Phụng vụTư liệu Phụng vụ

LINH ĐẠO THÁNH THỂ

LINH ĐẠO THÁNH THỂ

 

Lời Phi Lộ – Tài liệu Mầu Nhiệm Thánh Thể trong đời sống Hội Thánh của các Giám mục Hoa Kỳ về Bí tích Thánh Thể là tài liệu nền tảng cho kế hoạch Phục hưng Thánh Thể của các ngài. Tiếc rằng rất ít người Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ biết đến tài liệu này. Trong loạt bài này chúng tôi cố gắng tóm lược các bài học rút ra từ tài liệu và từ các lớp online do Đức Cha Cozzens hướng dẫn để giúp độc giả hiểu sâu xa hơn về Bí tích Thánh Thể và sống Mầu Nhiệm Cao Quý này. Dươi đây là Bài Thứ Bảy. Trong bài này Đức Cha Cozzens giải thích cách tốt nhất để đáp lại Hồng Ân Thánh Thể.

 

Phaolô Phạm Xuân Khôi

 

Trong các bài trước chúng ta đã thấy ba cách mà Bí tích Thánh Thể đươc ban cho chúng ta như món quà: (1) Bí tích Thánh Thể hiện tại hoá Hy Lễ của Đức Kitô; (2) Trong Bí tích Thánh Thể, Đức Kitô Phục Sinh thật sự hiện diện với chúng ta để chúng ta có thể đến với Người và có liên hệ cá nhân với Người ngõ hầu được Người biến đổi; (3) Qua sự Hiệp Thông Thánh, chúng ta được hiệp thông với Thiên Chúa và Hội Thánh của Người.

Hôm nay chúng ta tiếp tục khám phá Tài Liệu Mầu nhiệm Thánh Thể trong đời sống Hội Thánh của các Giám Mục Hoa Kỳ và cách chúng ta đáp lại món quà này thế nào. Bài này giải thích việc chúng ta phải tạ ơn và thờ phượng ta sao cho đẹp lòng Thiên Chúa khi tham dự Thánh Lễ.

 

Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống Kitô hữu

 

Công Đồng Vaticanô II nhấn mạnh rằng “Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống Kitô hữu.”  Câu này làm nổi bật mối liên hệ sâu xa giữa mọi khía cạnh của đời sống Hội Thánh với Bí tích Thánh Thể. Bí tích chứa đựng toàn thể quyền năng thánh hóa của Hội Thánh, vì Thánh Thể là chính Đức Kitô, Chiên Vượt Qua và Bánh Hằng Sống của Thiên Chúa. Qua tác động của Chúa Thánh Thần, Bí tích Thánh Thể truyền sự sống và ân sủng, mời gọi các tín hữu dâng hiến chính mình, mọi công việc và mọi thụ tạo cùng với Đức Kitô trong Hy Tế Thánh Thể lên Chúa Cha.

Mọi hoạt động của Hội Thánh, kể cả việc cử hành các Bí tích và các việc tông đồ khác, đều liên quan mật thiết với Bí tích Thánh Thể. Mối liên hệ này làm nổi bật sứ vụ của Hội Thánh là lôi kéo toàn thể nhân loại đến với nguồn sống này.

 

Sống Linh Đạo Thánh Thể

 

Việc đáp lại hồng ân Thánh Thể bao hàm việc hiểu vai trò của Thánh Thể như tột đỉnh của đức tin Kitô giáo. Đó là đỉnh cao mà mọi hoạt động của Hội Thánh và của chúng ta đều hướng về, ở đó chúng được dâng lên Thiên Chúa và biến thành sự thờ phượng đích thực.

Nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng đi dự Thánh Lễ là để cầu xin hết ơn này đến ơn khác. Nhưng về bản chất, đó là một hành vi dâng hiến. Trọng tâm của việc đáp trả của chúng ta với Hồng Ân Thánh Thể là “kết hợp với Hy lễ của Đức Kitô để dâng hiến chính mình làm của lễ đẹp lòng Thiên Chúa” khi cử hành Thánh Lễ. Việc tích cực tham dự phụng vụ trở thành một thời gian học cách hiến dâng cả cuộc đời mình cho Thiên Chúa.

