MỘT THOÁNG NGHĨ VỀ VAI TRÒ TÔNG ĐỒ GIÁO DÂN CỦA NGƯỜI TU XUẤT
Ngày 21 tháng 4 năm 2020, tức là cách đây hơn một năm, trên trang báo online Đồng Hành, trong bài viết có tựa đề: “Tu xuất, người là ai?” linh mục An-rê Đỗ Xuân Quế, OP đã chia sẻ như sau:
Rời bỏ đời tu trở về đời thường, họ (những người xuất tu – NV) đã thành những giáo dân có học thức, có trình độ và thành công trong nhiều ngành nghề. Giáo dân thường gọi họ là người tu xuất. Họ là những bác sĩ, kỹ sư, giáo sư, nhà văn, nhạc sĩ, doanh nhân…Việc chia tay đời tu là một quyết định và một lựa chọn cam go đối với người trong cuộc. Tôi gọi những người chuyển hướng đời tu là những kẻ đổi đời. Những kẻ đổi đời được nói tới ở đây là những người trước kia sống trong đời tu, nay về đời thường sống như những người khác. [[1]]
- Tu xuất, bạn là ai?
Cụm từ “Tu xuất” hay “Tu ra” xưa nay được dùng để chỉ những giáo dân từng tu học ít nhiều năm tại các chủng viện, dòng tu, học viện hay đệ tử viện, nhưng vì lý do nào đó bây giờ không còn tu nữa, họ trở về đời sống giáo dân bình thường. Hiện nay, để tránh dư âm của một thời thành kiến về giới tu xuất, thay vì gọi ông bà, anh chị tu xuất, thì người ta nhắc đến những giáo dân tu ra đó là những cựu chủng sinh, cựu tu sĩ (nam-nữ), cựu đệ tử…
Chúng ta biết rằng, ơn gọi càng đông thì con số xuất tu cũng gia tăng. Đó được xem như một quy luật bình thường, tự nhiên. Vì, xưa nay vẫn nói “Gọi thì nhiều, chọn thì ít”. Khi xưa, một lớp vào chủng viện 120 chủng sinh, khi ra trường chỉ còn lại chừng 20. Như vậy, số 100 không bền đỗ sẽ “ra đi” không hẹn ngày trở lại! Nhưng, đi ra để vào đời, làm giáo dân sống chứng tá Tin Mừng trong lòng Giáo hội và xã hội.
Ngày xưa, vị nào tu xuất, do có trình độ học vấn cao, được đào tạo bài bản, nên thường có địa vị và nghề nghiệp ổn định và vững chắc trong cuộc sống đời thường. Nhiều vị nổi tiếng trong các lãnh vực văn hóa, nghệ thuật, âm nhạc, như trường hợp nhạc sư Hải Linh (1920–1988), nhạc sĩ Hùng Lân (1922–1986), nhà văn Công Giáo Phạm Đình Khiêm (1920-2013) hay học giả Hoàng Xuân Việt (1930–2014) vv.
Tuy nhiên, đa phần giới tu xuất vẫn là những người âm thầm phục vụ gia đình, xã hội và Giáo hội một cách đáng ghi nhận. Đúng như những nhận định sau đây của LM Đỗ Xuân Quế trong bài viết đã dẫn trên:
Nhiều người trong số họ tích cực giúp các cha xứ trong các họ đạo khi nhận các chức vụ trong ban điều hành, làm giáo lý viên, phụ trách ca đoàn, làm truyền thông, viết bài trong nội san…
Với vốn liếng thần học, Kinh Thánh và các bộ môn liên quan họ đã nhận được trong thời gian ở chủng viện hay tu viện, cộng thêm kiến thức trong các ngành nghề chuyên môn, họ đã trở thành những giáo dân trưởng thành, có học thức, được người bên ngoài kính nể.
