Mục vụ gia đình

CHÌA KHÓA MỞ CÁNH CỬA HẠNH PHÚC CỦA HÔN NHÂN

CHÌA KHÓA MỞ CÁNH CỬA HẠNH PHÚC CỦA HÔN NHÂN

 

 

Hôn nhân là một đời sống, một dòng chảy. Nó theo ta mọi ngày trong suốt cuộc đời. Nó được dệt bằng một chuỗi dài nối tiếp giữa những vui buồn, sung sướng, vất vả, hạnh phúc và thử thách. Nó không phải là một cái gì mà con người có thể mua bán, đổi chác, hoặc sở hữu. Nó luôn luôn ở trong thể động, và tùy thuộc vào người sống với những giây phút ấy của cuộc đời họ.

Bằng một cái nhìn tâm lý, hôn nhân là một nối kết, một sự hòa nhập, và tan biến giữa hai con người, mà hai người ấy lại đến từ hai thế giới hoàn toàn khác nhau. Tiến Sỹ John Gray đã trình bày hai thế giới ấy trong tác phẩm nổi tiếng của ông, nhan đề: “Men are from Mars, Women are from Venus (Đàn ông đến từ Hỏa Tinh, đàn bà đến từ Kim Tinh). Khoảng cách giữa hai hành tinh này là 74,4 triệu miles tương đương với 119.740.000 Km. Nếu đem so sánh khoảng cách giữa chúng với những khác biệt giữa người đàn ông và người đàn bà thì không chỉ trong cấu trúc cơ thể, mà còn tiềm ẩn qua những khác nhau về di truyền, giáo dục, văn hóa, kiến thức, tâm lý, xã hội và tâm linh nữa. Tóm lại, đây là hai thế giới hoàn toàn riêng biệt, khác nhau và chỉ có thể đến với nhau được bằng con đường tình yêu.

Một điểm khác nữa khiến cho hạnh phúc hôn nhân luôn gặp thử thách, đó là trong hôn nhân không có thứ hạnh phúc một mình. Chồng không thể chỉ nghĩ đến hạnh phúc của chồng, và vợ cũng không thể nghĩ đến hạnh phúc của vợ. Hạnh phúc là hạnh phúc của cả hai. Điều này không chỉ là cảm nghiệm từ tâm lý, mà nó đã được tìm thấy trong Thánh Kinh: “Bởi thế người nam sẽ từ bỏ cha mẹ mà luyến ái với vợ, và cả hai trở nên một.” (Khởi Nguyên 2:24) Sự liên kết nên một sẽ làm cho tình yêu và hạnh phúc hôn nhân trở thành viên mãn, nhưng nó cũng là điều kiện khó lòng thực hiện.

Thống kê năm 2021 tại Hoa Kỳ, 6 trong số 1.000 người sống đời hôn nhân, mặc dù con số này có phần giảm tính từ năm 1990, khi đó mực độ là 9,8 trong số 1.000 người sống đời hôn nhân. [1] Trong một thống kê khác thì mỗi năm riêng tại Hoa Kỳ có 2,3 triệu đôi tình nhân trao lời hẹn ước, và trung bình mỗi ngày có khoảng 6.200 đám cưới. [2] Chỉ tiếc rằng, một nửa trong số những đôi tân hôn ấy bằng cách này hay cách khác đã không đi trọn hành trình với nhau. Có cặp chỉ mới ba tháng, sáu tháng, một năm, năm năm, mười năm, cũng có cặp đã đi với nhau được ba chục, bốn chục và năm chục năm rồi lại chia tay. Số còn lại hàng ngày vẫn trải qua những cuộc cãi vã, bất hòa, và gây đau khổ cho nhau, “vui ít, buồn nhiều!”

Nếu hôn nhân ngày nay theo nhận xét tiêu cực của một số người bi quan “là mồ chôn hạnh phúc”, thì tại sao Thượng Đế lại thiết lập đời sống hôn nhân, và trao cho nó trách nhiệm bảo tồn nòi giống, xây dựng một xã hội mà trong đó con người được sống trong tình yêu và cùng nhau vui hưởng hạnh phúc? Câu trả lời là tại do con người. Vì tự ái, vì muốn sống theo những dục vọng và đam mê bất chính nên đã tự phá hủy nền tảng gia đình, kiếm tìm và xây dựng một hình ảnh hôn nhân theo ý mình, theo với những gì mình muốn. Những nguyên tắc sau đây, do đó, được nêu lên như những ứng dụng thực hành nhằm bồi bổ và làm sống lại tương quan lành mạnh hầu xây dựng một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Chúng không phải là chiếc đũa thần được đặt vào tay những kẻ lười biếng, ỷ lại, và thiếu nỗ lực cố gắng. Đây là những kinh nghiệm thực hành được trao đổi, chia sẻ và đúc kết từ những khóa học, những buổi thuyết trình, hồi tâm và hội thảo trong lãnh vực tình yêu, hôn nhân, gia đình. Và chúng bao gồm 3 nguyên tắc, cũng là 3 chìa khóa mở ra những cánh cửa hạnh phúc của hôn nhân:

1-Chấp nhận nhau: “Ngài dựng nên họ có nam, có nữ.” (Khởi Nguyên 5:2). Đây là sự chấp nhận căn bản và đầu tiên trong tương quan hôn nhân. Khi bước vào đời sống hôn nhân, cả hai đều bị thu hút một cách mãnh liệt. Theo tự nhiên, đó là sự hấp dẫn của con người khác phái (physical attraction). Lực hấp dẫn này cho thấy cả nam lẫn nữ đều bị thu hút bởi nhau để từ đó, những nẩy sinh tình cảm, tình yêu, và tình dục phát triển theo một chiều hướng tích cực đưa hai người lại với nhau, gần nhau, và cho nhau.

Khi chấp nhận nhau theo phái tính, người nam cũng như người nữ đều hiểu rằng sự khác biệt căn bản đã có sẵn, và chúng ta không thể làm gì khác hơn, ngoài việc tìm kiếm những cách thức hiểu biết để ngày càng trở nên bị thu hút và chinh phục từ những khác biệt ấy.

Những lý thuyết và trào lưu tư tưởng hiện nay về bình quyền nam nữ, đồng tính, hôn nhân đồng tính, và chuyển giới chỉ là những tư tưởng lệch lạc, nếu không muốn nói là bệnh hoạn đang làm sụp đổ nền tảng về gia đình của thế hệ trẻ. Có thể những lý thuyết này chỉ hấp dẫn và bùng phát trong chiều hướng suy tư và quan niệm xã hội nhất thời, nhưng tự căn bản chúng hoàn toàn đi ngược lại với căn tính và chủ đích tạo dựng ban đầu của Thượng Đế.

2-Lắng nghe nhau: “Cảm thông là chìa khóa của hạnh phúc.” Trong tâm lý hôn nhân, ngoài việc vợ chồng chấp nhận nhau về thể lý, tâm lý, và tâm linh, thì việc sống chung với nhau giữa những khác biệt ấy đòi hỏi phải có sự cảm thông và chia sẻ. Đây là chìa khóa thứ hai để mở cửa lòng nhau, và là phương thuốc hóa giải mọi bất hòa, đổ vỡ. Chính trị ngoại giao cũng là một phần trong học thuyết điều hành quốc gia và thế giới hiện nay. Bởi đó mới có những cuộc hội họp thượng đỉnh, những buổi gặp gỡ cấp quốc gia, quốc tế, hoặc những buổi hội thảo, trao đổi trong mọi ngành nghề, mọi cấp độ.

Hạnh phúc hôn nhân được xây dựng trên khả năng lắng nghe và chia sẻ. Nó không liên quan gì đến tuổi tác, ngày giờ cưới hỏi. Và nó cũng không phải là lý do dựa vào hai chữ khắc khẩu. Tất cả những cái đó chỉ nói lên rằng, hai vợ chồng có những bất hòa, tranh chấp, cãi vã chỉ vì không hiểu nhau, hoặc do cái tôi, do tự ái đã dẫn đến những đổ vỡ ấy. Cảm thông và chia sẻ (communication) là một phần trong khoa tâm lý hôn nhân, là một chìa khóa được dùng để mở ra con đường hòa giải, tha thứ và hiểu nhau.

Nhưng làm sao để hai người có thể hiểu nhau và thông cảm được với nhau? Một cách tổng quát họ phải biết cách nói, cách chia sẻ, và cách lắng nghe nhau. Đây là những đề tài cần phải được khai triển rộng rãi hơn. Nhưng tóm lại, thì người ta có thể nói với nhau bằng lời, bằng hành động, và bằng biểu cảm. Không nhất thiết phải gào lên, phải la lối, phải tranh luận. Để lắng nghe nhau, thì tiên vàn chúng ta phải đặt mình vào vài trò người nói. “Hãy xỏ chân vào đôi giầy của người khác”, như vậy mình sẽ có cảm giác thế nào là phù hợp. Và sau cùng là không phỏng đoán, giả định (assume) chuyện này, chuyện khác về nhau hoặc cho nhau. Cái gì không biết hoặc không nắm chắc thì không quả quyết hoặc gán ghép cho nhau.

