Con người thụ nhân
“Nhân chi sơ, tính bản thiện”. Tư tưởng này đã một thời được dùng như kim chỉ nam trong lãnh vực tâm lý và giáo dục, đặc biệt đối với nền văn hóa chịu ảnh hưởng của Nho học. Theo đó, con người khi sinh vào đời là ở trong trạng thái hoàn thiện và trinh trắng. Cũng theo ý nghĩa này, thì tất cả những gì con người lãnh hội để thành một cá thể riêng biệt đều bị ảnh hưởng bởi thế giới bên ngoài, bởi vì tự nguyên thủy con người đã là hoàn thiện.
Nhưng nhận xét trên nếu đem phân tích dưới cái nhìn tâm lý, nhất là tâm lý trẻ thơ, tâm lý giáo dục, và tâm lý xã hội thì “nhân chi sơ” không hẳn đã là “tính bản thiện”. Có lẽ vì nhận thức được điều này, nên khi cần phải đổ lỗi cho sự khuyết điểm và thiếu sót trong lãnh vực giáo dục con cái, người Việt Nam đã khéo léo che đậy bằng câu: “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”.
Xét về mặt tâm lý trẻ thơ, thì cha đẻ của ngành tâm lý trẻ em là Piaget đã nhận xét rằng cá tính con người hay con người đúng nhất của mình lệ thuộc vào hai yếu tố, yếu tố di truyền và yếu tố môi trường. Từ yếu tố di truyền, chúng ta đón nhận những gì của cha và của mẹ ban cho, trong đó có cả những cái xấu và cái tốt. Từ trong môi trường, con người quan sát và học hỏi để làm nên cá tính dị biệt của mỗi người. Như vậy, khi nói tới vấn đề giáo dục ở tuổi trẻ, ta cần phải lưu ý tới những ảnh hưởng di truyền và môi trường của một em bé đã lớn lên và sinh hoạt như thế nào. Không phải tự nhiên mà em bé nóng nẩy, hay giận dỗi và cộc cằn. Thái độ này đến từ những quan niệm và lối sống của cha hay mẹ, và từ những hình ảnh quen thuộc mà em đã lãnh hội từ cha hay mẹ ngay trong môi trường sống của gia đình.
Tâm lý giáo dục cũng cho hay, một em bé tự nhiên không phải luôn hướng thiện. Hướng thiện là một điều khó hơn những bản năng và hành động theo tự nhiên. Do đó, để em hướng thiện và biết sống trưởng thành, đòi hỏi em phải được hướng dẫn và giáo dụ. Đó cũng là ý nghĩa của hai chữ giáo dục, tức sửa sai và hướng dẫn. Sửa sai những khuyết điểm và hướng dẫn những ưu điểm. Vừa sửa nhưng cũng vừa khích lệ. Điều này ta cũng tìm thấy từ những quan niệm sơ khởi của ngành phân tâm học khi Freud cho rằng con người được cấu tạo bởi ba yếu tố: Id (bản năng), Ego (bản ngã), và Superego (Siêu Ngã). Như vậy, khi sinh ra làm người, ai cũng mang trong mình đầy đủ những yếu tố thuộc về hạ giới lẫn tiên giới, thuộc về thế giới hữu hình và thế giới siêu hình, thuộc về những điều trần tục và siêu thoát.
Khi yếu tố bản năng được phát triển, tức là con người chỉ biết sống với những gì nhằm thỏa mãn những nhu cầu và đòi hỏi tự nhiên, như ăn, uống, ngủ, nghỉ, hoặc những nhu cầu về sinh lý. Và khi những nhu cầu này trở thành những thôi thúc và ước muốn mãnh liệt chi phối đời sống của một người, thì con người sẽ nghiêng về trần tục, về tự nhiên. Lúc ấy, bản ngã (Ego) cần phải khơi dậy để tìm được sự hài hoà giữa bản năng (Id) và siêu ngã (Superego). Tức là con người phải biết hỏi mình, tại sao tôi ăn món này, tại sao tôi mặc áo này. Và tôi phải ăn như thế nào, phải mặc như thế nào để nói lên được tôi là ai, và hành xử như thế nào. Đây là một thách đố lớn lao cho chính con người và cho các nhà giáo dục. Bởi vì khi con người càng hướng về bản năng, thì tầm nhìn và suy tư về những giá trị tinh thần càng bị lu mờ. Một hình thức nhận định mà các nhà đạo đức học cho là lương tâm bị lấn át hay tiếng nói lương tri bị yếu ớt. Đây cũng là một hình thức giải thích tại sao có những người mà nhu cầu ăn uống, sinh lý trở thành một đòi hỏi không thể thiếu vắng, và ngược laị, cũng có những người tuy vẫn ăn uống, ngủ, nghỉ, và vẫn có hành động sinh lý nhưng không bị lệ thuộc và bị cuốn hút bởi những nhu cầu ấy. Điểm khác nhau chính là ở chỗ giáo dục và tự giáo dục.
Sau cùng, theo các nhà tâm lý xã hội, thì môi trường cũng là một động lực thôi thúc và ảnh hưởng rất lớn đối với sự phát triển và hình thành cá tính của mỗi người. Môi trường xã hội đầu tiên là gia đình. Người con sẽ học được qua việc quan sát, nghe ngóng, và nhìn thấy cách thức cha mẹ, anh chị đối xử với mình và với nhau như thế nào. Hình ảnh và cách thức của người cha, hình ảnh và tư cách của người mẹ, hình ảnh và lối sống của người anh, người chị sẽ là những hình ảnh đầu đời và được ghi khắc rất thâm sâu vào lòng của đứa trẻ. Nó dần dà đi vào đời sống của đứa trẻ đến nỗ biến thành một tập quán và hầu như là một bản năng. Chính vì thế, chúng ta vẫn thường nghe câu nói, đại khái, “đứa trẻ này giống bố, giống mẹ nó như đúc từ thân hình đến tính nết”. Thân hình thì cha mẹ có thể cho con được qua những yếu tố di truyền. Nhưng tính nết thì cha mẹ không trực tiếp cho con, mà là cho nó một cách gián tiếp.
Điều này theo các nhà tâm lý xã hội vẫn rất quan trọng, nhất là khi nghiên cứu về ảnh hưởng của môi trường đến tâm lý sống của mỗi người. Trong lịch sử giáo dục Trung Hoa, chúng ta đã nghe câu chuyện của mẹ thầy Mạnh Tử. Bà đã dọn nhà đi mấy nơi cũng vì để tránh những ảnh hưởng xấu cho con. Đầu tiên bà dọn khỏi khu chợ búa, buôn bán, vì con bà bắt đầu bị ảnh hưởng bởi những lối gian dối, lừa lọc trong giới thương trường. Bà lại phải rời nhà xa nghĩa trang vì con bà bắt đầu ảnh hưởng do những khuôn mặt âu sầu, rầu rĩ của những người thân nhân khi đi đưa đám. Và bà chỉ thấy an tâm khi con bà được bắt chước các học sinh cắp sách đến trường, học hỏi và cư xử lễ giáo gần trường học. Câu truyện giáo dục ấy ngày nay vẫn đúng và rất ảnh hưởng khi nghiên cứu về môi trường và xã hội chung quanh. Người Việt Nam ta cũng có câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” cũng là nói lên ảnh hưởng của môi trường giáo dục đối với tuổi trẻ.
Những nhận xét trên về người thụ huấn, tức là thành phần trẻ đang ở vào lứa tuổi cần được giáo dục và hướng dẫn rất cần được cha mẹ và những người có trách nhiệm đối với tuổi trẻ quan tâm.
Nhiều phụ huynh không thể ngờ rằng ở vào thời gian khi một em bé lên 7, em có thể nói dối và xí gạt cha mẹ những chuyện rất lớn lao. Em có thể bày tạo ra một câu truyện, hoặc một vấn đề để cha mẹ phải tin em. Và khi một em lên 15, em có khả năng lý luận như một người đã lớn. Đó là chưa kể sự phát triển về tâm sinh lý của các em khi bước vào tuổi 12 hoặc 13. Từng ấy những yếu tố cộng thêm những thôi thúc tự nội tâm và trong sức sống của một em bé khi còn nhỏ cũng như khi em bước vào tuổi vị thành niên, đã là những điều mà cha mẹ phải hết sức lưu ý khi bàn về việc giáo dục con cái.
Từ những nhận định trên, một số nhà tâm lý đã cho rằng, một đứa trẻ sau này sẽ như thế nào, thì trách nhiệm lớn nhất và quan trọng nhất vẫn là nơi cha mẹ. Thực tế, nhiều người đã tới văn phòng và đã phàn nàn với tôi rằng, không biết làm sao đứa con gái, thằng con trai của tôi khi còn nhỏ rất ngoan, nhưng bây giời vào tuổi dậy thì, chúng ngang bướng và khó dậy quá. Hoặc cũng có những phụ huynh phàn nàn là đứa con 23 hoặc 27 tuổi của mình không còn dậy dỗ được nữa. Thật ra, những phụ huynh này đã quên mất nguyên tắc giáo dục rất căn bản là giáo dục từ còn nhỏ. Ngoài ra, chính những cha mẹ ấy cũng quên mất mình đã nói gì, làm gì, và hành động như thế nào khi con mình còn nhỏ. Do đó, những hành động, ngôn ngữ, và lề lối suy tư phải chăng chỉ là phản ảnh chính con người người thật của cha mẹ. Dĩ nhiên, chúng ta không loại bỏ yếu tố môi trường mà đứa trẻ bị ảnh hưởng.
Tóm lại, khi nghĩ về vấn đề giáo dục, và khi đề cập đến những lý do khiến cho việc giáo dục đạt thành quả hay thất bại, là chúng ta phải nghĩ ngay đến những yếu tố về tâm lý, về môi trường, và về cả những ảnh hưởng di truyền mà cha mẹ có thể đã để lại nơi con cái. Những yếu tố ấy khi được phân tích kỹ lưỡng sẽ giúp cho việc giáo dục và hướng dẫn con cái trở thành dễ dàng và đạt được những thành quả tốt. Một câu nói mà Đức Kitô đã nói với các môn đệ Ngài mà theo tôi cho rằng rất thích hợp để kết thúc những suy tư trên là: “Thầy đã làm gương để các con noi theo mà bắt chước” (Gio 13:15).