy ướt chứa nhựa. Và các sản phẩm thay thế bắt đầu xuất hiện, như loại dung dịch đông tụ tự nhiên sử dụng trên giấy vệ sinh, hoặc loại giấy nhanh tan khi chạm nước.
Tuy nhiên, khăn giấy ướt vẫn được sử dụng rộng rãi không chỉ riêng ở Anh. Dù biết được tác hại của loại sản phẩm này, chính phủ Anh vẫn chưa đưa khăn giấy ướt vào danh sách nhựa dùng một lần – như que gắn bong bóng và dao nĩa nhựa – sẽ bị cấm từ tháng 10 năm nay trở đi. Bên cạnh đó, không ít sản phẩm khăn giấy ướt được dù được quảng cáo là có thể xả xuống bồn cầu và dễ phân hủy, việc sử dụng những thuật ngữ này vẫn chưa được quy định rõ ràng. Khảo sát của Water uk phát hiện khăn giấy ướt xả được vẫn gây tắc nghẽn đường thoát nước cao gấp 88 lần so với khăn giấy vệ sinh thông thường. Hậu quả là mỗi năm Anh phải chi khoảng 100 triệu bảng để giải phóng thông thoáng các đường cống bị nghẹt vì dị vật.
Nỗ lực mới
Trước tác hại của khăn giấy ướt, chính phủ Anh đang cân nhắc thông qua lệnh cấm sản phẩm này sớm nhất là vào năm sau. Đây là một phần của kế hoạch lớn hơn nhằm ngăn chặn tình trạng ô nhiễm nguồn nước. Với tên Kế hoạch cho Nước, dự án có sự tham gia của Bộ Môi trường, Thực phẩm và Các vấn đề nông thôn (Defra) và do Bộ trưởng Therese Coffey dẫn đầu. Theo đó, chính quyền London kỳ vọng các công ty nước sẽ tăng cường những khoản đầu tư cơ sở hạ tầng, siết chặt luật lệ và trừng phạt nặng hơn những người gây ô nhiễm.
Nghẽn cống vì khăn giấy ướt |
Chương trình nghị sự cũng bao gồm giai đoạn tham vấn để thực thi việc giới hạn PFAS (hợp chất per- và polyfluoroalkyl, không phân hủy sinh học và độc hại với môi trường) có trong bọt chữa cháy, hàng dệt may, các sản phẩm tẩy rửa, sơn và vẹc ni. Bộ trưởng Coffey cảnh báo các công ty nước có thể đối mặt các mức phạt không giới hạn nếu bị phát hiện xả nước thải trái phép.
Nếu được triển khai, đại đa số các sản phẩm khăn giấy ướt (loại chứa nhựa) sẽ bị cấm ở Anh. Những loại có thể nhanh chóng phân hủy trong nước vẫn được tiếp tục kinh doanh, và chính phủ sẽ bắt tay với các bên liên quan nhằm tạo ra những sản phẩm thay thế hiệu quả khăn giấy ướt trong việc lau chùi, vệ sinh.
Defra đang đề nghị các công ty nước đẩy nhanh những dự án đầu tư cơ sở hạ tầng để ngăn chặn tình trạng xả rác vào hệ thống thoát nước, giảm tình trạng ô nhiễm và cải thiện sự bền bỉ của nguồn cung nước trong điều kiện bị hạn hán. Nhà điều phối Ofwat đang cân nhắc phê chuẩn 31 dự án trị giá tổng cộng 1,6 tỷ bảng Anh và đang thu thập ý kiến của người dân về những kế hoạch này. Hạn chót đóng góp ý kiến là vào ngày 24.4.2023.
BẠCH LINH