BÙA CHÚ
THEO TÍN NGƯỠNG DÂN GIAN
VÀ THEO KINH THÁNH
Thế giới tâm linh luôn là đề tài nổi bật và kì bí với con người dù trải qua nhiều thời đại. Theo dòng lịch sử, nhiều tín ngưỡng và tôn giáo ra đời, đồng thời cũng xuất hiện những người có khả năng thông linh – hay còn gọi là người tiếp xúc được với những thế lực thần thiêng và những đạo cụ tâm linh còn gọi là bùa chú. Bài này mình chỉ nói về 4 loại chính của bùa chú được sử dụng nhiều ở Việt Nam là BÙA – NGẢI – THƯ – ẾM, tứ đại tà thuật chịu ảnh hưởng sâu đậm từ văn hoá Á Đông và văn hoá Hindu. Và cái nhìn của Công Giáo với bùa chú.
1/ Tứ đại tà thuật
Xưa nay, đối với vua quan và các nhà lãnh đạo chính quyền, bùa chú là một thứ mê tín và được dùng để mê hoặc lòng dân. Do đó chính quyền rất dè dặt và có các chế tài trừng phạt với những thầy pháp dù đôi khi họ rất được trọng dụng và vai trò tín ngưỡng của những thầy pháp khá là quan trọng trong não trạng dân chúng từ cổ chí kim. Theo phân loại cơ bản, bùa chú được chia làm bốn loại chính dựa trên công năng và cách sử dụng lần lượt là “Bùa – Ngải – Thư – Ếm”
⁃ BÙA: Bùa thường được hiểu là một đồ vật như tờ giấy có vẽ chữ (gọi là phù), hình nộm, tranh ảnh, tượng, vòng tay, móng vuốt, răng nanh….. được làm phép và sử dụng với nhiều ý nghĩa như: bảo vệ bản thân, trừ tà ma, đem lại may mắn, cầu duyên, tăng sức mạnh, thăng quan tiến chức, đỗ đạt, nguyền rủa, giết người, làm người khác tán gia bại sản…. Một số loại bùa có thể kể đến khá nổi tiếng trong dân gian là: Bùa Lỗ Ban, bùa Năm Vị Lục Tổ, bùa Ngũ Hổ, bùa Quan Thánh Đế Quân, bùa yêu, Kumanthong, Mèo may mắn, phù chú, nanh cọp, Bùa hộ mệnh Omamori, Dreamcatcher…
⁃ NGẢI: Ngải thường là một loại thực vật mọc ở nơi rừng sâu, được các thầy pháp đem về nuôi và cho ăn bằng máu. Sau khi nuôi 1 thời gian, Ngải sẽ có linh hồn và trở nên trợ thử đắc lực cho thầy pháp. Ngải trưởng thành có quyền năng khá lớn có thể bảo vệ và dùng để làm hại người. Ngoài ra còn 1 loại ngải luyện bằng sọ người gọi là Thiên Linh Cái. Người bị Ngải hại thường mất thần trí và bệnh tật liên miên đồng thời hay bị xui xẻo. Để phòng ngải có thể dùng tỏi, phân ngỗng là những thứ mang tính cực âm.
⁃ THƯ (CHÀI): Đây là một loại tông pháp khá hiếm thấy, thường được sử dụng bởi các dân tộc miền núi. Để thư một người, cần có một vật mang dương khí của người đó như mảnh áo quần, tóc, móng tay, da, máu….. Khi các thầy mo làm phép thư, người bị thư sẽ mắc bệnh nan y và chết từ từ. Thư cũng có thể dùng vào đồ ăn, rồi đưa vào cơ thể người bị thư, lúc này người bị thư sẽ đau đớn khôn nguôi. Để giải thư, theo quan niệm dân gian phải tìm đúng thầy mo đã làm phép thư.
⁃ ẾM (YỂM): Ếm có nghĩa là trì, kéo, đè xuống không cho vươn lên. Để ếm một người cần biết Bát tự của người đó, sau đó tuỳ vào phương pháp dùng ảnh hay hình nộm để ếm. Người bị ếm thường sẽ bị những gì người ếm làm, ví dụ: Người ếm dùng kim châm vào đầu hình nộm -> người bị ếm sẽ đau đầu chết đi sống lại. Hay người ếm bẻ chân bẻ tay hình nộm thì người bị ếm sẽ đau đớn mà không tìm ra bệnh.
Ngoài bốn loại trên, còn có một thể loại khác gọi là “Trù” hay “Nguyền rủa”. Cái này thường được dùng nhiều thậm chí bởi người không phải thầy, chỉ cần nguyền rủa một ai đó với lòng thù hận thì người bị nguyền rủa sẽ bị y như vậy.
+ Ví dụ: “Tao trù cho mày bị xe cán chết cả mẹ lẫn con, gia đình ly tán, làm ăn lụn bại, chết đi mãi mãi không được siêu sinh”
Chắc kèo người bị nguyền sẽ bị y chang vậy.
QUAN TRỌNG LÀ, muốn sử dụng tà thuật phải đánh đổi tuổi thọ, phước đức và có khi là cả mạng sống.
2/ Kinh Thánh nói gì?
⁃ Kinh Thánh cho thấy sự xuất hiện của các hình thức tà thuật sớm nhất là trong sách Xuất Hành, khi Moses làm được những điềm thiêng dấu lạ thì các tư tế của Pharaoh cũng làm được
⁃ Bên cạnh đó, dân Do Thái khi vào đất hứa thường bị cám dỗ bởi những tà thuật từ các bà đồng và thầy pháp ở các dân tộc láng giềng. Khiến Moses phải ra một mệnh lệnh: Tàn sát và tiêu diệt mọi thầy pháp và bà đồng trong lãnh thổ dân Do Thái. Đồng thời cấm dân Do Thái liên hệ với tà thuật.
⁃ Dân Canaan hiến tế con trẻ sơ sinh cho quỷ Moloch để đổi lấy sự may mắn và tiền bạc, đây có thể coi là một hình thức chơi bùa ngải khi đánh đổi mạng sống con của mình để được thịnh vượng.
⁃ Trong sách Công Vụ Tông Đồ nêu một trường hợp nổi bật hơn cả là Thầy pháp Simon người Samaria. Khi thấy các Tông Đồ thực hiện điềm thiêng dấu lạ thì ông đem tiền ra để mong được học những phép thần thông đó, tăng thêm sức mạnh cho quyền năng của bản thân.
+ Sách Giáo Lý Công Giáo nhìn nhận thế nào về tà thuật?
⁃ Sách Giáo Lý Công Giáo quy kết mọi hành vi tà thuật là mê tín và đều xuất phát từ ma quỷ. Nếu dân gian chia ra phép trắng (phép thuật tốt) và phép đen (tà thuật xấu) thì với Giáo Hội: tà thuật là tà thuật, không có trắng đen gì hết. Và mọi hành vi mê tín đều phạm Điều răn thứ nhất.
⁃ Trong lịch sử, thánh Patrick đã dùng dấu Thánh giá phá tan bùa phép của các thầy Druids, các Phán quan (Inquisitor) đã từng hành quyết (thiêu sống) những thầy pháp và phù thuỷ nếu có bằng chứng họ chơi bùa ngải.
⁃ Đức Cha Cooman Hành có viết 1 cuốn sách kể về chuyện một thanh niên nọ đến Đền Sòng xin bùa yêu để ếm một nữ tu trong dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm. Sau bao gian nan chiến đấu, cuối cùng bùa ngải được giải trừ và người thanh niên kia cũng đến gặp bề trên nhà dòng để xin lỗi.
⁃ Thật sự mà nói, hiện tại các thầy pháp fake khá nhiều và tỉ lệ để bạn bị nhiễm hoặc bị dính bùa ngải, thư ếm còn nhỏ hơn tỉ lệ bạn bị chó cắn, nên đừng sợ hãi quá độ nhưng cũng không được xem thường những thứ tà thuật này.
⁃ Một điều thật ngọt ngào là Giáo Hội đã tặng cho chúng ta những phương thế để gia tăng lòng tin và để phá tan bùa ngải, đó là các Bí tích và Á Bí tích (ảnh tượng, Thánh giá, chuỗi Mân Côi, Áo Đức Bà, nước Thánh) . Hãy luôn nhớ lãnh nhận và sử dụng những ân huệ này để chúng ta luôn được Thiên Chúa bảo vệ và chở che.
Người Công Giáo hãy ghi nhớ điều này: Không có bùa ngải nào đến từ Thiên Chúa cả, tất cả đều là trò con mèo của ma quỷ. Thiên Chúa có quyền năng phá tan bùa ngải và Ngài trao quyền đó lại cho các Giám mục, nên khi xảy ra chuyện đừng chạy tới các thầy bùa, hãy chạy tới với Đức Giám mục và linh mục trừ tà của Giáo phận. Chỉ có một thần linh thượng trí là Thiên Chúa tối cao, hãy cậy dựa vào Ngài! st