Mục vụ gia đình

BỐN CỤM TỪ VỀ CHÚA GIÊSU MÀ BẠN KHÔNG BAO GIỜ NÊN NÓI VỚI CON MÌNH

Chúng ta nói những từ ấy mà không suy nghĩ, nhưng đôi khi những gì chúng ta nói có thể đẩy con chúng ta dần dần xa Chúa.

Như cô bé Anna nói trong cuốn sách Mister God, This Is Anna, (Thưa Ông Chúa, cháu là Anna đây) chúng ta có thể đặt Chúa vào những chiếc hộp nhỏ. Chúng ta thường giới thiệu cho trẻ em về một vị Chúa “hữu ích”, chẳng hạn như một người phát thưởng, một người làm phép lạ, một người giải thích được mọi chuyện, hoặc thậm chí là một ông ba bị (ông kẹ). Những cụm từ như vậy có thể ảnh hưởng đến con cái chúng ta mãi mãi. Dưới đây là một vài ví dụ về các câu cần tránh sử dụng.

1.  Tránh thường gọi Chúa Giêsu là “bé nhỏ”

Thực ra không sai khi nói về “Chúa Giêsu bé nhỏ” vì Chúa Giêsu đã được làm người và trước tiên, một cách tự nhiên, là một đứa trẻ nhỏ. Tuy nhiên, không phải là một ý kiến ​​hay khi thường gọi Ngài như vậy bởi vì đối với đứa trẻ, Chúa Giêsu sẽ chỉ là “Chúa Giêsu bé nhỏ”, Hài nhi Giêsu trong cảnh Chúa giáng sinh, hoặc ngôi nhà ở Nazareth. Ngài sẽ trở thành “Chúa Giêsu bé nhỏ cho trẻ em”, bị bỏ lại trong bảo tàng của những món đồ chơi trẻ con và ký ức tuổi thơ. “Chúng ta không học được bất cứ điều gì trong thời thơ ấu mà sau này khi lớn lên chúng ta phải quên nó đi.”

2.  “Chúa Giêsu không yêu con khi con hành động như vậy”

Nên cấm tuyệt đối công thức này vì nó hoàn toàn sai sự thật. Chúa Giêsu yêu thương vô hạn mỗi người chúng ta, ngay cả khi chúng ta là tội nhân tồi tệ nhất. Một đứa trẻ nghe điều này sẽ lớn lên với nỗi sợ hãi mất đi tình yêu thương của Thiên Chúa và sẽ tin chắc rằng tình yêu này mình phải tự kiếm lấy, rằng Thiên Chúa không yêu thương tội nhân. Những gì cha mẹ nói trong những năm đầu tiên có tác động đến mức đứa trẻ, khi trưởng thành, sẽ được ghi dấu bằng hình ảnh rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta chỉ khi chúng ta cư xử đúng mực.

Tương tự, chúng ta đừng bao giờ nói: “Tôi không thích những cô bé nói dối (hoặc tôi không thích những cậu bé luôn kêu la và thét lác),” như một cách nói ngắn gọn rằng chúng ta không thích việc chúng nói dối. Nhưng điều mà đứa trẻ hiểu lại là chúng ta không thích chúng khi chúng nói dối. Điều này có vẻ chỉ là một điều gì đó nho nhỏ xét theo một cách hiểu nào đó, nhưng giáo dục được tạo nên từ những điều nhỏ nhặt, và trong trường hợp này, chúng ta phải nhớ rằng cách chúng ta yêu thương con cái, cách chúng ta cho chúng thấy tình yêu của mình, sẽ giúp chúng nhận thức và sống tình yêu của Thiên Chúa.

3.  “Chúa đang phạt con”

Mặc dù đúng là đau khổ là hậu quả của tội lỗi, nhưng việc coi đau khổ hoặc thất bại là hình phạt trực tiếp của một tội cụ thể là sai lầm và nguy hiểm. Hãy nhớ cách Chúa Giêsu trả lời các môn đệ của Ngài, khi họ hỏi Ngài về một người mù: “Các môn đệ hỏi Người: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?” Đức Giêsu trả lời: “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh.” (Gioan 9: 2-3). Nếu, khi một đứa trẻ bị tổn thương khi không vâng lời, nó nghe nói rằng đó là hình phạt từ Thiên Chúa, nó sẽ nghĩ rằng đau khổ là việc luôn luôn “đích đáng” và ngược lại, nó nghĩ rằng hạnh phúc hoặc ý tưởng mà nó có về hạnh phúc (sức khỏe, may mắn, không có đau khổ, vui sướng) luôn là một dấu hiệu của lối sống đẹp lòng Thiên Chúa.

4.  “Chúa Giêsu không vui, con làm tổn thương Ngài”

Không rõ ràng: câu nói này vừa đúng lại vừa sai cùng một lúc. Claire, với vẻ ngoài của một đứa trẻ 10 tuổi, nhận xét: “Chúa Giêsu không thể buồn vì ngài hạnh phúc mãi mãi trên Thiên đàng!” Hợp lý. Tuy nhiên, chúng ta có thể chỉ ra cho Claire thấy rằng chính tội lỗi của cháu ấy, tội lỗi cháu phạm hôm nay, đã đóng đinh Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã phải chịu đựng trước tất cả tội lỗi của mọi người trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Ngay cả đó chỉ là tội lỗi của cháu mà thôi, thì Chúa Giêsu vẫn sẽ ban mạng sống của Ngài. Vì vậy, nói rằng tội lỗi của chúng ta làm cho Chúa Giêsu đau khổ là không sai. Nhưng chúng ta phải cảnh giác: những gì quan trọng không phải là những gì chúng ta định nói, mà là những gì đứa trẻ nhận thức và hiểu được. Đứa trẻ có thể nghĩ rằng hạnh phúc của Chúa Giêsu phụ thuộc vào đứa trẻ, vào hành vi tốt hay xấu của đứa trẻ đó, điều này là sai. Trong thực tế, không phải hạnh phúc của Chúa Giêsu bị phá hủy bởi tội lỗi mà là hạnh phúc của tội nhân bị hủy hoại. Tương tự như vậy, phẩm chất của tình yêu thương của Chúa Giêsu dành cho chúng ta không phụ thuộc vào sự đáp lại của chúng ta. Thiên Chúa yêu chúng ta một cách tự do, hoàn toàn và vô điều kiện. Đó là tình yêu thương mà chúng ta cần phải rao truyền, lặp đi lặp lại, cho con cái của chúng ta.

Tác giả: Edifa
Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung
Từ: aleteia.org

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!