Giáo Hội Hoàn VũTin Giáo Hội

Đức Hồng y Hollerich: “Học cách nhìn giáo hội hoàn vũ trong các giáo hội địa phương”

Đức Hồng y Hollerich: “Học cách nhìn giáo hội hoàn vũ trong các giáo hội địa phương”

 

 

Vatican News

Đức Tổng Giám mục Luxembourg, Jean-Claude Hollerich, Tổng tường trình viên của Hội nghị Thượng hội đồng vào tháng Mười tới, nói về công việc giúp cho việc soạn thảo Tài liệu làm việc, được giới thiệu vào ngày 20/6/2023 tại Vatican. Đối với ngài, “Giáo hội hiệp hành chỉ có ý nghĩa nếu đó là một Giáo hội hiệp hành truyền giáo”.

Tài liệu làm việc (Instrumentum Laboris) của Hội nghị Thượng hội đồng sắp đến vào tháng 10/2023 đã được giới thiệu vào ngày 20/6 tại phòng báo chí của Tòa Thánh. Một tài liệu vững chắc khoảng năm mươi trang, tổng hợp gần hai năm làm việc tại các giáo phận trên khắp thế giới. Cho dù nó liên quan đến chỗ đứng của nữ giới, phụng vụ, sự tham gia của các nhóm thiểu số vào đời sống của Giáo hội hay mối tương quan với quyền bính, thì các chủ đề là rất nhiều, và phản ảnh những vấn đề được các Giáo hội địa phương đặt ra. Tài liệu này ra  đời từ một quá trình lắng nghe và nó sẽ là cơ sở cho công việc của các tham dự viên của Hội nghị mùa Thu, như giải thích của Đức Hồng y Hollerich, Tổng Giám mục Luxembourg và là Tổng tường trình viên của Thượng hội đồng:

Thật là một niềm vui khi có thể bước đi cùng nhau trong Giáo hội, và điều đó thật là tuyệt vời. Điều đó được thực hiện trước hết ở cấp địa phương, rồi ở cấp quốc gia và cấp lục địa. Bây giờ, giai đoạn hai sắp bắt đầu, giai đoạn cử hành trong Thượng hội đồng Giám mục.

Chúng ta đã thấy các chủ đề giống nhau với các sắc thái khác nhau nơi các lục địa khác nhau. Chúng ta đã thấy sự phong phú của Giáo hội Công giáo và điều khiến tôi ngạc nhiên, đó là thấy làm thế nào trong các nền văn hóa khác nhau, cho dù đó là Giáo hội Công giáo ở Á Châu, ở Phi Châu, ở Châu Mỹ Latinh, chúng ta đều nhận thấy niềm khao khát về một hình thái lớn hơn để bước đi cùng nhau với tư cách là những người được rửa tội.

Olivier Bonnel: Đó có phải là một tiến trình đã làm cho Giáo hội hiểu rõ hơn về chính mình?

Đức Hồng y (ĐHY) Hollerich: Vâng, gần như thế. Chúng ta cần điều đó vì Giáo hội đang gặp khủng hoảng sâu xa với tất cả các vụ lạm dụng tính dục. Mỗi ngày, ngay cả ở Âu Châu, chúng ta nhận được từ nước này hay nước kia những tin xấu. Cần phải luôn khiêm tốn. Điều đó không được ngăn cản chúng ta chấp nhận cách vui tươi sứ mạng mà Chúa Kitô trao cho Giáo hội của Người và cùng nhau tiến bước cách khiêm tốn.

Olivier Bonnel: Tài liệu làm việc này không phải là một bản thảo của văn kiện chung kết của Thượng hội đồng vào tháng Mười, nhưng đúng hơn là một sự hiểu biết đầu tiên về chiều kích hiệp hành của Giáo hội. Làm thế nào tóm tắt chiều kích này?