Thực ra, trước Công Đồng Vaticanô II, Đức Thánh Cha Piô XII đã dạy trong thông điệp Mediator Dei về phụng vụ rằng tất cả chúng ta nhờ Phép Rửa đều là tư tế vì chúng ta đã lãnh nhận dấu ấn Rửa Tội. Đó là một dấu ấn vĩnh viễn trong tâm hồn. Nhờ dấu ấn này mà chúng ta trở thành những tư tế có khả năng dâng hiến chính mình và biến cuộc đời mình thành của lễ giống như cuộc đời Đức Kitô để cứu rỗi thế gian. Đó chính là cách mà Đức Kitô sống chức tư tế của mình. Người đã biến cuộc đời của Người thành một Của Lễ cho chúng ta. Và chúng ta cũng được mời gọi để làm như thế. Tuy nhiên, Đức Kitô cũng tuyển chọn một số người làm Tư Tế thừa tác để hành động trong cương vị của Người trong Hội Thánh. Nhưng tất cả Kitô hữu đều được chia sẻ chức tư tế của Người.

Đây không phải là một sáng kiến mới lạ. Chính Thánh Phaolô đã dạy, “Tôi van nài anh em, vì lòng thương xót của Thiên Chúa, hãy hiến dâng thân xác anh em như một của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là sự thờ phượng thiêng liêng của anh em.” (Rom 12:1). Còn Thánh Phêrô đã nói thật rõ ràng, “Anh em hãy trở nên như những viên đá sống động, được dùng mà xây nên ngôi nhà thiêng liêng, một hàng tư tế thánh thiện, dâng những của lễ thiêng liêng vừa lòng Thiên Chúa, qua Ðức Giêsu Kitô.” (1 Pr 2:5).

 

Thái độ của Chúng ta khi Cử hành Thánh Lễ

 

Chúng ta tham dự vào chức tư tế của Đức Kitô cách hữu hiệu nhất khi cử hành Thánh Lễ. Đức Thánh Cha Benêđictô đã giải thích cách chi tiết về điều này trong thông điệp Sacramentum Caritatis (SC), được tóm lược ngắn gọn dưới đây.

Công Đồng Vatican II nhấn mạnh đến sự tham dự tích cực, có ý thức và hữu hiệu của Dân Chúa trong cử hành Thánh Thể. Việc canh tân phụng vụ đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc thực hiện ý muốn của Công Đồng. Tuy nhiên, đôi khi xảy ra hiểu lầm về ý nghĩa chính xác của việc tham dự. “Tham dự” không chỉ là hành động bề ngoài, mà cần hiểu sâu về mầu nhiệm và liên hệ với đời sống hàng ngày. Hiến chế Phụng Vụ Thánh khuyến khích các tín hữu tham dự vào phụng vụ Thánh Thể không phải “như những khách bàng quan, câm lặng”, mà như những người tham dự “hành động thánh một cách ý thức, thành kính và tích cực”. Trong Thánh Lễ, các tín hữu “được đào tạo bởi Lời Chúa, được bổ sức nơi bàn tiệc Mình Chúa; họ tạ ơn Chúa; và trong khi dâng lễ vật tinh tuyền, không những chỉ nhờ tay linh mục mà còn liên kết với ngài, họ tập dâng chính mình; và ngày qua ngày, nhờ Đức Kitô Đấng Trung Gian, họ được cuốn hút vào trong tình liên kết với Thiên Chúa và với nhau” (x, SC 52).

Vậy, đáp trả của chúng ta là học cách sống thờ phượng, tạ ơn và biến cuộc đời mình thành của lễ, ngõ hầu được hiệp thông với Thiên Chúa và và với nhau.

 

Kết Luận

 

Chúa Giêsu xuống thế không phải để cứu chúng ta khỏi đau khổ mà để cứu chúng ta khỏi tội lỗi là nguyên nhân gây ra đau khổ. Bí tích Thánh Thể là phương thuốc duy nhất để làm việc ấy nếu chúng ta biết hợp tác với ơn Chúa. Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn can đảm để từ bỏ tội lỗi và ơn hiểu biết để kết hợp những hy sinh hằng ngày của mình với Hy Sinh của Chúa Giêsu trên Thánh giá ngõ hầu biến cuộc đời mình thành một của lễ hy sinh đẹp lòng Thiên Chúa. Thánh Lễ là dịp để chúng ta cùng với Đức Kitô dâng những hy sinh ấy lên Chúa Cha như một hành vi thờ phương đích thực.

Khi chúng ta ý thức được điều này, những đau khổ của chúng ta không còn là những bất hạnh nữa, mà trở thành những của lễ tinh tuyền dâng lên Thiên Chúa trong Thánh Lễ. Và như thế, chúng ta được nếm trước Thiên Đàng nơi dương thế bất chấp những nghịch cảnh trong cuộc sống của chúng ta.

 

Câu Hỏi Để Suy Nghĩ

  1. Từ trước đến nay bạn tham dự Thánh Lễ với mục đích gì?
  2. Làm sao bạn có thể biến cuộc đời mình làm của lễ hy sinh đẹp lòng Thiên Chúa?

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!