Tầm quan trọng của âm nhạc và nền tảng Kinh thánh
Giorgio Ruffa
“Lạy ĐỨC CHÚA, xin Ngài thương cứu độ. Rồi chúng con sẽ ngày ngày xướng hoạ đàn ca trong nhà ĐỨC CHÚA, suốt cả cuộc đời” (Is 38,20).
“Hát lên mừng CHÚA một bài ca mới, tán tụng Người đi, từ cùng cõi địa cầu!” (Is 42, 10).
Tính khách quan của âm nhạc có khả năng làm phát sinh nơi chủ thể những phản ứng cụ thể, mà vào thời điểm đó nó được đặt với cái tên là Affetti, và chỉ có nghệ thuật này mới cho phép. Nhưng theo cách giải thích của Hegel, nguyên tắc chủ thể tính đã trở nên như một phần của tôn giáo. Như chúng ta đã biết, người Tin lành đã dựa vào chính nguyên tắc này. Do đó, theo Hegel, sự trao đổi khách thể-chủ thể này cho phép một sự tổng hợp tuyệt vời, giúp đưa ý thức chủ thể đến gần hơn với nguyên lý tuyệt đối của nó. Nói cách khác, âm nhạc là một trong những phương tiện được Thiên Chúa ban cho chúng ta để tôn vinh danh Ngài, để tích cực tham gia vào vẻ đẹp và sự hài hòa của việc sáng tạo. Thực vậy đã có lời chép rằng “Hỡi toàn thể chúng sinh, ca tụng CHÚA đi nào!” (Tv 150, 6).
Diễn tả đầu tiên về sức mạnh của âm nhạc có thể được rút ra từ sách Sử biên niên (5, 13-14), được trình bày như sau : “Họ thổi kèn và ca hát, cùng nhau cất tiếng tung hô và ngợi khen ĐỨC CHÚA. Họ cất tiếng hát cùng với tiếng kèn, tiếng não bạt và các nhạc cụ khác, để tung hô ĐỨC CHÚA, “vì Chúa nhân từ, vì muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”. Vậy khi các tư tế ra khỏi Cung Thánh, thì có đám mây toả đầy Đền Thờ ĐỨC CHÚA. Các tư tế không thể tiếp tục thi hành nhiệm vụ được vì đám mây. Quả thật, vinh quang ĐỨC CHÚA đã tràn ngập Đền Thờ của Thiên Chúa”.
Từ đoạn vừa đọc trên chúng ta thấy xuất hiện một nét đặc thù trong Kinh thánh : Âm thanh thường được nối kết với sức mạnh của Thiên Chúa. Một biểu tượng giữa mọi biểu tượng, không cần phải bình luận, đó là âm thanh ra trận của kèn Trumpet. Chúng ta thấy nhạc cụ này xuất hiện qua những đoạn thánh kinh sau: Xuất hành 19,13; 19,16; 19,19; 20,18; Lêvi 25,9; Dân số 10,4; Giôsuê 6,5; 6,20; Thẩm phán 3,27; 6,34; 7,16; 7,18; 1Samuel 13,3; 2Samuel 2,28; 6,15; 15,10; 18,16; 20,1; 20,22; 1Vua 1,34; 1,39; 1,41; Nêhêmia 4,18; 4,20; Gióp 39,24; Thánh vịnh 47,5; 81,3; 150,3; Isaia 18,3; 27,13; 58,1; Giêrêmia 4,5; 4,19; 4,21; 6,1; 6,17; 42,14; 51,27; Êzêkien 7,14; 33,3-6; Hôsê 5,8; 8,1; Gioel 2,1; 2,15; Amos 2,2; 3,6; Sôphônia 1,16; Zacaria 9,14; Matthêu 6,2; 24,31; 1Côrintô 14,8; 15,52; Do thái 12,19; Khải huyền 1,10; 4,1; 8,13; 9,14.