ĐHY Hollerich: Nếu tôi dùng tài liệu bằng tiếng Anh, thì có 24 trang sau phần giới thiệu về chủ đề của sứ mạng vốn hiện diện khắp tài liệu cùng với sự hiệp thông và tham gia. Tiếp đến, chúng ta có năm hồ sơ làm việc cho mỗi trong ba chủ đề này. Những hồ sơ làm việc này đặt ra các câu hỏi và bao gồm các yếu tố để cầu nguyện cá nhân và cộng đồng. Hơn nữa, chúng tôi nêu rõ và chúng ta đã thấy trong suốt tiến trình  này tầm quan trọng của cuộc đối thoại trong  Chúa Thánh Thần. Đó là một cách cùng nhau nói với tư cách Kitô hữu để tránh rơi vào chính trị, đối đầu. Thượng hội đồng cũng sẽ phải làm việc hay chúng ta sẽ tiếp tục có phương pháp này về việc đối thoại trong Chúa Thánh Thần.

Chúng tôi đặt ra những câu hỏi, chúng tôi không yêu cầu các câu trả lời. Vả lại, tôi không biết liệu tất cả các câu hỏi sẽ có các câu trả lời. Đó là bởi vì chúng tôi đã ý thức về một bước đi mà chúng ta đang thực thi cùng nhau, dần dần, vì Giáo hội sẽ thành công trong việc tìm ra các câu trả lời. Nếu chúng ta bước đi, điều đó sẽ dấn đến Chúa Thánh Thần.

Olivier Bonnel: Con trở lại với “cuộc đối thoại trong Chúa Thánh Thần” này, một chiều kích rất quan trọng của tài liệu làm việc này. Cuộc đối thoại này chính xác hệ tại điều gì?

ĐHY Hollerich: Trước hết, đó là lắng nghe, đó là lắng nghe một người chị em, một người anh em, với ý muốn hiểu tại sao người chị em này, tại sao người anh em này lại nói như vậy, điều gì đã là lý do của các ý kiến này….

Và rồi tôi phải cầu nguyện cho điều đó, tôi phải thực sự đón nhận điều đó trong Chúa Thánh Thần, trong sự lắng nghe khiêm tốn và đầy cảm thông. Tiếp đến, có một cuộc đối thoại bắt đầu và kết quả của cuộc đối thoại này: chẳng hạn, chúng tôi đã thấy khi chúng tôi ở Á Châu, ở Bangkok, người ta đã yêu cầu rằng tất cả các bàn tròn đều bỏ phiếu, từng bàn một, do đó không phải là việc bỏ phiếu cá nhân. Chúng ta có thể nói rằng điều đó mạo hiểm, nhưng nó tiến triển. Các bàn tròn đã đi đến những kết luận vốn không phải là một sự đồng nhất, nhưng cho thấy Chúa Thánh Thần đang thúc đẩy theo hướng này hay hướng kia như thế nào. Và tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ có thể làm điều tương tự tại Thượng hội đồng. Hơn nữa, theo nghĩa này, thật tốt khi thấy rằng chúng ta sẽ bắt đầu với cuộc tĩnh tâm ba ngày sau khi cùng nhau cầu nguyện với thánh Phêrô vào buổi sáng. Thượng hội đồng không phải là một nghị viện. Đó không phải là đưa ra những lập trường chính trị ủng hộ điều này, chống điều này. Đó không phải là Giáo hội.

Olivier Bonnel: Đôi khi có những cám dỗ chính trị hóa, phân cực hóa. Chúng ta biết được điều đó rằng ở cấp độ của một số Giáo hội địa phương, như ở Đức, nhưng không chỉ ở Đức, có thể đã có những lúc “dao động đôi chút”. Làm thế nào trong công việc chuẩn bị của Đức Hồng y, Đức Hồng y đã cố gắng tập trung lại công việc một chút?

ĐHY Hollerich: Có những mưu toan của cánh tả và cánh hữu, nhưng đó là điều bình thường vì nếu Giáo hội cùng nhau tiến bước với Chúa Giêsu, thì nhất thiết có những người đi bên phải và những người đi bên trái của Chúa Giêsu, có những người đi nhanh hơn một chút, có những người tụt lại phía sau một chút. Nhưng nếu tất cả mọi người đều tập trung nhìn vào Chúa Giêsu, thì chúng ta không bao giờ thấy Chúa Giêsu một mình, chúng ta thấy Người với những người đang bước đi phía bên kia.

Và tôi nghĩ, thật rất lành mạnh khi biết rằng tất cả chúng ta đều là Giáo hội. Chúng ta phải tìm được sự đồng thuận. Về điều đó, cần phải có suy tư và cầu nguyện. Giáo hội hiệp hành chỉ có ý nghĩa nếu đó là một Giáo hội hiệp hành truyền giáo.