Chính họ ở giữa đời, phải đương đầu với đời và dám mạnh dạn đứng ra bênh đạo và phi bác những luận điệu vô căn cứ bêu riếu đạo. Họ làm việc trong xã hội nhưng không quên đóng góp phần mình cho Giáo hội, bằng một nếp sống chân chính để làm chứng cho Chúa và cho đạo.
Nhiều người trong họ đã không quên những năm tháng được ăn học và tu luyện trong các chủng viện hay tu viện mà tìm cách đền ơn bằng nhiều hình thức. Họ không ngần ngại nhận rằng ngày nay mình được như thế này một phần cũng là do công ơn của Giáo hội.
Có thể nói họ là một thứ nguồn vốn và tài lực tinh thần cho Giáo hội khai thác. Giáo hội có thể khai thác họ và chắc chắn họ sẽ sẵn sàng đóng góp cho Giáo hội, nếu các vị trong giáo quyền cần đến và kêu gọi họ.
Ngày nay Giáo hội đề cao vai trò của giáo dân và kêu gọi giáo dân tham gia vào các hoạt động của Giáo hội. Dám ước mong các vị trong giáo quyền lưu tâm đến vốn quý này là các người đi tu ra, kêu gọi họ đem khả năng của mình để làm việc cho Giáo hội.
Còn về phía họ, cũng ước mong họ tổ chức thành các hội ái hữu, câu lạc bộ hay hội cựu chủng sinh như Hội Cựu chủng sinh Kon Tum để sinh hoạt với nhau, duy trì ảnh hưởng tốt của đời tu mình đã nhận được và nhân rộng lên để phục vụ Giáo hội và xã hội.
Có thể nói, ngày nay giới tu xuất không còn mang mặc cảm là những người đã từng “ăn cơm nhà Đức Chúa Lời nhưng vì lý do gì đó mất ơn Chúa, đã không bền đỗ đến cùng!…”. Chẳng những họ không tự ty mặc cảm, mà trái lại họ hiên ngang “vào đời”. Nhiều địa phương, trong và ngoài nước, giới tu ra tình nguyện thành lập nhóm/ hội cựu chủng sinh, cựu tu sĩ hay cựu đệ tử. Họ có cả một chương trình hoạt động riêng, làm sao để giữ được tình huynh đệ gắn bó như xưa và nhất là thúc đẩy nhau sống “tốt đời đẹp đạo”, cùng nhau là những tấm gương tỏa sáng giữa đời thường.
- Tu xuất: những tấm gương tông đồ giáo dân toả sáng giữa đời thường
Khi bước chân vào đời, người tu xuất được mệnh danh là những giáo dân cựu chủng sinh (hay cựu tu sĩ). Họ sẽ sống ơn gọi giáo dân như bao người giáo dân khác.
Công đồng Va-ti-ca-nô II đã khẳng định: “Danh hiệu giáo dân ở đây được hiểu là tất cả những Kitô-hữu không thuộc hàng giáo sĩ và bậc tu trì được Giáo Hội công nhận. Nghĩa là những Kitô-hữu đã được tháp nhập vào thân thể Chúa Kitô nhờ phép thánh tẩy, đã trở nên Dân Thiên Chúa, và tham dự vào chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Chúa Kitô theo cách thức của họ ; họ là những người đang thực hiện sứ mệnh của toàn dân Kitô-giáo trong Giáo Hội và trên trần gian theo phận vụ riêng của mình.” (CĐ. Vat. II, Hiến chế Tín lý về Giáo Hội số 31; GLHTCG số 897) [[2]]
ĐTC Pi-ô XII cũng đã nêu rõ: “Các tín hữu, và chính xác hơn, các giáo dân, có mặt ở hàng ngũ tiền phong trong đời sống Giáo Hội ; nhờ họ, Giáo Hội trở thành nguyên lý sống động của xã hội nhân loại. Chính vì thế, họ là những người trước hết phải có một ý thức luôn luôn sáng suốt hơn rằng không những mình thuộc về Giáo Hội, mà còn là Giáo Hội, tức là cộng đồng tín hữu trên trần gian, dưới sự lãnh đạo của một vị thủ lãnh chung là Đức Giáo hoàng, và các vị Giám mục hiệp thông với ngài. Họ là Giáo Hội” (Đức Piô XII, Diễn từ đọc trước các tân Hồng y ngày 20/02/1946; GLHTCG số 899) [[3]]