3-Đồng hành trong niềm tin: Chìa khóa thứ ba là tình yêu xây trên nền tảng tôn giáo. Niềm tin vào Thượng Đế là món quà tinh thần mà Ngài ban tặng cho con người. Nó được ghi khắc trong lòng của mỗi người. Nó không phân biệt chủng tộc, văn hóa, hay tôn giáo. Chính trong niềm tin tôn giáo mà con người tìm được ý nghĩa của cuộc sống, được nâng đỡ và cảm thấy an tâm trên hành trình cuộc sống. Xây dựng tình yêu của mình trên căn bản niềm tin là tin rằng: “Thiên Chúa là tình yêu.” (1 Gioan 4:8). Từ niềm tin ấy, chúng ta mới trả lời được câu hỏi: “Con người được sinh ra để làm gì?” Đó là, để yêu và được yêu.

Hấp dẫn, mời gọi, thơ mộng, lãng mạn và cuốn hút như tình yêu nam nữ. Hy sinh, quên mình, xả thân như tình yêu cha mẹ dành cho con cái. Tình yêu anh chị em, bè bạn, quê hương… Tất cả đều phát xuất từ tình yêu Thượng Đế chia sẻ với con người.

Nếu đi tìm một thứ tình yêu nào ngoài ý nghĩa của tình yêu ấy là con người đang đi vào con đường dẫn tới hủy diệt, ích kỷ, đam mê, và dục vọng. Bởi vì tình yêu rất mù quáng, nhưng lại mãnh liệt: “Tình yêu mạnh như sự chết.” (Diễm ca 8:6)

Xây dựng một niềm tin tôn giáo vững mạnh cũng chính là tìm được chìa khóa mở cánh cửa dẫn vào một tình yêu bền vững, chung thủy và hạnh phúc của hôn nhân.

——————————————-

1. https://www.statista.com › Society › Demographics
2. United States Wedding Statistics – Joshua Harrison Photography

LÝ DO TẠI SAO PHỤ NỮ NGÀY NAY KHÔNG MUỐN LẤY CHỒNG?

Trần Mỹ Duyệt

Lấy chồng thì không muốn lấy nhưng vẫn muốn có bồ. Lập gia đình thì không nhưng vẫn sống chung với người yêu, với bạn trai và vẫn sinh con. Đây là hiện tượng đang thu hút giới trẻ và trở thành một xu thế (mentality) mới của xã hội. Câu hỏi được đặt ra là tại sao phụ nữ ngày nay không thích lấy chồng? Đâu là những lý do?

Tưởng là ở những xã hội tự do Âu Mỹ mới có hiện tượng phụ nữ không muốn lấy chồng, nhưng dường như xu thế này hiện nay đang lan tràn mọi nơi trên thế giới. Mới đây khi có dịp về thăm Việt Nam, tôi cũng đã nghe những lời than thở của mấy bạn thân, đại khái: “Con cái ngày nay chúng coi nhẹ việc lấy vợ, lấy chồng. Tôi có 2 đứa con gái đã xấp xỉ 30 tuổi rồi mà mỗi lần nói đến chuyện hôn nhân, gia đình là chúng gạt đi. Chúng bảo tôi: Lấy chồng làm gì. Ở vậy cho nó sướng!”

Theo Pew Research Center 2020, khoảng 3 trong 10 người lớn tuổi tức 31% dân số Hoa Kỳ không lập gia đình. Họ sống với bồ, với bạn trai hay bạn gái trong mối tương quan lãng mạn, tình tứ như vợ chồng. Một cách chi tiết hơn, khoảng 41% những người ở tuổi từ 18 đến 29, và 36% những người 65 hoặc lớn tuổi hơn sống độc thân, so với 23% những người tuổi từ 30 đến 49, và 28% những người từ 50 đến 64 tuổi. So sánh giữa nam và nữ, thống kê chỉ ra rằng nữ giới ngày nay thích đời sống độc thân hơn nam giới. Rõ ràng hơn, ba trong mười người phụ nữ tuổi từ 18 tới 29 (32%), và 50 tới 64 (29%) là độc thân.

Xét về học vấn, 1/3 tức 34% trong số những người độc thân có bằng trung học hoặc trình độ kém hơn, 32% trình độ đại học, và 25% ít nhất có bằng cử nhân.

Về giới tính, 47% thành phần đồng tính hoặc lưỡng tính (unisex), và 29% giới tính xác định (straight) nhận mình là độc thân. [1]

Trong một thống kê so sánh giữa các nước Đông Nam Á, 30 năm trước đây, ở châu Á chỉ có 2% phụ nữ ở độ tuổi kết hôn sống độc thân, nhưng hiện nay, tại Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan số phụ nữ trên 30 tuổi sống độc thân đã vượt quá 20%. Học giả Gavin Jones của trường Đại Học Công Lập Singapore, nói: “Đó là sự thay đổi lớn trong một thời gian ngắn.” [2]

Tóm lại, phụ nữ ngày nay có nhiều lý do để từ chối sống đời hôn nhân mà họ cho là gò bó, mất tự do, rủi ro, và không mang lại những gì họ đang tìm kiếm. Những lý do ấy đến từ quan niệm và kinh nghiệm cá nhân, ảnh hưởng xã hội, môi trường sống, và triết lý sống thời đại. [3]

1.Quan điểm và kinh nghiệm cá nhân:

Thích được tự do.

Không muốn gò bó, bị lệ thuộc và bị làm phiền. Phần lớn những phụ nữ độc thân hiện nay đều đề cao nếp sống và chủ nghĩa tự do. Những người này cho rằng hôn nhân là một đời sống gò bó. Nó bao gồm nhiều luật lệ, nhiều ràng buộc và trách nhiệm. Trong một thống kê, ở Tokyo có tới 70% phụ nữ không kết hôn hiện sống chung với cha mẹ. Họ không phải nấu cơm, giặt quần áo, làm việc nhà, những việc mà sau khi kết hôn họ phải tự làm và làm cho chồng, con của họ. Không ít những phụ nữ còn cho rằng hôn nhân là cuộc sống không công bằng với nữ giới. Kết quả cuộc khảo cứu của Đại Học Waseda, Nhật Bản cho biết: “Phụ nữ muốn tìm được người biết chiều chuộng họ. Họ muốn có một hôn nhân hoàn hảo cả về vật chất lẫn tinh thần.”

Những ám ảnh về hôn nhân.

Thống kê hiện nay có tới 40 – 50% các cuộc hôn nhân đã kết thúc bằng ly dị. Nhiều người ly dị hai, hoặc ba lần. Họ ly dị vì nhiều lý do: người chồng cờ bạc, nghiện ngập, không chung thủy, lười biếng và vô trách nhiệm. Một số ly dị vì bị bạo hành và xúc phạm thể xác, tâm lý và tinh thần. Bạo hành trong gia đình là một nỗi sợ hãi và ám ảnh kinh hoàng của đời sống hôn nhân. Điều này đã khiến nhiều phụ nữ không muốn tiến tới một ràng buộc pháp lý nào trong tương quan tình cảm và tình yêu, đặc biệt, những người mẹ đơn thân.

Nhiều phụ nữ không muốn lấy chồng còn do bị ảnh hưởng từ hôn nhân của cha mẹ. Họ đã chứng kiến cảnh cãi vã, chửi bới, đánh đập, và hành hung giữa cha mẹ. Chính mẹ của họ đã phải ly dị và vất vả nuôi nấng họ, nay họ sợ và không muốn đi vào vết xe đổ vỡ trước. Đối với họ, những hình ảnh này là một nỗi ám ảnh kinh hoàng (traumatic experience) về hôn nhân.

Muốn phát triển nghề nghiệp.

Một số phụ nữ với trình độ đại học, với địa vị luật sư, bác sỹ, nha sỹ, dược sỹ, giáo sư, kỹ sư, khoa học gia, chính trị gia… Đối với những phụ nữ này nghề nghiệp và địa vị xã hội chiếm phần lớn thời gian của họ. Họ không có giờ hẹn hò, yêu đương, và dù có nghĩ đến hôn nhân, họ cũng không dám mạnh dạn hy sinh đánh đổi một cuộc sống mà vai trò làm vợ, làm mẹ của họ đòi hỏi họ.

2.Ảnh hưởng xã hội & Triết lý sống thời đại:

Thích được tự do luyến ái.

Có cần phải tiến tới hôn nhân để có được một đời sống về tình yêu, tình cảm, và thỏa mãn tình dục không? Theo những gì mà phong trào nam nữ bình quyền, quan niệm đồng tính, hôn nhân đồng tính, và tự do luyến ái đang phổ biến hiện nay, những gì mà đời sống hôn nhân mang lại, thì cuộc sống độc thân với lối sống tự do luyến ái, tự do tình dục có thể bù đắp. Theo kết quả khảo cứu của Pew đã được nêu trên, thành phần độc thân hiện nay gồm 47% trong giới đồng tính hoặc lưỡng tính, và 29% những người xác định giới tính nam hay nữ. Cũng theo kết quả này, 30 trong số 195 quốc gia đã thông qua luật hôn nhân đồng tính.

Khả năng kinh tế.

Trong khi nữ giới nhiều người có khả năng cao về học thức, nghề nghiệp, và độc lập về tài chính thường tỏ ra rất ngại ngùng chia sẻ lối sống thượng lưu, cũng như khối tài sản mà họ có được từ khối óc, đôi tay và sức lao động của họ với một người đàn ông. Sự nghi ngờ và phân vân giữa lựa chọn hôn nhân hay một cuộc sống bạn bè, sòng phẳng luôn luôn ảnh hưởng đến quyết định của họ. Đối với những phụ nữ này, tôi thích anh – không nhất thiết tôi yêu anh – tôi đến với anh. Nhưng khi nào tôi không cảm thấy thích anh, hoặc nhu cầu tình cảm, tình dục của tôi không cần thiết nữa, tôi và anh chia tay.

3.“Con người sống một mình không tốt.” (Genesis 2:18)

Căn cứ trên những khảo cứu như vừa trích dẫn, và dựa vào kinh nghiệm mà chúng ta đang chứng kiến hiện nay, những lời khuyên sau đây trở nên cần thiết cho những thanh niên, đàn ông đang muốn tìm một nửa mảnh ghép của mình để cùng sánh bước trên hành trình cuộc sống:

Ý chí cầu tiến.

Người đàn ông, con trai thời nay có thể là chưa thành đạt, chưa có địa vị hoặc chưa tìm được việc làm ổn định, nhưng chắc chắn phải có một ý chí cầu tiến, quyết tâm dân thân và chấp nhận hy sinh để vươn lên.

Tinh thần trách nhiệm.

Ngoài ra, họ phải tỏ ra là người phải có trách nhiệm với mình, với người bạn đời, và với cuộc sống chung. Sự phân chia bổn phận theo phái tính không loại bỏ thái độ cộng tác, chia sẻ, và đồng hành với vợ con. Đây là điều mà người phụ nữ rất cần trong đời sống hôn nhân hiện nay, khi mà cả hai vợ chồng đều có những công ăn việc làm riêng.

Trưởng thành trong cuộc sống.

Sau cùng, điều mà phụ nữ, nhất là phụ nữ ngày nay muốn tìm nơi một người đàn ông là thái độ và lối cư xử trưởng thành. Không những biết đón nhận những khác biệt nam nữ, mà còn phải biết dung hòa và làm cho đời sống hôn nhân trở nên hạnh phúc nhờ vào sự bổ túc, tương đồng của phái tính, của giáo dục, và của văn hóa.

“Nếu không tìm được người đàn ông tử tế và có đủ tin tưởng thì thà rằng ở vậy còn hơn lấy chồng!” Đây là câu nói không hoàn toàn đúng. Cốt lõi của đời sống và mục đích sự xuất hiện của con người trên trái đất được xây dựng trên lời của Thượng Đế khi tạo dựng con người: “Con người sống một mình không tốt!” (Genesis 2:18) Điều này nói lên rằng, trong chọn lựa người yêu, phụ nữ phải nhìn vào giá trị, tư cách và đời sống của người mình yêu. Sẽ không có chọn lựa tuyệt đối. Ngược lại, người nam cũng phải tỏ ra mình có một cái gì đó khiến cho người đối diện nể phục và kính trọng. Người phụ nữ trước khi yêu ai, nàng phải nể phục người đó trước.

 

Trần Mỹ Duyệt 


1. Pew Research CenterAugust 20, 2020

https://www.pewresearch.org/…/a-profile-of-single…/

2. https://baomai.blogspot.com/…/vi-sao-phai-ep-khong…

3.https://baomai.blogspot.com/…/vi-sao-phai-ep-khong…

https://www.mindbodygreen.com/…/valid-reasons-to-not…

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!