Olivier Bonnel: Giai đoạn suy tư để soạn thảo tài liệu làm việc này đã đặt các Giáo hội địa phương ở trung tâm trong tất cả sự đa dạng của họ. Những Giáo hội này có gì để dạy cho Giáo hội hoàn vũ?

ĐHY Hollerich: Tôi nghĩ rằng tôi đã học cách nhìn Giáo hội hoàn vũ trong các Giáo hội địa phương, nghĩa là Giáo hội hoàn vũ không tồn tại mà không có các Giáo hội địa phương. Thật đẹp khi được nghe, được nhìn những thứ giống nhau với những sắc thái, màu sắc khác nhau, với những mùi hương khác nhau.

Olivier Bonnel: Việc nhấn mạnh cũng nhắm đến việc việc đào tạo dân Thiên Chúa, đến nỗ lực đổi mới ngôn ngữ dùng trong Phụng vụ, trong việc rao giảng, trong việc dạy giáo lý. Thượng hội đồng này có phải là một cách soạn thảo một ngôn ngữ mới của Giáo hội cho thế giới ngày nay không?

ĐHY Hollerich: Vâng, Giáo hội luôn cần một ngôn ngữ thần học, nhưng ngôn ngữ thần học đang thay đổi. Tôi không nói rằng yếu tính của đức tin thay đổi, nhưng những soạn thảo thần học này đang thay đổi. Ngày nay, tôi không thể nói cách chính xác cũng một điều như thánh Tôma Aquinô, cho dù tôi có thể được truyền cảm hứng bởi thánh Tôma Aquinô. Tôi nghĩ rằng chúng tôi, các Giám mục và các thần học gia, chúng tôi hơi có khuynh hướng sử dụng ngôn ngữ đào tạo thần học của mình, và rất thường, ngôn ngữ đó không thuyết phục được các tín hữu đang sống trong một thế giới rất khác biệt, đang trải qua những thách thức để rao giảng, để làm chứng cho đức tin, và theo nghĩa này, chính từ chúng mà một ngôn ngữ đối thoại với thế giới xuất hiện.

Olivier Bonnel: Đức Hồng y đã đi đây đó rất nhiều trong hai năm qua. Đức Hồng y đã nghe được gì về sự mong đợi của các Giáo hội này đối với đại hội nghị sắp khai mạc vào tháng Mười?

ĐHY Hollerich: Có những mong đợi khác nhau, nhưng cũng có những nét chung, tôi hình dung, trong niềm hy vọng này của Giáo hội đang tiếp tục hành trình lắng nghe này. Có một niềm vui trong việc tiến bước cùng nhau. Chẳng hạn, khi chúng tôi chuẩn bị cuộc họp của Âu Châu ở Praha, chúng tôi có hai Âu Châu hoàn toàn khác nhau, Tây Âu và Trung Âu hay Đông Âu, và người ta hẳn có thể trông chờ những cuộc đối đầu khủng khiếp. Nhưng không, chúng tôi đã nói những điều từ cả hai phía, nhưng chúng tôi đã cảm thấy rằng Chúa Thánh Thần đang làm việc, rằng chúng tôi muốn cùng nhau tiến bước. Tôi đã tìm thấy cùng một ý chí trong tất cả các hội nghị lục địa.

Trong quá trình chuẩn bị, chúng tôi cũng nhận thấy rất nhiều điều. Chẳng hạn ở Frascati, khi chúng tôi thực hiện tài liệu cho giai đoạn lục địa Âu Châu, chúng tôi đã chọn hình ảnh của chiếc lều phải được mở rộng. Khi tôi ở Phi Châu, tôi thấy rằng một hình ảnh mà thôi thì không đủ, rằng một hình ảnh luôn có tính văn hóa và hình ảnh cái lều gợi lên sự tạm bợ, sự nghèo khổ, tỵ nạn. Ở Phi Châu, người ta thích nói về gia đình hơn, về “Giáo hội-gia đình”, và chắc chắn Giáo hội ở Âu Châu phải học hỏi từ hình ảnh này. Sự phong phú của Giáo hội được cảm nhận nếu chúng ta cố gắng lắng nghe nhau với sự khiêm tốn và tình huynh đệ nhiều hơn.

Tý Linh

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!