Một cách thực tế, chúng ta có thể ghi nhận như thế này, “Giáo dân không phải Ki-tô hữu hạng hai, vì họ cùng được tham dự chức tư tế của Chúa Ki-tô là chức tư tế chung của người đã được rửa tội. Họ lo giúp những người chung quanh mình (trường học, gia đình, nghề nghiệp) học biết Tin Mừng và yêu mến Chúa Ki-tô. Họ làm cho xã hội, kinh tế, chính trị… được thấm nhuần đức tin. Họ tham gia đời sống Hội thánh bằng thi hành chức vụ thừa tác viên, bằng sinh hoạt nhóm, tham gia các ban bệ và tổ chức của Hội thánh, như Hội đồng giáo xứ, Hội đồng mục vụ vv… Đặc biệt người trẻ phải nghiêm chỉnh suy nghĩ đến địa vị mà Thiên Chúa muốn họ phải đảm nhiệm trong Hội thánh” [[4]]
Với ơn gọi làm tín hữu giáo dân trong cộng đoàn Dân Chúa, chúng ta, những cựu chủng sinh, cũng có một vai trò quan trọng và sứ mệnh hết sức đặc biệt, như Công đồng Vat. II đã chỉ rõ: “Giáo dân được đặc biệt kêu mời làm cho Giáo hội hiện diện và hoạt động nơi mà trong những hoàn cảnh mà nếu không có họ thì Giáo hội sẽ không trở thành muối của trần gian…”; và “Nhiệm vụ cao cả của mọi giáo dân là làm cho ý định cứu độ của Thiên Chúa ngày càng lan tới tất cả mọi người ở mọi nơi và mọi thời đại.” (x. Vat.II LG 33).
Có thể liệt kê 3 nhiệm vụ chính yếu mà bất kỳ người tín hữu giáo dân nào cũng phải ý thức và chu toàn. Đó là: a- Nên thánh giữa đời; b- Làm chứng nhân Tin Mừng Chúa Ki-tô trong trần gian; c- Tham gia vào công cuộc cứu độ của Hội thánh thông qua công việc tông đồ giáo dân.
Bổn phận nên thánh.
Nên thánh là bổn phận căn cốt nhất của tất cả mọi người Ki-tô hữu dù ở đấng bậc nào, bởi vì họ là phần tử của Hội thánh, là dân được thánh hiến của Thiên Chúa. Mặt khác, vì là những người được tuyển chọn, họ phải là thánh trước khi lãnh nhiệm vụ giúp cho người khác trở nên thánh. Chính Chúa Giê-su cũng đòi hỏi các môn đệ của Chúa nên giống Ngài và phải trở thành men, muối, ánh sáng cho đời (x. Mt 5, 13-16).
Trong Tông Huấn “Gaudete et Exsultate” về Ơn gọi nên thánh trong thế giới ngày nay, ĐTC Phan-xi-cô đã viết như sau: “Ðể nên thánh không buộc phải là một giám mục, một linh mục hay một tu sĩ. Chúng ta thường bị cám dỗ để nghĩ rằng sự thánh thiện chỉ dành cho những ai có thể rút lui khỏi công việc bình thường để dành nhiều thời gian cầu nguyện. Trường hợp đó không đúng. Tất cả chúng ta đều được mời gọi nên thánh bằng cách sống cuộc đời với tình yêu và bằng cách làm chứng trong mọi công việc mình làm, ở bất cứ nơi nào mình sống. Anh chị em được mời gọi đến đời sống thánh hiến ư? Hãy nên thánh bằng cách sống quyết tâm của mình với niềm vui. Anh chị em đã kết hôn ư?Hãy nên thánh bằng cách yêu thương và chăm sóc cho chồng hay vợ mình, như Đức Kitô chăm sóc cho Hội Thánh. Anh chị em làm việc để kiếm sống ư? Hãy nên thánh bằng cách làm việc với sự liêm chính và kỹ năng trong khi phục vụ anh chị em mình. Anh chị em là cha mẹ hoặc ông bà ư? Hãy nên thánh bằng cách kiên nhẫn dạy dỗ trẻ nhỏ cách theo Chúa Giêsu. Anh chị em ở địa vị thẩm quyền ư? Hãy nên thánh bằng cách làm việc cho công ích và từ bỏ lợi ích cá nhân” (Số 14).
