Phụng vụSuy niệm ngày thường

Chứng nhân Phục Sinh

9.4 Chúa Nhật Lễ Phục Sinh

St 10:34,37-43; Tv 118:1-2,16-17,22-23; Cl 3:1-4; 1 Cr 5:6-8; Ga 20:1-9

Chứng nhân Phục Sinh

Chúa Ki-tô đã Phục Sinh như trong tin mừng Gio-an 20,1-9 đã tường thuật một cách tỉ mỉ như một nhân chứng đã mắt thấy tai nghe, diễn tả hành trình mà các tông đồ, cụ thể là 3 nhân vật: Ma-ri-a Mac-đa-la, Phê-rô và Gio-an đã trải qua để tiến đến niềm tin “Chúa đã Phục Sinh”. Chúng ta có thể suy niệm về vai trò của Phêrô và Gioan trong ý nghĩa về Giáo hội học. Nhưng hôm nay chúng ta lưu ý đến chính cuộc phục sinh của Chúa Kitô và ý nghĩa của biến cố này.

Tin mừng của thánh Gioan hôm nay đã trình thuật lại cho chúng ta nghe về sự Phục Sinh của Chúa Giêsu và “ngôi mộ trống” của Ngài. Những sự kiện được mô tả trong bài Phúc âm thánh Gioan không chỉ muốn minh chứng cho chúng ta biết về sự sống lại của Chúa Giêsu mà thôi, nhưng điều trọng yếu nhất chính là nền tảng cho lòng tin vào mầu nhiệm của sự sống lại.

Qua các dấu chỉ bên ngoài nơi mộ Chúa, Maria Mađalena, Phêrô, và người môn đệ Chúa Giêsu yêu mến đã chắc chắn rằng Thầy mình đã sống lại. “Họ đã thấy và họ đã tin” (Ga 20,8). Điều này cho chúng ta thấy được niềm tin mãnh liệt của họ, mặc dầu trước đây họ vẫn chưa hiểu được Đức Giêsu phải chỗi dậy từ cõi chết như thế nào!

Đức tin là một điều không thể thiếu được trong cuộc sống của mỗi một người Kitô hữu. Có đức tin là một điều cần thiết, tuyên xưng đức tin lại là một điều cần thiết hơn nữa. Trong niềm vui trọng đại của ngày Chúa Giêsu Phục sinh, chúng ta hãy cùng nhau dành một chút thời gian để suy niệm niềm tin yêu nầy.

Thánh Phao-lô quả quyết: “Nếu Chúa Kitô không sống lại thì niềm tin của chúng ta là điều vô ích,… chúng ta là những người khờ dại nhất vì chúng ta tin tưởng vào một điều hão huyền” (1Cr 15,12-19).

Vậy Phục Sinh là gì? Đâu là ý nghĩa của biến cố Phục Sinh?

Phục Sinh không có nghĩa là hồi sinh trở về đời sống cũ, giống như trường hợp con trai bà góa thành Na-im (Lc 7,11-17), con gái ông Gia-ia (Lc 8,40-56), và đặc biệt là ông La-za-rô (Ga 11,1-45). Cả ba trường hợp này người chết đều sống lại, nhưng đó chỉ là trở lại với đời sống cũ, có nghĩa là một ngày nào đó họ cũng phải theo cái số phận chung của loài người là phải trở về với bụi đất. Họ vẫn còn nằm dưới quyền của sự chết.

Trường hợp của Chúa Giê-su hoàn toàn khác hẳn. Quả thực, Ngài đã chết nhưng khi nói rằng Ngài Phục Sinh, có nghĩa là Ngài hoàn toàn chiến thắng sự chết, Ngài không sống lại một thời gian để rồi chết lại. Sống lại đối với Chúa Giêsu có nghĩa là mặc lấy sự sống sung mãn mới mẻ đến độ sự chết không còn chi phối nữa, cũng không định luật tự nhiên nào có thể chi phối được Ngài. Nhưng quan trọng hơn nữa, Chúa Kitô Phục sinh trở nên nguồn sự sống và sự sống lại của chúng ta. Điều Chúa nói trước đây: “Ta là sự sống lại và là sự sống” (Ga 11,24) bây giờ trở nên sự thực qua việc Chúa sống lại.

Khi chúng ta nói về mầu nhiệm, bất cứ mầu nhiệm nào nhưng nhất là mầu nhiệm Đức Giêsu sống lại, mầu nhiệm đó có liên quan đến ta cách riêng biệt và ta không thể giả vờ không biết điều ấy, mầu nhiệm này liên kết chặt chẽ với đời sống và hạnh phúc của ta. Một mầu nhiệm từ đó con người không thể “trốn thoát” mà không làm phương hại chính mình.

Cần thêm rằng thật tốt và ích lợi cho ai “chạm” đến hoặc được mầu nhiệm ấy chạm đến. Có người nghĩ rằng vì là mầu nhiệm nên điều đó làm nhục ta, làm ta mất danh giá, đánh mất tự chủ và sự cao cả, đánh gục ta ngay từ nền tảng lý trí và dẫn ta vào đường lối mù quáng của sự cả tin. Chẳng có gì sai lạc cả! Đối diện với mầu nhiệm nghĩa là với điều gì vượt trên việc ta kinh nghiệm về sự vật và con người, là dấu chỉ của cội nguồn cho thấy rằng con người không hoàn toàn là trần tục, và được mời gọi đến một thế giới cao hơn cái cát bụi trần đời này.

Sau cùng, mầu nhiệm nhắc nhớ, làm sống lại nơi con người nơi mà từ đó nó phát xuất ra, sứ mạng của nó ở trần gian, điểm đến và mục đích cuộc đời của nó. Đó chẳng phải là sự cao cả của con người khi sánh với thế giới thụ tạo đó sao?

Hôm nay chúng ta cử hành mầu nhiệm Đức Kitô sống lại, sự sống chiến thắng sự chết, bảo đảm cho sự sống vĩnh cửu của ta, được ẩn giấu nơi Thiên Chúa. Mầu nhiệm này không được truyền lại cho ta nhờ các nhà tư tưởng vĩ đại nhất lịch sử hoặc nhờ những nhà thần bí trong các tôn giáo. Ta cũng chẳng thể biết gì nhờ các pháp sư các phù thủy đủ loại qua các thời đại.

Là những chứng nhân của Đấng Phục Sinh các môn đệ Đức Giê-su đã ra đi khắp nơi để rao giảng Tin Mừng của Ngài, Tin Mừng ấy là: Ai tin nhận Đức Giê-su, tuyên xưng Ngài là Chúa và sống theo giáo huấn của Ngài, người đó cũng sẽ được Phục Sinh như Ngài. Ngày nay tất cả mọi người tín hữu trên khắp thế giới đều được liên kết bởi cùng một niềm tin, đó là là niềm tin vào sự Phục Sinh của Đức Giê-su Ki-tô. Chính niềm tin ấy mang lại ý nghĩa cho cuộc sống, hướng dẫn các Ki-tô hữu bước qua tăm tối và giúp cho họ sống vui tươi, can đảm, và kiên nhẫn trong mọi nghịch cảnh.

Hãy nhìn vào mẫu gương sống động của Đức Kitô, Chúa chúng ta. Ngài đã khiêm hạ để sống kiếp người như ta. Chính khi tiếp nhận mọi mùi vị của cuộc sống. Ngài đã mặc cho cuộc sống một chân lý, một ý nghĩa, một hướng đi. Cuộc sống có ngọt ngào có đắng cay, có lao nhọc có nghỉ ngơi, có thành công có thất bại. Tất cả đều mang một ý nghĩa. Trong Đức Kitô, mất mát trở thành thắng lợi, thua thiệt trở thành cơ may, đau khổ trở thành dịu ngọt, và cái chết sẽ trở thành khởi đầu cho cuộc sống.

 

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!