Chúng tôi và đồng nghiệp hiện đang bị đẩy vào một chương trình cải cách rối như ma trận, trong thế bị động, giáo viên hoang mang, nhiều môn người dạy còn đang phải tự mò mẫm tìm hướng đi thì chuyến tàu cải cách chở nhiều nghìn tỉ đồng đã sầm sập chạy. Để khỏi lỡ chuyến, người trong cuộc đành tự thổi phồng mình lên, lấp tạm vào những lỗ hổng của chương trình mới do cải cách giáo dục tạo ra.
Theo chúng tôi, có 7 lỗ hổng sau :
1. Một chương trình – nhiều bộ sách.
Mục đích của việc ban hành nhiều bộ sách là tạo ra sự đa thanh, đa sắc, đa cực, cho người dạy và người học được phát huy hết quyền và khả năng của mình. Nhưng đáng tiếc, không hiểu do nguyên nhân gì mà đằng sau mục tiêu tốt đẹp ấy, một cái chợ trong ngành giáo dục hình thành, sách thành miếng mồi béo bở cho cả một hệ thống ăn theo. Cuộc chiến thương mại bắt đầu từ khâu viết sách, thẩm định, duyệt sách, chọn sách… Trên lí thuyết là giáo viên được quyền chọn sách giáo khoa để dạy, nhưng sách gửi về cho giáo viên đọc chỉ là các file hình ảnh kèm lời gợi ý của cấp trên là chọn bộ nào… Và thực tế, nếu giáo viên có chọn bộ khác thì dạy bộ sách nào lại do cấp có thẩm quyền nào đó duyệt. Được chọn sách để dạy thành lí thuyết suông.
Không những thế, các bộ sách không triển khai chương trình đồng nhất, thậm chí có nhiều sự khác biệt về nội dung, cấu trúc. Có bộ môn, như Toán 7, cùng một nội dung nhưng sách “Cánh diều” dạy ở kì I mà sách “Kết nối tri thức” lại thiết kế ở kì II. Kiểu loạn sách giáo khoa này làm khó, thậm chí là đánh đố cho những em học sinh không may phải chuyển trường (chỉ nói trong phạm vi trong tỉnh) khi vừa phải mua cả bộ sách mới vừa phải học lại từ đầu. Chưa nói đến việc cùng một địa phương nhưng các trường sử dụng các bộ sách khác nhau sẽ khó cho việc ra đề thi chung, vất vả cho cả người dạy lẫn người học – những vất vả không đáng có và không đem lại ích lợi gì.
2. Những cuộc “cưỡng hôn” phản khoa học.
Môn “Khoa học tự nhiên” là “bình mới” nhưng “rượu cũ” vì người ta có sáng kiến tích hợp đem ghép ba môn Lý, Hóa, Sinh vào chung một cuốn sách, nội dung của từng môn được sắp xếp theo cấu trúc vài chương một phân môn. Theo cấu trúc ấy, những tuần đầu học sinh lớp 6,7 sẽ học cuốn chiếu phân môn Hóa, thời lượng 4 tiết/tuần. Các tuần tiếp theo sẽ học Lý, kết thúc môn Lý chuyển sang học môn Sinh (hoặc tuần 1 không có Lý, tuần 2 học 2 tiết, tuần 3 học 4 tiết xong nghỉ để môn khác kế vào). Cách thiết kế máy móc, thiếu hiểu biết, kém khoa học này dẫn đến sự quá tải với cả học sinh và giáo viên. Trong khi giáo viên người thì chạy xô kín tuần không tiết nghỉ, người thì ngồi chơi để chờ đến lượt môn mình thì học sinh học cuốn chiếu hết một môn học, sách vở cất một xó, sang năm học sau mới rờ trở lại môn ấy, kiến thức chắc chắn rơi chẳng còn mấy để có thể rèn kĩ năng, phát triển năng lực và phẩm chất như mục tiêu rất hay của chương trình cải cách đề ra.
Không những thế, môn Hoá bắt đầu thay đổi cách đọc, cách gọi tên các nguyên tố hoá học theo chuẩn Anh – Latin, bỏ cách đọc phiên âm cũ (ví dụ Natri thành Sodium; Sắt thành Iron; Đồng thành Copper…) điều này sẽ dẫn đến tình trạng học sinh lớp 8,9 chương trình cũ lên lớp 10 học sách mới sẽ phải mất thời gian dài để học lại tên các nguyên tố. Điều này thực sự không cần thiết vì đây là chương trình phổ thông, những học sinh cần nghiên cứu chuyên sâu, làm việc trong môi trường quốc tế, ngoài việc sử dụng kí hiệu hoá học sẽ có chương trình chuyên riêng của mình.
Lịch sử và Địa lý là cuộc “cưỡng hôn” phản giáo dục nữa của chương trình cải cách khi chỉ vì một số nội dung liên quan và chủ đề chung mà người làm chương trình cố ép chúng thành một môn học với hai phân môn độc lập, phải thực hiện dạy đồng thời với thời lượng 3 tiết/tuần, tương đương mỗi phân môn 1,5 tiết. Vì vậy thời khoá biểu thay đổi, mỗi tuần một lần. Người xếp thời khoá biểu khổ, học sinh nhầm lẫn, giáo viên không nhớ mình dạy lớp nào, có người phải in thời khoá biểu của mình, cho vào thẻ đeo trước ngực… tất cả cũng từ đó mà ra. Và cũng bởi là một môn học nên kiểm tra đánh giá phải thể hiện trên một đề 90 phút dẫn đến việc phải đổi giờ để có hai tiết liền nhau thực hiện kiểm tra liền, học sinh phải ôn tập lượng kiến thức nhiều, gây áp lực không đáng có.
3. Chương trình Giáo dục địa phương.
Chương trình này, gọi tên chính xác phải là là “Lẩu Cải Cách” vì mỗi môn Văn, Sử, Địa, Âm nhạc, Mỹ thuật đều có phần. Chương trình cũ vẫn có chương trình địa phương gắn với chính môn học, rất hợp lý và logic nhưng rất tiếc, chương trình mới không kế thừa mà lại sáng tạo ra môn học mới. Với định hướng thực hiện trên mây là chủ đề liên quan đến môn học nào thì giáo viên bộ môn đó dạy, sau một năm, thấy bất cập nhiều điều nên đổi mới bằng cách một giáo viên dạy cả chương trình địa phương, có nghĩa là dạy tất cả các lĩnh vực, kể cả cách lĩnh vực nghệ thuật như Âm nhạc và Mĩ thuật. Một kiểu giáo viên đa năng, am hiểu tất cả đã được tạo ra từ chính nồi lẩu này. Sách giáo khoa chương trình này sẽ do tỉnh biên soạn, nhưng học đến năm thứ hai rồi vẫn chưa có tài liệu cho cả giáo viên lẫn học sinh.
Chưa có cả hướng dẫn cụ thể, mỗi trường tự nghiên cứu một cách dạy riêng. Đây là chính là tình trạng trăm hoa đua nở, trường trường lập chương trình, người người tự viết nội dung, chất lượng thế nào không ai quản.
4. Hoạt động trải nghiệm.
Một cái tên rất kêu, gợi những hoạt động hấp dẫn nhưng thực tế chỉ dừng lại ở việc tổ chức các buổi chào cờ, sinh hoạt lớp. Các chuyên đề gần như bị bỏ qua vì không có thời gian, kinh phí để tổ chức. Môn học thường được phân công cho giáo viên chủ nhiệm, nội dung giống như hoạt động ngoài giờ lên lớp. Bình mới mà rượu cũ, đánh giá học sinh là ở mức Đạt hoặc chưa đạt nên cơ bản học sinh đạt 100% không cần phải học
5. Đánh giá chung
Môn Nghệ thuật chính thức là môn ghép Âm nhạc với Mỹ thuật. Hai môn, hai cuốn sách, hai giáo viên nhưng đánh giá lại chung (không bằng điểm mà bằng ĐẠT hoặc CHƯA ĐẠT). Cách đánh giá phản khoa học này dẫn đến tình trạng đánh giá không chính xác vì không phải em nào cũng có khả năng cảm thụ âm nhạc tương đương hội họa, người dạy sẽ phải thỏa thuận với nhau để đánh giá học sinh khi em đạt môn này nhưng chưa đạt ở môn kia. Kiểu đánh giá này gọi tên là gì thì chưa ai hình dung nổi.
6. Nhân lực.
Chương trình cải cách sinh ra các môn tích hợp nhưng chưa đào tạo giáo viên để dạy tích hợp liên môn. Những nhà biên soạn chương trình, viết sách khẳng định trên lí thuyết không buộc giáo viên dạy trái chuyên môn, nhưng thực tế ở các trường, giáo viên vẫn phải dạy tất cả các phân môn của môn tích hợp chỉ sau vài buổi tập huấn và chuyên đề. Đã bắt đầu có thông báo khuyến khích giáo viên đi học thêm tín chỉ để dạy được môn tích hợp. Ngân sách nhà nước và tiền lương của giáo viên sẽ đổ vào đó mà chất lượng dạy thu về sẽ không thể tương đương bởi chương trình yêu cầu cao, giáo viên cần chuyên môn sâu và vững chứ không thể dạy đa môn (dạy Sinh kiêm Lý, Hóa; dạy Địa phải kiêm Sử) theo kiểu tìm hiểu sơ khai ở bậc Tiểu học. Đặc biệt, khi học lên THPT thì các môn học lại hoàn toàn độc lập. Những thế hệ học sinh THCS chỉ biết đến môn Khoa học tự nhiên thì lên THPT sẽ phải làm quen với khái niệm môn Lý, môn Hóa, môn Sinh và được học liên tục theo đường thẳng. Vậy thử hỏi bày vẽ ra gộp môn, học cuốn chiếu để làm gì hay chỉ để cho khác người, để làm khó cả người dạy lẫn người học và làm nát thêm nền giáo dục vốn đã nhiều bất cập của nước nhà?
7.Vật lực.
Trên lí thuyết, những yếu tố như cơ sở vật chất, phương tiện, đồ dùng, thiết bị dạy học của chương trình sách giáo khoa mới là rất hiện đại , được đầu tư lớn nhưng thực tế, đến các trường ở thành phố, thị xã, thị trấn còn chưa có đủ các phòng chức năng, phòng bộ môn thì nói gì đến vùng sâu vùng xa? Đồ dùng học tập cho chương trình mới hoàn toàn chỉ có trên giấy tờ, học sinh phải học trên hình ảnh còn giáo viên hoặc phải tận dụng đồ dùng đã rất cũ của chương trình cũ để dạy cho những tiết có đồ dùng tương ứng của chương trình mới hoặc dạy chay qua hình ảnh.
Còn những lỗ hổng nữa về cách đổi tên gọi Giáo án thành Kế hoạch bài dạy, về việc soạn giáo án, xây dựng kế hoạch, thực hiện chương trình theo mẫu công văn 5512 của Bộ Giáo dục… nhưng đây là vấn đề thuộc về chuyên môn nên người viết chưa thể nói hết trong bài này.
Chương trình Cải cách giáo dục đã đi được một chặng đường ba năm, giáo viên và học sinh đã lên tàu mà những người cầm lái lại chậm chuyến không theo kịp. Họ thực sự bỏ mặc cả một thế hệ đang tự chèo chống đưa nhau qua sông giữa sóng lớn mà bốn bề mờ mịt không thấy bờ.
Nền giáo dục Việt Nam phải chăng đang trồng người từ ngọn?
(Bài của Nguyễn Hải Yến – giáo viên THCS ở huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương)