CHÚA NHẬT ÁO HỒNG
Chúa Nhật Áo Hồng rơi vào Chúa Nhật Tuần III Mùa Vọng, với tên gọi Chúa Nhật Gaudete, bởi vì, “Gaudete” là chữ đầu tiên của lời Ca Nhập Lễ, được trích từ Pl 4,4-5: Hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Vui lên anh em! Chúa đã gần đến.
Chúa Nhật Áo Hồng rơi vào Chúa Nhật Tuần IV Mùa Chay, với tên gọi Laetare, bởi vì, “Laetare” là chữ đầu tiên của lời Ca Nhập Lễ, được trích từ Is 66,10: Hãy vui mừng với Giêrusalem. Hãy cùng Giêrusalem khấp khởi mừng.
Màu hồng là màu của hừng đông, khi trái đất đang bị bao phủ bởi một màu đen tối, thì từ phía chân trời lóe lên một màu hồng, ánh hừng đông báo hiệu bình minh, và ánh sáng chói chang đang đến. Chúa Nhật Áo Hồng là chút dừng chân, nghỉ tạm, trong cuộc hành trình dài màu tím, để thêm hân hoan trên chặng đường kế tiếp.
Chúa Nhật Áo Hồng Gaudete báo hiệu niềm vui Giáng Sinh sắp đến. Niềm vui Giáng Sinh là niềm vui nào? Niềm vui vì Thiên Chúa đã nhập thể làm người, mang lấy thân xác giống như thân xác tội lỗi chúng ta. Nếu Đấng đồng bản thể với Chúa Cha đã chẳng mang lấy cùng một bản thể với Mẹ của Người; và nếu Đấng hoàn toàn vô tội đã không liên kết với bản tính yếu hèn của chúng ta, thì toàn thể nhân loại chúng ta, vẫn còn bị giam cầm dưới ách nô lệ ma quỷ, và chúng ta cũng chẳng được thừa hưởng chiến thắng của Đức Kitô, nếu như chiến thắng ấy đã diễn ra bên ngoài bản tính chúng ta. Nhờ Thánh Thần, Đức Giêsu đã được thành hình trong dạ Mẹ và được sinh ra; cũng nhờ chính Thánh Thần, mà chúng ta được sinh lại, không phải do khí huyết, cũng chẳng phải do ý muốn của nam nhân, nhưng chính Thiên Chúa đã sinh ra chúng ta.
Chúa Nhật Áo Hồng Laetare báo hiệu niềm vui Phục Sinh sắp đến. Niềm vui Phục Sinh là niềm vui nào? Niềm vui vì Đức Giêsu đã tự do chấp nhận chịu nạn và chịu chết vì yêu mến Chúa Cha và yêu thương loài người, mà Chúa Cha muốn cứu độ. Vì chúng ta, Chúa Cha đã coi Đức Giêsu như hiện thân của tội lỗi, để chúng ta được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tì tích. Vì đã muốn liên kết Đức Giêsu với chúng ta là những kẻ tội lỗi, cho nên, Chúa Cha đã chẳng dung tha, nhưng, đã trao nộp Con của Người vì hết thảy chúng ta. Đức Giêsu đã thay thế sự bất tuân của chúng ta bằng sự vâng phục của Người: Nhờ vâng phục cho đến chết, Người đã đảm nhận hoàn toàn vai trò Người Tôi Trung đau khổ, hiến mạng sống mình làm Của Lễ Đền Tội muôn dân. Người gánh lấy tội lỗi của chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính. Niềm vui của chúng ta là được Thiên Chúa thương ơn cứu độ, tuy nhiên, để được hưởng ơn cứu độ, chúng ta phải tham dự vào mầu nhiệm vượt qua của Đức Giêsu: theo Đức Kitô trong đau khổ, ắt sẽ được ở với Người trong vinh quang.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB