Phụng vụSuy niệm ngày thường

Chúng ta có thể học được gì từ Phêrô và Giuđa Iscariot?

 

Phêrô và Giuđa Iscariot là 2 nhân vật nổi bật trong câu chuyện Tin Mừng vì đã phản bội Chúa Giêsu vào hôm Thứ Năm Tuần Thánh định mệnh đó: Giuđa nộp Thầy bằng nụ hôn để lấy 30 đồng bạc (Mt 26, 15), trong khi Phêrô chối Thầy 3 lần tại Dinh Philatô (Lc 22, 54-62).

Cả Phêrô và Giuđa đều phản bội và cả hai đều phải đối diện với một sự lựa chọn quan trọng. Và với sự lựa chọn này, đã mang đến kết quả trái ngược: Phêrô trở thành một vị đại thánh, còn Giuđa luôn mãi mang tên là “kẻ phản bội”.

(Hình: Sự chối Chúa của Thánh Phêrô, bởi by Caravaggio)

Điểm chung của Phêrô và Giuđa Iscariot

Trong khi Phêrô nghĩ rằng mình biết rõ hơn Thầy về lòng can đảm và sự yếu đuối của bản thân, thì Giuđa nghĩ rằng mình biết rõ hơn Thầy về sứ mạng của Đấng được Thiên Chúa xức dầu. Cả hai đều ảo tưởng—Phêrô ảo tưởng về bản thân, còn Giuđa ảo tưởng về sứ mạng của Đức Kitô.

Trong khi Phêrô, người đã chứng kiến cuộc biến hình của Thầy trên núi Tabor, thay vì khiêm tốn và trông cậy vào sức mạnh của Thầy, lại đã chọn dựa vào sức riêng; thì Giuđa, người đã chia sẻ sứ mạng công khai của Thầy thay vì phục tùng sự chương trình của Thiên Chúa, lại nghĩ rằng mình khôn ngoan hơn. Cả hai đều rời mắt khỏi Đức Kitô để chỉ nhìn vào mình.

Điểm khác biệt của Phêrô và Giuđa Iscariốt

Về tính khí, Phêrô là người bộc trực, hấp tấp nên thường có thói quen phản ứng vội vàng theo cảm tính, nhưng lại luôn mau chóng nài xin sự tha thứ và cố gắng để bước tiếp.

– Phêrô là người đã xin bước ra khỏi thuyền để đi trên mặt nước khi nhìn thấy Chúa Giêsu, nhưng sau đó, ông hoảng sợ và hầu như bị chìm.

– Trên núi Tabor, Phêrô không biết phải làm gì khi nhìn thấy Chúa Giêsu biến hình trong vinh quang cùng với Môsê và Êlia. Vì vậy, ngài nói một cách tự phát: “Lạy Ngài, chúng con ở đây, hay quá! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, Ngài một cái, ông Môsê một cái, và ông Êlia một cái” (Mt 17, 4)

– Phêrô nhanh nhẹn tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Mêsia và đã được Chúa Giêsu khen ngợi và gọi là tảng đá mà trên đó, Người sẽ xây dựng Hội thánh của Người (Mt 16, 13-19).

– Nhưng ngay sau đó, Phêrô đã không thể chấp nhận việc Chúa Giêsu tiên báo rằng Người sẽ chịu đau khổ và chết, và đã bị Chúa Giêsu nghiêm khắc quở trách: “Xatan, lui ra đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mt 16, 23).

– Tại vườn Cây Dầu, khi chứng kiến Thầy bị quân lính vây bắt, Phêrô hoàn toàn mất bình tĩnh: “Simon Phêrô có sẵn một thanh gươm, bèn tuốt ra, nhằm người đầy tớ vị thượng tế, mà chém đứt tai phải của y” (Ga 18,10), và đã bị Chúa Giêsu ngăn cản “Hãy xỏ gươm vào bao. Chén đắng Chúa Cha đã trao cho Thầy, lẽ nào Thầy chẳng uống?” (Ga 18, 11).

– Trong cùng một đêm, Phêrô đi từ chỗ khăng khăng rằng mình thà chết còn hơn là chối Thầy “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy” đến việc chối Thầy ba lần (Mt 26, 66. 69-75).

(Hình: Public Domain)

Còn Giuđa Iscariotlà một nhân vật kín đáo, đến độ khó hiểu.

Tin Mừng Gioan cho biết Giuđa “là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung” (Ga 12, 6). Về việc phản bội Thầy, Tin Mừng Matthêu cho biết những chi tiết trước đó, nhưng kể lại: “Bấy giờ, một người trong Nhóm Mười Hai tên là Giuđa Ítcariốt, đi gặp các thượng tế mà nói: “Quý vị muốn cho tôi bao nhiêu? Tôi đây sẽ nộp ông ấy cho quý vị”. Họ quyết định cho hắn ba mươi đồng bạc. Từ lúc đó, hắn cố tìm dịp thuận tiện để nộp Ðức Giêsu” (Mt 26, 14-16).

Vậy thì, với sự phản bội của Phêrô và Giuđa, đâu là bài học cho chúng ta?

Thực tế là, chẳng có thể giảm nhẹ cảm giác tội lỗi của sự phản bội tày đình, nhưng điều đó có thể trở nên dễ hiểu hơn nếu chúng ta coi sự phản bội ấy là kết quả của sự thất bại dần dần từ những điều nhỏ nhặt hơn. Chẳng có gì ngạc nhiên khi Chúa Giêsu thường xuyên cảnh báo các môn đệ phải “trung tín trong việc nhỏ” (Lc 16, 10).

Từ những lỗi nhỏ, từ những sự bất trung ý muốn của Thiên Chúa, có thể dần vượt khỏi tầm kiểm soát để trở thành những tội lỗi lớn hơn. Nguy hiểm hơn nữa, có một loại kiêu ngạo cố chấp khi nghĩ rằng một tội lỗi là quá nhiều để Thiên Chúa có thể tha thứ. Chúa Giêsu đã nói đi nói lại rõ ràng rằng không có hành động nào nằm ngoài lòng thương xót của Thiên Chúa. Như Sách Giáo lý Công giáo xác định,

Lòng thương xót của Thiên Chúa không có giới hạn, nhưng ai cố tình từ chối đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa qua việc thống hối, thì người đó cũng khước từ ơn tha thứ tội lỗi cho mình và ơn cứu độ do Chúa Thánh Thần ban tặng. Sự cứng lòng như vậy có thể đưa tới chỗ không thống hối trong giờ sau hết và bị án phạt muôn đời. (GLCG số 1864)

Nơi Phêrô, vốn là người nóng nảy, bốc đồng nhưng cũng khiêm tốn và trung thành. Chính phẩm chất này đã cho phép Phêrô tiếp tục bắt đầu lại, bất kể mình đã sai phạm điều gì và như thế nào.

Sau khi chối Thầy, Phêrô khóc lóc thảm thiết và ăn năn về tội lỗi của mình. Khi Chúa phục sinh chào đón ông, chắc chắn ông ngạc nhiên vì mình không bị Thầy bỏ rơi, trách mắng, mà trái lại, được Thầy thấu hiểu, tha thứ, và được giao phó một sứ mạng lớn lao. “Hãy chăm sóc chiên của Thầy” (Ga 21, 17).

Nơi Giuđa Iscariot, khi nhìn thấy giá máu của một người vô tội, đó chính là Thầy, đã quá tuyệt vọng, không chịu để cho Chúa Kitô phục sinh nhân hậu tìm gặp, nên đã tự chọn cái chết bởi chính tay mình.

***

Một Phêrô với đầy khiếm khuyết, lỗi phạm, kể cả bất trung, nhưng:
– chưa bao giờ từ bỏ hoặc ngừng cố gắng làm tốt hơn vào lần sau;
– chưa bao giờ quá kiêu hãnh để ngừng cầu xin sự tha thứ;
– và chưa bao giờ cứng lòng để cho rằng tội lỗi của mình vượt quá khả năng tha thứ của Thiên Chúa,
đã trở thành một hình mẫu tuyệt vời, và là lời nhắc nhở về chân lý này một cách mạnh mẽ cho tất cả chúng ta.

Vì thực,
– Chúng ta có thể có những tính xấu, vụng về, thiếu sót, nhưng nếu tiếp tục cố gắng, để bắt đầu lại, thì với ơn sủng của Chúa, chúng ta cũng có thể đạt được những điều phi thường;
– Chúng ta có thể dao động trong niềm tin, nhưng nếu biết khiêm tốn nhìn nhận sự yếu đuối, chúng ta vẫn còn cơ hội để hoán cải và trở về với Chúa;
– Chúng ta có thể sai phạm, nhưng nếu xác tín được rằng, bao lâu còn sống là bấy lâu chúng ta còn có thể tin tưởng thay vì tuyệt vọng để phó mình cho lòng thương xót vô biên và vô tận của Thiên Chúa.

Và, trên tất cả, trong thân phận tội nhân, chúng ta vẫn có thể tự do để chọn lựa trở thành thánh nhân thay vì là “kẻ phản bội”!

Xin Thánh Phêrô cầu bầu cùng Chúa cho chúng con.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!