Những đoạn đề cập đến việc ca ngợi Thiên Chúa có rất nhiều trong bộ Thánh vịnh. Liệt kê ở đây một danh sách, không phải là tất cả, nhưng hy vọng có thể giúp ích cho những ai muốn tham chiếu: Xuất hành 15,1; 15,21; 32,18; Dân số 21,17; Thẩm phán 5,3; 1Samuel 21,11; 2Samuel 22,50; 1Sử biên niên 16,9; 16,23; 16,33; 2Sử biên niên 20,22; 23,13; 29,30; Gióp 29,13; Thánh vịnh 7,17; 9,2; 9,11; 13,6; 18,49;21,13; 27,6; 30,4; 30,12; 33,2-3; 47,6-7; 51,14; 57,7; 57,9; 59,16-17; 61,8; 65,13; 66,2; 66,4; 67,4; 68,4; 68,32; 71,22-23; 75,9; 81,1; 89,1; 92,1; 95,1; 96,1,2; 98,1,4,5; 101,1; 104,12, 33; 105,2; 108,1, 3; 135,3; 137,3,4; 138,1,5; 144,9; 145,7; 146,2; 147,1,7; 149,1,3,5; Châm ngôn 29,6; Isaia 5,1; 12,5; 24,14; 26,19; 27,2; 35,6; 38,20; 42,10; 42,11; 44,23; 49,13; 52,8; 52,9; 65,14; 20,13; Giêrêmia 31,7,12; 51,48; Êzêkien 27,25; Hôsê 2,15; Sôphônia 3,14; Zacaria 2,10; Rôma 15,9; 1Côrintô 14,15; Do Thái 2,12; Giacôbê 5,13; Khải huyền 15,3.
Một số người lưu ý rằng trong sách Đanien 3,10.15 âm nhạc trở thành công cụ cho việc tôn thờ ngẫu tượng. Sự quyến rũ đầy nguy hiểm của âm nhạc được thánh Augustinô, Luther, Calvin và một số người khác cảnh báo trước. Mỗi người có mỗi phản ứng khác nhau: ác cảm nổi tiếng ban đầu đối với đàn organ của Luther, lệnh cấm âm nhạc của Calvin…., Tuy nhiên, tất cả đều phải chấp nhận bằng chứng hiển nhiên : Âm nhạc cũng như bất kỳ phương tiện nào của sự sáng tạo tự nó không có gì nguy hiểm, nhưng vấn đề là nó được sử dụng như thế nào. Luther khẳng định rằng : Giới trẻ cần phải thay thế các bài hát thô tục của họ, và thay vào đó là học những bài hát mang tính giáo dục và học cách tiếp cận những điều tốt đẹp phù hợp với họ. Vấn đề thực sự ở đây, như đã nói, âm nhạc không phải là như vậy, nhưng đó là quà tặng của Thiên Chúa vì vậy nên đi kèm với các bản văn phù hợp với đặc quyền này. Cho nên âm nhạc chỉ để làm vinh danh Thiên Chúa.
Trong lĩnh vực cải cách, sau này, Martin Luther đã coi âm nhạc là một hình thức diễn đạt tôn giáo có tầm quan trọng to lớn về mặt giáo lý. Đối với nhà cải cách, cũng như đối với Thánh Augustinô, hát là cầu nguyện hai lần. Bài ca cho phép qui tụ các tín hữu, những người mà thời đó hầu hết là thất học, dễ dàng tìm hiểu các chủ đề đức tin kitô giáo, vì lúc bấy giờ ca từ của Lieder bằng tiếng Đức. Muốn thực hiện một so sánh, cả hai đều thực hiện chức năng tương tự, nhưng với mục đích và khái niệm thần học khác biệt, giống như những bức tranh khảm và tranh vẽ bên trong các nhà thờ Công giáo. Hơn nữa, âm nhạc, trong bản chất của nó, đã tạo nên sự liên đới (Koiné) sâu sắc giữa cộng đoàn các tín hữu.
