Cung cách thánh Phanxicô Assisi ứng xử với người cha khó tính của mình
Giotto, ‘Truyền thuyết về Thánh Phanxicô: Từ bỏ của cải thế gian’, 1297-1299 (ảnh: Public Domain)
Maryella Hierholzer
Khi mối tương quan của chúng ta với một thành viên trong gia đình gặp trục trặc, liệu chúng ta có thể vượt qua và vẫn đáp lại một cách yêu thương không?
Gần đây tôi đã đọc tiểu sử của Thánh Phanxicô thành Assisi và rất ấn tượng với lời tường thuật của tác giả về cách Thánh Phanxicô ứng xử với người cha khó tính của mình. Tác giả của cuốn tiểu sử đặc biệt này, Thomas Celano, là người cùng thời với Thánh Phanxicô, đã gia nhập dòng Phanxicô vào khoảng năm 1215 và đã viết thư gửi Đức Giáo Hoàng Grêgôriô IX cho biết quan điểm sớm nhất về Thánh Phanxicô. Mặc dù sử dụng ngôn ngữ của thời đại ông, vốn hoa mỹ hơn ngôn ngữ của chúng ta ngày nay, Thomas kể lại nhiều đặc điểm đáng ngưỡng mộ của Thánh Phanxicô – nhưng điều có thể hữu dụng nhất cho chúng ta ngày nay, đặc biệt là đối với giới trẻ, là việc tác giả mô tả về cung cách Thánh Phanxicô phản ứng trước sự đối xử tồi tệ của người cha đối với ngài.
Cha mẹ của chúng ta rất quan trọng đối với chúng ta. Nhưng khi một mối tương giao quan trọng gặp trục trặc và khiến chúng ta rơi vào tình thế không như mong muốn, liệu chúng ta có thể vượt qua trục trặc đó mà vẫn đáp lại một cách yêu thương không? Ở đây, Thánh Phanxicô là hình mẫu của chúng ta. Thánh Phanxicô đã trải qua một cuộc hoán cải, hiến dâng cuộc đời mình cho Đức Kitô, và như Thomas Celano đã nói, “không bị bẻ gẫy và không bị lay chuyển bởi bất cứ thương tích nào, thánh nhân dâng lời tạ ơn Chúa vì tất cả mọi sự. Vì việc kẻ bất chính bách hại người làm điều nhân đức là chuyện vô ích, vì càng bị đánh đập thì càng thắng lợi. Sự sỉ nhục – như ai đó nói – củng cố một tinh thần quảng đại.”
Cha của Thánh Phanxicô không ấn tượng với sự thay đổi tích cực này của con trai mình. Thomas Celano viết rằng cha của Thánh Phanxicô đã quyết định
… hủy hoại con trai mình, và gạt bỏ mọi sự kiềm chế sang một bên, ông lao vào con trai như một con sói húc vào một con cừu, và nhìn con trai với vẻ mặt ác độc và tàn nhẫn, đặt tay lên con trai một cách rất trơ tráo và muốn làm cho con trai bị nhục nhã, và mang con trai về nhà riêng của ông. Và vì vậy, không chút thương xót, ông nhốt con trai trong một nơi tối tăm vài ngày, và nghĩ rằng sẽ uốn nắn tinh thần của con trai mình theo ý muốn của mình, lúc đầu cố gắng thuyết phục con trai bằng lời nói, sau đó bằng đòn roi và xiềng xích. Nhưng điều này lại khiến Phanxicô trở nên sẵn sàng và mạnh mẽ hơn trong việc thực hiện mục đích thánh thiện của mình, thêm nữa, mặc dù bị xúc phạm bằng lời nói và mệt mỏi vì xiềng xích, Phanxicô không nao núng vì phải chịu đựng. Vì người nào phải trả giá trong hoạn nạn để được vui mừng, thì dầu bị đánh đòn và xiềng xích, cũng không thể từ bỏ ý định và tư cách đúng đắn của mình, cũng không thể bị đưa dẫn ra khỏi đàn chiên của Đức Kitô: ngài cũng không nao núng trước sự dập vùi của nhiều cơn lũ mà nơi ẩn náu trong cơn khốn cùng là Con Thiên Chúa, Đấng đã từng cho thấy rằng những khốn cùng mà Ngài đã chịu đựng còn to lớn hơn, để chúng ta đừng nghĩ rằng những phiền muộn của mình là điều gì gian khổ.
Hoàn cảnh gia đình trở nên căng thẳng hơn khi mẹ của Thánh Phanxicô quyết định giúp đỡ con trai. Thomas Celano trình bày chi tiết câu trả lời của cha của Thánh Phanxicô:
Người cha trở về, không tìm thấy con trai, bèn chất thêm tội lỗi và quay ra mắng nhiếc vợ. Rồi thì, trong cơn thịnh nộ và giận dữ, ông chạy đến chỗ con trai mình, để nếu không thể kêu gọi con trai trở lại, ít nhất ông có thể đuổi con trai ra khỏi tỉnh. Nhưng vì kẻ kính sợ Chúa sẽ được an toàn kiên vững, nên khi người con trai của ân sủng nghe thấy người cha trần tục của mình đến với mình, anh đã tự mình đi gặp cha một cách không sợ hãi và vui mừng, thốt lên một cách tự do rằng anh không quan tâm gì đến xiềng xích và đòn roi của cha. Hơn nữa, anh khẳng định rằng anh sẵn sàng chịu bất cứ điều ác nào vì danh Chúa Kitô.
Như thói thường trong xã hội ngày càng tục hóa hiện nay, vấn đề cơ bản giữa Thánh Phanxicô và cha của ngài là tiền bạc. Thomas Celano kể cho chúng ta:
Vì vậy, khi ông tìm thấy số tiền mà kẻ khinh miệt mọi thứ trần gian nhất và háo hức tìm kiếm sự giàu có trên trời nhất đã ném vào đám bụi cửa sổ, thì cơn giận dữ của người cha vốn đang nổi cơn thịnh nộ phần nào nguội đi, và cơn khát hám lợi của ông đã được làm dịu đi một cách nào đó như sương sớm ban mai. Sau đó, ông đưa con trai mình đến gặp vị giám mục của thành phố, để con trai ông có thể từ bỏ tất cả những gì nó có, bằng cách chính thức tuyên bố từ bỏ tất cả tài sản của nó trước sự chứng kiến của vị giám mục. Và Thánh Phanxicô không những không từ chối làm điều này, mà còn vô cùng vui mừng, vội vàng với tâm thế sẵn sàng thực hiện những gì mà ngài được yêu cầu.
Và để làm cho mọi sự ra tồi tệ hơn, cha của Thánh Phanxicô không hề xấu hổ vì lòng tham của ông khi nhìn thấy Phanxicô bị làm nhục trước công chúng. Thomas Celano nhận thấy:
Khi được đưa đến trước mặt vị giám mục, Phanxicô không chần chừ hay do dự trong bất cứ điều gì: hơn thế nữa, không đợi ai bảo và cũng không cần nói năng gì, ngài ngay lập tức cởi trang phục ra và vứt bỏ tất cả quần áo của mình và trả lại cho cha mình. Không những thế, ngài thậm chí còn không giữ lại ngay cả quần đùi của mình mà để trần truồng trước mặt tất cả những người chung quanh.
Và cha của Phanxicô bằng lòng nhận lại những bộ quần áo đắt tiền từ con trai và để con trai mình không mảnh vải che thân. Tuy nhiên, Thánh Phanxicô vẫn duy trì niềm vui và tình yêu của mình đối với Chúa khi bắt đầu cuộc sống siêu thoát mới mẻ, không chỉ dứt bỏ khỏi của cải vật chất, mà còn dứt bỏ khỏi việc có một gia đình để cậy nhờ.
Tình yêu thương của các thành viên trong gia đình là niềm vui và là phương tiện nuôi sống chúng ta. Nhưng khi tôi nhìn vào số liệu thống kê cao liên tục về tình trạng hư hỏng trong giới trẻ của chúng ta, rất có thể nguyên nhân của hành vi đáng buồn này là sự suy yếu của các mối tương quan gia đình. Liệu việc biết Thánh Phanxicô Assisi bị bỏ rơi có thể khích lệ nhiều thanh thiếu niên hy vọng rằng Thiên Chúa có kế hoạch cho chúng ta ngay cả khi gia đình không ở đó không?
Tôi rất ngưỡng mộ vị thánh được mô tả trong tiểu sử tóm tắt của Thomas Celano. Tôi tin rằng câu chuyện về mối tương quan gia đình của Thánh Phanxicô có thể liên quan cách đặc biệt khi chúng ta dạy các thanh thiếu niên Công giáo về tình yêu của Chúa Cha dành cho tất cả chúng ta, một người Cha không giống bất cứ người cha nào của chúng ta trên trần thế này dù những người cha ấy là ai đi nữa.
Chúa Kitô nói với chúng ta trong sách Tin mừng Mátthêu chương 6:
“Vì vậy, Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao? Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao? Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay? Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Salômôn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin! Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6: 25-34).
Đây là tinh thần và đức tin của Thánh Phanxicô, một hình mẫu hàng đầu cho thanh thiếu niên của chúng ta.
Thánh Phanxicô Assisi, cầu cho chúng con!
Phêrô Phạm Văn Trung