Chuyến tàu cuối cùng – Dọn mình chết lành
Hướng ý: Lạy Chúa Giêsu, chỉ còn một ít ngày nữa thôi, là chúng con đón chào Năm Mới và từ biệt năm cũ. Từ biệt năm cũ, chúng con cùng nhau quây quần bên Chúa, để suy ngắm về cuộc đời trần thế này. Cảm tạ Chúa về những tháng ngày đã qua, chúng con đã sống, đã được tình thương Chúa chở che.
Lạy Chúa, xin Chúa giúp chúng con ý thức được rằng: Chúa là phần thưởng cao quí của chúng con. Xin Chúa hãy nhận lấy đời sống dâng hiến của chúng con làm lễ vật dâng hiến Chúa. Mặc dù chúng con làm cho đời sống dâng hiến ấy trở nên tầm thường, và có khi là đời sống của sự yếu hèn tội lỗi, nhưng xin Chúa nhận, vì tình thương xót Chúa để biến đổi, để thanh luyện. Trong niềm tin tưởng đời sau, chúng con có thể nói với Chúa rằng: “Chúng con sẵn sàng chết, khi nào Chúa muốn, chết như ý Chúa, miễn là chúng con được chết trong tình yêu và trong ơn nghĩa với Chúa.
Hát: Hy vọng nơi Chúa
Suy niệm 1: Đời sống con người thật bấp bênh, sáng nay còn nói cười rộn rã, nhưng biết đâu chiều đến lại là thành viên của đất thánh rồi. Có lẽ vì sự mau qua của đời người, mà chúng ta mới cần có những buổi dọn mình chết lành như thế này đây. Chúa ta đang sống trong những giây phút của ngày cuối năm khá bề bộn, vì phải lo chuẩn bị mọi thứ để hoàn tất trong Năm Cũ, để chào đón Năm Mới.
Có người sánh ví cuộc đời như con tàu tốc hành, luôn lao về phía trước. Con tàu cuộc đời cũng là chuyến tàu một chiều, ta không thể nào quay lại ngày hôm qua, hay ga trước. Bất cứ con tàu nào, dù hành trình dài hay ngắn, thì cũng có lúc phải dừng lại ở một sân ga. Sân ga là đích điểm của cuộc hành trình. Người đi trên tàu đến sân ga thì phải xuống. Chẳng ai đến sân ga mà lại nấn ná ở lại mãi trong toa. Sân ga cũng là điểm hẹn, là gặp gỡ, cuộc gặp gỡ ở sân ga bao giờ cũng cảm động, cũng trào dâng những cung bậc cảm xúc khác nhau.
Cho dù cuộc hành trình xa bao nhiêu, dài bao nhiêu rồi cũng có lúc dừng. Cuộc sống con người có dài đến mấy rồi cũng đến hồi kết thúc, như con tàu phải đến nơi sân ga. Sớm muộn gì thì cũng có ngày dừng lại ở bến đỗ. Dừng lại ở bến đỗ là thời điểm kết thúc cuộc đời, giống như hành khách, là phải xuống tàu, phải về nhà, để gặp người thân trong gia đình. Cuộc gặp gỡ này vừa là điểm kết thúc của một chuyến đi, vừa là khởi điểm cho một cuộc hành trình mới, tức là hành trình vĩnh cửu… hành trình vĩnh cửu chính là về nhà Cha chúng ta.
Là con người, sự chết tất nhiên sẽ đến, đây là điều không thể tránh được. Chết là một thực tại đau đớn nhất, tàn khốc nhất, khó hiểu nhất và chưa có ai đi qua nó. Chính vì chưa có ai đi qua nó, nên coi nó rất đỗi bình thường. Tuy nhiên, đứng trước sự ra đi của hàng ngàn người mỗi ngày lần lượt đi vào cõi chết, chúng ta không khỏi thắc mắc, gẫm suy về thực tại đau thương này. Chết là gì? Tại sao lại phải chết? Và nếu là người có đức tin, thì cũng có khi rơi vào một cảm giác phẩn uất, bất lực. Cũng có lúc chúng ta có cảm tưởng Chúa đùa giỡn thật quá đáng đối với con người. Tại sao Chúa dựng nên con người làm chi? Để cho con người phải chết? Nếu chung cuộc của đời sống là cái chết thì những cố gắng của con người có đem lại lợi ích gì không? Như lời của tác giả trong Thánh vịnh đã hỏi Chúa?
“Chúa được lợi gì khi con phải chết?
Được ích chi nếu con phải xuống mồ?
Nắm tro tàn làm sao ca tụng Chúa,
Và tuyên dương lòng thành tín của Ngài.” (Tv 30, 10)
Và nếu như mọi người đều phải bước qua cái ngưỡng cửa sự chết, ta có cảm giác vô vọng, bởi vì cái chết bao trùm lên cõi nhân sinh, nó chẳng bao giờ ngừng lại trong việc chiếm đoạt sự sống của con người. Thế nhưng, trong vài chục năm, sống nơi dương gian, có mấy ngày ta nghĩ đến sự chết? Có lẽ điều này rất ít. Ít khi chúng ta đụng chạm đến vẫn đề chung cuộc của kiếp người này. Chúng ta ít nghĩ đến cái chết, bởi vì chúng ta ham sống, và lo tô điểm cho cuộc sống của mình ngày càng phong phú hơn, nên chúng ta dễ dàng quên đi sự chết. Chỉ khi thật sự đối diện với cái chết, chúng ta mới nghĩ về nó một cách nghiêm túc. Trong cái chết, tất cả chúng ta, giàu sang hay nghèo hèn, quyền cao chức trọng hay vô danh tiểu tốt, thánh thiện hay tội lỗi, vĩ nhân tài giỏi, hay ngu si hèn nhát, tất cả đều là xác đất vật hèn như nhau, chằng ai thoát khỏi án tử.
“Kìa thiên hạ thấy người khôn cũng chết,
Kẻ ngu đần dại dột cũng tiêu vong,
Bỏ lại tài sản mình cho người khác.
Tuy họ lấy tên mình mà đặt cho miền này xứ nọ,
Nhưng ba tấc đất mới thật là nhà,
Nơi họ ở muôn đời muôn kiếp.
Dù sống trong danh vọng,
Con người cũng không thể trường tồn;
Thật nó chẳng khác chi con vật một ngày kia phải chết.” (Tv 19, 11 – 13)
Nói về cái chết với đầy những bất lực, phẫn uất, chua chát như thế, không có nghĩa là chúng ta để mình rơi vào lối sống bi quan, yếm thế. Nhưng suy gẫm về cái chết, là để chúng ta có cái nhìn nghiêm túc về sự sống. Tác giả Thánh vịnh đã có lời cầu xin mang đầy ý nghĩa, để nhắc nhở bản thân rằng: “Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan”(Tv 90, 12). Nghĩa là, dù thế nào đi nữa, thì chúng ta cũng tiến dần về cái chết, cho nên chúng ta phải nghiêm túc mà ý thức về từng phút giây mình đang sống. Để nhờ ý thức này, chúng ta không để lãng phí sự sống đã trao cho chúng ta, nhưng là tận dụng sự sống này, mà tìm kiếm một sự sống vĩnh cửu như lòng hằng khát khao. Như theo lời một triết gia đã nói: “Sống là một sự tập luyện, để đón chờ cái chết”. Như thế, đau khổ, buồn vui, lành dữ còn có quan trọng gì, khi tất cả đã đi vào cõi hư vô?
Hát: Một thoáng mây bay
Suy niệm 2: Thời gian sẽ tôi luyện đời người. Tuổi càng cao, kinh nghiệm càng nhiều, nhưng khi dày dặn kinh nghiệm rồi, thì cuộc đời cũng đã xế bóng, không còn cơ hội quay lại để sống, và sống không sai lầm.
Có một câu chuyện kể lại rằng: Một ông nhà giàu kia cưới đến 4 bà vợ: ông ta rất cưng chiều bà vợ thứ tư. Ông mua sắm cho bà đủ mọi thứ áo quần và nữ trang sang trọng, bởi vì bà có sắc đẹp lộng lẫy, khiến mọi người xầm xì, ước ao được như ông.
Thế nhưng, mỗi lần đi họp hay đi kinh doanh, ông lại sung sướng và hãnh diện mang theo bà vợ thứ ba. Ông luôn khoe rằng, bà là niềm hãnh diện của ông, vì bà rất khôn ngoan và thông minh, xứng đáng là cố vẫn cho ông trong công việc làm ăn. Còn đối với bà vợ thứ hai, mỗi khi gặp khó khăn, cho dù lớn hay nhỏ, ông đều thủ thỉ, tâm với bà vợ thứ hai. Ông tin tưởng bà lắm, vì bà là người nâng đỡ tinh thần cho ông, luôn trung tín và đầy yêu thương. Bà thật là người bạn đời tri kỉ của ông.
Ngược lại, dường như ông đã quên lãng bà vợ thứ nhất, trong khi bà rất thương ông. Bà dành hết cuộc đời mình để lo mạng sống và sự nghiệp cho ông. Bà không bao giờ từ chối một hy sinh nào cho chồng. Ngay cả nhưng khi ông lầm lỗi, bà cũng can đảm, nhẹ nhàng nhắc nhỏ, khuyên lơn và rộng lòng tha thứ.
Rồi một ngày kia, ông phát bệnh, bệnh ung thư đã đến thời kỳ cuối, các bác sĩ trả về nằm chờ chết. Biết mình chẳng còn sống được bao lâu, ông cho mời 4 bà vợ đến để nói lời cuối cùng.
Bà thứ tư mặc xiêm y lộng lẫy, nữ trang vàng óng ánh, nước hoa thơm phức, lan toả khắp phòng, bà đến bên chồng. Ông nói: “Em ơi, anh sắp chết rồi, em là người anh yêu mến nhất, chăm sóc cho em từng ly từng tí, em có muốn theo anh về bên kia thế giới, để chung sống, để quan tâm chăm sóc cho anh không?”. Nàng sa sầm nét mặt trả lời: “Không, tình nghĩa đôi ta hết rồi, nói xong, bà vội vã bước ra khỏi phòng. Lời bà như một nhát dao đâm thấu tim ông”.
Ông nhà giàu quay sang nắm lấy tay bà vợ thứ ba, run run nói: “Em yêu, suốt đời anh, em là hạnh phúc, là niềm tự hào, là niềm kiêu hãnh của anh. Giờ đây anh sắp chết, em có muốn theo anh về bên kia như hào quang sáng chói, cùng anh tiến vào cuộc sống huy hoàng không?”. Bà lạnh lùng đáp: “Không, anh chết rồi, tôi sẽ tái giá. Ai lại phải theo kẻ xuống mồ bao giờ?. Nói xong, bà quay gót bỏ đi. Mỗi tiếng gót giày bà nện xuống sàn nhà, là một nhát búa đóng xuống xuyên qua tim ông.
Ông lại quay nhìn bà vợ thứ hai và ân cần hỏi: “Em yêu, trong suốt cuộc đời, em là người luôn sát cánh cùng anh, không có chuyện gì mà anh không chia sẻ cùng em. Em luôn bên cạnh anh, lúc vui cũng như lúc buồn. Giờ đây anh sắp chết, em có chịu theo anh không?”. Nàng trả lời: “Anh à, em biết, anh thương em, và em cũng thế. Nhưng em sẽ theo anh ra nghĩa trang, thắp cho anh vài nén hương, em sẽ nhớ đến anh, nhưng theo anh thì em không thể nào theo được.” Dứt lời, nàng gạt nước mắt bỏ ra ngoài, chuẩn bị đám tang cho ông.
Bổng đâu một giọng nói yếu ớt vang lên: “Anh à, em sẽ theo anh về bên kia thế giới, cho em đi cùng, đừng bỏ em”. Ông nhà giàu lấy hết sức tàn, gượng ngồi dậy. Thì ra đó là bà vợ thứ nhất của ông, đang ngồi ôm mặt khóc. Một người vợ chung thủy, luôn yêu chồng, nhưng bị chồng bỏ bê, quên lãng cả đời. Trước cái chết, giờ đây ông nhà giàu mới nhận ra giá trị của tình yêu.
Hôm nay, khi suy niệm về cái chết, chúng ta hãy suy nghĩ về cái chết của mình, và nhận ra 4 bà vợ của đời mình.
- Mình đã quá yêu bà vợ thứ tư, đó chính là quá yêu thân xác mình. Mình mặc cho nó đủ thứ lụa là gấm vóc, chải chuốt, trang điểm cho nó đẹp lên, nuôi dưỡng nó bằng cao lương mỹ vị, tẩm bổ nó không ngừng. Cuối cùng mình cũng không đem theo được, về bên kia thế giới.
- Mình đã tự hào, hãnh diện với địa vị, uy quyền thế lực, chức tước, bằng cấp , đó là bà vợ thứ ba. Nhưng địa vị, chức tước ấy, sẽ thuộc về người khác, khi mình từ giã cõi đời này.
- Còn bạn bè, họ hàng dòng tộc, gia đình thân thuộc, là bà vợ thứ hai. Họ sẽ theo ta ra tận đất thánh, thắp cho ta vài nén hương, hằng năm tổ chức giỗ kỵ cho ta, nhưng không có ai theo ta đi xuống huyệt.
- Và cuối cùng, bà vợ thứ nhất, đó chính là linh hồn của mình. Mình đã quá lo cho thể xác, quá chăm lo đến tiền bạc, danh vọng, bon chen chức tước, quyền lực, nên không còn nhớ đến việc thờ phượng chúa, lo cho phần rỗi linh hồn. Vậy mà chỉ có linh hồn mới theo ta vào cõi thiên thu, chỉ có linh hồn mới chung thủy, đi theo ta vào cõi đời đời.
Kết: Lạy Chúa, nếu cuộc sống chúng con cứ quanh quẩn toan tính làm sao cho có tiền bạc, địa vị, chức quyền, mà bỏ qua phần hồn, thì khi cuối cuộc hành trình dương thế, chúng con có ích lợi gì? Sinh lão bệnh tử, đó là quy luật tự nhiên nên không ai tránh khỏi, và quả là một phúc lành, nếu ai trải qua 4 giai đoạn ấy.
Nhưng để chuẩn bị cho một hành trình vinh quang đích thực, và chọn lựa một đời sống vui tươi, sẵn sàng phó thác hoàn toàn vào tay Chúa, thật không dễ dàng chút nào. Xin Chúa giúp chúng con luôn biết can đảm đón nhận kiếp sống này, như là một phương thế tích cực, đi trên con đường về quê hương vĩnh cửu, để chúng con gặp Chúa trong tình yêu thương. Và qua vòng tay nhân ái của Mẹ, chúng con sẽ được Mẹ đồng hành, nâng đỡ, để chúng con can đảm tiến bước, dám phó thác, dám tin tưởng rằng, Mẹ luôn luôn gìn giữ, và yêu thương chúng con. Amen.
Hát: Dâng Mẹ đời con.