ĐÔI NÉT VỀ BA LOẠI DẦU THÁNH
Các Bí tích và Á bí tích của Kitô giáo mang ý nghĩa biểu trưng sâu sắc và thấm đẫm sự phong phú về lịch sử và Kinh Thánh. Trong cử hành Kitô giáo, có nhiều chất hàng ngày được sử dụng đóng vai trò là dấu chỉ của những thực tại sâu xa hơn nhiều, trong đó, dầu là một trong biểu tượng mang tính truyền thống phổ biến và rõ nét.
Việc sử dụng dầu cho nhiều mục đích khác nhau của các dân tộc cổ đại được nhắc đến trong nhiều đoạn Kinh Thánh. Một cách cụ thể, việc sử dụng dầu được tìm thấy trong cả Cựu Ước và Tân Ước, chẳng hạn như dầu để chuẩn bị thức ăn nuôi dưỡng (x Nm 11, 7-9), để làm thuốc chữa bệnh (x Is 1, 6; Lc 10, 34), để làm nhiên liệu thắp đèn (x. Mt 25, 1-9), để trang điểm (x Rt 3, 3). Ngoài ra, dầu cũng hữu ích trong việc chuẩn bị chôn cất thi thể (x. Mc 16, 1) và như một nghi thức xức dầu khi đón tiếp khách (x. Lc 7, 46).
Ngày nay, Giáo hội sử dụng ba loại Dầu Thánh với những mục đích riêng biệt: Dầu Bệnh nhân, Dầu Dự tòng và Dầu Thánh. Ba loại Dầu Thánh này thường được giám mục thánh hiến trong Thánh lễ Truyền dầu hàng năm.
- Dầu bệnh nhân
Dầu bệnh nhân, là dầu ôliu nguyên chất, được dùng cho Bí tích Xức dầu Bệnh nhân.
Đoạn văn thường được trích dẫn nhiều nhất như một bằng chứng Kinh Thánh cho việc xức dầu bệnh nhân là trong Thư thánh Giacôbê (5, 14). Trong Tin Mừng Mc 6, Chúa Giêsu ban cho Nhóm Mười hai “quyền trừ quỷ” (c. 7), và “Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối” (c. 12). Tuy nhiên, câu tiếp theo cho thấy việc sử dụng dầu để chữa bệnh nhân danh Chúa Kitô có ngay từ thời các tông đồ: “Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh” (c. 13).
Dầu Bệnh nhân được các linh mục sử dụng thường xuyên nhất, và mặc dù được cử hành lý tưởng với cộng đoàn trong Thánh lễ xức dầu bệnh nhân, nhưng bí tích này có thể được cử hành bất cứ lúc nào và ở bất cứ đâu. Linh mục đặt tay, đọc lời cầu nguyện chúc lành, nhắc nhở tín hữu rằng việc chữa lành bệnh tật đến từ Chúa Giêsu Kitô, và xức dầu bằng cách vẽ hình thánh giá lên trán và tay bệnh nhân.
Qua Bí tích này, Thiên Chúa ban cho người đau bệnh ân sủng và sức mạnh để chịu đựng bệnh tật. Ngoài ra, ơn thánh của việc xức dầu đôi khi cũng mang lại sự chữa lành về tinh thần, cảm xúc và thậm chí cả thể chất.
- Dầu Dự tòng
Dầu Dự tòng, cũng là dầu ô liu nguyên chất, còn được gọi là dầu trừ tà, được xức cho người dự tòng trong Bí tích Rửa Tội.
Khái niệm về Dầu Dự tòng có nền tảng trong Kinh Thánh. Sự xức dầu của Thiên Chúa củng cố chúng ta trong trận chiến giữa thiện và ác (x. Tv 45, 8 và Dt 1, 9); soi sáng tâm trí chúng ta khỏi sự giả dối (x. 1 Ga 2, 27). Phần Dẫn nhập Nghi thức Làm phép Dầu nói rằng Dầu Dự tòng mở rộng hiệu quả của việc trừ quỷ trong phép rửa tội: “Trước khi bước vào nguồn sự sống để được tái sinh, các ứng viên lãnh nhận phép Rửa được củng cố để từ bỏ tội lỗi và ma quỷ”.
Cả người lớn và trẻ sơ sinh trước khi lãnh Bí tích rửa tội đều được xức Dầu Dự tòng. Đối với người lớn, việc xức Dầu Dự tòng được thực hiện trong Nghi thức Khai tâm Kitô giáo, cụ thể khi họ bắt đầu chuẩn bị lãnh nhận Bí tích Rửa tội.
Nghi thức này thường diễn ra trong Thánh lễ, trước khi Phụng vụ Thánh Thể. Linh mục hoặc phó tế xức dầu cho tân tòng. Sau đó, ngài cầu nguyện xin Thiên Chúa ban cho dự tòng ơn khôn ngoan để phân định, và sức mạnh cần thiết để tránh điều ác trong tiến trình tìm hiểu đức tin Công giáo và chuẩn bị cho đời sống với Chúa Kitô.
Tương tự như vậy, trẻ sơ sinh được xức Dầu Dự tòng ngay trước khi được rửa tội. Việc xức dầu này nhằm giúp trẻ xua đuổi ma quỷ, tránh cám dỗ và có đức tin cần thiết để vác thập giá đi theo Đức Kitô suốt đời.
Có thể nói rằng, bằng việc xức Dầu Dự tòng, người lãnh nhận có được ân sủng và sự trợ giúp của Thiên Chúa để chiến thắng quyền lực của Satan và tội lỗi, hầu mạnh dạn tuyên xưng đức tin Kitô giáo, đồng thời hướng tới hành trình mới của cuộc đời sau khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội.
- Dầu Thánh
Dầu Thánh, là dầu ô liu trộn với nhựa thơm (balsam). Dầu tượng trưng cho sức mạnh, và nhựa thơm tượng trưng cho “hương thơm của Đức Kitô” (2 Cor 2, 15) mà Kitô hữu phải tỏa ra mọi nơi họ đến. Sau đó, trước lời nguyện thánh hiến, Đức giám mục thổi dầu – biểu thị Chúa Thánh Thần ngự xuống qua lời cầu khẩn.
Động từ “thánh hiến” (consecrate) được áp dụng cho hành động thánh hóa Dầu Thánh và cho thấy việc sử dụng Dầu Thánh để tách riêng ra, để thánh hóa, và để thanh tẩy về mặt thiêng liêng đối với những người lãnh nhận Dầu Thánh. Trong khi Dầu Bệnh nhân và Dầu Dự tòng, trong trường hợp khẩn cấp, có thể được làm phép bởi bất kỳ linh mục nào, còn Dầu Thánh thì không được làm như vậy. Khi đó, từ “Thánh hiến” chỉ ra rằng chỉ có giám mục mới có thể làm phép Dầu Thánh.
Có 2 lời cầu nguyện thánh hiến được lựa chọn trong nghi thức Thánh hiến dầu, lời cầu nguyện thứ nhất có sự tương đồng đáng kể giữa việc sử dụng Dầu Thánh của Kitô giáo và việc sử dụng dầu tương tự trong Kinh thánh. Lời cầu nguyện thứ nhất là Lời Tạ ơn về những hồng ân mà Thiên Chúa đã ban cho trong quá khứ, báo trước những hồng ân được ban tặng qua việc xức dầu này. Trên thực tế, theo Truyền thống Tông đồ vào thế kỷ thứ III, Dầu Thánh được gọi là “Dầu Tạ ơn”.
Sức mạnh mà các vị Vua của Israel cần có đối với việc cai trị dân dưới sự hướng dẫn của Thiên Chúa được tượng trưng qua việc xức dầu phong vương trong Cựu Ước (x. 1Sm 10, Samuel xức dầu cho Saulê). Trong lịch sử, nhiều vị vua và hoàng đế theo Kitô giáo đã được các Đức giáo hoàng và Giám mục xức Dầu Thánh trong lễ đăng quang của họ. Trường hợp của ngôn sứ Elisha cho thấy về sự xức dầu của một Ngôn sứ trong Kinh thánh (x 1K 19, 16).
Tước hiệu Kitô của Đức Kitô có nghĩa là “người được xức dầu của Chúa”. Việc xức dầu thánh hiến trong Cựu Ước dành cho các Tư tế, các Ngôn sứ, và các Vua — tất cả đều là hình bóng và hướng về Chúa Giêsu Kitô. Chúa Giêsu mặc lấy căn tính này khi bắt đầu sứ vụ công khai, trong hội đường tại quê hương, Người đọc từ Isaia 61,1: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi” (Lc 4, 18). Vì thế, Dầu Thánh là phương thế giúp các Kitô hữu trở thành những người thông phần chức Tư tế, Vương giả và Ngôn sứ của Chúa Giêsu. Thánh Theophilus thành Antiokia viết vào thế kỷ thứ II: “Chúng ta được gọi là Kitô hữu vì chúng ta được xức dầu của Thiên Chúa”.
Ngày nay, Dầu Thánh được sử dụng để thánh hiến một ai đó hoặc một vật gì đó để phục vụ Chúa. Trước hết, việc xức Dầu Thánh tượng trưng cho hồng ân Chúa Thánh Thần.
– Trong nghi thức Rửa tội, sau khi trẻ sơ sinh được rửa tội bằng nước và trước khi trẻ được mặc chiếc áo trắng, vị Rửa tội vẽ Dấu Thánh giá bằng Dầu Thánh trên đầu của trẻ, đánh dấu trẻ là một Kitô hữu. Xức dầu trên đầu cũng được thực hiện khi rửa tội cho người lớn, nếu họ không lãnh nhận Bí tích Thêm sức ngay sau đó.
– Khi ban bí tích Thêm Sức, Giám mục (hoặc vị cử hành) làm Dấu Thánh Giá bằng Dầu Thánh trên trán của người được Thêm Sức và nói: “X, hãy nhận ấn tín của Chúa Thánh Thần”.
– Dầu Thánh cũng được dùng trong Bí tích Truyền chức thánh và tấn phong giám mục. Một nguồn Cựu Ước cho thực hành này được tìm thấy với Aaron, anh trai của Môsê, đã được xức dầu để trở thành Tư tế (x. Xh 29, 7 và Lv 8, 12).
Thứ đến, việc sử dụng dầu để dâng hiến vật dụng cho Thiên Chúa có nguồn gốc từ Cựu Ước (ví dụ, x. St 28, 18 hoặc Xh 30, 25-29).
Trước đây, chuông nhà thờ được xức Dầu Thánh ở bên trong và xức Dầu Bệnh nhân ở bên ngoài. Thực hành cổ xưa sử dụng Dầu Thánh để thánh hiến bàn thờ và nhà thờ và hiện nay vẫn còn được thực hiện.
Bàn thờ được dành riêng cho hy tế và trong thời kỳ đầu của Kitô giáo, bàn thờ trở thành tượng trưng cho chính Chúa Kitô, hy lễ hoàn hảo. Và vì tước hiệu của Đức Kitô có nghĩa là Đấng được xức dầu, nên điều phù hợp nhất là chính Bàn thờ, biểu tượng của Đấng được xức dầu tuyệt hảo, cũng được xức dầu. Khi cung hiến một ngôi thánh đường, thì các bức tường của thánh đường cũng được làm dấu bằng Dầu Thánh – vì tòa nhà tượng trưng cho các chi thể được xức dầu của Nhiệm thể Đức Kitô.
- Lễ Truyền Dầu
Hằng năm, giám mục địa phương làm phép và thánh hiến đủ dầu mới cho toàn giáo phận trong Thánh lễ được cử hành trước lễ Phục sinh, được gọi là Lễ Truyền Dầu.
Chữ đỏ cho Thánh Lễ Truyền Dầu trong Sách Lễ Rôma bao gồm thời gian cử hành Thánh Lễ – cụ thể là vào sáng Thứ Năm Tuần Thánh. Đây là một Thánh Lễ đồng tế với linh mục đoàn của giáo phận, trong cử hành Phụng vụ này, các linh mục lập lại lời hứa linh mục trước sự hiện diện của giám mục. Do đó, để đạt mục đích này, Sách Lễ Rôma minh định rằng nếu buổi sáng Thứ Năm Tuần Thánh không thuận tiện hoặc khó khăn, thì “Lễ Truyền Dầu có thể được cử hành vào một ngày khác, nhưng gần với lễ Phục Sinh”.
Sau phần Phụng vụ Lời Chúa là Nghi thức làm phép Dầu. Các bình Dầu được rước lên và dâng cho giám mục: trước hết là Dầu Bệnh nhân, kế đến là Dầu Dự tòng, và cuối cùng là Dầu Thánh. Toàn bộ Nghi thức làm phép và thánh hiến Dầu có thể được cử hành vào lúc này, “vì lý do mục vụ”. Tuy nhiên, trong phần Phần dẫn nhập Nghi thức Làm phép Dầu và Nghi thức thánh hiến Dầu nói rằng truyền thống cổ xưa của nghi lễ Latinh là làm phép Dầu Bệnh nhân vào cuối Kinh Nguyện Thánh Thể; làm phép Dầu Dự tòng và thánh hiến Dầu thánh diễn ra sau phần Hiệp Lễ.
Sau khi được làm phép hoặc thánh hiến, các Dầu Thánh được phân phát cho các giáo xứ và cơ sở của giáo phận để sử dụng trong năm đó. Điều này mang ý nghĩa của sự hiệp thông trong Giáo hội địa phương một cách sâu xa: Mặc dù Đức giám mục không thể hiện diện trực tiếp tại mọi lễ Rửa tội, Thêm sức, hoặc Xức dầu Bệnh nhân trong giáo phận, nhưng ngài có thể hiện diện một cách tượng trưng qua các loại Dầu Thánh mà ngài làm phép và thánh hiến.
Các loại dầu thánh phải được cất giữ ở một nơi thích hợp – một hốc nhỏ hoặc tủ trong tường – được gọi là ambry thường đặt ở gần Giếng Rửa tội. Dầu cũ phải được xử lý một cách kính trọng và trang nghiêm — cách điển hình nhất là có thể đốt đi bằng ngọn lửa đã chuẩn bị sẵn trong Đêm Vọng Phục Sinh. Trong một số trường hợp, dầu cũ có thể được gửi lại cho giáo phận để được xử lý thích hợp.
***
Sau khi được làm phép và thánh hiến, thì các bình dầu không còn là dầu bình thường nữa mà đã trở thành một món quà thánh, cao quý mà Thiên Chúa ban cho Giáo hội, như là dấu chỉ của sự thanh tẩy và củng cố, chữa lành và an ủi, và là ân sủng trao ban sự sống của Chúa Thánh Thần.
Hơn thế, lời nguyện của Thánh Lễ Truyền Dầu nhắc nhở rằng, Đức Kitô đã được xức dầu bằng Chúa Thánh Thần, và chúng ta, những Kitô hữu “được thông phần vào sự thánh hiến của Người” cũng được mời gọi trở thành những chứng nhân cho Đức Kitô và Tin Mừng tình yêu của Người trong từng hoàn cảnh sống của mình.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm