Sơ vọng – Vọng sợ
Những người xung quanh chỉ quan tâm: Sơ có bay cao hay không, chứ không cần biết Sơ có mệt hay không. Mỗi sáng thức dậy, Sơ vội vã đánh răng rửa mặt để kịp giờ Kinh Sáng và Thánh Lễ, sau đó là các công việc hằng ngày, gần như liên tục, ăn uống thất thường, ngủ không đủ giấc. Công việc thường nhật của Sơ trải qua nhiều năm như thế, không một ngày nghỉ, không một lần sai sót trong công việc. Tất cả như thế: không chủ động, không sáng tạo, không có tự do hành động, chỉ có mệnh lệnh và luật lệ.
Đã bao nhiêu lần Sơ muốn hét vào mặt bà Bề Trên: “Tôi không muốn tu nữa!”, nhưng sau hàng trăm lần tưởng tượng ra cảnh tượng như thế, thì một thực tế hiển hiện, khiến Sơ kiềm chế lại cảm xúc: Sơ cần nhẫn nhục chịu đựng để đền đáp công ơn cha mẹ vì các ngài đã vất vả nuôi dạy Sơ trong nghèo túng và họ rất muốn Sơ đi tu, vả lại, Sơ còn đi tu là để trả ơn cho ba mẹ nuôi, những người đã cung cấp kinh phí cho Sơ ăn học suốt ngần mấy năm đại học, rồi xe cộ, và các đồ dùng cần thiết khác, món nợ này e rằng: chắc phải đi tu suốt đời mới mong trả hết. Hơn nữa, từ lâu rồi, Sơ đã trở thành niềm tự hào của cả dòng họ, là niềm ngưỡng mộ của gia đình, và cả giáo xứ, tượng đài này không thể đổ, không được phép đổ và cũng không dám đổ…
Mỗi sáng thức dậy, Sơ không có đường lùi, không có lối thoát, chỉ biết cắn răng, vùi đầu vào nhịp sống liên tục, nếu bỏ tu, thì làm sao ông bà cố dám ngẩng mặt nhìn những người xung quanh, làm sao Sơ còn có thể nhìn mặt ba mẹ nuôi, còn mặt mũi nào để đi cái xe, dùng cái điện thoại đắt tiền vừa mới được thương tặng… Đây là nghĩa vụ, là trách nhiệm nghim chặt lên vai một người đi tu như Sơ, dù mệt mỏi đến đâu đi chăng nữa, Sơ cũng không dám dừng lại… Sơ phải đi tu, chỉ có đi tu mới cho Sơ lối thoát.
Hôm nay, nhận được kết quả xét nghiệm, Sơ bị mắc phải một bệnh nan y. Nỗi thất vọng của Sơ cũng giống như nhiều trường hợp khác mà Sơ đã từng chứng kiến, chỉ vì sức khỏe mà bị nhà Dòng cho về, Sơ đã từng chứng kiến những người bạn khác: đi tu được nhiều năm, dấn thân không mệt mỏi, nhưng khi biết tin bị bệnh nan y, các nhà Dòng đều đã khéo léo tìm cách cho đương sự tự rút lui… Bước chân vào đời tu, Sơ cũng chất chứa trong mình nhiều hoài bão, bằng sự chăm chỉ, siêng năng tu tập, mình sẽ nhanh chóng tiến bộ, nhưng sau một thời gian lăn lộn trong đời tu, Sơ vẫn cứ “bình chân như vại”, không thấy Chúa đâu, mà chỉ toàn thấy những chuyện thế gian đeo bám, dù có dấn thân hết mình cho nhà Dòng, nhưng khi tuổi tác và sức khỏe đến mức báo động, Sơ sẽ bị bánh xe quay cuồng của các giá trị trần thế hất ra xa, mà không bao giờ có cơ hội quay đầu trở lại…
Cho đi phù hợp là chất dinh dưỡng để duy trì những mối tương quan, nhưng, nếu dồn hết sức để cho đi, thì phải coi lại động cơ và mục đích, có đáng để phải dấn thân như thế không. Mỗi người là nhân vật chính của kịch bản cuộc đời mình, không cần cố gắng trở thành người hùng trong vở kịch của bất kỳ ai khác. Cho dẫu Sơ đã hy sinh hết mình, nhà Dòng vẫn có thể tàn nhẫn, những người thân cũng có thể lạnh lùng, bị kịch hơn hết là: ngay từ đầu Sơ đã đánh mất chính mình: đi tu là để trả nợ, Sơ có thể tìm những cách khác để trả nợ, nhưng, Sơ lại tự trói chặt mình trong những kỳ vọng của người khác. Để sống cho những kỳ vọng của người khác, Sơ đã bị những cái “không dám” tước đi hết sự tự do, Sơ tự biến cuộc đời mình thành nhà tù. Lấy kỳ vọng của người khác làm thước đo, thì giá trị của Sơ cũng dựa trên những yêu cầu và đánh giá của người khác. Trong khi đó, ý nghĩa cuộc đời Sơ không phải là trở thành người mà người khác trông đợi. Sơ không phải là chương nối tiếp của cha mẹ, cái bóng của người khác. Sơ chờ đợi sự công nhận của thế giới bên ngoài, nhưng, thế giới này là của Sơ, chính Chúa tạo dựng thế giới này cho Sơ, không can dự vào những đánh giá của người khác.
Từ khi sinh ra, Sơ đã mang trên mình những kỳ vọng của quá nhiều người: cha mẹ luôn mong Sơ học hành chăm chỉ, đạt điểm cao trong các kỳ thi, đi tu để cho gia đình mở mày mở mặt. Trong nhà Dòng, Bề trên thì muốn Sơ làm việc siêng năng hiệu quả, cống hiến hết mình cho nhà Dòng, những người bạn cùng tu, thì mong Sơ thấu hiểu, đồng cảm, và sẵn sàng có mặt khi họ cần. Những kỳ vọng của người khác như là những xiềng xích nặng nề trói buộc Sơ. Nếu đi tu chỉ để làm hài lòng người khác, Sơ sẽ lạc lối và đánh mất con người của mình. Điều chính yếu mà Sơ nhận ra lúc này là: thoát khỏi sự kỳ vọng của người khác, và tìm lại được con người thật của chính mình… Thế rồi, Sơ cũng nhận ra: Không có mình, nhà Dòng vẫn tồn tại, nhưng, mình đánh mất chính mình, thì không gì có thể lấy lại, đi tu để làm hài lòng người khác, hay chỉ để tìm kiếm những gì thế gian thèm khát, thì không đáng để dấn thân, việc đầu tiên là yêu lấy chính bản thân mình, làm cho cuộc đời mình trở nên triển nở và hạnh phúc trên con đường mình đã chọn lựa.
Điều cần thiết hiện giờ là: Sơ phải sống cuộc đời và ơn gọi của chính mình, không cần quan tâm đến những gì người khác nghĩ về Sơ, không cần đáp ứng mong đợi, kỳ vọng của người khác để thỏa mãn sự hãnh diện của bản thân mình, không cần khẳng định vị thế, tìm giá trị hiện hữu của mình trong những kỳ vọng của người khác. Tại sao lại để người khác định nghĩa giá trị của mình qua những kỳ vọng đó? Mỗi người có một cuộc đời để sống, sống chỉ để thỏa mãn kỳ vọng của người khác, sẽ đánh mất những ý nghĩa cuộc đời mình. Sợ cũng nhận ra rằng: Sơ không nên kỳ vọng vào người khác, và cũng không sống vì sự kỳ vọng của bất cứ ai, bởi vì, thao túng người khác là một tội ác, còn bị thao túng là một điều bất hạnh. Hướng đi của trái tim là: “can đảm, dám bị ghét”, dám sống cho bản thân mình, yêu chính mình, không cần ở vị thế cao trong bất kỳ tương quan nào, bởi vì, chỉ ở nơi thấp kém nhất, tầm thường nhất, Sơ mới có cơ duyên tốt nhất, để nhìn rõ nhân tình thế thái.
Trong những ngày tĩnh tâm, những giây phút tĩnh lặng bên Chúa đã giúp Sơ nhận ra những bất lực của mình khi luôn cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người: (1) Sơ không thể kiểm soát được cách nhìn, lối nghĩ của hết mọi người: Bất kể Sơ làm gì hay cố gắng thế nào, mọi người sẽ luôn có cách nhìn, cách nghĩ của riêng họ về Sơ. Phần lớn đều mang màu sắc phán xét, đánh giá, hầu muốn thay đổi suy nghĩ và hành động của Sơ; (2) Sơ không thể điều khiển cảm xúc của người khác: Cảm xúc của mỗi người hoàn toàn khác nhau. Sơ có thể là một người rất tốt, rất giỏi, nhưng, người khác vẫn không hài lòng, vì họ không thích Sơ. Sơ không bao giờ có đủ năng lực để điều khiển cảm xúc của người khác; (3) Sơ không thể quyết định “đúng”, “sai” của mọi người: “Đúng” và “sai” đôi khi mang tính chủ quan: “đúng” với người này, nhưng “sai” với người khác. Do đó, mọi người sẽ có ý kiến, quan điểm khác nhau khi tiếp cận một vấn đề, từ những trải nghiệm trong quá khứ của chính họ; (4) Sơ không thể có được những cảm xúc tích cực khi cố gắng làm hài lòng mọi người: cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người khiến Sơ bị tổn thương hết lần này đến lần khác, càng sớm chấp nhận sự thật rằng: Sơ không thể nào làm hài lòng tất cả mọi người, thì Sơ càng mau chóng có được một cuộc sống an bình và hạnh phúc, bởi vì, Sơ không thể làm cho cả thế giới yêu thích mình.
Điều quan trọng hơn hết mà Sơ đã nhận ra là: đi tu không phải là để làm thỏa mãn những kỳ vọng của người khác. Đời tu sẽ trở thành nỗi bất hạnh, khi đi tu: để tìm “Tình”, những tình cảm, sự quý mến từ người khác; để tìm “Tiền”, những của cải, tiện nghi vật chất mà người khác mang lại; để tìm “Tiếng”, những tiếng tăm, vinh dự mà thế gian ban tặng. Ngược lại, đời tu sẽ ngập tràn hoan lạc và bình an, khi đi tu: chỉ để tìm “Thánh”, thánh ý Chúa trong cuộc đời mình:
Tình, Tiền, Tiếng, Thánh, tứ “tê”
Ai khôn chọn “Thánh”, bốn bề an vui
Thật vậy, đi tu trước hết và trên hết là để thỏa mãn khát vọng dâng hiến của chính mình, tìm lại được con người thật của chính mình, và con người đích thực của mình chỉ có thể tìm lại được trong thánh ý Chúa, với ơn gọi và sứ mạng mà Chúa đã dành sẵn cho mỗi người. Bước theo Đức Kitô, bắt chước để trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô là căn tính, là la bàn và là phép thử cho biết một người có đang sống một đời tu đích thực hay không.
Thánh Lễ tạ ơn của kỳ tĩnh tâm kết thúc, Sơ Vọng bước ra khỏi nhà nguyện, khi ánh bình minh đang tung tăng múa nhảy trên bậc tam cấp, từ tận đáy tâm hồn mình, Sơ cất lên một lời tạ ơn Chúa: Tạ ơn Cha vì một ngày mới! Một ngày mới, một cơ hội mới, để con làm mới lại bản thân: không cao vọng mình, không thất vọng đời, không kỳ vọng ai; chấp nhận chính mình, hy vọng cuộc sống, trân quý tha nhân. Một ngày mới, một cơ hội mới, để con làm mới lại những tương quan: không thù, không ghét, không làm hại ai; yêu thương tất cả, đón nhận tất cả, cho đi tất cả. Trời sẽ mới, đất sẽ mới, khi tâm hồn con luôn mới. Một ngày mới, xin như ngày sau chót: đẹp nhất cuộc đời con. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền