VỀ NHẪN CƯỚI CỦA NGƯỜI CÔNG GIÁO
Đôi nhẫn cưới trên bàn thờ cha làm phép để hai người trao cho nhau có ý nghĩa gì? Mình có quyền bán hoặc hoặc bỏ đi hay không? (Một giáo dân thuộc Giáo xứ Tân Bình).
I. Ý NGHĨA CỦA NHẪN CƯỚI
Trong nghi thức cử hành hôn nhân của Giáo Hội Công giáo theo nghi lễ Rôma, có nghi thức làm phép và trao nhẫn. Chiếc nhẫn chính là dấu chỉ tình yêu và lòng chung thủy, như công thức làm phép nhẫn và lời nói của vợ chồng khi trao nhẫn cho nhau đã xác quyết.
1. Công thức làm phép nhẫn cưới:
1/. “Xin Chúa ban phúc + lành cho những chiếc nhẫn này mà các con (ac,ôb) sắp trao cho nhau làm dấu chỉ tình yêu và lòng chung thủy.” (Ủy Ban Phụng Tự trực thuộc HĐGMVN, Nghi Thức Cử Hành Hôn Nhân, Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, Hà Nội, năm 2008, số 66, tr. 19).
2/. “Lạy Chúa, xin ban phúc lành cho những chiếc nhẫn mà chúng con làm + phép nhân danh Chúa đây, để những người đeo nhẫn này khi trọn tình chung thủy với nhau, sẽ được lưu lại trong bình an và thánh ý Chúa, cũng như luôn sống trong tình yêu thương nhau. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.” (Sđd., số 229, tr. 80).
3/. “Lạy Chúa, xin ban phúc lành và thánh + hóa các tôi tớ Chúa trong tình yêu của họ, xin cho những chiếc nhẫn mà họ coi là dấu chỉ của lòng chung thủy, cũng nhắc nhở họ về lòng yêu thương nhau. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.” (Sđd., số 230, tr. 80).
2. Lời nói của vợ chồng khi trao nhẫn cho nhau
– Chồng: “Em T., xin em nhận chiếc nhẫn này làm dấu chỉ tình yêu và lòng chung thủy của anh. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.
– Vợ: “Anh T., xin anh nhận chiếc nhẫn này làm dấu chỉ tình yêu và lòng chung thủy của em. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.
II. CÓ QUYỀN BÁN HOẶC BỎ ĐI HAY KHÔNG?
Chiếc nhẫn đã được thừa tác viên của Giáo Hội làm phép và được đôi tân hôn long trọng trao cho nhau trong nghi thức cử hành hôn nhân để nói lên tình yêu và lòng chung thủy của mình, cho nên cần phải được gìn giữ một cách trân trọng. Nhẫn cưới là vật kỷ niệm, là biểu tượng cho tình yêu chung thủy, là bảo chứng cho sự gắn bó thiêng liêng giữa vợ chồng, vì thế không nên dễ dàng đem bán như một đồ vật trang sức khác hoặc muốn bỏ đi thì bỏ.
Tuy nhiên trong cuộc sống thực tế hằng ngày, vợ hoặc chồng có nhiều lý do để không đeo nhẫn cưới: không quen dùng trang sức nên thấy khó chịu; vướng hoặc gây đau khi lao động hay tập thể thao. Chúng ta cũng cần nhớ rằng bản thân chiếc nhẫn không phải là tình yêu, không phải là lòng chung thủy mà chỉ là dấu chỉ cho nó. Không đeo nhẫn cưới hoặc đánh mất chiếc nhẫn cưới, cũng không có nghĩa là không còn yêu nhau, không còn chung thủy với nhau nữa.
Cũng không hiếm xảy ra trường hợp là vì hoàn cảnh quá khó khăn (bệnh tật, nghèo khổ…) cho nên đôi vợ chồng buộc phải bán đi chiếc nhẫn cưới đã được làm phép. Trường hợp này vẫn có thể được chấp nhận với giải thích như sau:
Giáo Hội thường chia ra 2 loại phép lành:
– Thứ nhất là “phép lành cấu tạo” (benedictio constituva) có giá trị như sự thánh hiến, nghĩa là dành vào việc thánh. Chẳng hạn như chén thánh, sau khi đã được làm phép thì không được dùng vào việc khác nữa.
– Thứ hai là “phép lành khẩn cầu” (benedictio invocativa), chỉ bao gồm lời khẩn cầu, xin cho người ta biết sử dụng đồ vật làm vinh danh Chúa. Chẳng hạn như khi làm phép lương thực, xe cộ, nhà cửa, thì những đồ vật ấy không trở nên vật thánh, nhưng xin cho người sắp ăn uống, sử dụng xe cộ, nhà cửa một cách thánh thiện ( x. “Giáo Luật giải thích và áp dụng”, quyển 4, Rôma, 1992, trang 220). Nhẫn cưới được làm phép thuộc loại phép lành thứ hai này, nên vẫn có thể được mua bán, đổi chác như nhà cửa, xe cộ đã được làm phép.
Trong trường hợp đôi vợ chồng đã làm mất hoặc đã bán đi nhẫn cưới, thì vẫn có quyền xin thừa tác viên Giáo Hội làm phép nhẫn mới, theo công thức làm phép nhẫn cưới số 2 và số 3 ở trên, hoặc theo công thức trong “Nghi Thức Chúc Lành Cho Vợ Chồng Trong Thánh Lễ Ngày Kỷ Niệm Thành Hôn” (Ủy Ban Phụng Tự trực thuộc HĐGMVN, Nghi Thức Cử Hành Hôn Nhân, Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, Hà Nội, năm 2008, số 278, tr. 101).
Lm. LG Huỳnh Phước Lâm