Giáo Hội Hoàn VũTin Giáo Hội

Di hài của thánh Helena thành Constantinople đang ở đâu?

Di hài của thánh Helena thành Constantinople đang ở đâu?
Quan tài ban đầu của thánh Helena không còn chứa di hài của thánh nhân, mà thay vào đó đã bị thay thế bởi di hài của Ðức Giáo Hoàng Anastasius IV vào thế kỷ 12.
Hoàng hậu Helena, còn được biết đến là thánh Helena thành Constantinople, là một trong những nhân vật nổi bật trong lịch sử Kitô giáo. Sinh năm 246 với tên Flavia Julia Helena, bà qua đời khoảng năm 330 tại TP Drepanon của Hy Lạp ở bán đảo Tiểu Á. Sau đó, nơi này được đổi tên thành Helenopolis để nhớ ơn bà.
Bức tranh về câu chuyện tìm thấy cây thánh giá được vẽ năm 825
Câu chuyện về cây Thánh giá Sự thật
Khi còn sống, thánh Helena là một Augusta (tước hiệu dành cho hoàng hậu hoặc những phụ nữ thuộc hoàng tộc) của đế quốc La Mã. Bà là mẹ của Constantine Đại đế và được công nhận là một vị thánh của Công giáo, Chính Thống giáo và Anh giáo. Đại đế Constantine chịu ảnh hưởng lớn bởi đức tin và lòng sùng đạo của người mẹ, và ông trở thành vị hoàng đế đầu tiên chịu Phép Rửa tội.
Một trong những chi tiết thú vị nhất về thánh Helena là cuộc hành hương đến Đất Thánh. Trong những năm sau này, vào thời điểm đã cao tuổi, bà vẫn kiên trì hành hương đến Jerusalem. Theo ghi chép, cuộc hành trình của bà đã giúp tìm ra cây Thánh giá Sự thật của Chúa Giêsu bị thất lạc từ lâu sau cuộc thương khó.
Đồng xu in hình thánh Helena
Sau khi Chúa Giêsu chết và Phục Sinh, thập giá mà Người bị đóng đinh đã được giấu bên trong một con mương, bên trên được bao phủ bằng đá. Đây là hành động của chính quyền La Mã thời đó nhằm che giấu cây thánh giá và ngăn không cho các Kitô hữu đời đầu chiêm bái. Sau một thời gian, chính quyền cho xây dựng một đền thờ thần Venus trên vị trí của con mương. Công trình nhiều khả năng được khởi công dưới triều đại Hoàng đế La Mã Hadrian (117-138).
Tuy nhiên, vẫn có những tín hữu biết nơi chôn giấu cây Thánh giá Sự thật và thông tin này được tiếp tục lưu giữ bằng cách truyền miệng qua nhiều thế kỷ. Một người trong số đó tên Judas cảm thấy cần phải cho thánh Helena biết vị trí của cây thánh giá. Ông đào được 3 thập giá ở nơi chôn giấu và chuyển cho thánh Helena. Sau đó, vị hoàng hậu La Mã ra lệnh xây dựng Nhà thờ Mộ Thánh bên trên nơi tìm được những cây thập giá này.
Lăng tẩm thánh Helena
Nơi chôn cất thánh tích của thánh Helena
Nhà thờ lưu giữ thánh tích của thánh Helena cũng là một câu chuyện thú vị khác. Lăng mộ của bà, nằm gần Vatican ở thành Rome, ban đầu được xây dựng để tưởng nhớ công lao của vị thánh và bảo quản thánh tích của bà. Thế nhưng, chiếc quan tài bên trong lăng tẩm từ lâu đã bị tráo đổi di hài. Di hài của hoàng hậu Helena vào giữa thế kỷ 12 đã bị đổi thành của Đức Giáo Hoàng Anastasius IV (triều đại 1153-1154).
Lăng tẩm có hình tròn và được tạo thành bởi hai ống hình trụ, với ống bên trên có đường kính nhỏ hơn so với bên dưới. Dù độ cao ban đầu khoảng 25m, giờ đây nó chỉ còn cao khoảng 18m, bên trong, ống hình trụ thấp hơn có hình bát giác. Phần đỉnh chứa một số hốc có hình chữ nhật hoặc phân nửa hình tròn. Một trong số hốc trước đây từng đặt quan tài màu đỏ của thánh Helena.
Nhà thờ Santa Maria ở Ara Coeli
Chiếc quan tài giờ không còn ở bên trong lăng. Phần vách bên ngoài của quan tài được chạm khắc bởi những hình ảnh chiến trận, không giống như hình ảnh trang trí dành cho một hoàng hậu. Trên thực tế, có lẽ đây là quan tài lẽ ra dùng để chôn cất Đại đế Constantine trước khi được sử dụng trong tang lễ của thánh Helena.
Giáo hội Công giáo quyết định dời quan tài khỏi lăng và đưa đến khu vực của các viện bảo tàng Vatican vào thế kỷ 18. Hiện quan tài được lưu giữ bên trong Bảo tàng Sala a Croce Greca Pio-Clementine. Trong khi đó, thánh tích của Helena được chuyển đến nhà thờ Santa Maria ở Ara Coeli thuộc Rome, nằm tọa lạc bên trên đỉnh cao nhất của đồi Campidoglio. Nơi đây hiện vẫn lưu giữ một số thánh tích đến từ nhà thờ Mộ Thánh, bên cạnh nơi an nghỉ của người phụ nữ đã tìm ra những cổ vật này.
Quan tài đỏ
LING LANG

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!