LÒNG BIẾT ƠN – lời cám ơn là ngôn ngữ của thiên thần
Lần gần đây nhất các bạn cảm tạ Chúa là khi nào ?
…
“Khi nhìn lại cuộc đời, tôi cảm thấy thật tuyệt vời vì biết mình được Thiên Chúa lo cho quá nhiều. Đương nhiên, cuộc đời có thăng trầm, khi vui lúc buồn, nhưng mặc kệ những gì đang xảy ra, nếu hướng nhìn về Chúa, chúng ta sẽ được niềm vui và bình an”.
Các bạn thân mến, câu nói trên không phải là của một vị thánh cũng chẳng phải của một vị chân tu nào cả, nhưng là của một con người sống đời bình thường như đại đa số chúng ta đây. Đó là Michael Chang, tay vợt Tennis được lọt vào danh sách top ten của làng quần vợt thế giới trong 7 năm liền. Hào quang danh vọng và quyền lực tiền bạc đã biến anh thành thần tượng của nhiều thanh thiếu niên, là niềm ao ước của bao cô gái và là niềm hãnh diện cho thân nhân bạn hữu. Tuy vậy, bản thân anh vẫn là người giản dị, thân mật và dễ gần gũi. Anh quan tâm tới mọi người cách thân tình và chia sẻ rất nhiều cho công tác từ thiện. Cơ chế miễn nhiễm với “bệnh ngôi sao” nơi anh là do một chất tiết ra từ trái tim và được đặt tên là “lòng biết ơn”. Michael Chang ý thức rõ những gì mình có được là do Chúa ban, lòng anh tràn ngập tâm tình biết ơn nên anh luôn an bình, hạnh phúc.
1. Lòng biết ơn được mọi nguời yêu mến.
Một người sống trong tâm trạng biết ơn sẽ hạnh phúc, thư thái, và dễ thành công hơn rất nhiều so với những người hay oán trách. Lòng biết ơn thường xuất phát từ những tấm lòng nhân hậu, từ những trái tim yêu thương, và nhất là nét mặt họ rất vui, rất dễ gây thiện cảm … Tôi chưa hề thấy người nào hay biết ơn mà bộ mặt lại luôn nhăn nhó, khó ưa cả. Lòng biết ơn làm cho người ta ra dễ thương. Ngược lại, người có bộ mặt dễ ghét nhất là người vô ơn. Dù họ có trưng diện, son phấn cỡ nào cũng không che lấp nổi sự xấu xa của bọn phản thầy lừa bạn này.
Lòng biết ơn là điều ai cũng trân trọng, quý mến. Chúng ta cảm thấy thế nào khi được cám ơn với lòng tri ân sâu xa ? Chắc chắn ai trong chúng ta cũng thích được người khác cám ơn cách thật tình và chắc chắn ai trong ta cũng yêu mến người tri ân mình. Có đúng thế không ? Có lần, tôi nhặt mấy lá sa kê khô cầm tới nhà cho một cụ bà vì nghe rằng lá ấy chữa bệnh tiểu đuờng. Chỉ có thế thôi mà những người con của bà cụ đã hết sức biết ơn, và chúng tôi đã có được mối tương quan tốt đẹp dù trước đó chúng tôi không có liên hệ thân tình nào.
2. Lòng biết ơn biểu lộ nét văn minh tình thương.
Được sống trong đời này chẳng là một ân sủng hay sao ? Nhiều người đã không biết cám ơn lại còn oán trách cha mẹ đã sinh ra họ trong trần gian này. Và rồi chúng ta hãy nhìn xem, số phận của những người vô ơn đó thường là chẳng ra gì. Lòng biết ơn không chỉ là nhận thức mà còn là một nỗ lực, nghĩa là không chỉ cảm nhận trong trí thôi, nhưng còn phải biểu lộ sự tri ân đó bằng một hành động cụ thể. Rất nhiều người con đã hối hận khôn nguôi không phải vì đã vô ơn, họ rất có hiếu nữa là khác, chỉ có điều họ đã không biết cách biểu lộ ra với cha mẹ. Chúng ta hãy nghĩ xem, mình có nằm trong số những người như thế với cha mẹ không ?