Giờ đây chúng ta xem thử các nhà cải cách nói gì về tầm quan trọng của âm nhạc: Âm nhạc phần nào đó như một kỷ luật giúp con người thêm nhẫn nại và dịu dàng, giản dị và biết điều hơn. Người khinh miệt nó, hành động như những kẻ cuồng tín, thì không thể đồng ý về quan điểm này. Âm nhạc là quà tặng của Thiên Chúa chứ không phải của con người. Âm nhạc xua đuổi điều xấu xa và đem lại hạnh phúc. Nhờ âm nhạc mà người ta quên đi mệt nhọc và tất cả mọi tật xấu. Cho nên âm nhạc hoàn toàn làm cho chúng ta tin vào điều mà tôi nói và không có bất cứ nỗi lo sợ nào khi nói về nó. Xét về quan điểm thần học thì không có nghệ thuật nào có thể tồn tại như âm nhạc […] Âm nhạc tuyệt đối cần phải bảo tồn trong các trường học […] cần tập cho những người trẻ có thói quen về nghệ thuật này […]. Ca hát là nghệ thuật tuyệt vời và sự rèn luyện đúng đắn […] Ai biết ca hát thì không bỏ cuộc, không bất mãn và không buồn rầu. Âm nhạc thì vui tươi và xua tan các mối lo bằng những bài ca (Thư gửi cho các nhạc sĩ, 1530).
Nhưng ngay cả trước Luther, một đồ đệ thuộc trường phái Augustinô nói về bài thánh ca được thánh Augustinô ca ngợi: “Tôi cảm thấy linh hồn của chúng tôi bay lên trong ngọn lửa thương xót với nhiệt tâm và lòng sùng mến lớn lao đối với những lời ca thánh thiện, khi chúng đi kèm với bài ca, và tất cả những cảm xúc khác nhau trong tâm hồn tìm thấy nơi bài ca nét diễn đạt của riêng nó, làm thức tỉnh các linh hồn (Tự thú, lib. X, c. 33).
Luther đã thực hiện dự án của mình, chỉ làm Vinh Danh Thiên Chúa, qua hợp xướng: một hình thức hát đơn giản nhưng diễn cảm. Tên gọi “hợp xướng” là một tính từ được sử dụng như danh từ có nguồn gốc từ chữ «cantus choralis», tức là một giai điệu, thường là đồng âm, ban đầu được thực hiện bằng đồng giọng mà không có nhạc đệm.
Theo dòng ký ức, chúng ta tóm lược cách ngắn gọn nguồn gốc và ý nghĩa của hợp xướng trong phụng vụ Tin lành. Các bản hợp xướng, không giống như các bài thánh ca Công giáo, không được viết bằng tiếng Latinh, điều này nhằm khuyến khích sự tham gia tối đa của các tín hữu. Vua Louis II (855-875) phàn nàn về sự tham gia ít ỏi của cộng đoàn tín hữu trong thánh lễ; trong “Capitula Ecclesiastica” (năm 856), ông đã nói: Tertium intimandum, ut ad salutationes sacerdotales congrue responsiones discantur, ubi non solum clerici et Deo dicatae sacerdoti responsionem offerant, sed omnis plebes devota consona voce respondere debet. [Điểm thứ ba cần nói là, hãy học cách đáp lại lời chào của linh mục một cách thích hợp, ở đây không phải chỉ các giáo sĩ và những người tận hiến cho Chúa mới đáp lại linh mục, mà cả cộng đoàn tín hữu nên đồng thanh đáp lại].
Từ góc độ âm nhạc, bài ca phụng vụ này ban đầu là đơn âm, mặc dù được hát bằng nhiều giọng: tối đa là có một vox organalis, chuyển động song song, một quãng 4 hoặc 5[1]. Nó bắt nguồn từ phụng vụ “secundum uso romanum” được hát theo cách dùng giai điệu, tức là bằng concentus, đối lại “accentus”, cách hát gần giống với kiểu hát nói – ngâm tụng. Dựa theo sự tiến bộ của kỹ thuật âm nhạc, hợp xướng phát triển thành nhiều hình thức khác nhau: đơn âm, đa âm dạng motet và dạng hòa âm. Nhiều bài hát bằng tiếng địa phương, từ bài của Minnesänger đến bài sám hối và thậm chí cả những bài quân sự, sau này đã trở thành hợp xướng. Do đó, nguồn gốc của hợp xướng này có từ rất lâu trước sự cải cách. Ở dạng hoàn chỉnh, chúng ta có các bản Lied bắt đầu từ thế kỷ XI. Sự phát triển sôi động của những bài hát tôn giáo trong giai đoạn này được minh chứng, một cách gián tiếp, qua các lệnh cấm khác nhau của Giáo hội, được ban hành bởi các hội nghị công giáo Basilê (1435) và Eichstatt (1446), qua các thượng hội đồng ở Praha (1406) và Schwerin (1492). Trong thực tế, hình thức duy nhất của bài ca phụng vụ được chấp nhận là thánh ca Latin-Gregoriano.
Vì vậy, Luther không làm gì, hầu như không có phát minh gì trong việc tổ chức phụng vụ mới, có thể ông đã dựa trên một truyền thống đã được phổ biến trong dân chúng; có lẽ đó là con đường trực tiếp mau thấy nhất, và thậm chí ông cũng không nghĩ ra rằng mọi người có thể hát được thánh ca Grêgôriô khó. Nói về việc soạn thảo, hợp xướng và tuyển tập thánh ca (Gesangbücher) vào lúc này, từ phía Luther nói riêng hoặc của Giáo hội Tin lành nói chung, không nằm trong ý định của bài viết này. Chúng ta chỉ nói thêm là hình thức hợp xướng đã đạt đến đỉnh huy hoàng nhất của nó nhờ một trong những nghệ sĩ nổi tiếng của mọi thời đại là : Johann Sebastian Bach (1685- 1750).
Để kết thúc, chúng tôi muốn tóm kết tư tưởng của thánh Tôma Aquinô về đề tài này, ngay cả khi nó không hoàn toàn thuộc bối cảnh của chúng ta, chỉ vì nó theo sát thánh Augustinô. Trong Tổng Luận Thần Học (IIa IIae, q.91, a.2), Thánh Tôma đưa ra thắc mắc rằng liệu việc dâng lời ca tụng Thiên Chúa có cần thiết phải hát không. Câu trả lời bắt đầu từ tiền đề là mục đích của con người là yêu mến Thiên Chúa. Ngài nói rằng thật chính đáng khi dùng mọi thứ có thể để giúp chúng ta củng cố tình yêu này. Ca hát hay âm nhạc là phương tiện phù hợp nhất, bởi vì, trong phạm trù cảm xúc, sự sáng tạo thiêng liêng thì hướng về cái thiêng liêng nhất. Hơn nữa, tất cả những gì được Thiên Chúa tạo nên đều được chuẩn bị cho vinh danh Ngài, vì mọi thứ được tạo ra không vì sự cần thiết mà vì chính Chúa (propter se ipsum). Tôi muốn thêm vào đây thánh vịnh 150 để khép lại chủ đề này :
Halêluia!
Ca tụng Chúa đi, trong đền thánh Chúa,
ca tụng Người chốn cao thẳm uy linh.
Ca tụng Chúa vì công trình hùng vĩ,
ca tụng Người lẫm liệt uy phong.
Ca tụng Chúa đi, rập theo tiếng tù và,
ca tụng Người, hoạ tiếng cầm tiếng sắt.
Ca tụng Chúa, bằng vũ điệu trống đưa,
ca tụng Người, theo cung đàn nhịp sáo.
Ca tụng Chúa đi, với chũm choẹ vang rền,
ca tụng Người cùng thanh la inh ỏi.
Hỡi toàn thể chúng sinh, ca tụng CHÚA đi nào!
Halêluia!
————————————–
[1] ND: Khởi đầu của đối âm là một hình thức rất đơn giản, được gọi là organum[1], có hai bè : vox principalis (dòng ca chính), người ta hát cantus firmus, tức là giai điệu bình ca và vox organalis (o organum); sau khi bắt đầu bằng đồng giọng, người ta thêm vào một quãng 4 hoặc 5 (đôi khi trên một quãng tám) song song với giọng chính, nốt đối nốt (punctum contra punctum, từ đó phát sinh ra từ đối âm). Và kết thúc bằng việc trở lại đồng giọng.
https://www.tempodiriforma.it/Salterio/teoriasalmi/importanzamusica.pdf
Tác giả bài viết: Lm Võ Tá Hoàng chuyển ngữ