Làm chứng nhân Tin Mừng Đức Ki-tô trong trần gian
ĐTC Phao-lô VI đã nói: “Ngày nay người ta tin vào các chứng nhân hơn là thầy dạy”. Điều đó có nghĩa là Ki-tô hữu không chỉ rao giảng Tin Mừng bằng lời nói suông, mà còn phải làm chứng tá cho những những điều mình giảng và dạy bằng chính đời sống của mình. Cụ thể là chúng ta phải làm chứng bằng đức tin và đức ái. Đây là nét đặc trưng của công cuộc truyền giáo.
Thực vậy, truyền giáo bằng đời sống chứng tá là hình thức truyền giáo được xếp ưu tiên hàng đầu và là căn cơ nhất. Chia sẻ về đường lối truyền giáo bằng chứng tá đời sống, một tác giả đã nhấn mạnh: “Con người thời nay tin vào các chứng nhân hơn là các thầy dạy. Tin vào kinh nghiệm hơn là đạo lý, tin vào đời sống và các sự kiện hơn là các lý thuyết. Hình thức đầu tiên của việc truyền giáo là chứng tá đời sống Ki–tô hữu; hình thức này là điều không thể thay thế được. Chúa Ki-tô, Đấng mà chúng ta đang tiếp tục sứ mạng của Người, là ‘Vị Chứng Nhân’ tuyệt hảo (Kh 1,5 ; 3,14) và là khuôn mẫu cho chứng tá Ki-tô giáo. Chúa Thánh Thần đang đồng hành với Giáo hội trên bước đường của Giáo hội, đồng thời liên kết Giáo hội với lời chứng của người về Chúa Ki-tô (Ga 15, 26-27)” [[5]]
Chúng ta cũng lưu ý là một trong những cách thức hiệu quả nhất của việc truyền giáo bằng đời sống chứng tá, đó chính là nêu gương đời sống bác ái, “Truyền giáo bằng những việc làm cụ thể, bằng chính đời sống bác ái của mỗi người chúng ta. Chúng ta đến thăm viếng những người già, người nghèo, người đau khổ, người bị bỏ rơi trong xã hội. Chúng ta giúp đỡ họ, an ủi họ. Qua những việc làm cụ thể, họ nhận ra chúng ta là môn đệ Chúa Kitô. Bởi vì, lời nói lung lay, gương lành lôi cuốn. Những hành vi bác ái cụ thể là những bài giảng hùng hồn nhất về Thiên Chúa. Đây là cách thức truyền giáo hiệu quả nhất.” [[6]]
Tham gia vào công cuộc cứu độ của Hội thánh
Cách đây hơn 50 năm, Công Đồng Vat.II đã chỉ rõ: “Nhiệm vụ cao cả của mọi giáo dân là làm cho ý định cứu độ của Thiên Chúa ngày càng lan tới tất cả mọi người ở mọi nơi và mọi thời đại. Vì thế, khắp nơi phải mở đường cho họ tích cực tham gia vào công cuộc cứu độ của Giáo hội, tùy sức lực của họ và tùy nhu cầu của thời đại” (x.Vat.II, LG 33).
Vậy rõ ràng là người tín hữu không chỉ lo có đạo, giữ đạo cho riêng mình mà họ còn có nghĩa vụ và bổn phận “tham gia vào công cuộc cứu độ của Giáo Hội” nữa. Và khi tham gia như thế họ không chỉ “làm giáo dân” mà còn là “người tông đồ, là nhà truyền giáo, là sứ giả Tin Mừng Đức Ki-tô” nữa… Mặt khác, Hội thánh cũng đã từng khẳng định: “Tất cả các phần tử của Hội thánh mỗi người một cách đều được sai đi. ‘Ơn gọi Ki tô hữu tự bản chất cũng là ơn gọi làm tông đồ’. Mọi hoạt động của Nhiệm Thể nhằm làm cho Nước Đức Kitô rộng mở trên khắp hoàn cầu được gọi là ‘việc tông đồ’ ” (x. Giáo lý Hội thánh CG, số 863).
Có thể nói rằng mỗi người giáo dân chúng ta đều mang trong mình căn tính của một tông đồ, nghĩa là khi lãnh nhận bí tích thánh tẩy, ta được tháp nhập vào Nhiệm thể Chúa Ki-tô, đồng thời mang lấy sứ mệnh của người được sai đi. Vai trò và nhiệm vụ của ta đã được Sắc lệnh Tông đồ Giáo dân (SLTĐGD) năm 1965 minh định như sau:
“Vậy việc tông đồ của Giáo Hội và của tất cả các chi thể trong Giáo Hội trước hết nhằm loan báo sứ điệp của Chúa Kitô bằng lời nói, việc làm và nhằm chuyển thông ân sủng của Người cho trần gian. Công việc này được thực hiện chính là do tác vụ giảng lời Chúa và ban các bí tích, đặc biệt được trao phó cho hàng giáo sĩ, trong tác vụ đó, cả giáo dân cũng phải hoàn tất phần quan trọng của mình để trở nên “những kẻ hợp tác với chân lý” (3 Gio 8). Nhất là trong lãnh vực này, việc tông đồ giáo dân và tác vụ chủ chăn bổ túc cho nhau” (x. SLTĐGD số 6).
Vậy có thể khẳng định một lần nữa là người Kitô hữu không chỉ có nghĩa vụ làm giáo dân mà còn là tông đồ được Chúa sai đến mọi người, mọi nơi để loan báo Tin Mừng, để làm chứng nhân cho Chúa Kitô chết và sống lại, để làm cho nhiều người được biết và yêu mến Chúa. Đó là nhiệm vụ Truyền Giáo. Như lời thánh Phao-lô nhắc nhở các tín hữu: “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1Cor 9,16).
Từ những nhận thức trên, chúng ta có thể khẳng định một điều là không có người giáo dân làm tông đồ thì Hội thánh khó hoàn thành nhiệm vụ truyền giáo và cứu rỗi của mình. Chính vì lý do đó, Công đồng Vat.II đã khẳng định rõ ràng: “Giáo dân được đặc biệt kêu mời làm cho Giáo hội hiện diện và hoạt động nơi mà trong những hoàn cảnh mà nếu không có họ thì Giáo hội sẽ không trở thành muối của trần gian…”, và “Nhiệm vụ cao cả của mọi giáo dân là làm cho ý định cứu độ của Thiên Chúa ngày càng lan tới tất cả mọi người ở mọi nơi và mọi thời đại” (x. Vat.II LG 33) ./.
Aug. Trần Cao Khải
[[1]] https://donghanhonline.com/tu-xuat-nguoi-la-ai/
[[2]] Nguồn: simonhoadalat.com
[[3]] Nguồn: simonhoadalat.com
[[4]] Bài “Ơn gọi của giáo dân là gì?” (nguồn: giaoxuchinhtoadanang.org)
[[6]] LM Nguyễn Văn Hương, bài “Truyền giáo, sứ mạng chính yếu của người Ki-tô hữu” (Nguồn: daichungvienvinhthanh.com)