Hãy biểu lộ lòng biết ơn bất cứ khi nào và bằng bất cứ việc làm nào có thể. Đừng để đến khi quá muộn cũng chẳng cần phải chờ những cơ hội quan trọng mới biểu lộ lòng thành. Hãy nói với chồng, với vợ, với người yêu, bạn bè, và đồng nghiệp rằng mình rất cám ơn họ vì họ đã đến với mình, làm cho cuộc đời mình phong phú. Hãy cảm ơn cuộc sống, cám ơn những người buôn bán mà xưa nay ta cứ nghĩ rằng họ là người phục vụ vì mình có tiền. Thực tế, không ít kẻ cho rằng đã là người trong gia đình thì không nên khách sáo, và vì vậy họ coi việc phục vụ, vất vả tảo tần hôm sớm của chồng, của vợ hay của cha mẹ là chuyện đương nhiên. Nhất là ngày hôm nay, quan niệm ăn bánh trả tiền, tiền trao cháo múc đang biến nhiều người thành vô cảm, vô tâm với những nguời xung quanh. Miễn sao có tiền là sống.
Khi trí sáng, tâm yên, bạn sẽ thấy biết bao điều để cám ơn : từ người giữ xe, khách đi đường, đồng nghiệp, và thậm chí cả người ăn xin nữa?! Tại sao bạn lại phải cám ơn người ăn xin ư? Vô lý ư? Không đâu, nói như Đức Cha Fulton J. Sheen : “bạn phải cám ơn người ăn xin vì họ đã nhắc nhở cho bạn làm việc bác ái, một bổn phận bắt buộc mà nhiều khi bạn lãng quên”. Lời cám ơn là ngôn ngữ của thiên thần, là nét văn hoá cao cấp và là biểu hiện của nền văn minh tình thương.
3. Lòng biết ơn là hành vi đức tin :
Tin Mừng Lu Ca Chúa Nhật 28 TNC kể lại việc Chúa Giêsu chữa lành 10 người mắc bệnh phong và chỉ có một người trong số họ đã trở lại để bày tỏ lòng biết ơn của mình. Thật là thú vị khi Chúa đã không phán: “Lòng biết ơn của anh đã làm anh được sạch” mà là “đức tin anh đã cứu anh.” Chúa Giêsu đã đồng hoá hành động tri ân thành hành động đức tin. Ta cứ tưởng đức tin chỉ được biểu lộ khi ưỡn ngực đọc kinh tin kính, hay khi hiên ngang tuyên xưng danh Chúa trên pháp trường. Không, ở đây, người phong hủi đã biểu lộ đức tin chỉ bằng hành vi cám ơn. Không đến thẳng với các tư tế để xin lễ tạ ơn, anh không đến giáo đường để xin dâng lễ vật như những người “sùng đạo” kia, anh quay lại cám ơn người đã chữa anh. Chúa Giêsu không trách chín người kia đâu, người chỉ ngạc nhiên thôi. Bởi Người biết chín nguời kia là người “có đạo” và họ phải đi chu toàn luật lệ, nghĩa là trình diện với các thầy tư tế. Họ “giữ đạo” tốt đấy chứ ?!
Có phải ta cũng đang giữ đạo như nhóm chín người trong Tin Mừng hôm nay không ? Chúng ta có tham dự thánh lễ với tâm tình biết ơn không ? Thời gian, sức khoẻ, gia đình có đủ là ân huệ để ta cám ơn chưa ? Mỗi khi khởi sự và hoàn tất công việc gì, chẳng hạn thức dậy hoặc đi ngủ, khi ăn cơm, người Công Giáo có thói quen tốt lành là cám ơn Chúa. Thế nhưng một số người lại không nhận thấy cốt lõi là lời cám ơn mà chỉ nhìn thấy hiện tượng là làm dấu Thánh Giá. Chính vì thế, trong một môi trường văn hoá vô thần, hay hoàn cảnh tế nhị họ e ngại không làm dấu thánh lại cũng chẳng biết âm thầm cám ơn Chúa. Hành vi của người ngoại bang trong Tin Mừng hôm nay là lời chất vấn về cách sống đạo và là bài học về lòng biết ơn Chúa cho từng người chúng ta.
Chúng ta hãy ca tụng Chúa về mọi sự Người ban cho ta:
“Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi,
toàn thân tôi, hãy chúc tụng Thánh Danh!
Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi,
chớ khá quên mọi ân huệ của Người”. TV 103 ĐT